Chắc hẳn nhiều người còn nhớ ít nhiều những câu chuyện lạ về “Nam Hải Dị Nhân,” một cuốn sách được đưa vào trong chương trình giáo dục trước năm 1975. Dị nhân là con người “khác thường,” không giống ai. Có người được coi là một “hiện tượng” về một lĩnh vực nào đó, có người “bị” coi là cấp tiến, nhưng họ thực sự là “siêu nhân.”
Nói chung, có nhiều cách “lập
dị” hoặc “kỳ dị,” có thể là “kỳ lạ” hoặc “kỳ quặc,” nhưng phong cách kỳ dị muốn
nói ở đây mang tính cách tốt lành và tích cực. Dù “khác người” ở lĩnh vực nào
hoặc với mức độ nào, theo hướng tiêu cực hoặc tích cực, thì vẫn bị người ta
ghét. Đời là thế!
TỪ
THÁNH GIOAN TẨY GIẢ…
Thánh Gioan Tẩy Giả được thụ thai cách
lạ lùng, khi ông bà Dacaria đã luống tuổi, ngoài tuổi sinh sản. Chính ông
Dacaria cũng không dám tin lời Thiên sứ nói. Thế nên ông “không nói được” cho
tới khi con trẻ Gioan được sinh ra, chính xác là sau khi ông cương quyết đặt
tên con trẻ là Gioan, dù cả gia tộc nội ngoại đều không ai đồng ý.
Nhân loại đã khao khát mong chờ Đấng
Cứu Thế suốt vài chục thế kỷ, bỗng dưng người ta thấy một con người “khác
thường” là Gioan Tẩy Giả, khác thường từ vóc dáng tới cách sống, từ trang phục
tới cách ăn nói, chắc hẳn là “người cõi trên” chứ chẳng là người thường, thế
nên người ta tò mò muốn hỏi cho biết đích xác người này có phải là Đấng Thiên
Sai mà họ mong đợi hay không. Vì còn “nghi ngờ” nên người ta mới phải hỏi: “Ông là ai?” Và khi được hỏi thì cần
được trả lời. Đó là lẽ tất nhiên! Nhưng khi biết rõ, chính Thánh Gioan Tẩy Giả
đã giới thiệu với mọi người về Đức Kitô: “Đây
là Chiên Thiên Chúa.” (Ga 1:36)
Câu hỏi “ông là ai?” của một số tư tế
và Lêvi được những người Do Thái sai đi điều tra rõ ràng, và họ đã trực tiếp
“ba mặt một lời” thẩm vấn chính Chàng Gioan. Nhưng Gioan chỉ lắc đầu và cười. Họ
càng thấy lạ, họ cố hỏi xem ngài có phải là người kia hay ông nọ hay không,
Gioan vẫn một mực từ chối: “Không.”
Không hiểu họ ác ý hay thiện ý mà vẫn không thỏa mãn, họ hỏi tới tấp, vả lại họ
còn phải trả lời cho những người đã sai họ đi, thế nhưng Thánh Gioan vẫn không
nhận mình là gì khác mà chỉ nhận mình là “tiếng hô trong hoang địa” (Ga 1:23)
và nói mình “không đáng cởi quai dép” cho Đấng đến sau ông. (Ga 1:27) Đó là tính
cách “độc đáo” của Thánh Gioan mà không thể lẫn lộn với bất kỳ ai khác. Nhìn Chàng
Gioan rất “bụi đời,” vô cùng giản dị, đến nỗi xem chừng te tua và tơi tả: “Mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da,
lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn.” (Mt 3:4)
Thấy vậy mà không phải vậy đâu nhé! Im
im vậy chứ thấy điều gì trái tai gai mắt là “phang” thẳng thừng, “phang” tới
bến, dù “đối tượng” là ai. Thánh Gioan Tẩy Giả bị ghét và bị giết chết chỉ vì bảo
vệ công bình xã hội, bảo vệ luân thường đạo lý.
Thánh sử Matthêu cho biết ngắn gọn
nhưng đầy đủ: Vua Hêrôđê đã bắt trói ông
Gioan và tống ngục vì bà Hêrôđia, vợ ông Philípphê, anh của nhà vua. Ông Gioan
có nói với vua: “Ngài không được phép lấy bà ấy.” Vua muốn giết ông Gioan,
nhưng lại sợ dân chúng, vì họ coi ông là ngôn sứ. Vậy, nhân ngày sinh nhật của
vua Hêrôđê, con gái bà Hêrôđia đã biểu diễn một điệu vũ trước mặt quan khách,
làm cho nhà vua vui thích. Bởi đó, vua thề là hễ cô xin gì, vua cũng ban cho.
Nghe lời mẹ xui bảo, cô thưa rằng: “Xin ngài ban cho con, ngay tại chỗ, cái đầu
ông Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm.” Nhà vua lấy làm buồn, nhưng vì đã trót thề,
lại thề trước khách dự tiệc, nên truyền lệnh ban cho cô. Vua sai người vào ngục
chặt đầu ông Gioan. Người ta đặt đầu ông trên mâm, mang về trao cho cô, và cô
ta đem đến cho mẹ.” (Mt 14:3-11)
Lạy
Thánh Gioan tẩy Giả, xin giúp chúng con biết noi gương Ngài sống giản dị và can
đảm bảo vệ công lý, dù phải thiệt thân. Amen.
…TỚI
ĐỨC GIÊSU KITÔ
Chúa Giêsu còn “bụi đời” hơn Thánh
Gioan Tẩy Giả! Mới sinh ra Ngài đã phải nằm đất: Sinh ra nơi hang lừa. Sinh nghèo,
sống nghèo, và chết nghèo. Con chồn còn có hang, chim trời còn có tổ, vậy mà
Vua các vua lại nghèo “thấy thương,” nghèo đến nỗi không có chỗ tựa đầu. (x. Mt
8:20; Lc 9:58) Ngài “không giống ai” và toàn “nói ngược,” thế nên Ngài bị người
ta ghét đến nỗi giết chết!
Cuộc đời Ngài đầy những “giai thoại
thật.” Sau khi phục sinh một người thanh niên đã tắt thở, Đức Giêsu trao anh ta
cho bà mẹ. (x. Lc 7:14-15) Chuyện chưa từng có xưa nay. Thấy vậy mọi người đều
kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng: “Một
vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân
Người.” (Lc 7:16) Dân chúng đã thấy “dị nhân” Gioan, nay lại thấy một “dị
nhân” khác đặc biệt hơn: Chàng thanh niên Giêsu, Chàng Thợ Mộc miền Nadarét.
Thế là lời đồn đại về Đức Giêsu được loan truyền khắp cả miền Giuđê và vùng lân
cận.
Nghe đồn, các môn đệ báo cho ông Gioan
biết tất cả những việc ấy. Thế rồi chính ông Gioan ngạc nhiên nên liền sai hai
môn đệ đến hỏi Chúa: “Thầy có thật là
Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:3; Lc
7:19) Họ đến gặp Đức Giêsu và nói: “Ông
Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy có thật là Đấng phải đến hay chúng tôi
còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:20) Lúc ấy, Chúa Giêsu chữa nhiều người khỏi
bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và làm cho nhiều người mù được thấy. Chắc
hẳn Ngài cũng lắc đầu và cười, nhưng Ngài không nói thẳng mà chỉ nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những
điều mắt thấy tai nghe: người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được
sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng.” (Lc
7:22)
Chúa Giêsu có cách nói “độc đáo,” Ngài
như con tắc kè vậy. Tại sao? Con tắc kè có thể thay đổi màu sắc tùy môi trường
để kẻ thù không thể phát hiện. Ca dao Việt Nam cũng có câu: “Người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại
nửa mừng nửa lo.” Thế mới “độc chiêu,” vì trả lời “có” hay “không” chưa
chắc là khôn khéo. Thật tuyệt vời với “chiêu tắc kè” như vậy!
Có thể lúc đó Thánh Gioan Tẩy Giả chưa
đủ tự tin nên mới sai đệ tử đến hỏi xem Chúa Giêsu có thật là Đấng phải đến hay
không. Đó cũng là lẽ thường tình, vì phàm nhân luôn yếu đuối và thiếu tự tin! Chúng
ta cũng vậy, nhiều lúc chúng ta đã và đang thiếu tự tin và “nghi ngờ” không
biết có phải Chúa đang hành động giữa các sự kiện cuộc đời hay không. Chính Thánh nữ Têrêsa có lúc chìm trong “bóng tối khô khan” của tâm hồn đã phải
thốt lên: “Nếu có Chúa thật, xin tha thứ
cho con.” Một ca khúc của cố nhạc sư Hùng Lân thật ý nghĩa, như một lời nhắc nhở
chúng ta: “Chúa có mặt trong lịch sử cuộc
đời, Chúa có mặt trong lịch sử đời tôi…”
Cuối cùng, Chúa Giêsu “láy” một câu: “Phúc thay người nào không vấp ngã vì Tôi.” (Lc
7:23) Con người quá yếu đuối, không chỉ nghi ngờ người khác mà đôi khi còn nghi
ngờ cả chính mình, luôn luôn và không ngừng sai lầm, ngay cả những người đạo
đức cũng lầm lỗi mỗi ngày bảy lần!
Lạy
Chúa, xin nâng đỡ và hướng dẫn chúng con trong Chân Lý Thiện Hảo của Ngài, xin
giúp chúng con nhận ra Chúa và can đảm thi hành Thánh Ý Ngài. Xin cho chúng con
biết Chúa để thêm yêu mến Chúa, xin cho chúng con biết chúng con để sẵn sàng từ
bỏ chính mình. Chúng con cầu xin nhân danh Đấng Thiên Sai, Thiên Chúa của chúng
con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Im Lặng Thánh – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/12/im-lang-thanh.html
✽ Bao Giờ Chúa Đến? – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/bao-gio-chua-en.html
✽ Khát Vọng Kiếp Người – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/khat-vong-kiep-nguoi.html
✽ Sống Mùa Vọng – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/12/cach-song-thanh-mua-vong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment