Thời gian luân chuyển, có lẽ thời gian cũng... “lữ hành” vậy. Tháng Giêng, tháng Hai,... tháng Chín, tháng Mười,... rồi tháng Chạp. Tứ thời, bát tiết tuần tự luân phiên theo Xuân, Hạ, Thu, Đông. Tình cảm con người cũng thay đổi: Hỷ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục.
Cuộc đời là một chuyến đi. Cuộc sống là một cuộc lữ hành. Ngày xưa, dân
Israel đã lữ hành qua sa mạc 40 năm để tiến vào Miền Đất Hứa. Các tín nhân cũng
là những lữ khách tiến tới Miền Đất Hứa vĩnh cửu – Thiên Đàng. Đời lữ hành phải
kiên trì.
Ngày nay, các Kitô hữu lữ hành qua Mùa Vọng để tiến vào Miền Giáng
Sinh, hân hoan mừng Con Chúa giáng trần làm người. Lễ Giáng Sinh không còn
riêng của Kitô giáo mà trở thành lễ hội của mọi người – không phân biệt tôn
giáo nào hoặc không theo tôn giáo nào. Vì thế, dần dần ý nghĩa thuần túy cũng
bị giảm sút, vì người ta chú trọng ngoại tại nhiều hơn nội tại, lo “phần nổi”
nhiều hơn “phần sâu.” Ngày nay, các Kitô hữu cũng bị “hút” vào vòng-xoáy-trần-tục
đó, kể cả người Công giáo. Đó là “hạt sạn” trong chiếc bánh vui Giáng Sinh.
Lễ Giáng Sinh rất đặc biệt, không chỉ đối với Tây phương, vì ngay sau
lễ Giáng Sinh là Tân Niên – một Khởi Đầu mới, mà còn với mọi người và mọi tôn
giáo, kể cả người vô thần, vì ngày nay người ta hầu hết đều chấp nhận Dương
Lịch là Công Lịch. Giáng Sinh là Mùa Hân Hoan, người ngoại cũng vui mừng. Điều
đó cho thấy Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa đích thực. Cứ công tâm
xem xét thì ai cũng nhận thấy: Không một vị thần linh nào, hoặc một “đạo
trưởng” nào của bất kỳ tôn giáo nào, được người ta “chú ý” và bày tỏ niềm hân
hoan đón mừng ngày sinh hoặc ngày kỵ, thế mà lễ Chúa Giáng Sinh luôn được mọi
người chào đón, mặc dù họ chỉ “ăn theo” hoặc vui mừng theo phần trần tục.
Giáng Sinh là dịp hướng tới Belem và lữ hành tới Belem, dù theo nghĩa
đen hay nghĩa bóng. Belem nhỏ bé mà quan trọng. Là vùng sâu vùng xa mà rất đặc
biệt, được nói tới từ xưa:
“Phần ngươi, hỡi Belem Épratha, ngươi nhỏ
bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ
mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.” (Mk
5:1) Và Tân Ước cũng đề cập: “Phần ngươi, hỡi Belem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ
nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh
tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời.”
(Mt 2:6) Vị Lãnh Tụ đó chính là Ngôi Hai Thiên Chúa – Đức Giêsu Kitô, Đấng
Thiên Sai, Đấng Cứu Thế.
Belem còn được gọi là Épratha, nằm cách Giêrusalem
4 dặm (gần 6,5 km) về phía Nam và cao gần 2.500 ft (762 m) so với mực nước
biển. Mặc dù đó là thành của Vua Đavít và Rakhen (vợ thứ hai của Giacóp) được
chôn cất ở đó. Nhưng vào thời điểm đó, nó được coi là một thành phố nhỏ. Tuyến
đường này đồi núi, rất khó di chuyển, nhưng được nhiều đoàn lữ hành sử dụng để
đi từ Giêrusalem tới Ai Cập.
Ông Giuse là hậu duệ Vua Đavít, đến từ Giuđa
bé nhỏ, nhưng ông và bà Maria đang sống ở Nadarét, thuộc Bắc Galilê, khi Maria
mang thai Chúa Giêsu. Khi Maria gần cuối thai kỳ, hoàng đế Augustô đã ra lệnh
điều tra dân số lớn buộc mọi người phải về quê của họ. Bởi thế, “ông Giuse từ
thành Nadarét, miền Galilê lên thành vua Đavít tức là Belem, miền Giuđê, vì ông
thuộc gia đình dòng tộc vua Đavít.” (Lc 2:4)
Một hành trình dài 97 dặm (hơn 156 km) là một
thử thách thực sự đối với Đức Maria và Đức Giuse, vì đường sá không trải nhựa
như bây giờ, trong khi họ đang ở trong phần đất của Đế chế La Mã. Lúc đó,
phương tiện di chuyển cho hai người chỉ có thể là lừa hoặc lạc đà. Vả lại, Đức Maria
mang thai 9 tháng rồi. Rất gian nan!
Phúc Âm không nói về phương tiện vận chuyển
mà hai ông bà sử dụng, nhưng chúng ta có thể nghĩ rằng ông bà có một con lừa chở
đồ dùng và thực phẩm. Có lẽ họ cũng đã ngủ vài đêm dưới trời đầy sao hoặc tại
các nhà trọ. Cuối cùng, họ không tìm thấy nơi nào để nghỉ nên đành đến một nơi giữ
động vật. Một hành trình mệt mỏi!
Lễ Giáng Sinh không chỉ nhắc nhở chúng ta về đức nghèo khó, mà còn về lòng can đảm với sự tận tụy của Đức Maria và Đức Giuse. Điều đó khiến chúng ta suy nghĩ lại về sự vất vả của việc di chuyển bằng ô tô hoặc máy bay để về thăm gia đình trong những ngày nghỉ lễ, nhưng chắc chắn chẳng thấm thía gì so với nỗi cực khổ của Đức Maria và Đức Giuse ngày xưa.
Theo lời kể của
Thánh sử Luca, trong vùng ấy có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức
đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa
chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một
tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã
sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em
cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm
trong máng cỏ.” (Lc 2:8-12)
Sau khi nghe thiên
thần báo tin, các mục đồng cùng nhau lữ hành tới Belem để thờ lạy Vua muôn vua.
Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng:
“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an
dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2:13-14)
Có lẽ rất ít
người có điều kiện để đến Belem cụ thể theo địa lý, nhưng chắc chắn ai cũng có
thể đến Belem để gặp Con Thiên Chúa ngay trong lòng mình, vì linh hồn của mỗi
người là Hang Đá mà Hài Nhi Giêsu muốn ngự vào, vì đó là “ngôi đền” mà Thiên
Chúa ưa thích.
Có những lữ khách
khác cũng miệt mài tìm kiếm Thiên Chúa, đó là các nhà chiêm tinh đi từ Đông
phương. Thánh Mátthêu
không xác định số người, chỉ nói “có mấy nhà chiêm tinh.” (Mt 2:1) đạo sĩ được mô tả là hậu duệ của Seth, con trai
thứ ba của Nguyên Tổ Adam. Theo các nhà nghiên cứu, họ là những người Ba Tư đến từ vùng đất bán thần thoại Shir (liên
quan Trung quốc cổ đại) và họ đã có một hành trình dài. Họ thuộc một giáo phái
tin vào việc cầu nguyện thầm lặng. Theo quy ước, người ta đồng ý gọi tên ba đạo
sĩ là Gaspar, Melchior và Balthasar. Người ta đã chờ đợi hàng ngàn năm để thấy “ngôi
sao lạ” xuất hiện, điều mà người ta tin là dấu hiệu báo Thiên Chúa xuống thế
làm người.
Nào, chúng ta
cùng đi Belem tham dự Sinh Nhật Ấu Chúa Giêsu, địa điểm là Hang Đá Tâm Hồn của
chúng ta. Đức Mẹ Maria và Đức Thánh Giuse tha thiết mời tất cả chúng ta tham dự
Dạ Tiệc Sinh Nhật đặc biệt này. Với lòng thành tín, chúng ta khởi hành cùng các
mục đồng và các đạo sĩ tiến về Belem, và đồng thanh: “Chúc Mừng Sinh Nhật Hài
Nhi Giêsu – Xin tạ ơn và tôn vinh Thiên
Chúa.”
Lạy
Thiên Chúa nhân lành, xin giúp chúng con kiên trì lữ hành miệt mài, luôn biết sống
nghèo khó, vững lòng tin cậy và hết lòng yêu mến Ngài trong mọi hoàn cảnh, để
nhờ Con Một Ngài mà chúng con được cứu độ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử
Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Sống Mùa Vọng – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/song-mua-vong.html
✽ Tu Dưỡng Mùa Vọng – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/12/tu-duong-mua-vong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment