Thứ Ba, 15 tháng 8, 2023

VỀ BẠC LIÊU “GẶP” NHÂN CHỨNG ĐỨC TIN

Bạc Liêu, 23-10-2012 – “Cổng Đức Tin” (Porta Fidei) đã mở rộng. Năm Đức Tin đã khởi đầu. Chúng ta đang hít thở không khí của tinh thần Năm Đức Tin là Tân Phúc Âm hóa. Đức tin phải được thể hiện cả đời, nhưng đặc biệt là trong Năm Đức Tin này.

Trong tinh thần đó, ban chấp hành CĐ LCTX TGP Saigon và ban chấp hành CĐ LCTX các giáo hạt Tân Sơn Nhì, Gia Định và Gò Vấp đã có chuyến về Bạc Liêu để “gặp” một nhân chứng đức tin sống động: Lm P.X. Trương Bửu Diệp.

Đoàn chúng tôi khởi hành từ nhà thờ Tân Định lúc 21 giờ ngày 22-10-2012 và tới nhà thờ Tắc Sậy lúc 4 giờ 30 ngày 23-10-2012.

Người Việt Nam, cả lương lẫn giáo, không mấy ai lại không còn biết đến Lm P.X. Trương Bửu Diệp, người đã hết lòng vì đoàn chiên và hiến thân cứu đoàn chiên. Thậm chí có những người ngoại quốc (Pháp, Mỹ, Canada, Đài Loan,…) cũng đã đến cầu nguyện với Lm Diệp, bằng chứng là những bảng tạ ơn ghi rõ tên người tạ ơn và tên quốc gia. Quả thật, Lm Diệp đúng là vị Mục tử nhân lành mà Chúa Giêsu nói đến: “Mục tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.” (Ga 10:11) Đó là hình ảnh của Mục tử nhân lành được Chúa Giêsu “phác họa” rõ nét trong Ga 10:1-18. Thiên Chúa và Giáo hội rất cần những nhân chứng đức tin sống động như vậy.

Bé trai Trương Bửu Diệp sinh ngày 1-1-1897 tại làng Tấn Đức (nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), được rửa tội ngày 2-2-1897 tại họ đạo Cồn Phước (nay cũng thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), với tên thánh là Phanxicô Xaviê.

Năm 1924, sau thời gian tu học, thầy Diệp được thụ phong linh mục tại Nam Vang dưới thời Đức cha G.B. Chabalier người Pháp. Tháng 03-1930, Lm Diệp về quản nhiệm họ đạo Tắc Sậy (thuộc huyện Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu). Trong những năm làm cha sở, ngài quan hệ rộng, giúp đỡ và thành lập nhiều họ đạo khác tại các vùng phụ cận như Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, và Rạch Rắn.

Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương trong thời gian 1945–1946, chiến tranh loạn lạc, bà con nhân dân di tản, cha bề trên đįa phận Bạc Liêu là Phêrô Trần Minh Ký và cả các cha người Pháp cũng khuyên Lm Diệp lên Bạc Liêu lánh mặt, khi nào tình hình yên ổn thì sẽ trở lại họ đạo Tắc Sậy, nhưng ngài trả lời: “Con sống giữa đàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đàn chiên, CON KHÔNG ĐI ĐÂU CẢ.” Quả thật, câu nói này chứa đầy tâm huyết của một chủ chăn đích thực, can đảm quyết sống chết vì đoàn chiên.

Không chỉ vậy, ngày 12-03-1946, ngài bį bắt cùng với gần 100 chức sắc và giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy, bị lùa đi và nhốt tại lẫm lúa nhà ông giáo Sự ở Cây Dừa. Người ta định giết hết tất cả nhưng ngài cương quyết: “Chính tôi là chủ chăn các con chiên đó, vậy TÔI XIN CHẾT THAY cho các con chiên của tôi.” Họ chấp nhận. Mọi người được thả còn ngài bị đem đi thủ tiêu. Cái chết của ngài là cái chết lành thánh, vì Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Và rồi Lm Diệp đã chịu tử vì đạo ngày 12-3-1946, nhằm ngày 9-2 năm Bính Tuất.

Hiện nay, Tòa thánh đang mở án phong chân phước cho Lm P.X. Trương Bửu Diệp. Xin cho Thánh Ý Chúa nên trọn nơi tôi tớ trung tín Chúa, người đã xả thân vì đoàn chiên của Chúa.

Trên đường về lại Saigon, chúng tôi ghé vào xứ đạo Trà Lồng (giáo hạt Trà Lồng, GP Cần Thơ), quản xứ kiêm quản hạt là Lm Phêrô Nguyễn Thành Chất. Tại đây, ngay trước nhà thờ, Lm Chất vừa cho xây tượng đài LCTX để mọi người cùng tín thác vào Chúa Giêsu, đúng như mệnh lệnh của Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina.

Trong bữa trưa thân mật, chúng tôi cùng chia sẻ nhiều vấn đề liên quan việc phát triển LCTX và đức tin. Lm Chất có bản chất dân Nam bộ là hiếu khách, hòa đồng, cởi mở, bình dị và thẳng thắn. Lm Chất có nói: “Bổn đạo làm hư các linh mục.” Ý này rất thực tế, đáng lưu ý cho cả giáo dân và giáo sĩ để “xem lại” chính mình – đặc biệt trong Năm Đức Tin này. Một linh mục (nay đã già yếu, du học và thụ phong linh mục tại Thụy Sĩ, và từng dạy Kinh Thánh ở chủng viện) cũng đã từng tâm sự với tôi cái “ý độc đáo” này từ hơn 20 năm trước.

Sau đó, chúng tôi có đến gặp ĐGM Phaolô Bùi Văn Đọc, giám mục GP Mỹ Tho kiêm chủ tịch Ủy ban Giáo lý và Đức tin của HĐGM Việt Nam. Tại nhà thờ chính tòa GP Mỹ Tho thấy đã có linh tượng LCTX với bảng chữ: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa.” ĐGM Đọc vui vẻ trò chuyện thân mật và cởi mở, đồng thời ngài cũng quan tâm việc phát triển LCTX trong giáo phận Mỹ Tho.

Sùng kính và truyền bá LCTX cũng là một cách sống đức tin và truyền giáo. Tuy nhiên, chúng ta muốn không bằng Chúa muốn. Thánh Phaolô xác định: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên.” (1 Cr 3:6). Vấn đề không phải chúng ta làm nhiều hay ít, đạt hiệu quả hay không, mà vấn đề là thành tâm thực hiện của chúng ta, quan trọng nhất vẫn là “Thiên Chúa làm cho lớn lên,” nghĩa là công việc được tiến triển tốt đẹp theo đúng Thánh Ý Thiên Chúa. Cái gì thuận Ý Chúa thì sẽ “thuận buồm xuôi gió.”

Làm việc gì cũng phải làm bằng niềm tin tưởng, tức là tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa. Mỗi chúng ta phải noi gương người cha của đứa bé bị quỷ câm điếc mà thân thưa với Chúa: “Con tin! Nhưng xin Thầy giúp lòng tin yếu kém của con!” (Mc 9:24) Chính các tông đồ cũng đã phải cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thêm đức tin cho chúng con.” (Lc 17:5)

Sống đức tin không dễ, thậm chí còn gặp nhiều gian truân khốn khó, nhưng “đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn.” (Gc 1:3) Thánh Giacôbê rất tuyệt vời khi nói về đức tin: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết.” (Gc 2:17)

Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho Giáo hội Việt Nam một nhân chứng đức tin sống động là cha P.X. Trương Bửu Diệp, nhờ lời nguyện giúp cầu thay của ngài, xin Chúa thêm Đức Tin cho chúng con để chúng con can đảm làm nhân chứng trên cuộc lữ hành trần gian. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Viếng Mộ Cha Diệp – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/04/vieng-mo-cha-diep.html

 Di Ảnh Đẫm Máu
     https://tramthienthu.blogspot.com/2016/05/chuyen-buc-anh-am-mau-cua-cha-truong.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment