Tội nghiệp Thánh Phêrô! Bài diễn văn Urbi et Orbi (có thể nói như vậy) đầu tiên của vị giáo hoàng tiên khởi bắt đầu một cách không thuận lợi. Ngài phải bắt đầu, không phải bằng một lời công bố mạnh bạo về Đức Kitô, mà bằng sự đảm bảo rằng các môn đệ không hề say rượu: “Thưa anh em miền Giuđê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giêrusalem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây. Không, những người này không say rượu như anh em nghĩ, vì bây giờ mới là giờ thứ ba.” (Cv 2:14-15)
Khung cảnh này không chỉ gây cười một chút và
xứng đáng được đưa vào Bài Đọc Thứ Nhất – nhưng không chỉ vì sự hài hước của
nó. Thánh Phêrô đề cập một khía cạnh cổ xưa và thiết yếu của việc tôn sùng Chúa
Thánh Thần: sự say sưa tỉnh táo. Có lẽ anh ta nên làm rõ rằng họ thực sự say
rượu, nhưng không phải theo cách mà đám đông giả định. Họ say với Chúa Thánh
Thần, sau này Thánh Phaolô động viên: “Chớ
say sưa rượu chè, vì rượu chè đưa tới trụy lạc, nhưng hãy thấm nhuần Thần Khí.”
(Ep 5:18)
Thánh Ambrôsiô chọn chủ đề này và viết câu này:
“Laeti bibamus sobriam ebrietatem
Spiritus” – Chúng ta hãy hân hoan uống say Thần Khí. Ngài nói với giáo dân:
“Ai say rượu thì lảo đảo, nhưng ai say Chúa
Thánh Thần thì đâm rễ trong Đức Kitô. Sự say sưa tạo ra sự tỉnh táo của tâm hồn
mới thực sự xuất sắc biết bao!” Đây là cơn say không dẫn đến vấp váp và lảm
nhảm, mà dẫn đến sự ổn định và rõ ràng. Chúng ta cần để cho Chúa Thánh Thần sản
sinh điều đó trong chúng ta.
Như với bất kỳ nghịch lý nào, cả hai phần của
điều này phải được giữ vững như nhau. Sự say sưa không thuộc về Chúa Thánh Thần
là sự trụy lạc hoặc ít nhất là sự điên rồ. Sự tỉnh táo mà không say sưa như vậy
là cứng nhắc và thiếu sức sống, thiếu tự do mà Chúa Thánh Thần ban cho.
Có lẽ đặc điểm dễ thấy nhất ở người say là
niềm vui. Điều đó rất phù hợp với hoa trái mà Chúa Thánh Thần mong muốn tạo ra
nơi chúng ta, niềm vui đặc biệt của những người theo Chúa Kitô. Đó là niềm vui
của chính Thiên Chúa mà linh hồn sở hữu không phụ thuộc vào hoàn cảnh và ngay
cả giữa những đau khổ lớn lao.
Đây là điều chúng ta bắt gặp xuyên suốt sách
Công Vụ, mà nhân vật chính là Giáo Hội được Chúa Thánh Thần làm cho sống động: “Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng
hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu.” (Cv
5:41) Chúa Thánh Thần khiến Phaolô và Sila hát trong ngục Philíp. Vì vậy, nó
xuyên suốt lịch sử của Giáo Hội, trong cuộc sống của tất cả những ai đã phó
thác cho Thần Khí. Như Phanxicô Assisi và Mẹ Têrêsa vui mừng trong sự nghèo khó,
như Phaolô và Sila đã làm ở Philíp, như Maximillian Kolbe hát trong phòng tử
thần ở Auschwitz.
Chúng ta sống trong thời đại giận dữ, không
hài hước. Có rất nhiều điều để tức giận. Tuy nhiên, ngay cả khi mọi người đều
mong muốn niềm vui, hầu hết mọi người chỉ tìm kiếm niềm vui. Được say sưa bởi Chúa
Thánh Thần, các tín nhân nên thể hiện niềm vui mà chỉ Ngài mới đem lại và điều
mà Thiên Chúa mong muốn cho mọi người.
Hơn nữa, người say sưa nói năng thoải mái –
quả thật, thường là quá thoải mái đối với những người lịch sự. Có sự bất cẩn
trong lời nói và hành động của người ấy. Họ không biết hoặc không quan tâm những
gì mọi người nghĩ hoặc nói. Họ không biến lời nói của mình thành sự chấp thuận.
Vì vậy, tất cả những người được dẫn dắt bởi Chúa Thánh Thần cũng nên nói một
cách thẳng thắn như nhau và không coi thường sự tôn trọng của con người. Cần
phải có sự bất cẩn thánh thiện và thậm chí liều lĩnh khi nói về đức tin.
Điều này không cho phép chúng ta trở nên đáng
ghét hoặc thô lỗ. Có đủ điều đó đang diễn ra. Thay vào đó, nó đem lại cho chúng
ta sự can đảm để nói một cách vui vẻ về những yếu tố khó khăn và kỳ lạ của đức tin,
mà không cố gắng điều chỉnh chúng theo lối suy nghĩ của thế gian. Khi làm như
vậy, chúng ta thấy mình có mối quan hệ tốt – không chỉ có Phêrô và các tông đồ
vào Lễ Ngũ Tuần mà còn có Chúa Giêsu, Đấng mà chính gia đình của Ngài đã thông
báo: “Ông ấy mất trí rồi.” (Mc 3:21)
Nhưng cũng có một sự tỉnh táo liên quan. Đây
không phải là cơn say hủy hoại cuộc sống và dẫn đến sự hối tiếc. Ngược lại, nó đem
lại sự tỉnh táo hơn, tính hợp lý sâu sắc hơn và sự rõ ràng hơn trong suy nghĩ
và lời nói. Tại Êphêsô, những người thợ thủ công nổi loạn chống lại Phaolô và
các tông đồ khác là những người “gây rối trong cả thiên hạ.” (Cv 17:6) Đạo Chúa
Kitô quả thực đã đảo lộn thế giới ngoại giáo. Nhưng điều đó chỉ nhằm giới thiệu
một lối suy nghĩ mới, không còn phù hợp với suy nghĩ của con người nhưng phù
hợp với sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nếu cơn say này làm đảo lộn mọi thứ, đó là
cách đặt chúng trên nền tảng vững chắc hơn.
Một nghịch lý nữa của sự say sưa tỉnh táo là
nó được mua chuộc cho chúng ta bởi cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu.
Trong cơn say tỉnh táo của chính mình, Chúa Kitô giành được Thánh Thần cho
chúng ta bằng cách đổ Máu Ngài trên Thập Giá. Như vậy hồng ân Thần Khí này được
liên kết với Máu Châu Báu Chúa Giêsu. Chúng ta cầu nguyện bằng kinh Anima
Christi: “Kính lạy Máu Chúa Kitô, xin làm
con say sưa.”
Trong Thánh Lễ tạ ơn Máu Châu Báu, linh mục
cầu nguyện sau khi rước lễ: “Xin cho
chúng con luôn được tắm trong Máu Chúa Cứu Thế, để Máu ấy trở thành mạch nước
tuôn trào sự sống đời đời cho chúng con.”
Tại bàn thờ, nơi tái hiện sự đổ máu của Ngài,
chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần sản sinh trong tâm hồn chúng ta sự say sưa
tỉnh táo để nhờ đó chúng ta đem đến cho người khác niềm vui sửng sốt của Tin
Mừng làm ổn định thế giới.
LM. PAUL D. SCALIA
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
✽ Cách Giao Tiếp của CTT
✽ Điều Chưa Biết Về CTT
✽ Tầm Quan Trọng của Lễ Ngũ Tuần
✽ Lễ Ngũ Tuần Riêng Của Chúng Ta
✽ Quan Hệ Riêng Với CTT
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment