Thứ Tư, 3 tháng 4, 2024

MỞ CỬA LÒNG THƯƠNG XÓT

Chúa Luôn Nhân Hậu Và Thương Xót
Con Mãi Kính Tin Với Mến Yêu

Nói với Maria Faustina Kowalska (1905-1938, Dòng Đức Mẹ Thương Xót – O.L.M., Our Lady of Mercy), Chúa Giêsu xác định: “Trước khi Ta đến như một Thẩm Phán công bình, Ta sẽ mở rộng Cửa của Lòng Thương Xót. Ai từ chối bước qua Cửa của Lòng Thương Xót thì phải bước qua Cửa của Sự Công Bình.” (Nhật Ký, số 1146)

Và Chúa Giêsu muốn Chúa Nhật II Phục Sinh được dành để biệt kính Lòng Chúa Thương Xót (LCTX). Ngài yêu thương tội nhân chúng ta đến cùng, Ngài muốn mọi người tín thác vào Ngài qua lời nguyện ngắn gọn Ngài đã dạy: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.”

Trong Nhật Ký (số 699), Thánh Faustina đề cập 10 điều về Đại Lễ LCTX:

1. Vào ngày đó, mọi chiều sâu thẳm nhất về Lòng Nhân Từ của Ta sẽ được rộng mở ra.

2. Ta sẽ tuôn đổ ra cả một đại dương về ơn huệ trên tất cả những linh hồn nào tiếp cận với Nguồn Suối Nhân Từ của Ta qua Bí Tích Hòa Giải và Rước Mình Thánh Chúa.

3. Linh hồn nào đi xưng tội trước đó và lãnh nhận Thánh Thể vào ngày lễ này sẽ lãnh nhận được sự tha thứ trọn vẹn của Ta, thoát khỏi mọi án phạt về tất cả các tội đã phạm.

4. Vào ngày lễ này, tất cả mọi cánh cửa về ơn huệ của Thiên Chúa sẽ được mở rộng ra cho tất cả mọi người.

5. Đừng để một tâm hồn nào phải sợ hãi khi đến gần Ta, thậm chí ngay cả khi người đó đầy các tội lỗi tày trời.

6. Lòng Nhân Từ của Ta cao vời đến nỗi không một tâm trí nào của loài người hoặc thiên thần có thể hiểu và đo lường được mãi cho đến muôn đời.

7. Trong mối quan hệ với Ta, mỗi tâm hồn sẽ suy niệm về tình yêu thương và lòng nhân từ của Ta mãi cho đến muôn đời.

8. Ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót được nổi bật lên từ chiều sâu thẳm Lòng Nhân Từ của Ta.

9. Mong ước của Ta là ngày lễ này được trọng thể cử hành vào Chúa Nhật đầu tiên sau Lễ Phục Sinh.

10. Nhân loại sẽ không có được hòa bình mãi cho đến khi nào biết quay về Nguồn Suối Nhân Từ của Ta.

Mười điều đó cho thấy LCTX vô hạn, thực sự Ngài rất muốn cứu chúng ta nếu chúng ta thành tâm sám hối. Có nhiều dụ ngôn nói về Lòng Chúa Thương Xót, nhưng nhân vật “nổi bật” được nhắc tới là Tông đồ Tôma – người có “biệt danh” là Tông Đồ Cứng Lòng Tin. Chỉ là “chuyện nhỏ,” vì chính Chúa Giêsu Kitô đã thực hiện lòng thương xót trên đồi Canvê, và người được hưởng LCTX ngay chiều hôm đó là “đại ca” Dismas.

Điều kỳ diệu xảy ra ngay lập tức nếu chúng ta thật lòng tin vào LCTX. Đức tin rất quan trọng và rất cần thiết, vì NHỜ TIN MÀ SỐNG, như Chúa Giêsu đã xác định với cô Mácta: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 11:25-26) Chính Chúa Giêsu đã sống lại trước sự kinh ngạc của mọi loài, nhờ sự phục sinh của Ngài mà mọi loài nên mới, tưng bừng rộn rã vì là “ngày Chúa đã làm ra.” (Tv 118:24)

Chắc chắn ai trong chúng ta cũng đã và đang được hưởng LCTX mặc dù đức tin của chúng ta còn non yếu. Vì thế, chúng ta phải thực hiện lời khuyên của Thánh Vịnh gia: “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở.” (Tv 118:1) Đức từ bi đó cũng chính là LCTX.

Kinh Thánh cho biết rằng sau khi Chúa Giêsu phục sinh và lên trời, “cộng đoàn tín hữu đầu tiên đông đảo lắm, nhưng họ chỉ có một lòng một ý, không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, mọi sự đều là của chung.” (Cv 4:32) Họ sống theo di ngôn của Chúa Giêsu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13:34; Ga 15:12) Đó cũng là sống và thực thi lòng thương xót theo ý Ngài. Chúng ta đã và đang được Thiên Chúa thương xót thì chúng ta cũng phải biết thương xót nhau. Đó là hệ lụy tất yếu, và là công bằng vậy.

Kinh Thánh cho biết: “Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 4:33-35) Sống vì Chúa và vì tha nhân thì sẽ an tâm, đó là hạnh phúc và tự do đích thực.

Dù là ai, từ dân Israel tới nhà Aharon, từ người kính sợ Chúa tới tội nhân, cũng đều hân hoan xưng tụng như Thánh Vịnh gia: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.” (Tv 118:2-4) Lời xưng tụng đó cũng là cách tôn vinh LCTX. Chúng ta phải không ngừng xưng tụng vì “tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực,” nhờ vậy mà “không phải chết, nhưng sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm,” và dù “Chúa sửa phạt, nhưng không nỡ bắt phải chết.” (Tv 118:16-18) Quả thật, LCTX bao la khôn ví, quá kỳ diệu. Phàm nhân không thể nào hiểu nổi.

Thật vậy, Thiên Chúa đã tuyên phán qua miệng ngôn sứ Isaia: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.” (Is 49:15) LCTX vô hạn, chúng ta không thể không cảm tạ. Thật vậy, bức tượng không thể hiểu người tạc tượng, thụ tạo không thể hiểu Tạo Hóa. Chắc chắn như vậy. Và điều kỳ diệu thực sự đã xảy ra: “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.” (Tv 118:22-23)

Người ta nhờ TIN mà được SỐNG. Ngược lại, KHÔNG TIN thì KHÔNG ĐƯỢC SỐNG – tức là CHẾT. Tin là khôn ngoan, không ai dại gì mà không TIN để ĐƯỢC SỐNG đời đời. Thánh Gioan lý luận: “Phàm ai tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.” (1 Ga 5:1-2) Yêu thương liên quan niềm tin, và ngược lại. Hai vấn đề không thể tách rời. Rất cụ thể!

Rõ ràng YÊU và TIN là hai “đầu mối” của một sợi dây, không thể có đầu này mà không có đầu kia. Thánh Gioan giải thích: “Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.” (1 Ga 5:3-4) Luật rất “nhẹ” (có nặng nề gì đâu), nghe đơn giản mà không dễ thực thi cho đúng.

Nói về “nguồn mạch đức tin,” Thánh Gioan cho biết: “Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người TIN rằng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa? Chính Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến, nhờ NƯỚC và MÁU; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.” (1 Ga 5:5-6) Có tin thì mới thể hiện tình yêu thương và làm chứng về LCTX – theo hoàn cảnh sống của mình.

Nổi bật vấn đề liên quan đức tin là trình thuật Ga 20:19-31, kể về việc “độ cứng” trong đức tin của Tông Đồ Tôma Điđymô. Thánh Gioan cho biết: Tám ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại, vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” Nói xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Ngài lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Ngài thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ.”

Không biết ông Tôma bữa đó bận gì mà vắng mặt, không hiện diện với các tông đồ. Nghe các bạn nói Thầy sống lại và đã hiện ra với họ. Ông nhất định không tin và nói chắc nịch: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Ngài, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Ngài, tôi chẳng có tin.” Các ông kia chẳng biết làm gì hơn. Tuần sau, các ông lại họp mặt trong nhà, lần này có cả ông Tôma. Các cửa vẫn đóng kín như bưng, con muỗi chui qua còn chưa lọt. Thế mà bỗng Chúa Giêsu đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.” Nói rồi Ngài nói với ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Chắc là ông Tôma xấu hổ lắm, thế nên ông chỉ còn biết cúi đầu mà thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Thật lòng mà nói, cũng nhờ ông Tôma cứng lòng tin mà chúng ta có thêm một mối phúc: “Không thấy mà tin.” Nhờ lòng tin của ông cứng như sáp nguội mà hậu sinh chúng ta được hưởng thêm một mối phúc rất đặc biệt như vậy.

Thánh Gioan cho biết thêm: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em TIN rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em TIN mà ĐƯỢC SỰ SỐNG nhờ danh Người.” (Ga 20:30-31) Quả thật, Chúa Giêsu yêu thương tới cùng, (Ga 13:1) nên Ngài luôn tìm mọi cách để chúng ta được cứu độ. Trong Nhật Ký (số 796), Thánh Faustina cho biết rằng Chúa Giêsu bảo thánh nữ lần Chuỗi Lòng Thương Xót trong chín ngày trước Đại lễ LCTX, bắt đầu từ Thứ Sáu Tuần Thánh. Chúa Giêsu cho biết lợi ích: “Nhờ tuần cửu nhật này, Ta sẽ ban mọi ân sủng cho các linh hồn.”

Là tín nhân, ai cũng biết rằng chúng ta đang sống trong thời kỳ cuối cùng, ai cũng cần phải sám hối khi còn kịp trong Giờ Thương Xót, thời gian mà Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài, vì không ai biết thời gian còn bao lâu, dù còn trẻ hay đã già. Vì thế, hãy luôn tự nhủ: “Tôi ơi, đừng cứng lòng nữa!”

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin hoán cải chúng con theo Thánh Ý Ngài, xin làm mềm trái tim xơ cứng của chúng con, xin ban ơn giúp sức chúng con sống trọn vẹn đức tin và yêu thương đến cùng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Bí Tích & Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/08/bi-tich-va-gia-inh.html

 Đừng Thất Vọng!
     https://tramthienthu.blogspot.com/2014/04/ung-bao-gio-that-vong-ve-long-chua.html
 Thư Tình Thương Xót – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/10/thu-tinh-thuong-xot.html
 LTX & Công Lý – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/03/long-chua-thuong-xot-va-cong-ly.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment