Tuesday, June 4, 2024

NGƯỜI MẤT TRÍ

Người ta gọi cuộc đời này là đời thường, ý nói bình thường, nhưng thực sự lại có những điều bất thường. Quả thật, cuộc sống luôn nhiêu khê và đáng quan ngại, sợ nhất là chính mình – nội gián đáng gờm, rồi đến người thân, sau đó là tha nhân và kẻ thù. Kẻ thù đáng sợ nhưng không sợ bằng bạn bè hoặc người thân quen, vì dễ tránh kẻ thù nhưng khó tránh người thân quen.

Trình thuật Mc 3:20-35 cho biết rằng các thân nhân và các kinh sư đều coi Đức Giêsu là NGƯỜI MẤT TRÍ, thậm chí còn nói Ngài “bị thần ô uế ám.” Thật chí lý với ý tưởng của người Việt: “Giòi trong xương giòi ra.” Có một lần Chúa Giêsu trở về nhà và đám đông lại kéo đến, thành thử Ngài và các môn đệ không sao ăn uống được. THÂN NHÂN của Ngài hay tin ấy, liền đi BẮT Ngài, vì họ nói rằng Ngài đã MẤT TRÍ. Hết nước nói!

Không chỉ vậy mà còn tệ hơn nữa, các kinh sư nói Ngài BỊ QUỶ VƯƠNG BÊENDÊBUN ÁM và DỰA THẾ QUỶ VƯƠNG mà trừ quỷ. Những cái “đầu tôm” ở tột cùng của sự ngu dốt. Xưa sao, nay vậy. Việt Nam không loại trừ, thậm chí còn tệ hại hơn. Người khôn bị coi là kẻ dại, kẻ dốt lại nắm quyền hành, người tinh thông bị chê là mất trí, kẻ mất trí được tôn vinh. Mọi thứ đảo lộn nên xã hội bất an. Không gì lạ!

Biết tà ý của những kẻ hợm mình, Ngài dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Satan làm sao trừ Satan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững.” Lý luận chặt chẽ, phân tích rạch ròi. Và Ngài minh định: “Vậy Satan mà chống Satan, Satan mà tự chia rẽ thì KHÔNG THỂ TỒN TẠI, nhưng đã TẬN SỐ. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.” Dốt mà chảnh, ngu mà vênh váo, “đầu đất” mà dạy khôn.

Chính cái xấu cũng vẫn là “bài học tốt” cho những ai thực sự muốn sống nghiêm túc, muốn nên người và nên thánh. Thật thế, tự triệt tiêu tôi thì thành thánh. Thế thôi! Tội lỗi không chỉ có tính liên đới mà còn có mức độ, Giáo Hội gọi là Trọng Tội và Khinh Tội (tội nhẹ). Tội nào cũng được tha nếu thật lòng ăn năn sám hối, quyết tâm chấn chỉnh và hoán cải, nhưng có một loại tội lớn hơn các loại tội to, nặng hơn các loại tội trọng mà Chúa Giêsu đề cập: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói PHẠM ĐẾN THÁNH THẦN thì chẳng đời nào được tha, mà còn MẮC TỘI MUÔN ĐỜI.” Đó là tội mà họ đã dám nói Chúa Giêsu “bị thần ô uế ám.” Xúc phạm Thiên Chúa thì hết cách cứu!

Chúa Giêsu xác định ai là thân nhân của Ngài. (Mc 3:31-35; ≈ Mt 12:46-50; Lc 8:19-21) Lúc đó, Mẹ và anh em của Chúa Giêsu đến, đứng đợi ở ngoài và cho gọi Ngài ra. Lúc ấy, đám đông đang ngồi chung quanh Ngài. Có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy!” Nhưng Ngài đáp lại bằng một câu hỏi: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Ngài rảo mắt nhìn mọi người và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”

Chúa Giêsu nói vậy không có nghĩa là Ngài coi thường gia đình hoặc thân nhân, nhưng Ngài muốn nói đến tầm quan trọng của việc lắng nghe và sống đúng Lời Chúa, tất nhiên cũng không loại trừ việc học hỏi Lời Chúa. Vô tri bất mộ, không hiểu đúng Lời Chúa thì khó có thể yêu mến, không yêu mến Lời Chúa thì không sống Lời Chúa.

Dịp về quê Nadarét, Chúa Giêsu đến hội đường theo luật giữ ngày sabát, và Ngài giảng thuyết. Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Ngài, nhưng cũng có những người đặt vấn đề rằng Ngài chỉ là con bác thợ mộc và bà Maria, chẳng xa lạ gì, vậy mà không hiểu tại sao Ngài lại khôn ngoan và làm được những phép lạ như thế. (x. Mt 13:54-56) Vì thế, Chúa Giêsu kết luận: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình và trong gia đình mình mà thôi.” (Mt 13:57; Mc 6:4; Lc 4:24) Sự thật phũ phàng đó vẫn đúng trong xã hội ngày nay.

Con người bình thường mà ma mãnh lắm. Trình thuật St 3:9-15 cho biết về chuyện con người bất tuân lệnh Chúa vì nghe lời đường mật của loài quỷ quyệt. Một hôm, Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?” Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con SỢ HÃI vì con trần truồng, nên con lẩn trốn.” Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?” Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn.” Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?” Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn.”

Tà tâm ưa bóng tối, bóng tối sợ ánh sáng. Người ta sợ sự thật nên cứ lẩn quẩn vòng sự ác, cứ đổ lỗi vòng quanh cho nhau chứ không phục thiện, không thú tội. Con người đang thân thiện với Thiên Chúa, nay hóa thành thù địch với Ngài, chỉ vì con người đã kiêu ngạo mà hóa thành tội nhân. Tội và phúc cũng có tính liên đới, chứ không phải tội ai nấy chịu, phúc ai nấy hưởng.

Thiên Chúa nói với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” Người Việt có câu: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ.” Thế đấy, hùng hổ lắm thì co rúm nhiều. Đang yên đang lành thì cảm thấy nhàm chán, con người rửng mỡ nên muốn vùng lên, vùng lên rồi sợ hãi, mặt mũi xanh lè. Đó là “nợ truyền kiếp” khiến chúng ta cũng liên lụy – một dạng liên đới tội lỗi. Nếu nhận biết mình là tội nhân khốn nạn thì thật có phúc.

Thật phúc cho người nhận biết mình tội lỗi và khiêm nhường cầu xin: “Lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu.” (Tv 130:1-2) Chắc chắn Thiên Chúa xót thương ngay, vì Ngài luôn đại lượng, chỉ mong tha thứ, đúng như Thánh Vịnh gia cảm nhận: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài. Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người.” (Tv 130:3-5)

Người ta vô phúc vì là tội nhân, nhưng lại diễm phúc vì được tận hưởng Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa. Thật là ngoài sự mong ước của chúng ta, bởi vì chúng ta là những đứa con hoang đàng, khi trở về chỉ mong cha coi như người làm công là tốt lắm rồi, nào ngờ cha lại yêu thương hơn xưa, cho hưởng mọi thứ và còn đãi tiệc ăn mừng một kẻ-chết-sống-lại. (x. Lc 15:11-32) Thiên Chúa là thế, chúng ta không thể nào hiểu nổi. Mặc dù chúng ta tội lỗi tày trời, khốn nạn vô cùng, nhưng Ngài vẫn “luôn từ ái một niềm” bởi vì “ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa” (Tv 130:7) và “chính Ngài sẽ cứu thoát khỏi tội khiên muôn vàn.” (Tv 130:8)

Không thể diễn tả đúng mức về niềm hạnh phúc quá lớn lao như vậy. Chỉ có thể tin mà thôi, vì tin là một trong ba nhân đức đối thần kỳ diệu, và cũng có tính liên đới: “Dùng tất cả NHIỆT TÌNH để có LÒNG TIN thì có thêm ĐỨC ĐỘ, có đức độ lại thêm HIỂU BIẾT, có hiểu biết lại thêm TIẾT ĐỘ, có tiết độ lại thêm KIÊN NHẪN, có kiên nhẫn lại thêm ĐẠO ĐỨC, có đạo đức lại thêm TÌNH HUYNH ĐỆ, có tình huynh đệ lại thêm BÁC ÁI.” (2 Pr 1:5-7) Đức ái là đỉnh cao nhân đức, đặc biệt là tồn tại cả đời này và đời sau. (1 Cr 13:13)

Thánh Phaolô lý giải: “Vì có được cùng một lòng tin, như đã chép: Tôi đã tin, nên tôi mới nói, thì chúng tôi cũng tin, nên chúng tôi mới nói. Quả thật, chúng tôi biết rằng Đấng đã làm cho Chúa Giêsu trỗi dậy cũng sẽ làm cho chúng tôi được trỗi dậy với Chúa Giêsu, và đặt chúng tôi bên hữu Người cùng với anh em. Thật vậy, tất cả những điều ấy xảy ra là vì anh em. Như thế, ân sủng càng dồi dào thì càng có đông người dâng lên Thiên Chúa muôn ngàn lời cảm tạ, để tôn vinh Người.” (2 Cr 4:13-15) Thánh Bernadette phân tích rất hay: “Người tin thì không cần giải thích, người không tin thì giải thích cũng vô ích.” Cụ thể nhất là đối với người vô thần, nói về đức tin với họ không bằng nói với đầu gối – về nhiều vấn đề khác cũng tương tự.

Và rồi Thánh Phaolô mạnh mẽ xác tín: “Cho nên chúng tôi KHÔNG CHÁN NẢN. Trái lại, dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới. Thật vậy, một chút gian truân tạm thời trong hiện tại sẽ mang lại cho chúng ta cả một khối vinh quang vô tận, tuyệt vời. Vì thế, chúng ta mới không chú tâm đến những sự vật hữu hình, nhưng đến những thực tại vô hình. Quả vậy, những sự vật HỮU HÌNH chỉ TẠM THỜI, còn những THỰC TẠI VÔ HÌNH mới TỒN TẠI VĨNH VIỄN.” (2 Cr 4:16-18)

Chúa Giêsu đã nói rằng thân xác sống nhờ thần khí chứ chính nó chẳng có giá trị gì, (x. Ga 6:63) nó “thân” lắm đấy nhưng nó cũng dễ biến thành “thù” ngay, và rồi nó sẽ phải tan biến thành cát bụi, còn linh hồn mới thực sự bất tử. Đừng nuông chiều hoặc quá chăm chút thân xác mà làm hại linh hồn, như Thánh Nicholas de Flüe nhắn nhủ: “Hãy tỉnh táo và chăm chỉ, hãy tránh mọi thứ hào nhoáng trong cách ăn mặc, vì đó là cái sẽ loại trừ anh em ra khỏi Thiên Đàng.” Ôi, không đơn giản như người ta tưởng! Thánh Phaolô kết luận: “Nếu ngôi nhà của chúng ta ở dưới đất bị phá huỷ đi thì chúng ta có một nơi ở do Thiên Chúa dựng lên, một ngôi nhà vĩnh cửu ở trên trời, không do tay người thế làm ra.” (2 Cr 5:1) Chết là biến đổi, không là “chấm hết.”

Những ai sống theo phong cách Giêsu đều bị coi là dại dột, ngu xuẩn, điên rồ,... nói chung là “mất trí.” Nhiều người “mất trí” mà lại tỉnh táo hơn những người khác: Phanxicô Assisi, Clara Assisi, Benedict Joseph Labré, Têrêsa Calcutta,... Chỉ những ai “mất trí” mới nghe theo Chúa Giêsu: Vác thập giá. Nhưng đó là cách duy nhất để theo Ngài và là độc đạo dẫn tới Thiên Quốc.

Lạy Thiên Chúa, Đấng khôn ngoan tuyệt đối, xin giúp con biết Ngài và biết con để con có thể nhỏ lại và Ngài lớn lên. Nếu không có Ngài thì con chẳng làm được gì, (x. Ga 15:5) vì con kém cỏi hơn mọi người, không thông minh bằng người khác, (Cn 30:1) xin cho con đủ thông minh để am tường thánh ý (Tv 119:125) và hết lòng tuân giữ luật Ngài. (Tv 119:34) Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

No comments:

Post a Comment

Comment