Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2024

ĐỜI THƯỜNG BẤT THƯỜNG

[Niệm ý Mc 12:38-44 ≈ Mt 23:1-36; Lc 20:45-47; 21:1-4]

Cuộc sống này đa dạng và phức tạp
Dù người ta gọi đó là đời thường
Xưa kinh sư ưa dạo quanh khắp chốn
Xúng xính bộ áo thụng để phô trương

Họ thích được chào hỏi nơi công cộng
Họ hãnh diện được “bẩm ông, thưa ngài”
Trong hội đường, họ chiếm ghế danh dự
Cỗ nào nhất đám tiệc thì họ ngồi

Họ nuốt hết tài sản của bà góa
Mà làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu
Chúa bảo phải coi chừng loại người ấy
Giảng giải hay mà lòng chẳng thương yêu

Có những người lại ưa thích nịnh hót
Cứ thưa bẩm, vâng dạ rất ngoan hiền
Loại người này miệng trơn lời tâng bốc
Chẳng kém gì loại thầy dạy bất nhân

Ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng
Chúa quan sát đám đông bỏ tiền vào
Những người giàu bỏ tiền vào nhiều lắm
Tiền dư thừa, chẳng bởi mồ hôi đâu

Một bà góa chỉ có hai đồng kẽm
Trị giá một phần tư xu Rô-ma
Chúa bảo rằng bà dâng cúng nhiều nhất
Vì bà dâng chính sự sống của bà

TRẦM THIÊN THU
ĐỜI HÈN ĐỜI SANG
[Niệm ý Mc 12:38-44 ≈ Mt 23:1-36; Lc 20:45-47; Lc 21:1-4]

Chúa dặn phải coi chừng kẻ đạo mạo
Thích nổi trội như Biệt Phái, kinh sư
Ưa dạo quanh với trang phục màu mè
Thích được người chào hỏi nơi công cộng

Trong đám tiệc họ chiếm ghế sang trọng
Chỗ danh dự trong hội đường, nhà thờ
Nhưng coi thường công lý chẳng là chi
Kinh nguyện nhiều rồi tham lam hối lộ

Họ nuốt hết tài sản của bà góa
Đồ từ thiện cũng lóm lém ăn chia
Trong nhà thờ thì cầu nguyện lâu giờ
Ra ngoài thì đầy mưu mô lừa lọc

Họ ung dung giàu có mà ác độc
Nhìn thấy sang mà cách sống đốn hèn
Còn những kẻ bị khinh miệt nghèo nàn
Họ không hèn mà lại rất sang trọng

Bà góa kia có hai đồng dâng cúng
Chẳng đáng gì so với những nhà giàu
Hai đồng kia to hơn số tiền nhiều
Bởi vì đó là hai đồng sự sống

Số tiền triệu mà nhà giàu dâng cúng
Chỉ là phần dư thừa của họ thôi
Có thể là tiền gian lận ở đời
Chứ chẳng là tiền mồ hôi, nước mắt

Có những người sống nghèo nhưng sống sạch
Có những kẻ giàu có mà chẳng sang
Đời bẩn thỉu mà vẫn cứ nghênh ngang
Chúa im lặng nhưng mai Ngài xét xử

TRẦM THIÊN THU

 Phục Vụ Đức Kitô Nơi Người Nghèo
     https://tramthienthu.blogspot.com/2023/07/phuc-vu-uc-kito-noi-nguoi-ngheo.html

MỨC ĐỘ
[Niệm ý Mc 12:38-44 ≈ Mt 23:1-36; Lc 20:45-47; 21:1-4]

Đức Giê-su căn dặn
Rằng luôn phải coi chừng
Những kinh sư xúng xính
Mặc áo thụng đàng hoàng

Họ loanh quanh dạo bước
Thích được người ta chào
Mắt nhìn sau, ngó trước
Rình người xem thế nào

Họ tham lam vô độ
Nhưng ra vẻ nhân từ
Luôn áp bức người khác
Vẫn nguyện kinh lâu giờ

Một bà góa lặng lẽ
Biết phận nghèo nhỏ nhoi
Tiền cũng chẳng dư dả
Chỉ có hai đồng thôi

Cái nhiều mà lại ít
Cái ít mà lại nhiều
Không quan trọng vật chất
Mà là lòng mến yêu

TRẦM THIÊN THU

LƯU Ý NGỮ NGHĨA

Người ta đã và đang dùng sai mà cứ tưởng là đúng. Thật tồi tệ!

1. NGHĨA SĨ – Là những người dân bình thường, chiến đấu vì Tổ Quốc mà hy sinh thì gọi là Nghĩa Sĩ. Họ không là quân lính chính quy, không thuộc một quân đội nào. Lúc còn sống họ được gọi là nghĩa quân, hy sinh rồi thì gọi là nghĩa sĩ.

Ví dụ: Nghĩa Sĩ Cần Giuộc là những nông dân đứng lên chống Pháp bị xử tử hình.

2. LIỆT SĨ – Là những anh hùng trung trinh tiết liệt, là những tấm gương sáng anh dũng tuyệt vời. Họ không phải là người lính, cũng không nằm trong quân đội chính quy, nhưng thường là những Chí Sĩ, Nhân Sĩ có học thức cao, có nhân cách lớn, vì nước hy sinh thì được gọi là Liệt Sĩ.

Ví dụ: Liệt Sĩ Nguyễn Thái Học. Cô Giang, Cô Bắc được gọi là Liệt Nữ.

3. TỬ SĨ – Là những người lính vì nước hy sinh. Tại sao không gọi người lính hy sinh vì Tổ Quốc là Liệt Sĩ hay Nghĩa Sĩ? Vì người lính trong quân đội là người chiến đấu chuyên nghiệp. Họ được mướn (trả lương) và được huấn luyện chính quy để chiến đấu. Vì họ được trả lương nên việc họ chiến đấu và hy sinh là Trách Nhiệm, chứ không còn là vì Nghĩa nên không gọi là Nghĩa Sĩ.

Người lính có thể rất anh hùng, hy sinh rất anh dũng, nhưng đã là lính chuyên nghiệp thì trước khi bước chân ra trận đã biết mình có thể mất mạng, và đó cũng là Trách Nhiệm của người lính.

Hiểu rõ ý nghĩa chữ Việt thì không nên dùng chữ Liệt Sĩ cho người lính chết trận. Nếu họ hy sinh anh dũng thì gọi là Anh Hùng Tử Sĩ chứ vẫn không thể dùng chữ Liệt Sĩ.

CẨN TẮC VÔ ƯU. Đừng “đùa” với chữ nghĩa, và chớ khinh suất!

(sưu tầm và chỉnh sửa đôi chút)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment