Ngoéo tay cam kết làm điều tốt chứ không “móc ngoặc” trong chuyện mờ ám, và ngoéo tay còn là một dạng giải hòa, là tha thứ.
Tha thứ là ghép hai nửa trái tim, là nói lời “xin lỗi,” là tặng một đóa hồng, là bỏ qua lỗi lầm của nhau, là thề hứa theo phong cách của NS Vinh Sử: “Ngoéo tay nhau thề lòng không dối lòng, ngoéo tay nhau thề tình nghĩa mênh mông...” (Ngoéo Tay Nhau Thề) Có lẽ ngày nay không mấy ai dùng từ “ngoéo tay” nữa. Ngoéo tay là khẩu ngữ, theo cách bình dân còn được nói là “ngoặc tay,” đó là một dạng THỀ HỨA.
Con người rất yếu
đuối (cả nghĩa đen và bóng). Thật vậy, con người yếu hơn con kiến vì không vác
nổi những vật có trọng lượng bằng thể trọng của mình chứ đừng nói nặng hơn.
Tinh thần cũng vậy, có vẻ mau mắn đấy nhưng thực ra lại rất trì trệ và chây
lười. Tính xác thịt lại còn “nặng nề” hơn nhiều!
Nhận biết được
điểm yếu (nhược điểm) lại hóa thành điểm mạnh (yếu điểm) của mình. Con người là
sinh vật cao cấp, khác hẳn với các loài động vật khác. Chúng ta biết yêu biết
ghét, biết vui biết buồn, biết ngạc nhiên, biết sợ hãi, biết tức giận, biết tha
thứ,... Chúng ta còn biết thể hiện cảm xúc tích cực hoặc tiêu cực với người
khác theo cách riêng của mình. Các cảm xúc tiêu cực có thể gây tổn thương nhiều.
Điều ảnh hưởng chúng ta nhiều nhất không phải do sự xúc phạm thể lý mà là do sự
xúc phạm tinh thần, sự xúc phạm càng cao độ nếu người đó là người thân thiết. Các
dạng xúc phạm như vậy rất “mạnh,” khiến tự ái nổi lên, không dễ gì bỏ qua!
Xã hội có những
cách xử lý người gây tổn thương về thể lý. Các tòa án và các nhà tù đầy những
người phạm pháp vì làm tổn thương thể lý người khác. Điều này không giống như
tổn thương tình cảm, vì vết thương tinh thần “đau” hơn và khó chữa lành hơn. Đôi
khi chúng ta không biết rằng lời nói và hành động của chúng ta, kể cả thái độ
phản ứng của chúng ta, đã xúc phạm người khác. Ngay cả những người cẩn thận
nhất cũng có thể vẫn xúc phạm người khác ở một mức độ nào đó – có thể rất khó
nhận ra. Có những mối quan hệ bạn bè và gia đình đã rạn nứt (thậm chí là tan
vỡ) vì sự xúc phạm do cố ý hoặc vô tình. Các tình huống “tinh vi” này không dễ giải
quyết vì đôi bên đã xúc phạm nhau bằng hành động, ngôn ngữ, cử chỉ hoặc thái độ.
Trong dụ ngôn
“Người Cha Nhân Hậu,” (Lc 15:11-32) đứa con đã xúc phạm người cha bằng cách vơ
vét của hồi môn để đi xa sống hoang đàng chi địa, ăn chơi trác táng, bôi tro
trét trấu vào danh dự người cha và gia phong. Khi cùng đường, nó hối hận và trở
về, nhưng người cha vẫn tha thứ. Tuy nhiên, người anh không chịu bỏ qua cho
thằng em “trời đánh,” và người anh cảm thấy bị xúc phạm vì mình vẫn hiếu thảo
với người cha. Do tức giân mà người anh cũng phạm tội như người em. Cuộc sống
đời thường cũng vậy, không khéo thì chúng ta có thể đang đúng hóa sai. Chính
cơn nóng giận có thể làm “hư bột, hư đường” hết trơn. Tài sản gom góp cả đời,
nhưng chỉ đốt trong chốc lát. Tài sản tinh thần cũng vậy!
Chúng ta thường
nói: “Tôi vui vẻ tha thứ với điều kiện là…” hoặc “Tôi chỉ có thể tha thứ nếu…”
Những cái “nếu” như vậy rất nguy hiểm, đó không thể là tha thứ. Chỉ có thể tha
thứ thực sự khi bỏ qua lỗi lầm của người khác mà lòng mình vẫn thanh thản,
không chút ấm ức. Sự tha thứ không bao giờ có điều kiện, gọi là vô điều kiện,
đó mới là sự tha thứ đích thực và đúng nghĩa tha thứ mà Chúa dạy. Nhân vô thập
toàn, ai cũng phạm tội, ngay cả người đạo đức cũng phạm lỗi mỗi ngày bảy lần, vì
thế mà ai cũng cần được tha thứ. Muốn được tha thứ thì chính mình phải tha thứ:
“Chính lúc thứ tha là khi được tha thứ.”
(Kinh Hòa Bình của Thánh Phanxicô Assisi)
Động thái tha thứ
chứng tỏ tình yêu, sự kiên nhẫn và giàu lòng thương xót. Giả sử chúng ta thực
sự vô tội mà bị oan, sự tha thứ sẽ tô đẹp “má hồng” cho chúng ta. Những người
có niềm tin vào Đức Kitô luôn thuộc lòng Kinh Lạy Cha: “Xin Cha tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con.”
Rõ ràng là ơn tha thứ từ Thiên Chúa có đến với chúng ta hay không còn tùy chúng
ta có mau mắn và sẵn sàng tha thứ cho người khác hay không. Thiên Chúa rất công
bằng. Cũng đừng nghĩ rằng chúng ta tha thứ sẽ làm chúng ta tốt hơn người mà
chúng ta tha thứ (người được tha thứ). Nếu chúng ta là người anh “công chính”
trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu,” chúng ta không thể nói rằng chúng ta đã tha
thứ. Nếu không nhận biết động thái của mình đã xúc phạm người khác, chúng ta
cũng chưa hề tha thứ. Điều mà chúng ta luôn tìm kiếm là xét đoán, thích làm “bà
tám” rồi “bới bèo ra bọ,” thế mà vẫn vỗ ngực là mình vô tội, là sống đạo đức.
Chúa Giêsu nguyền rủa: “Loài rắn độc kia,
xấu như các người thì làm sao nói điều tốt được? Vì lòng có đầy, miệng mới nói
ra.” (Mt 12:34)
Cách sống “từ cửa
nhà thờ ra ngoài đời” mới thực sự chứng tỏ ai sống luật yêu thương mà Chúa
Giêsu truyền dạy. Ở trong nhà thờ thì
hiền như chiên, ra ngoài nhà thờ thì dữ hơn cọp! Lo đi làm từ thiện khắp
nơi trong khi không thương người ngay bên cạnh mình thì có ích lợi gì không? Ca
dao Việt Nam có câu: “Dẫu xây chín bậc
phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người.” Cũng vậy, “chuyên gia” dạy
người ta thương xót mà mình lại kỳ thị người khác thì có xứng đáng không? Như
vậy có phải là hèn nhát và kiêu ngạo hay không? Đừng dùng các hội đoàn làm “vỏ
bọc” hào nhoáng cho mình!
Thích dùng quyền
mà áp chế người khác thì làm sao có công lý? Không có công lý thì không có yêu
thương, không có yêu thương thì không thể có hòa bình. Thật vậy, Karl Marx nói:
“Ở đâu có áp bức thì ở đó có đấu tranh.”
Hệ lụy tất yếu! Giáo huấn Xã hội Công giáo cũng đề cập vấn đề công lý và hòa
bình, đặc biệt là Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự, 15-05-1891 – nói về giới
lao động) của ĐGH Leo XIII (1810-1903).
Trong bài giảng
lễ ngày 16-09-2013, tại nhà nguyện Santa Marta, ĐGH Phanxicô đã bác bỏ ý kiến
cho rằng “một người Công giáo tốt không can thiệp vào các vấn đề chính trị.”
Ngài nói: “Điều đó không đúng. Đó không
phải là con đường tốt. Một người Công giáo tốt cần tham dự vào các vấn đề
chính trị, cống hiến tất cả những gì tốt nhất có thể, nhờ đó những ai đang cai
trị biết cách cai trị. Không ai trong chúng ta có thể nói: Tôi chẳng có gì để
làm với chuyện này, để họ cai trị. Theo Học thuyết Xã hội của Giáo hội, chính trị là một trong những hình thức đức
ái cao nhất, bởi nó phục vụ lợi ích chung. Tôi không thể phủi tay. Tất cả
chúng ta cần phải cho đi một điều gì đó!” Như vậy không là tân Phúc Âm hóa,
không là loan báo Tin Mừng, không là truyền giáo sao?
Chúa Giêsu xác
định: “Cây mà tốt thì quả cũng tốt; cây
mà sâu thì quả cũng sâu, vì xem quả thì biết cây.” (Mt 12:33) Chúa Giêsu
rất gay gắt với những người có “máu” Pharisêu: “Đồ mãng xà, nòi rắn độc kia! Các người trốn đâu cho khỏi hình phạt hỏa ngục?” (Mt 23:33) Tha thứ là thể hiện công lý và kiến tạo hòa bình. Lời
thật làm mất lòng, thuận ngôn gây nghịch nhĩ. Những người thẳng thắn và tìm
kiếm công bình xã hội thì hay bị người khác ghét, bị kèn cựa đủ thứ. Nhưng hãy
vững tin vào lời động viên của Chúa: “Đừng sợ!” (Mt 10:26; Mt 10:28; Mt
10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Lc 1:13 &
30; Lc 2:0; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Kh 1:17-18;...)
Hãy tìm ai đó
đồng tâm nhất trí và can đảm “ngoéo tay” để cùng thực hiện. Dù đời “đục” nhưng
chúng ta không thể “đục” như thế gian!
Lạy Chúa, xin cho chúng con NÊN MỘT, (Ga 17:21) vì
chỉ có một Thiên Chúa, một niềm tin, một phép rửa, (Ep 4:5) và xin thêm đức tin
cho chúng con. (Lc 17:5) Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên
Chúa cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Duy Trì Trung Tín Giữa Những Vụ Bê Bối
✽ Thề Hứa – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/03/the-hua.html
✽ Đoạn Cuối – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/oan-cuoi.html
✽ Triệu Tập – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/trieu-tap.html
✽ Tượng Chúa Bị Vỡ – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/09/tuong-chua-bi-vo.html
✽ Về Bạc Liêu – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/08/ve-bac-lieu-gap-nhan-chung-uc-tin.html
✽ Viếng Mộ Cha Diệp – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/04/vieng-mo-cha-diep.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment