Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2019

NGỤ NGÔN MÙA CHAY

Mùa Chay là mùa quan trọng, Giáo Hội gọi là Mùa Chay Thánh, trong thời gian này thường có những ngày tĩnh tâm – quen gọi là Tuần Đại Phúc. Thế thì quan trọng thật. Nhưng không chỉ có vậy, Mùa Chay còn quan trọng vì liên quan cả thân phận lẫn số phận của chúng ta – những con người mang thân phận bụi tro, nhưng số phận của mỗi người có thể biến đổi tùy vào cách sống mình lựa chọn. Số phận này không chỉ tạm thời mà còn ảnh hưởng đời đời.
Thiên Chúa đã chứng mình lòng thương xót bao la, bất biến và vô tận của Ngài dành cho chúng ta. Điều đó được Chúa Giêsu bày tỏ qua ba dụ ngôn về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa – Con Chiên Bị Mất, (Lc 15:4-7) Đồng Bạc Bị Mất, (Lc 15:8-10) và Người Cha Nhân Hậu. (Lc 15:11-32) Cuối cùng, không phải là dụ ngôn hoặc ngụ ngôn mà là sự thật hiển nhiên, cách chứng minh đặc biệt nhất và cụ thể nhất: Chúa Giêsu chịu chết trên Thập Giá để cứu độ nhân loại – trong đó có mỗi tội nhân chúng ta.
Số phận chúng ta đã được biến đổi, nhưng chúng ta có biến đổi hay không lại là chuyện khác. Vì di truyền loại AND tội lỗi từ ông bà nguyên tổ, chúng ta dễ hướng theo cái xấu. Tự hoàn thiện giống như lên dốc, khó lắm, thế nên luôn phải cố gắng; còn buông thả thì giống như xuống dốc, dễ lắm, chẳng cần cố gắng chi cả.
Tội lỗi và xu hướng xấu liên quan chước cám dỗ, cám dỗ liên quan ma quỷ, nhưng chúng ta có đồng thuận hay không là chuyện riêng của mỗi người.
1. MEN RƯỢU
Người Pháp có truyện cổ khá “thú vị” liên quan rượu. Truyện kể rằng khi ông Nôê trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi:
– Ông đang trồng cây gì thế?
– Cây nho.
– Nó có ích lợi gì không?
– Có chứ. Trái nho vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho, ta còn có thể làm ra rượu giúp người ta hưng phấn nữa.
– Ồ, vậy thì để tôi giúp ông.
Nói là làm. Satan liền giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Nó lấy máu của chúng tưới vào gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Ông Nôê lấy những trái nho từ cây nho đó để làm rượu.
Từ đó trở đi, khi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử; uống thêm nữa thì sẽ ngu đần như con lừa; và nếu uống thêm nữa thì hoàn toàn xấu xa như con heo vậy.
Truyện ngụ ngôn thật ý nghĩa, có ý cảnh báo con người về việc lạm dụng rượu. Tự bản chất rượu (và các loại có chất men) không xấu, nhưng nó bị tiếng xấu oan, bởi vì người ta sử dụng không đúng cách nên mới tác hại. Như vậy, người ta xấu chứ rượu không xấu.
Tác hại của rượu thì khỏi phải nói thì ai cũng biết, thậm chí vì sa đà với men rượu mà sinh đủ thứ tội. Tuy nhiên, nếu sử dụng rượu hợp lý thì có nhiều lợi ích: giảm rối loạn tiêu hóa, ngăn ngừa trầm cảm, ngăn ngừa loét dạ dày tá tràng, ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt, ngăn ngừa sỏi mật, ngăn ngừa rối loạn cường dương, giảm bệnh tiểu đường, ngăn ngừa đau khớp, ngăn ngừa loãng xương, giảm nguy cơ tử vong sau một cơn đau tim cấp, giảm mỡ máu, tăng HDL-cholesterol có lợi cho sức khỏe, tăng thính lực, tăng trí nhớ,...
2. MƯU KẾ
Có anh chàng nọ lười biếng nên rảnh rỗi, không biết làm sao vui thú nên sinh ra buồn bã. Biết thế, Satan hiện ra hứa sẽ làm cho anh ta vui vẻ, nhưng phải làm theo một trong ba điều kiện của nó. Anh ta hỏi đó là điều kiện gì, nó liền rỉ tai nói nhỏ:
– Một là giết mẹ, hai là giết vợ, ba là uống rượu.
Anh ta nhíu mày, bóp trán, suy nghĩ về ba điều kiện Satan đưa ra: “Mẹ là người sinh dưỡng mình, là con thì không thể bất hiếu với tội ác tày trời như vậy. Vợ là người yêu thương và đồng lao cộng khổ, chia vui sẻ buồn với mình, không thể nhẫn tâm như vậy, vả lại vợ còn là “chiếc xương sườn” của mình, một phần thân thể của mình. Thế thì chỉ còn điều kiện cuối cùng là uống rượu, không hại gì ai.”
Thế là anh ta uống rượu để giải sầu, để có niềm vui. Uống chút rượu rồi, anh ta thấy hưng phấn, anh ta uống thêm và uống thêm… Cứ thế và cứ thế, sầu chẳng hết mà vui cũng chẳng thấy đâu. Mẹ và vợ thấy anh ta sa đà nghiện ngập như thế nên can ngăn. Anh ta bực mình, lấy dao chém chết cả mẹ và vợ.
Khi tỉnh rượu thì mọi chuyện đã rồi, anh ta sập bẫy của ma quỷ mà cứ tưởng rượu vô hại. Còn Satan đắc thắng và đắc lợi. Satan rất ranh mãnh với đủ kiểu mưu thâm kế độc, xem chừng rất bình thường nhưng vô cùng nguy hiểm. Phải luôn cảnh giác cao độ, bởi vì Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26:41; Mc 14:38)
3. MẬT NGHỊ
Sau nhiều vụ bất thành, quỷ vương quyết định triệu tập một cuộc họp khẩn cấp để kiểm tra tình hình cám dỗ để có chiến lược cám dỗ tinh vi hơn. Đây là “mật nghị,” những ai không có trách nhiệm không được vào phòng họp, kể cả các ký giả. Các quỷ lần lượt báo cáo với quỷ vương về công việc của mình trong thời gian qua.
QUỶ 1: Thưa sếp, em đã cám dỗ người ta về điều răn thứ sáu, nhưng họ chống trả quyết liệt bằng cách không ngừng cầu nguyện mọi nơi và mọi lúc. Thưa sếp, em xin chịu thua, sếp có phương kế gì khác thì cho em biết để em quyết tâm “thua keo này thì bày keo khác.”
QUỶ 2: Thưa sếp, em cũng đã cám dỗ người ta về lòng tự phụ, tính kiêu ngạo, ngang bướng, không vâng lời. Thế nhưng người ta cũng chống trả mạnh mẽ bằng cách cầu nguyện liên lỉ và đọc kinh Mân Côi. Thế là em đành bó tay, hết đường làm ăn. Xin sếp hướng dẫn biện pháp khác để em thi hành.
QUỶ 3: Thưa sếp, em được phân công theo cám dỗ một giáo dân về lòng tham lam của cải vật chất thế gian, nhưng cũng như trường hợp hai bạn quỷ của em vừa báo cáo, ông này cũng lấy việc cầu nguyện làm vũ khí chống trả ghê gớm, em đành chào thua rút lui ạ!
QUỶ VƯƠNG: Thôi, đủ rồi. Chúng mày đi sai đường lối chính sách từ sừng đến đuôi. Đã có lệnh mới, chúng mày quên béng rồi à? Đừng có cám dỗ người ta theo những phương án tiêu cực và thụ động ấy nữa, xưa rồi! Chiến lược mới bây giờ là phải làm ngược lại, hết sức tích cực và chủ động, nghĩa là phải khuyến khích chúng nó giữ đạo cho sốt sắng, làm việc bác ái cho hăng, để rồi có ngày chúng nó sẽ tự mãn và kiêu ngao. Bấy giờ ta mới tung chiêu quyết định giành thắng lợi, hiểu chưa? Đồ quỷ ngu!
Đây chỉ là câu chuyện tưởng tượng nhưng cũng mang tính thực tế. Câu chuyện có ý nhắc chúng ta luôn phải cẩn trọng, cố gắng tỉnh thức, đừng khinh suất, và chớ ảo tưởng về chính mình. Điều quan trọng là đừng bao giờ bỏ cầu nguyện, vì cầu nguyện là linh khí khả dĩ chiến thắng ma quỷ. Và đừng quên kiêu ngạo là “ngòi nổ” làm tan tành hết những gì đã dày công xây dựng lâu nay. Thật đáng sợ!
4. VĨ NGÔN
Truyện kể thâm thúy về quỷ vương Luxiphe thế này: Sau khi bị Thiên Chúa trừng phạt, Luxiphe rất tức giận, lửa căm thù sôi sục trong lòng nên hắn tìm cách để cám dỗ các tín nhân. Một hôm, hắn cảm thấy phải lấy vợ gấp để có con gái gả cho loài người, nhờ đó có thể kéo nhiều chàng rể loài người xuống hỏa ngục.
Chẳng bao lâu, Luxiphe kiếm được cô nàng Bất Chính và lấy làm vợ. Rồi họ sinh được bảy cô con gái, mỗi cô mỗi nét đặc thù riêng với cá tính cũng “lạ lùng,” chẳng lẫn lộn với cô khác.
Cô thứ nhất tên là Kiêu Kỳ, hắn gả nàng Kiêu Kỳ cho những người cầm quyền; cô thứ hai tên là Hà Tiện, hắn gả nàng Hà Tiện cho những người giàu có; cô thứ ba tên là Gian Dối, hắn gả nàng Gian Dối cho những người nghèo khó; cô thứ tư tên là Ghen Tương, hắn gả nàng Ghen Tương cho các nghệ sĩ; cô thứ năm tên là Giả Hình, hắn đặt nàng Giả Hình vào các dòng tu; cô thứ sáu tên là Háo Danh, hắn cho nàng Háo Danh chơi thân với nữ giới; cô thứ bảy tên là Dâm Ô, hắn không gả nàng Dâm Ô cho ai vì hắn muốn cô này có thể sẵn sàng ở với tất cả mọi người, không ngoại trừ ai.
Chắc hẳn rằng người chồng nào cũng đều thích thú với cô vợ hấp dẫn của mình, và họ cũng biết mình có họ hàng với các chị em khác của vợ mình. Ôi, thật kinh khủng! Vậy làm sao chúng ta có thể chiến đấu ngoan cường trong “cuộc chiến thiêng liêng” khi đối đầu với những cơn cám dỗ?
Một hôm, Thánh Antôn ẩn tu được thị kiến thấy vô số cạm bẫy khiến con người sa ngã, thánh nhân hoảng sợ và than thở: “Điều gì giúp ta tránh được các cạm bẫy đó?” Có một tiếng nói vang lên: “Đó là Đức Khiêm Nhường.”
Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn. Trong kinh Cải Tội Bảy Mối, mối thứ nhất dạy: “Khiêm nhường, chớ kiêu ngạo.” Đức khiêm nhường là viên đá góc tường, là nền móng vững chắc của “tòa nhà nhân đức.” Thiếu đức khiêm nhường, bất cứ lúc nào “cái tôi” cũng có thể nổi dậy – tức là tính kiêu ngạo, loại tính xấu đứng đầu và điều khiển các thói hư tật xấu khác. Do đó, khi thiếu đức khiêm nhường, người ta có thể phạm mọi thứ tội lỗi, bởi vì chịu áp lực điều khiển của “cái tôi” tồi tệ.
Thiết tưởng, có thể tóm lược với 3 mẫu tự T cho dễ nhớ: TÍN NGUYỆN – TỰ HẠ – TỰ HỐI. Nghĩa là cầu nguyện thành tín, khiêm nhường hoặc khiêm tốn, sám hối và ăn năn. Coi như đó là Chiếc Kiềng Mùa Chay có thể giúp chúng ta cân bằng tâm linh.
TRẦM THIÊN THU
Đêm Mùa Chay, 28-03-2019

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment