Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2024

THÁNH PIÔ NĂM DẤU TRỪ QUỶ

Cuộc gặp gỡ đáng chú ý của Thánh Piô Năm Dấu (Pio Pietrelcina) với một người phụ nữ bị quỷ ám. Khi phụ nữ này xông vào nhà thờ San Giovanni, Thánh Piô Năm Dấu đã bình tĩnh tiếp cận bà ta và đuổi được quỷ dữ.

Thánh Piô Năm Dấu có đức tin phi thường vào Chúa, giúp ngài có khả năng hành động bình tĩnh khi bị ma quỷ đe dọa. Điều này xảy ra khá thường xuyên và đôi khi những người bị quỷ ám vào nhà thờ San Giovanni Rotondo.

Tác giả C. Bernard Ruffin kể lại câu chuyện sau đây trong cuốn “Padre Pio: The True Story.” – Cha Piô: Câu Chuyện Có Thật.

Theo Ruffin, “Khi phỏng vấn các tu sĩ lớn tuổi hơn tại San Giovanni vài năm sau khi Lm Piô qua đời, cha John Schug (1928–2002), đã được kể về một người phụ nữ dường như không chỉ bị rối loạn tâm thần. Khuôn mặt bà ta méo mó một cách kinh khủng, và trong mắt bà ta có ánh sáng kỳ lạ, khiến mọi người kinh hoàng bỏ chạy. Bà ta hét lên: “Tôi là chủ nhà thờ này!”

Khi bà ta nhìn thấy bức ảnh TLTT Micae, bà ta nói: “Ông không thắng! Tôi thắng!” Bà ta gây náo loạn trong nhà thờ, thu hút sự chú ý của Lm Piô đang ngồi giải tội. Ngài bước ra, người giữ đồ thánh nói ngài không nên đi. Ngài trả lời: “Đừng sợ... Chúng ta sợ ma quỷ từ khi nào vậy?”

Lm Piô tiến đến gần bà ta và nói: “Hãy tránh xa nơi đó!” Bà ta cầu xin Lm Piô: “Làm ơn đừng đuổi tôi đi! Làm ơn đừng đuổi tôi đi!” Ngài bảo bà ta ngồi đó đợi ngài giải tội xong.

Sau đó, ngài thấy người phụ nữ ngồi im lặng. Ngài dẫn bà ta đến tòa giải tội. Khi bà ra khỏi tòa giải tội và bước đi, “khuôn mặt bà giống như thiên thần.”

Thánh Piô Năm Dấu hoàn toàn tin tưởng vào sức mạnh của việc xưng tội, và ngay cả ngày nay, các nhà trừ tà vẫn khuyên nên xưng tội thường xuyên để ngăn chặn các thế lực Satan ảnh hưởng đến mình.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

DẤU ĐỜI PIÔ
[Thánh Piô Năm Dấu, 1887–1968]

Thánh Pi-ô Năm Dấu
Một con người lạ lùng
Đau khổ không sầu não
Vẫn son sắt tín trung

Năm mươi năm chịu đựng
Năm vết thương trên mình
Ngày đêm kiên cường sống
Cha lặng lẽ hy sinh

Bị nghi ngờ, bị cấm
Cha vui vẻ vâng lời
Không một lời than oán
Vì yêu Chúa mà thôi

Cha nêu gương khiêm tốn
Chịu đau khổ âm thầm
Luôn chuyên cần cầu nguyện
Xin Chúa ban bình an

Xin cầu thay nguyện giúp
Lạy Cha Thánh Pi-ô
Xin giúp con vững bước
Tìm gặp Chúa Giê-su

TRẦM THIÊN THU

TIỂU SỬ THÁNH PIÔ NĂM DẤU (1887-1968)

Ngày 16-6-2001, ĐGH Gioan Phaolô II đã phong thánh cho LM Piô Năm Dấu, Dòng Phanxicô, người xứ Pietrelcina. Đây là lễ phong thánh thứ 45 trong triều đại giáo hoàng của ĐGH Gioan Phaolô II. Hơn 300.000 người quy tụ đầy Quảng trường Thánh Phêrô và những con đường gần đó. Ngài nói: “Đây là sự tổng hợp cụ thể nhất về giáo huấn của linh mục Piô.” Ngài nhấn mạnh việc làm chứng của linh mục Piô là chịu đau khổ.

Năm 1962, khi còn là tổng giám mục ở Ba Lan, ĐGH Gioan Phaolô II đã viết thư cho linh mục Piô để xin cầu nguyện cho một phụ nữ Ba Lan bị ung thư họng. Trong vòng 2 tuần, phụ nữ này đã hết bệnh.

Ngài sinh ngày 25-5-1887, tên “cúng cơm” của ngài là Francesco Forgione, sống trong một gia đình nông dân ở Nam Ý. Cha ngài Grazio làm việc ở Jamaica, New York 2 lần (1898-1903 và 1910-1917) để kiếm tiền nuôi gia đình.

Lúc 15 tuổi, ngài vào Dòng Phanxicô và lấy tên dòng là Piô. Ngài thụ phong linh mục ngày 10-8-1910, lúc 22 tuổi. Sau khi được phát hiện bị bệnh lao phổi, ngài đã thổ huyết. Năm 1917, ngài chuyển tới nhà dòng ở San Giovanni Rotondo, cách Bari 75 dặm.

Ngày 20-9-1918, sau khi rước lễ và cầu nguyện trước Thánh Giá, ngài được thị kiến Chúa Giêsu. Sau khi hết thị kiến, ngài được ghi 5 dấu trên 2 tay, 2 chân và cạnh sườn (thường gọi là Cha Piô 5 dấu). Năm 1956, ngài thành lập Nhà Khuây Khỏa Đau Khổ (House for the Relief of Suffering), bệnh viện này phục vụ 60.000 bệnh nhân mỗi năm.

Từ đó, cuộc sống ngài trở nên phức tạp hơn. Các bác sĩ, giáo quyền và những người tò mò đến để chứng kiến “hai năm rõ mười” về Cha Piô. Năm 1924 và năm 1931, chuyện 5 dấu của ngài được chất vấn. Ngài không được phép làm lễ công khai hoặc giải tội. Ngài không than viền gì về chuyện này, nhưng không lâu sau ngài hết bị cấm. Tuy nhiên, ngài không viết lá thư nào từ sau năm 1924. Tài liệu viết khác duy nhất của ngài là một cuốn sách mỏng viết về cơn hấp hối của Chúa Giêsu, nhưng được viết trước năm 1924.

Ngài hiếm khi ra khỏi nhà dòng từ khi ngài được in 5 dấu, Nhưng nhiều người vẫn tìm đến. Mỗi buổi sáng từ 5 giờ, nhà thờ chật người dự lễ, rồi ngài giải tội cho tới trưa. Ngài nghỉ lúc nửa buổi sáng để chúc lành cho các bệnh nhân và những người đến gặp ngài. Trưa nào ngài cũng vẫn giải tội. Trung bình mỗi ngày ngài giải tội 10 giờ, người đến xưng tội phải lấy số trước.

Ngài thấy Chúa Giêsu trong các bệnh nhân và người đau khổ. Theo ngài thúc giục, một bệnh viện được xây ở gần Mount Gargano. Năm 1940 một ủy ban được thành lập để thu tiền. Năm 1946 bệnh viện hư hỏng, rồi được xây lại với tên “Nhà Xoa Dịu Đau Khổ” (House for the Alleviation of Suffering) với 350 giường.

Cũng như tổ phụ dòng là Thánh Phanxicô, LM Piô đôi khi cũng bị người ta xé áo làm kỷ niệm. Một trong những đau khổ của ngài là những người vô ý tứ đã truyền miệng những lời tiên tri cho là của ngài. Thật ra ngài không bao giờ nói tiên tri về các sự kiện thế giới và không hề có ý kiến về các vấn đề mà ngài cảm thấy thuộc giáo quyền. Ngài qua đời ngày 23-9-1968, lúc 81 tuổi, và được phong chân phước năm 1999.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment