Nếu bạn là giáo viên, câu Kinh Thánh này có thể ám ảnh bạn: “Vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư của họ.” (Mt 7:29) Tôi có hình ảnh này về một người nào đó nhiệt thành tuyên bố: “Vì ông ấy dạy họ như một người có thẩm quyền, chứ không giống như Giáo sư Smith tẻ nhạt, nhàm chán.” Tôi cảm thấy buồn cho các kinh sư. Ý tôi là làm thế nào để bạn cạnh tranh với Chúa Giêsu? Bạn là một kinh sư hoặc giáo sư, bạn làm việc chăm chỉ, bạn nghiên cứu nhiều giờ liền, rồi người ta ít nghĩ đến bạn hơn vì bạn được Thiên Chúa nhập thể soi sáng chăng? Tôi có nên buồn nếu Michael Jordan đánh bại tôi trong môn bóng rổ?
Chúa Kitô thẳng thắn nói về các kinh sư: “Tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm.” (Mt 23:3) Đó là lời khuyên tốt. Sau đó là lời cảnh báo: “Phần anh em, đừng để ai gọi mình là ráp-bi, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.” (Mt 23:8) Tôi được gọi là giáo sư, điều đó có lẽ còn tệ hơn.
Søren Kierkegaard từng so sánh Socrates và Chúa Kitô bằng cách lưu ý rằng khi Socrates tự nhận là “bà đỡ” của sự thật, bà đỡ cho học sinh của mình sinh ra sự thật bên trong chính họ – đó là điều mà chúng ta, những giáo viên nên làm và phải làm – thì Chúa Kitô là “Sự Thật.” Khi Ngài giảng dạy có sự thống nhất đáng kể giữa lời dạy và người thầy. Đức Kitô là trung tâm của điều được giảng dạy. Vì vậy, chúng ta là những giáo viên không bao giờ có thể sánh ngang với Đức Kitô. Ngài có “thẩm quyền” vì Ngài là Tác Giả của mọi thụ tạo. Tôi chỉ nói về Thiên Chúa. Vì thế mọi điều tôi dạy phải hướng về Ngài.
Nhưng nếu Ngài là Tác Giả của mọi thụ tạo thì không chỉ trong thần học mà chúng ta đang nói về Thiên Chúa. Điều được mặc khải cho chúng ta trong các trình thuật về sự tạo dựng trong sách Sáng Thế và được xác nhận một cách dứt khoát bởi việc Nhập Thể là mọi thụ tạo đều “nhập thể” hoặc “bí tích.” Đó là hiện thân và công cụ của tình yêu Thiên Chúa.
Vì vậy, mặc dù chắc chắn không phải là các thần học gia nên nói với các nhà hóa học, nhà sinh học hoặc nhà vật lý về cách thực hiện công việc của họ, nhưng việc các giáo viên trong tất cả các ngành này nhắc nhở sinh viên rằng họ đang nghiên cứu công trình của Thiên Chúa, được viết ra như thể là chính trong thiên nhiên vậy. Vì thế, một Kitô hữu sẽ không bao giờ giả mạo dữ liệu khoa học vì lợi ích hoặc vinh quang của riêng mình, bởi vì điều đó là nói dối về những gì có trong Kinh Thánh.
Vì thế, khi một học sinh nói “ghét môn toán” thì tôi nói: “Nhưng một trong những ngôn ngữ của vũ trụ là toán học. Đó là ngôn ngữ Chúa dùng để giúp chúng ta hiểu thứ tự của mọi việc. Nếu bạn đã từng muốn học tiếng Hy Lạp để có thể đọc Phúc Âm bằng ngôn ngữ gốc, bạn có muốn dịch ngôn ngữ của Chúa gắn liền với công cuộc sáng tạo của Ngài?
Hãy gảy một dây đàn guitar. Nó tạo một nốt nhạc. Nếu bạn đặt ngón tay xuống một nửa dây đó và gảy lại, nốt đó sẽ cao hơn một quãng tám. Cao độ của một sợi dây dao động tỷ lệ thuận với chiều dài của nó. Âm nhạc là toán học. Nhịp điệu là toán học. Nhịp điệu mô tả kiểu lặp lại của nhịp mạnh và nhịp yếu trong bất kỳ bản nhạc nào. Người đã tạo ra hệ thống cho phép các kỹ sư âm thanh làm cho giọng ca sĩ trở nên hoàn hảo, hiện có mặt ở khắp các phòng thu âm, đã tính toán bằng toán học.
Trật tự Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ thực sự đáng kinh ngạc khi bắt đầu nhìn thấy nó. Vũ trụ giống như một câu đố khổng lồ với những mảnh nhỏ, mỗi mảnh có một số màu sắc đáng yêu, nhưng chúng không thực sự có ý nghĩa cho đến khi bạn bắt đầu ghép chúng lại với nhau và nhận ra chúng tạo nên một bức tranh đáng kinh ngạc như thế nào.
Chính vì vậy, cùng với những lý do khác, mà Bí tích Thánh Thể phải là trung tâm của mọi trường học Công giáo – không phải vì trên hết những vấn đề thế tục của trường học, mà người ta cần một chút “tôn giáo.” Loại hệ thống hai tầng đó làm sai lệch tính cách nhập thể của Tạo Hóa. Khi Thánh Bônaventura viết một bản văn mà chúng ta gọi là Quy Giản Nghệ Thuật thành Thần Học, ngài không có ý nói rằng mọi môn học nên được “quy giản” thành thần học. Trong La ngữ, chữ “reducere” có nghĩa là “dẫn trở lại.” Vì vậy, Thánh Bônaventura muốn nói rằng mọi nghiên cứu đều phải “quy về” Thiên Chúa.
Theo quan điểm đó, những thứ hữu hình của công cuộc sáng tạo giống như những bức thư viết tay từ Thiên Chúa. Ai trong chúng ta biết tình yêu của người mình yêu lại vứt bỏ lá thư viết tay từ người yêu? Chúng ta đọc nó, giữ lại và đọc đi đọc lại như thể đặt người yêu vào sự hiện diện của chúng ta, dù chỉ theo cách nhỏ nhặt và gián tiếp. Điều chúng ta cần dạy học sinh là những gì trông giống như những chiếc phong bì màu trắng không thể phân biệt được của công cuộc sáng tạo thực chất là những bức thư từ Người Yêu Dấu của học sinh. Vì vậy chúng nên cẩn thận mở thư ra để có thể tìm thấy những thông tin tình yêu chứa đựng trong đó.
Chưa hết, mặc dù những lá thư có thể tuyệt vời nhưng tình yêu tốt nhất nên được gửi trực tiếp. Nếu những lá thư từ người yêu của bạn thật tuyệt vời, ai lại không muốn đích thân đến thăm người yêu? Cả hai không loại trừ lẫn nhau. Tôi gặp trực tiếp vợ tôi vào mỗi buổi sáng, tạ ơn Chúa, nhưng điều này không làm cho những ghi chú của cô ấy suốt cả ngày trở nên kém ý nghĩa chút nào.
Trong lớp học, chúng tôi nói về Chúa, hoặc nói về công cuộc sáng tạo của Ngài. Nhưng trong Bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đích thân đến với chúng ta, nơi Con Người của Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Vì vậy, chúng tôi đưa học sinh đi dự lễ không phải để các em có một chút “tôn giáo” trước khi quay trở lại với “thế giới thật.” Chúng tôi đưa học sinh đi dự lễ để các em có thể gặp gỡ Đấng Tạo Hóa và tình yêu “nhập thể” của Ngài một cách trực tiếp. Trong cuộc gặp gỡ đó, hãy tự nhắc nhở rằng mình được yêu thương và trong mọi nghiên cứu của họ, họ đang đọc những bức thư tình từ Đấng yêu thương họ rất nhiều, và Ngài sẵn sàng chết vì họ.
RANDALL SMITH
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
✽ Giáo dục Công Giáo – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/08/giao-duc-cong-giao.html
✽ Thánh Thể & Trí Tuệ Nhân Tạo – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/11/thanh-tri-tue.html
[Đăng báo ĐMHCG tháng 03-2024, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]
Được chung phần dự tiệc Thánh Thể Ngài
Để được sống dồi dào suốt đời này
Và được Ngài ban sự sống vĩnh viễn
Chúa cho con được tỏ bày ước nguyện
Dẫu vui buồn, sướng khổ, hoặc băn khoăn
Ngài lắng nghe bất kỳ ngày hay đêm
Và cho con được tự do tâm sự
Chúa cho con được đồng bàn Lời Chúa
Mỗi ngày được hướng dẫn cách làm người
Biết tha thứ, yêu thương, chẳng trừ ai
Mọi ngày luôn cố gắng nên hoàn thiện
Tiệc Thánh Thể là một cuộc hò hẹn
Chúa mời gọi đến kết hiệp với Ngài
Đấng Cứu Độ duy nhất của loài người
Lãnh nhận Ngài để được sống viên mãn
Hôi tanh tội lỗi, muôn phần nhuốc nhơ
Vẫn luôn tha thứ, nhân từ
Trao ban Thánh Thể cho vừa xót thương
Bao ngày tháng sống hoang đàng
Bởi vì kiêu ngạo, lạc đường, u mê
Nhưng Ngài tìm kiếm con về
Phục hồi nguyên trạng kế thừa tình yêu
Tạ ơn Thiên Chúa tối cao
Trao ban Thánh Thể nhiệm mầu dưỡng sinh
Cho con được sống an lành
Dạt dào sức sống trong Tình Giê-su
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment