Sống là tranh đấu. Có nhiều thứ phải cố gắng tranh đấu, khó nhất là
tranh đấu với chính “cái tôi” của mình. Không hề dễ vì sự giằng co luôn xảy ra
ngay trong con người của mình.
Giống như là lẽ tất nhiên, cuộc đời cũng có nhiều cuộc đua, với mức độ
khác nhau, về tinh thần hoặc thể lý: Thi học kỳ, thi tốt nghiệp, thi đại học,
thi tuyển tay nghề, thi tuyển công chức, thi tiếng hát truyền hình, thi sáng
tác ca khúc hoặc thơ văn, thi người dẫn chương trình, thi làm người mẫu, thi
hoa hậu, thi chạy đường dài, thi chạy đường ngắn, thi chạy marathon, thi bơi
lội, thi nấu ăn, thi đô vật, thi đua xe đạp, thi hát thánh ca, thi giáo lý,…
Bất kỳ cuộc thi nào cũng có cái khó riêng, cần nỗ lực của chính bản
thân – trí tuệ hoặc thể lý, nhưng chắc chắn luôn phải có phần nào tự tin thì
mới dám ghi danh để thi, chứ không thể “liều mạng” hoặc ảo tưởng, cứ thấy người
khác thi thì mình cũng thi... cho vui!
Truyện dân gian có ngụ ngôn “Thỏ và Rùa.” Chuyện kể rằng…
Ngày xửa ngày xưa, có một con Rùa và một con Thỏ
cãi nhau xem ai nhanh hơn. Chúng quyết định giải quyết việc tranh luận bằng một
cuộc thi chạy đua. Chúng đồng ý lộ
trình và bắt đầu cuộc đua. Thỏ xuất phát nhanh như tên bắn, chạy rất nhanh,
chạy như bay. Khi thấy mình đã bỏ Rùa khá xa, Thỏ nghĩ nên nghỉ cho đỡ mệt dưới
một bóng cây xum xuê lá bên vệ đường và thư giãn trước khi tiếp tục cuộc đua.
Vì quá tự tin vào khả năng của mình,
Thỏ ngồi dưới bóng cây và nhanh chóng ngủ thiếp đi trên đường đua. Rùa từ từ
vượt qua Thỏ, và rồi kết thúc đường đua. Khi Thỏ thức dậy thì rùa đã đến đích
và trở thành người chiến thắng.
Thỏ tức giận khi
biết mình… bị thua. Nhưng muộn mất rồi! Thỏ thất bại ê chề vì quá tự tin, ỷ
lại, bất cẩn và vô kỷ luật. Tự tin là điều cần thiết, nhưng “quá tự tin” lại
hóa kiêu ngạo, ảo tưởng, thậm chí còn hóa ngu xuẩn. Nếu Thỏ không xem thường mọi
thứ, không ảo tưởng cho rằng quá dễ dàng thì Rùa sẽ không thể nào thắng được. Thỏ
đã tỏ ra kiêu ngạo khi ỷ mình nhanh mà thách thức Rùa chạy đua. Cuộc đời cũng
vậy, thà chậm mà chắc còn hơn là nhanh mà ẩu.
Đường đời có
những cuộc thi thố là chuyện tất nhiên. Đường tâm linh cũng có những cuộc đua, nhưng
cần sức khỏe tinh thần chứ không cần sức khỏe thể lý.
Thánh Phaolô so sánh và phân tích: “Trong
cuộc chạy đua trên thao trường, tất cả mọi người đều chạy, nhưng chỉ có một người đoạt giải. Anh em hãy chạy
thế nào để chiếm cho được phần thưởng. Phàm là tay đua thì phải kiêng kỵ đủ
điều, song họ làm như vậy là để đoạt phần thưởng chóng hư; trái lại chúng ta
nhằm phần thưởng không bao giờ hư nát.”
(1 Cr 9:24-25) Về tâm linh, gọi là cuộc đua nhưng không mang tính thi đua
như các cuộc thi ở đời. Trong cuộc đua trần gian, người ta có thể dùng “xảo
thuật” hoặc “mánh lới” để triệt hạ người khác, miễn sao mình thắng cuộc. Nhưng
trong cuộc đua tâm linh, người ta không thể đè bẹp người khác để giành chiến thắng,
ngược lại còn phải giúp “kéo” người khác cùng chiến thắng với mình.
Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm riêng: “Tôi đây cũng chạy như thế, chứ không chạy mà không xác tín; tôi đấm
như thế, chứ không phải đấm vào không khí. Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục
tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại.” (1 Cr 9:26-27) Nếu “chính tôi lại bị
loại” thì thật là nguy hiểm!
Ai cũng phải không ngừng nỗ lực chạy đua trên đường nhân đức để khả dĩ đạt
“đích” hoàn thiện, là nên thánh: “Anh em
hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48)
Các cuộc đua có sơ khảo và chung khảo, có chạy vòng loại và chạy nước rút. Về
tâm linh, thời chúng ta đang sống là “thời cuối cùng,” là thời gian “chạy nước
rút,” vì Đức Kitô sắp sửa tái lâm rồi! Biết “cách chạy” là tỉnh thức chờ đón
Con Thiên Chúa: “Hãy sẵn sàng, vì chính
giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” (Lc 12:40)
Chạy đua cũng có nhiều cách chạy. Có người chạy vì vui mừng, phấn khởi,
thú vị; có người chạy vì hoảng sợ, chạy trốn; có người chạy vì muốn cứu vớt
người khác, có người chạy vì nhẫn tâm hoặc vô cảm. Đủ dạng “chạy.”
Khi quân dữ vũ trang đến vây bắt Đức Giêsu, bấy giờ “các môn đệ bỏ
Người mà chạy trốn hết.” (Mc 14:50) Khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người,
mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh, thế là anh liền “trút tấm
vải lại, bỏ chạy trần truồng.” (Mc
14:52)
Thánh sử Máccô cho biết kiểu chạy của quý bà: “Vừa ra khỏi mộ, các bà liền chạy
trốn, run lẩy bẩy, hết hồn hết vía. Các bà chẳng nói gì với ai, vì sợ hãi.”
(Mc 16:8) Có những cơn sóng thần, động đất, bão tố,… xảy ra quá mạnh, hoặc
tai nạn bất ngờ, người ta không trở tay kịp, có cố gắng chạy cũng chẳng kịp.
Thực tế đã rõ ràng!
Người ta thường nói: “May hơn
khôn.” Thật vậy, thánh nhân vẫn thường hay đãi những kẻ khù khờ. Còn Thiên
Chúa xác định rạch ròi: “Ta sẽ huỷ diệt
sự khôn ngoan của kẻ khôn ngoan, và sẽ vứt bỏ sự thông thái của người thông
thái.” (1 Cr 1:19) Càng ỷ lại càng thua thiệt, càng kiêu ngạo càng chết
sớm. Quả thật, đầu óc phàm nhân chỉ là “bã đậu,” thậm chí như “sỏi đá” mà thôi,
chẳng là gì so với Thiên Chúa. Trứng mà sao dám chọi với đá?
Thời Chúa Giêsu
đã rõ, ngày nay cũng vậy. Phong trào nhân danh Chúa đang manh nha và phát triển
khắp nơi, với đủ kiểu: Người ta vẫn nhân danh Chúa mà xây dựng nhà này hoặc nhà
nọ, tổ chức ban bệ lớn và nhỏ, tiệc tùng với nhiều lý do, tranh đấu, loại trừ, lập
nhóm, đố kỵ, bè phái, chê trách, kết án, chống đối nhau,... Phải nói là thiên
hình vạn trạng rất tinh vi. Kiểu “chạy đua” theo danh vọng và thành tích như vậy
thật nguy hiểm – không chỉ nguy hiểm cho chính mình mà còn nguy hiểm cho cả
người khác!
Người ta làm theo
ý riêng mà cứ tưởng mình làm theo “ý Cha trên trời.” Chúa Giêsu đã nói rõ: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy
Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của
Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi.” (Mt 7:21) Lời Chúa nói thẳng, nói thật, nhưng
có người vẫn cho rằng Chúa không nói về mình, mà Ngài nói tới “ai đó” thôi.
Kinh khủng thật! Và hằng ngày, Ngài cũng vẫn đang hỏi mỗi chúng ta: “Tại sao anh em gọi Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy
Chúa!’ mà anh em không làm điều Thầy dạy?” (Lc 6:46) Biết trả lời Ngài sao đây?
Ngày xưa, với
cách nói nghiêm khắc, Chúa Giêsu đã từng cảnh báo về việc nhân danh Ngài: “Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy
rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng nhân danh Thầy mà nói tiên tri,
nhân danh Thầy mà trừ quỷ, nhân danh Thầy mà làm nhiều phép lạ đó sao?” Nhưng
Chúa Giêsu tuyên bố thẳng thắn và dứt khoát: “Ta không hề biết các ngươi, hãy xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác.” (Mt 7:22-23) Những lời chỉ trích rạch ròi chứ
không vị nể, thật đáng “giật mình” lắm! Chính Chúa Giêsu cũng đang cảnh
báo mỗi chúng ta hôm nay đấy thôi, không trừ ai hết, vì chúng ta cũng có những
động thái “lạm dụng danh Chúa,” chỉ “quảng cáo” Chúa để tự quảng cáo mình chứ
không thực sự loan báo Tin Mừng để danh Chúa cả sáng và để người khác nhận được
ơn cứu độ.
Không thể tự biện
hộ hoặc tự nhận mình là thế này hay thế nọ, có quyền này hay quyền kia mà đàn
áp người khác, nhất là đối với những người yếu thế hơn mình. Đó là một dạng thi
đua rất khó!
TRẦM THIÊN THU
Lễ các Thánh Tử Đạo Việt Nam – 2013
✽ Chuyện Lãng Phí
✽ Chuyện Xin Lỗi
✽ Chuyện Vu Vơ
✽ Chuyện Tha Thứ
✽ Chuyện Chết Chóc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment