Thứ Ba, 23 tháng 7, 2024

HIỆP NHẤT – VẤN ĐỀ CHÚA QUAN TÂM

Sự hiệp nhất Kitô giáo xảy ra khi chúng ta tham gia như một Thân Thể duy nhất vào Sự Sống của Chúa Ba Ngôi. Sự sống Chúa Ba Ngôi ngự trong chúng ta khi chúng ta tham gia vào đời sống ân sủng do các bí tích ban tặng. Đời sống ân sủng được ban cho chúng ta qua Bí tích Thánh Tẩy, được củng cố qua Bí tích Thêm Sức, và có thể được đổi mới, thậm chí hằng ngày, nếu chúng ta đón nhận Chúa Kitô qua Bí tích Thánh Thể và được tẩy sạch tội lỗi qua Bí tích Hòa Giải.

Chúa Giêsu đã cầu nguyện: “Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.” (Ga 17:20-21) Sự hiệp nhất thực sự là hữu hình, giáo lý và tâm linh.

Khi nào người Hồi giáo, người ngoại giáo, người Do Thái và người vô thần sẽ tin vào Chúa Giêsu Kitô? Điều này dường như khó xảy ra cho đến khi ít nhất tất cả các Kitô hữu hiệp nhất dưới quyền mục tử hoàn vũ của Ngài là giáo hoàng và các giám mục.

Giáo Hội Công Giáo không được thành lập bởi một Con Người – Thiên Chúa nhập thể. Đó là Giáo Hội đích thực duy nhất của Chúa Giêsu Kitô bởi vì: 1) Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội Kitô giáo duy nhất quay ngược lịch sử nhân loại về chính Chúa Kitô; 2) Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội Kitô giáo duy nhất sở hữu sự hiệp nhất bất khả chiến bại, sự thánh thiện nội tại, tính phổ biến liên tục và nền tảng tông đồ không thể chối cãi mà Chúa Kitô đã nói sẽ phân biệt Giáo Hội chân chính của Ngài; 3) các tông đồ và các giáo phụ, chắc chắn là thành viên của Giáo Hội đích thực của Chúa Kitô, tất cả đều tuyên xưng là thành viên của cùng một Giáo Hội Công Giáo này; 4) Chỉ có Giáo Hội Công Giáo sở hữu bốn đặc điểm của một Giáo Hội: Duy Nhất vì Giáo Hội không phải là một tập hợp các Giáo Hội cạnh tranh, Thánh Thiện vì Giáo Hội là Hiền thê của Chúa Kitô, Công Giáo vì Giáo Hội là toàn thể Giáo Hội hoàn vũ được thành lập trên mọi châu lục để rao giảng cùng một sứ điệp Tin Mừng, và Tông Truyền vì Giáo Hội đến từ Chúa Kitô qua các tông đồ. Thánh Lễ diễn ra hằng ngày trên khắp thế giới đều như nhau.

Chỉ có hai tôn giáo trong lịch sử thế giới được Thiên Chúa khởi xướng: Do Thái Giáo của thời Cựu Ước và Công Giáo của thời Tân Ước. Do Thái Giáo là đạo Công Giáo tiền thiên sai và Công Giáo là đạo Do Thái hậu thiên sai. Giáo Hội là sự mở rộng của Vương Quốc Đavít của Chúa Kitô qua Thánh Phêrô. Tất cả bảy bí tích của Đức Tin Công Giáo đều dựa trên nguồn gốc Do Thái.

Giáo Hội Công Giáo là Giáo Hội duy nhất được chính Thiên Chúa trao quyền. Không một Giáo Hội nào do một người bình thường thành lập có thể cho thấy một câu Kinh Thánh nào có thẩm quyền thành lập một Giáo Hội khác ngoài Giáo Hội do Chúa Giêsu Kitô thiết lập. Chúa Ba Ngôi Chí Thánh không cho phép bất kỳ người nào thành lập một Giáo Hội khác. Nếu bất kỳ người nào được cấp những giấy chứng nhận này để khởi đầu một Giáo Hội khác thì đó sẽ là Thánh Phaolô: “Thưa anh em, tôi xin nói cho anh em biết: Tin Mừng tôi loan báo không phải là do loài người. Vì không có ai trong loài người đã truyền lại hay dạy cho tôi Tin Mừng ấy, nhưng là chính Đức Giêsu Kitô đã mặc khải.” (Gl 1:11-12) Tuy nhiên, ngay cả Phaolô cũng tuân theo thẩm quyền được trao cho Phêrô và những người có danh tiếng. (x. Cv 15 và Gl 1:18)

Huấn quyền của Giáo Hội Công Giáo là chính phủ tinh thần do Thiên Chúa thiết lập để giảng dạy, cai trị và thánh hóa mọi người và trẻ em. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt.” (Rm 13:1-2) Từ chối Giáo Hội của Chúa Kitô là từ chối thẩm quyền của Thiên Chúa trên nhân loại.

Có trung thực về trí tuệ khi nghĩ rằng Chúa Thánh Thần đang dạy điều gì đó khác với hàng ngàn giáo phái Kitô giáo khác được thành lập bởi những người phàm chứ không phải bởi Chúa Giêsu? KHÔNG. Chúa Giêsu Kitô chỉ thiết lập một Giáo Hội duy nhất và giao phó cho Giáo Hội trọn vẹn Ân Sủng và Chân Lý.

Chúa có sai lầm không? Dĩ nhiên là không. Vậy tại sao lại có sự mất đoàn kết? Tại sao có hàng chục ngàn “nhà thờ” không được xác định mã số thuế ở Hoa Kỳ? Câu trả lời rất cơ bản và đơn giản. Hầu như mỗi “nhà thờ” này đều dạy những điều khác nhau dựa trên cách giải thích riêng của người sáng lập hoặc mục sư. Hầu hết sẽ sẵn sàng thừa nhận rằng họ làm điều này.

Vấn đề với sự đa dạng của các giáo phái Kitô giáo là gì? Chúa Giêsu nói rất rõ ràng: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử.” (Ga 10:16) Sự hiệp nhất là điều cần thiết và là điều kiện tiên quyết từ Chúa Kitô. Sắc lệnh về Đại Kết của CĐ Vatican II khẳng định rằng “sự chia rẽ công khai đi ngược lại ý muốn của Chúa Kitô, gây gương xấu cho thế giới và làm tổn hại đến chính nghĩa thánh thiện của việc rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo.” Ly giáo là gây vết thương cho Thân Thể Chúa Kitô.

Ngày nay chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy chúng ta đã xa rời sự hiệp nhất đến mức nào. Tuy nhiên, chúng ta tin rằng Thiên Chúa Ba Ngôi KHÔNG CHẤP NHẬN sự chia rẽ trong Giáo Hội của Ngài.

Từ ngữ “Giáo Hội Công Giáo” được Thánh Ignatius Antioch sử dụng trước tiên, trong tiếng Hy Lạp là Ekklesia Katholikos. Katholikos có nguồn gốc từ việc kết hợp hai từ, Kata nghĩa là “quan tâm” và Holos nghĩa là “toàn bộ.” Vì vậy, nó có nghĩa đen là “liên quan tổng thể” hoặc đơn giản hóa là “phổ biến.” Ekklesia nghĩa là “những người được gọi ra,” do đó, Giáo Hội Công Giáo ngày nay bao gồm các giáo sĩ và giáo dân được Chúa Kitô kêu gọi quy tụ về Thân Thể hoàn vũ của Ngài.

Thực sự tin vào Chúa Kitô nghĩa là mong muốn sự hiệp nhất, và mong muốn sự hiệp nhất nghĩa là mong muốn Giáo Hội đích thực. Chúng ta hãy cầu nguyện và làm việc để đem lại sự hiệp nhất đó – sự chữa lành và sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô trên trái đất này.

JESSE ROMERO & PAUL ZUCARELLI

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Tình Hiệp Nhất – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/01/tinh-hiep-nhat.html
Hiệp Nhất Giáo Hội – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/03/hiep-nhat-trong-giao-hoi.html
Hạt Giống Hiệp Nhất – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/07/hat-giong-hiep-nhat.html

Chìa Khóa Lịch Sử – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/01/chia-khoa-lich-su.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment