Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

TỰ CHỌN

Cuộc sống là một hành trình có rất nhiều điều phải phân định để có thể lựa chọn đúng đắn. Shakespeare nói: “Khi sinh ra, chúng ta khóc, vì chúng ta vào nơi tị nạn rộng lớn thế gian này.” Còn Jean Jacques Rousseau nói: “Con người sinh ra tự do nhưng ở đâu cũng bị xiềng xích.” Thảo nào người ta nói: “Đời là bể khổ!” Nhưng đau khổ lại có giá trị cao, và là “thập giá” mà Chúa Giêsu muốn chúng ta vác đi theo Ngài. (x. Mt 10:38; Mt 16:24) Thật vậy, sự hy sinh nhỏ nhất cũng có giá trị lớn trong mắt Chúa. (Nhật Ký Faustina 639) Chính đường thập giá dẫn tới Thiên Đàng, nhưng vác thập giá hay không là quyền tự do của mỗi người. Tùy ý chọn.

Đau khổ liên quan nước mắt. Ai cũng có nỗi khổ riêng, với loại nước mắt riêng. Nhưng đau khổ và nước mắt đều có giá trị cao. Kinh Thánh cho biết: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời.” (Ga 3:14-15) Chúa Giêsu chịu đau khổ để diệt khổ, chịu chết để chiến thắng tử thần, đó là vì tội nhân chúng ta: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” (Ga 3:16-18)

Đau khổ như cỏ dại, cứ diệt chỗ này nó mọc chỗ khác, cứ diệt đợt này lại mọc đợt khác. Chắc chắn không thể diệt khổ. Muốn hết khổ, chỉ có cách duy nhất là “đi xuyên qua” nó, muốn nhẹ lòng thì cứ khóc. Chẳng ai thương mình hơn mình thương ta, có an ủi cũng chỉ cảm thông một phần nhỏ với ít nhiều “giả dối” mà thôi. Trên Đường Thập Giá, Chúa Giêsu đã nói với các phụ nữ ĐỪNG khóc thương Ngài, mà hãy khóc thương cho phận mình và con cháu. (Lc 23:28)

Đã đành người khác kết án mình, nhưng mình tự kết án mình mới là điều đáng nói. Thánh Gioan cho biết: “Đây là bản án: ánh sáng đã đến thế gian, nhưng người ta đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách. Nhưng kẻ sống theo sự thật thì đến cùng ánh sáng, để thiên hạ thấy rõ: các việc của người ấy đã được thực hiện trong Thiên Chúa.” (Ga 3:19-21) Rất rõ ràng và rạch ròi.

Thật tuyệt vời với những giọt lệ sầu như nước mắt ăn năn của Thánh Vịnh gia, (Tv 35:14; Tv 56:9; Tv 102:10) nước mắt sám hối của người phụ nữ tội lỗi, (Lc 7:38) nước mắt mặn chát của Phêrô, (Mt 26:75; Mc 14:72; Lc 22:62) nước mắt cay đắng của Phaolô, (2 Cr 12:21) nước mắt yêu mến của các phụ nữ thành Giêrusalem, (Lc 19:41) vì nước mắt là một trong tám mối phúc: “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.” (Mt 5:5) Ước gì mỗi chúng ta có được những giọt nước mắt ấm nồng như vậy, đặc biệt trong Mùa Chay này!

Cái gì cũng có điều kiện ắt có và đủ. Để được Thiên Chúa xót thương, người ta phải ăn năn sám hối thật lòng chứ không hình thức, được thể hiện qua động thái KHÓC. Hãy cùng Thánh Vịnh gia thân thưa: “Lạy Chúa, xin nghe lời con nguyện cầu, tiếng con kêu cứu, xin Ngài lắng tai nghe. Con khóc lóc, xin đừng làm ngơ giả điếc, vì con là thân khách trọ nhà Ngài, phận lữ hành như hết thảy cha ông.” (Tv 39:13) Người biết khóc chắc chắn sẽ được Thiên Chúa xót thương cứu độ. Ngài sẽ giải thoát khỏi nỗi buồn bằng cách “lau sạch nước mắt” (Kh 7:17; Kh 21:4) cho chúng ta.

Có nhiều loại nước mắt. Nước mắt nào cũng mặn, thường biểu hiện nỗi buồn, hiếm khi biểu hiện niềm vui như cụ Nguyễn Công Trứ mô tả: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.” (Cây Thông) Loại nước mắt bị người ta ghét nhất là “nước mắt cá sấu,” nhưng lại thường thấy loại này. Loại nước mắt quý giá là “nước mắt thật lòng” – dù buồn lắm. Trong nhạc phẩm “Giọt Nước Mắt Ngà,” NS Ngô Thụy Miên mô tả: “Em đứng bên sông buồn, nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha. Trên hai đóa môi hồng, nụ cười đã đi xa, ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu…” Đó là tình yêu đôi lứa. Chúng ta cũng có thể hiểu cho các loại tình yêu khác. Nước mắt thật lòng luôn buồn, y như người ta vẫn nói: “Sự thật hay mất lòng.” Giọt Nước Mắt Ngà của Ngô Thụy Miên cũng buồn lắm, nhưng quý lắm vì giọt nước mắt đó hướng thượng: “Anh đi về dấu giáo đường, cho cuộc tình bay cao, cho lòng mình xôn xao…” Màu buồn mà vẫn đẹp đẽ, sắc tím mà vẫn lung linh. Ôi, nước mắt ân tình Mùa Chay!

Khi mặc xác phàm, Chúa Giêsu cũng đã từng khóc. Ngài xúc động tới ba lần trước cái chết của anh bạn Ladarô: Khi thấy cô Maria khóc và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, (Ga 11:33) khi đi đến mộ Ladarô, (Ga 11:35) khi nghe người ta đặt vấn đề rằng Ngài chữa khỏi chứng mù mà sao lại không thể làm cho Ladarô khỏi chết. (Ga 11:38)

Có nhiều thứ tùy ý chọn, nhưng khóc thì không thể, mà phải có cảm xúc thực sự. Sinh ra ai cũng khóc, “tiên báo” rằng đời là bể khổ. Khóc cần thiết cho cuộc sống, như phần cứng được cài đặt mặc định trong máy vi tính với dụng ý của nhà chế tạo. Nước mắt cũng vậy, chắc hẳn có dụng ý mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã xin Chúa cất khỏi chén đắng mà không được, vẫn phải chịu đau khổ cho đến chết thê thảm. Ngài cũng đã khóc nhiều lần, buồn não lòng, và “buồn đến chết được.” (Mt 26:38; Mc 14:34)

Tiểu thuyết gia, kịch tác gia và thi sĩ Samuel Beckett (1906-1989, Ai Len) có triết lý độc đáo: “Nước mắt của thế gian này luôn bất biến. Nơi này có người bắt đầu khóc thì ở nơi nào đó có một người ngừng rơi lệ. Với tiếng cười cũng vậy.” Tính liên đới rất kỳ lạ! Thật dễ dàng dùng vạt áo lau khô những giọt lệ, nhưng rất khó để có thể xóa sạch dấu vết nước mắt khỏi trái tim. Nước mắt là ngôn ngữ bí ẩn của trái tim, không thể diễn hiểu hết. Chúng ta phải cố gắng để học cách nhìn lại những giọt nước mắt để có thể mỉm cười, nhưng đừng bao giờ nhìn lại những nụ cười vì chắc chắn chúng ta sẽ phải bật khóc. Nước mắt tốt cho thị lực, và cũng có lợi cho tinh thần. Nước mắt có thể làm trôi đi nhiều thứ – kể cả tội lỗi. Chúng ta phải khóc nhiều vì tội nhiều, phải khóc cả đời để “lau sạch” vết tội đời.

Tội lỗi và tuổi tác tỷ lệ thuận với nhau. Càng nhiều tuổi càng lắm tội. Kinh Thánh cho biết về mức tăng vọt về tội lỗi: “Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng MỖI NGÀY MỘT THÊM BẤT TRUNG BẤT NGHĨA, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà Đức Chúa đã được thánh hiến ở Giêrusalem ra ô uế. Đức Chúa, Thiên Chúa của tổ tiên họ, vẫn không ngừng sai sứ giả của Người đến cảnh cáo họ, vì Người HẰNG THƯƠNG XÓT dân và thánh điện của Người. Nhưng họ nhạo cười các sứ giả của Thiên Chúa, khinh thường lời Người và chế giễu các ngôn sứ của Người, khiến Đức Chúa bừng bừng nổi giận mà trừng phạt dân Người đến vô phương cứu chữa.” (2 Sb 36:14-16) Được đằng chân, lân đằng đầu. Tội chồng lên tội theo cấp số cộng, rồi cấp số nhân. Con người quá đỗi lộng hành, thế mà Thiên Chúa vẫn im lặng, kiên trì chờ đợi người ta sám hối.

Thế nhưng sự ác vẫn hoành hành, kẻ ác vẫn ngang ngược. Kinh Thánh cho biết: “Quân Canđê đốt Nhà Thiên Chúa, triệt hạ tường thành Giêrusalem, phóng hỏa đốt các lâu đài trong thành và phá hủy mọi đồ đạc quý giá. Những ai còn sót lại không bị gươm đâm thì vua bắt đi đày ở Babylon; họ trở thành nô lệ của vua và con cháu vua, cho đến thời vương quốc Ba Tư ngự trị. Thế là ứng nghiệm lời Đức Chúa phán, qua miệng ngôn sứ Giêrêmia rằng: cho đến khi đất được hưởng bù những năm sabát và suốt thời gian nó bị tàn phá, nó sẽ nghỉ, cho hết bảy mươi năm tròn.” (2 Sb 36:19-21) Mãi mãi lịch sử vẫn là lịch sử – dù trắng hay đen, dù nguyên vẹn hay bị xuyên tác. Sự thật vẫn là sự thật, không ai có thể bóp méo hoặc che giấu.

Mọi sự vẫn diễn biến theo thời gian, Thiên Chúa vẫn hiện hữu và luôn theo dõi từng động thái của con người. Đó là sự thật vừa mặc nhiên vừa minh nhiên. Bác học Albert Einstein (1879-1955, Đức quốc) đã xác định: “Mối liên kết giữa Thiên Chúa và con người chính là NIỀM TIN. Chính nhờ niềm tin mà tất cả vạn vật trong vũ trụ này đều có thể TỒN TẠI và CHUYỂN ĐỘNG. Quả thật, “Chúa có mặt trong lịch sử loài người, Chúa có mặt trong lịch sử đời tôi.” (Chúa Có Mặt Trong Lịch Sử – Hùng Lân)

Văn phạm có ba “thì” (thời) chính: Quá khứ, hiện tại, và tương lai. Cuộc sống cũng vậy. Mỗi người cũng có ba thời như vậy. Quá khứ đã qua, không thể thay đổi, tương lai chưa biết, nghĩa là chúng ta không thể “nắm giữ” quá khứ và tương lai, vậy chúng ta chỉ còn hiện tại – và tùy ý chọn cách sống. Phải cố gắng sống thời hiện tại cho tốt để không phải khóc ngày mai, và hãy quên hôm qua đi, nó có là nụ cười hay nước mắt thì chúng ta cũng chẳng làm gì được nữa, nhưng chúng ta có thể “rút ra” được vốn kinh nhiệm để sống hôm nay, và để hướng tới tương lai. Kinh Thánh nói: “Năm thứ nhất thời vua Kyrô trị vì nước Ba Tư, để lời Đức Chúa phán qua miệng ngôn sứ Giêrêmia được hoàn toàn ứng nghiệm, Đức Chúa tác động trên tâm trí Kyrô, vua Ba Tư. Vua thông báo cho toàn vương quốc và ra sắc chỉ như sau: Kyrô, vua Ba Tư, phán thế này: Đức Chúa, Thiên Chúa trên trời, đã ban cho ta mọi vương quốc dưới đất. Chính Người trao cho ta trách nhiệm tái thiết cho Người một ngôi Nhà ở Giêrusalem tại Giuđa. Vậy ai trong các ngươi thuộc dân của Người thì xin Đức Chúa, Thiên Chúa của họ, ở với họ, và họ hãy tiến lên!” (2 Sb 36:22-23) Thiên Chúa mong chờ người ta biến đổi, nhất là trong Mùa Chay Thánh này. Càng dứt khoát càng dễ biến đổi, càng mau biến đổi càng có lợi. Ai cũng có quyền tự chọn.

Thánh Vịnh gia than thở trong thời gian lưu đày: “Bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Sion; trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn. Bọn lính canh đòi ta hát xướng, lũ cướp này mời gượng vui lên: “Hát đi, hát thử đi xem Sion nhạc thánh điệu quen một bài!” (Tv 137:1-3) Đang khóc làm sao cười được, đang buồn làm sao vui nổi! Thế mà ngày nay người ta lại có dạng “khóc thuê,” cái gì cũng thuê, thậm chí người ta còn có dịch vụ thuê khấn cầu, thuê dâng lễ vật, thuê đi thi,... Thật kinh dị!

Với nỗi buồn quá lớn, Thánh Vịnh gia than thở: “Bài ca kính Chúa Trời, làm sao ta hát nổi nơi đất khách quê người? Giêrusalem hỡi, lòng này nếu quên ngươi thì tay gảy đàn thành tê bại! Lưỡi xướng ca sẽ dính với hàm, nếu ta không hoài niệm, không còn lấy Giêrusalem làm niềm vui tuyệt đỉnh của tâm hồn.” (Tv 137:4-6) Khi buồn, người ta chán mọi sự, chẳng cần gì nữa, chỉ muốn khóc thôi. Nước mắt thường trào ra ngoài và chảy xuôi xuống theo gò má, nhưng cũng có loại nước mắt buồn không chảy ra ngoài mà chảy ngược vào trong. Nhìn bề ngoài rất tĩnh mà trong lòng họ rất động. Nỗi buồn quá dày, nỗi đau quá lớn, đến nỗi đã “cô đọng” thành sự tĩnh lặng, bất động như bức tượng vậy.

Nếu không có niềm tin, người ta có thể sẽ chết vì cuộc đời là chuỗi dài đau khổ, thấm đẫm nỗi buồn, ướt sũng nước mắt. Quả thật, nhiều người tuyệt vọng trong đau khổ mà tự kết liễu đời mình. Họ đáng thương vì thiếu hiểu biết – ở đây không đề cập những người gây tội ác rồi tìm đến cái chết để “chạy trốn.”

Tín nhân chúng ta còn may mắn lắm, dù đau khổ mà vẫn hạnh phúc: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô. Chính DO ÂN SỦNG mà anh em ĐƯỢC CỨU ĐỘ! Người đã cho chúng ta được cùng sống lại và cùng ngự trị với Đức Kitô Giêsu trên cõi trời.” (Ep 2:4-6) Tất cả là hồng ân, chứ chúng ta chẳng làm được gì, dù có làm được điều kỳ diệu đến mức nào thì cũng chỉ là con số không to lớn và rỗng tuếch. Đừng ảo tưởng về “cái tôi” tồi tệ!

Thánh Phaolô giải thích tỉ mỉ và nhấn mạnh: “Như thế, Người tỏ lòng nhân hậu của Người đối với chúng ta trong Đức Kitô Giêsu, để biểu lộ cho các thế hệ mai sau được thấy ân sủng dồi dào phong phú của Người. Quả vậy, chính DO ÂN SỦNG và NHỜ LÒNG TIN mà anh em được cứu độ: đây không phải bởi sức anh em, mà là một ân huệ của Thiên Chúa; cũng không phải bởi việc anh em làm, để không ai có thể hãnh diện. Thật thế, chúng ta là tác phẩm của Thiên Chúa, chúng ta được dựng nên trong Đức Kitô Giêsu, để sống mà thực hiện công trình tốt đẹp Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta.” (Ep 2:7-10)

Mỗi người được Thiên Chúa đặt vào một vị trí nhất định nào đó để làm sáng danh Ngài, nhưng chúng ta thường đặt ra những cái “nếu” theo trí hiểu phàm nhân, vì thế chúng ta khen – chê hoặc yêu – ghét người này, người nọ,… Đừng bắt Thiên Chúa theo ý của chúng ta!

Ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng thì được chữa lành, ngày nay ai nhìn lên Chúa Giêsu trên Thập Giá thì được sống. Tự chọn có vẻ đơn giản và dễ nhưng thật ra rất nhiêu khê và khó. Phải có khả năng phân định, quyết định, và nỗ lực. Nhờ ơn Chúa, ước mong chúng ta cùng nỗ lực và dìu nhau theo bước Chúa Giêsu Kitô lên Canvê, cùng Đức Mẹ đứng bên Thập Giá và cùng chết với Ngài, để có thể hoan ca Alleluia trong Đêm Phục Sinh cực thánh.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết chọn Ngài, đủ mạnh mẽ và can đảm lên Canvê với Đức Giêsu Kitô để thương phận mình, yêu tha nhân, “chết” cho tội mình, và được cứu độ. Vì Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, vì Bửu Huyết của Con Thiên Chúa, vì Châu Lệ của Thánh Mẫu, xin cứu các linh hồn và cứu tội nhân chúng con. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 Vô Cảm Luân Lý – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/08/vo-cam-luan-ly.html
 Con Người & Luân Lý
     https://tramthienthu.blogspot.com/2016/09/con-nguoi-va-luan-ly-su-that-giai-thoat.html
 Lòng Đố Kỵ – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/06/long-o-ky.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment