Bác học Albert Einstein nhận định: “Thế giới sẽ bị hủy diệt không phải bởi những người làm điều ác, mà bởi những người đứng nhìn mà không làm gì cả.” Cách so sánh thật đáng giật mình. Thật vậy, mọi thứ đều có tính liên đới, kể cả tội lỗi, và có tính dây chuyền như hiệu ứng Domino vậy.
Chúng ta dễ nhận thấy sự nguy hiểm đối với
văn hóa sự chết, nhưng với văn hóa thờ ơ, chúng ta coi là bình thường, là “chuyện
nhỏ” thôi, nhưng thật ra nó cũng nguy hại không kém – nói thẳng ra là sự vô cảm.
Người ta gọi đó là hội chứng hoặc bệnh vô cảm. Bệnh này không “nhẹ” mà là chứng
“nan y” như một loại ung thư bất trị. Mặc dù nó không gây ra cái chết thể lý
nhưng gây ra chết cái chết tinh thần. Rất nguy hiểm và đáng sợ!
Người ta vô cảm vì
cảm xúc chai lì, tâm hồn xơ cứng, sống dửng dưng với những gì xảy ra xung quanh,
nhưng rất quan tâm tư lợi. Gặp cái đẹp hoặc cái xấu cũng trơ trơ, không chút
rung động. Chứng vô cảm càng ngày càng có chiều hướng lây lan, nếu không ngăn
chặn thì có thể trở thành một căn bệnh mang tính xã hội. Trong cơn lốc toàn cầu
hóa và hội nhập quốc tế, cùng với việc tiếp thu những tinh hoa của văn minh
nhân loại, lối sống hưởng thụ và mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động
mạnh đến tâm lý xã hội, hình thành lối sống thực dụng trong một số người. Vô
cảm là ích kỷ. Việt Nam đang ở trong “cơn lốc” đó.
Sự vô cảm không
chỉ xảy ra giữa những người xa lạ hoặc không quen biết, mà xảy ra ngay trong
gia đình, giữa những người máu mủ ruột rà với nhau. Trước đây là ti-vi, bây giờ
là điện thoại thông minh. Vật dụng thông minh khiến người ta ngu xuẩn và dần dần
hóa... vô cảm!
Chính “cái tôi” rất
đáng sợ vì nó khiến người ta bất chấp tất cả. Ngay từ thời Cựu Ước cũng đã xảy
ra. Vì để “cái tôi” nổi dậy mà Cain đã nhẫn tâm hạt sát chính em ruột của mình.
(St 4:3-8) Vì ích kỷ và ghen ghét mà những người anh định sát hại “thằng chiêm bao”
Giuse, và rồi đành lòng bán đứng em ruột mình. (St 37:12-36)
Thời Tân Ước cũng
có nhiều trường hợp vô cảm. Một trường hợp là “Người Tá Điền Sát Nhân,” (Mt
21:33-39; Mc 12:1-9; Lc 20:9-15) vì vô cảm mà bất kể mọi sự, không chút xót
thương ai. Một trường hợp khác là các kinh sư và nhóm Biệt Phái, họ vô cảm trước
“Người Phụ Nữ Ngoại Tình” (Ga 8:2-11) nên họ dẫn chị đến gặp Chúa Giêsu, vừa có
ý tố cáo chị vừa tìm cách gài bẫy Ngài.
Một trường hợp
khác nữa là nhóm Biệt Phái và ông Simôn, họ vô cảm với “Người Phụ Nữ Tội Lỗi.”
(Lc 7:36-50) Họ “ngứa mắt” khi thấy chị ngồi bên chân Chúa Giêsu mà khóc lóc và
lấy tóc lau chân Ngài. Ông Simôn nghĩ: “Nếu
quả thật ông này là ngôn sứ thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình
là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” Chúa Giêsu biết hết, và Ngài
trách tính vô cảm của ông: “Tôi vào nhà ông:
nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt
chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ
lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ôliu, ông cũng không đổ lên đầu
tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi.” Cứ tưởng mình “ngon
lành” nào ngờ quá. Thật là xấu hổ!
Đáng sợ là vô cảm
ở giáo sĩ, như trong dụ ngôn “Người Samari Tốt Lành.” (Lc 10:29-37) Là người xa
lạ và ngoại giáo nhưng ông đã cứu giúp nạn nhân bị cướp đánh trọng thương, không
quản ngại gì, còn những kẻ có chức có quyền và những kẻ có tiếng là đạo đức thì
lại vô tâm, vô cảm, chẳng khác gì bất nhân. Đừng tưởng mình là gì mà “chảnh,” dạy
người khác mà mình mất dạy. Còn nữa, cả hai thằng con đều vô cảm với người cha trong
dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu.” (Lc 15:11-31)
Đặc biệt là tại Vườn
Dầu, ba môn đệ được Thầy Giêsu tín cẩn nhất mà lại “vô tư” nhất, Thầy lo buồn
đến chết được mà ba trò vẫn ngủ ngon. (Mt 26:36-46; Mc 14:32-42; Lc 22:39-46) Thực
chất là gì nếu không là vô cảm? Thảo nào Chúa Giêsu cảnh báo: “Hãy coi chừng kẻo ánh sáng nơi anh lại
thành bóng tối.” (Lc 11:35)
Tục ngữ nói: “Thương người như thể thương thân.” Luật
Chúa dạy: “Mến Chúa hết lòng và yêu người
như chính mình.” Yêu thương là cách hoàn thiện như Cha trên trời. Yêu
thương là chạnh lòng thương, động lòng trắc ẩn, là bác ái, là thương xót. Thánh
Phaolô căn dặn và khuyến cáo: “Lòng bác
ái không được giả hình giả bộ. Anh em hãy gớm ghét điều dữ, tha thiết với điều
lành; thương mến nhau với tình huynh đệ, coi người khác trọng hơn mình; nhiệt
thành, không trễ nải; lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa. Hãy vui mừng vì
có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân, và chuyên cần cầu nguyện. Hãy
chia sẻ với những người trong dân thánh đang lâm cảnh thiếu thốn, và ân cần
tiếp đãi khách đến nhà.” (Rm 12:9-13)
Văn sĩ Helen
Adams Keller nhận xét: “Chúng ta có thể
đã chữa trị được hầu hết thói xấu xa, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra liều thuốc
cho thói xấu tồi tệ nhất, đó là sự vô cảm của con người.” Chính khách Bob
Riley nói: “Khoan dung cho cái ác chỉ dẫn
tới thêm nhiều điều ác. Khi người tốt đứng nhìn và chẳng làm gì trong sự thống
trị của cái ác, cộng đồng của họ sẽ bị nuốt trọn.” Đó là sự bàng quan,
chính sự bàng quan là một dạng thờ ơ, vô cảm đối với tha nhân.
Thiên Chúa xác
định với mỗi chúng ta: “Ta thương con,
thương con thật nhiều.” (Gr 31:20) Chúng ta không thể vô cảm đối với người
khác, phải thương xót mọi người, bất kỳ ai, nhất là với người “không cùng phe” với
mình, vì Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Nếu anh
em yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi? Ngay cả những
người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình
thôi thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như
thế sao?” (Mt 5:46-47) Khó trả lời ghê đi!
Có liệu pháp nào để
chữa bệnh vô cảm? Phải tập yêu – yêu những gì mình không thích, thông cảm với người
không ưa mình. Khó lắm, nhưng khó không có nghĩa là không làm được. Cái gì cũng
phải học: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Yêu cũng phải học và tập luyện để
biết cách. Chúa Giêsu dạy: “Anh em hãy có
lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6:36) Thánh Phaolô khuyên:
“Anh em là những người được Thiên Chúa
tuyển lựa, hiến thánh và yêu thương. Vì thế, anh em hãy có lòng thương cảm, nhân
hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại.” (Cl 3:12) Nhân từ là thở hơi thở của
tình yêu, thương xót là nhịp đập của trái tim.
Thánh Vịnh gia
cầu xin: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con
một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy.” (Tv
51:12) Đó là một liệu pháp hữu hiệu. Tất nhiên không thể thiếu niềm tín thác theo
cách Chúa Giêsu dạy Thánh nữ Faustina: “Lạy
Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.”
Sự vô cảm, ích
kỷ, bàng quan, thờ ơ, lãnh đạm, dửng dưng,... là chướng ngại vật trên đường đến
với Thiên Chúa, là hàng rào ngăn cản chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa qua tha nhân. Chúa
Giêsu nói rõ: “Nếu anh em không ăn ở công
chính hơn các kinh sư và người Biệt Phái thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.” (Mt
5:20) Vô cảm là lỗi đức ái. Lỗi đức ái là tội nặng. Ai lỗi dức ái sẽ bị tống vào
ngục tối, không thể ra khỏi đó “trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.” (Mt 5:26)
Mùa Chay là dịp đặc biệt để thi hành đức ái. Có
nhiều cách sống đức ái, có thể liên quan vật chất hoặc tinh thần. Chương 13 thư
của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Côrintô cho biết: “Giả
như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa,
mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ
xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí
nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà
không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ
nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức
mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen
tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư
lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng
vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng
tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được. Ơn nói tiên tri ư?
Cũng chỉ nhất thời. Nói các tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi
cũng chẳng còn. Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên tri cũng có hạn.
Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi. Cũng như khi tôi còn
là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ
con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con.
Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp
mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như
Thiên Chúa biết tôi. Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại,
nhưng CAO TRỌNG HƠN CẢ LÀ ĐỨC MẾN.”
Nói về đức ái, Kinh
Thánh xác định: “Thương xót kẻ khó nghèo
là cho Đức Chúa vay mượn, Người sẽ đáp trả xứng việc đã làm.” (Cn 19:17)
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin hoán cải và biến
đổi chúng con, xin thay trái tim bằng đá trong chúng con bằng trái tim bằng Thịt
Máu Ngài, xin thay đổi số phận chúng con và xin cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Văn Hóa Sự Chết & Hậu Quả
✽ Tại Sao Kitô Hữu Bị Bách Hại?
✽ Hồi Giáo, Bạo Động & Bản Chất Của Thiên Chúa
TÁM ĐIỆP KHÚC – Anh Việt Thu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment