Thứ Hai, 19 tháng 2, 2024

SỰ THẬT MÙA CHAY

Khi Mùa Chay bắt đầu lại, và cùng với điều đó, ước muốn theo Chúa Kitô trên đường lên Canvê. Tôi đã bị mê hoặc, cũng như cả nền văn minh Tây phương trong hai thiên niên kỷ qua, bởi Thập Giá ở cuối cuộc leo dốc đó. – điểm gặp gỡ của tất cả những điều chúng ta sợ hãi. Có lẽ bí ẩn lớn nhất của mọi thời đại là Chúa chịu chết treo trên đó.

Trong nhiều năm, tôi đã lần lượt suy ngẫm về sự đau khổ về thể xác của Ngài, sự cô đơn hoang tàn của Ngài, cách Ngài nhìn Đức Mẹ thấy Ngài chết. Mùa Chay này, con đường cầu nguyện hoàn toàn mới đã được mở ra cho tôi qua những bài suy niệm của Thánh HY John Henry Newman về nỗi đau tinh thần của Chúa Kitô. Bằng một loạt ngôn từ thời nữ hoàng Victoria, lần đầu tiên Thánh Newman đã khiến tôi ý thức điều mà tôi thấy rất sốc: Sự thật về việc Chúa nhận lấy tội lỗi và kẻ thù của Ngài.

Từ hồi nhỏ, tôi đã cầu xin lòng thương xót từ “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.” Khi làm vậy, tôi nghĩ mình thường tưởng tượng ra một số tội lỗi gọn gàng như những que củi khô buộc vào lưng một con cừu lang thang kêu be be trong sa mạc. Con cừu có màu trắng như tuyết, thuần khiết và sạch sẽ vì chỉ có con cừu mới có được. Bó cây khô có thể làm cong cột sống của nó vì sức nặng nhưng không làm nó vấy bẩn, bó cây nằm gọn trên mình nó. Đó là một bức tranh đẹp nhưng có phần ngây ngô như trẻ con.

Bài giảng “Đau Khổ Tinh Thần của Chúa Trong Cuộc Khổ Nạn” năm 1852 của Thánh Newman đưa ra một viễn cảnh khủng khiếp cho những ai yêu mến Chúa Giêsu: Sự đau khổ thể lý chẳng là gì so với nỗi đau không thể chịu được trong tâm hồn Ngài. Sự đau đớn trong tâm hồn này không phải do tội lỗi nặng nề mà do thực tế là sự xâm chiếm, được Ngài tự nguyện chấp nhận. Không chỉ đơn thuần là xóa bỏ tội lỗi, Ngài mở rộng nhân tính của Ngài cho sự tấn công của kẻ ác và để cho những hành động xấu xa của kẻ thù xâm chiếm Ngài.

Văn xuôi có một không hai của Thánh Newman nắm bắt được khía cạnh này của Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô: Ở đó, trong giờ phút khủng khiếp nhất đó, Đấng Cứu Thế đã quỳ gối... để lộ ngực, dù Ngài vốn vô tội, trước sự tấn công của kẻ thù của Ngài – kẻ thù có hơi thở là dịch bệnh, và cái ôm của nó là nỗi đau đớn. Ở đó, Ngài quỳ xuống, lặng lẽ và bất động, trong khi con quỷ hèn hạ và khủng khiếp khoác vào Ngài chiếc áo choàng ngập tràn những gì đáng ghét và tàn ác trong tội ác của con người, bám chặt lấy trái tim Ngài, lấp đầy lương tâm Ngài, tìm đường vào mọi cảm xúc và lỗ chân lông trong tâm trí Ngài, gieo rắc cho Ngài chứng bệnh phong hủi về mặt đạo đức, cho đến khi Ngài gần như cảm thấy mình là thứ mà Ngài không bao giờ có thể trở thành, và kẻ thù muốn tạo ra cho Ngài.

Thánh Newman tiếp tục mô tả cảm giác “sự trong sạch vĩnh hằng” như một “tội nhân hôi hám và ghê tởm” bị châm chích bởi từng giọt của “khối thối nát đổ lên đầu Ngài,” về trải nghiệm của Chúa Giêsu khi nhìn vào bàn tay Ngài và thấy ướt đẫm máu của hàng triệu người vô tội trong lịch sử, nhìn qua đôi mắt bị xúc phạm bởi “những thị kiến xấu xa và sự mê hoặc ngẫu tượng,” đôi môi Ngài “bị ô uế bởi những lời thề và những lời phạm thượng.” Mọi tội lỗi xấu xa đã phạm trước ngày đó và kể từ đó đã bám vào Ngài, trên Ngài và trong Ngài, mùi hôi của chúng xua đuổi “sự bình an khôn tả đã ngự trị trong tâm hồn Ngài kể từ lúc Ngài hóa thành nhục thể.”

Không có gì ngạc nhiên khi Ngài trong Cơn Hấp Hối tại Vườn Dầu, trước khi đòn roi của người La Mã đánh vào Ngài, máu đã xuyên qua các mạch máu nóng rát của Ngài và chảy ra các lỗ chân lông trên da Ngài, bao phủ cả cơ thể Ngài và làm ướt đẫm áo choàng của Ngài.

Mặc dù thật khó để nghĩ tới hoặc chịu đựng được lâu, nhưng chúng ta phải nhìn vào hình ảnh lòng thương xót vô biên này của Thiên Chúa. Bạn và tôi, tất cả chúng ta đều phạm tội, nhưng chúng ta hầu như không nhận biết. Chúng ta thoải mái với tội lỗi của mình, nó đã ở trong chúng ta từ khi chúng ta được hình thành. Nhưng Đấng Thuần Khiết quằn quại trong nỗi đau đớn xa lạ, như thể Ngài là tội nhân vậy.

Tuy nhiên, Chúa Giêsu còn đi xa hơn: như Newman nhận xét, sự đau khổ của Ngài thậm chí còn “mang hình thức tội lỗi và thống hối. Ngài đang sám hối, Ngài đang xưng tội, Ngài đang ăn năn... vì Ngài là Nạn Nhân duy nhất vì tất cả chúng ta, sự cứu cuộc duy nhất, hối nhân đích thực, nhưng ngoại trừ là tội nhân.”

Thánh Newman nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu không cho phép mình chết cho đến khi Ngài uống cạn chén đắng – khi sự chuộc tội hoàn toàn được thực hiện – vì tội lỗi của tôi, của bạn, và của mọi con cháu Êva. Chính hành động tội lỗi đó khiến loài người chúng ta phải xấu hổ.

Mùa Chay cần có lòng can đảm thực sự để suy ngẫm về nỗi buồn sâu sắc nhất – sự chết của Chúa Giêsu. Lòng dũng cảm của tôi thường khiến tôi thất bại trước những cảnh tượng ít đau đớn hơn nhiều. Nhưng Chúa Kitô đã chết, Thánh Newman nói với chúng ta rằng “không phải vì kiệt sức hay đau đớn về thể xác.” Không, khi nhấp ngụm cuối cùng, Ngài muốn trái tim đau khổ của Ngài tan vỡ, và chỉ khi đó Ngài mới phó thác linh hồn Ngài cho Chúa Cha. Một sự thật nghiệt ngã phải giữ trước mặt chúng ta trong 40 ngày chay tịnh.

GRAZIE CHRISTIE

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Mùa Chay – 2024

 Lữ Hành Hy Vọng – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/07/nguoi-lu-hanh-hy-vong.html

 Tại Sao Chúng Ta Cần Mùa Chay?
     https://tramthienthu.blogspot.com/2018/02/tai-sao-chung-ta-can-mua-chay.html
 Tại Sao Đi Đàng Thánh Giá?
     https://tramthienthu.blogspot.com/2015/02/tai-sao-i-ang-thanh-gia.html
 Tại Sao Là Dầu Cam Tùng?
     https://tramthienthu.blogspot.com/2022/04/tai-sao-la-dau-cam-tung.html
 Tại Sao Chúa Giêsu Chết & Sống Lại?
     https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/tai-sao-chua-giesu-chet-va-song-lai.html

 Chuyện Tha Thứ 1 – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/03/chuyen-tha-thu.html
 Chuyện Tha Thứ 2 – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/07/chuyen-tha-thu.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment