Chúa Giêsu đặt ra nhiều câu hỏi, Ngài không tìm một câu trả lời đơn giản. Đúng hơn, ý Ngài là thách thức chúng ta suy ngẫm, suy tư, nhìn vào bên trong chính mình và đi sâu hơn nữa. Trong Tin Mừng Thánh Luca, Chúa Giêsu hỏi một câu rất đáng suy nghĩ: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8)
Trong câu hỏi có vẻ đơn giản này, Chúa Giêsu
đang thách thức chúng ta suy nghĩ lâu dài. Đức Kitô muốn biết – liệu bạn có
truyền lại đức tin mà bạn đã nhận được cho con cháu mình với hy vọng rằng khi
Ngài trở lại, họ sẽ có mặt ở đó để chào đón Ngài?
Mô hình thông thường được mong đợi trong việc
truyền bá đức tin cho người khác bắt đầu từ chính gia đình. Thánh Phaolô cũng
đề cập đến việc truyền đạt đức tin này: “Tôi
nhớ lại lòng tin không giả hình của anh, lòng tin đã có nơi cụ Lôít, bà ngoại
anh, nơi bà Êunikê, mẹ anh, cũng như chính nơi anh, tôi xác tín như vậy.” (2
Tm 1:5)
Đây chính là “tầm nhìn đa thế hệ về việc
truyền giáo” mà Chúa Kitô đang mời gọi chúng ta thực hiện. Ngài muốn biết chúng
ta có cam kết trở thành môn đệ trung thành không chỉ quan tâm đến sự cứu rỗi
của chính mình mà còn sự cứu rỗi của con cái, cháu chắt, và cho tất cả con cháu
chúng ta trong các thế hệ mai sau hay không.
Là ông bà, đôi khi chúng ta lạc mất lời mời
gọi này, vốn dĩ là một chương mới trong ơn gọi của chúng ta. Trong nền văn hóa
thế tục của chúng ta, nhiều ông bà thường bỏ lỡ điều này. Rất nhiều người đã
bày tỏ với tôi rằng họ không hiểu rõ ràng về vai trò làm ông bà của mình và cảm
thấy lạc lõng trong thời gian nghỉ hưu. Nhiều người tin rằng công việc trở
thành người có ảnh hưởng tinh thần trong cuộc sống của con cháu chỉ thuộc về
những đứa con trưởng thành đã lập gia đình, khi họ rời tổ ấm và kết hôn hoặc
sống theo thiên chức riêng của mình trong cuộc sống thì công việc của họ đã
xong. Thái độ “tôi đã làm công việc của mình và bây giờ tôi giao nó cho những
đứa con đã trưởng thành của chúng tôi” trái ngược với mệnh lệnh tâm linh mà
Chúa Kitô yêu cầu chúng ta phải hành động như những người có ảnh hưởng tinh thần
đến con cháu chúng ta. Ông Môsê nhắc nhở dân Chúa: “Anh em hãy ý tứ và cẩn thận giữ mình đừng quên những điều mắt anh em
đã thấy, và suốt đời, đừng để cho những điều ấy ra khỏi lòng anh em; trái lại,
anh em hãy dạy cho con cháu anh em biết.” (Đnl 4:9) Không phải để thay thế
cho những đứa con đã trưởng thành đã lập gia đình của chúng ta mà lý tưởng nhất
là hợp tác với chúng.
Theo kinh nghiệm của tôi khi nói chuyện với
hàng trăm ông bà Công giáo trong 25 năm qua, chưa đến 1% trong số họ đã từng
được “hướng dẫn” hoặc giúp đỡ để hiểu tại sao họ lại cần truyền lại đức tin cho
các thế hệ tương lai và bằng cách nào họ có thể tiến hành để tạo sự khác biệt
trong đời sống tinh thần của cháu chắt. Tuy nhiên, đối với hầu hết, do không có
bất kỳ cách tiếp cận dựa trên đức tin nào, họ dựa vào cách tiếp cận gần như
hoàn toàn “thế tục” đối với việc làm ông bà. Một cách tiếp cận chủ yếu dựa trên
việc trở thành một kiểu người bạn cùng chơi và tài trợ nguồn quà tặng. Rõ ràng
không có gì sai khi lôi kéo cháu chắt tham gia các hoạt động vui chơi hoặc tặng
quà cho chúng, nhưng chỉ riêng cách tiếp cận đó thôi đã thiếu vai trò tinh thần
quan trọng mà ông bà được kêu gọi phải có trong cuộc sống của cháu chắt.
Quan trọng hơn, ông bà đại diện cho một trong
những nhóm dân số phát triển nhanh nhất trong Giáo Hội ngày nay. Với tư cách là
ông bà của đứa cháu 15 tuổi, tôi luôn tự hỏi: “Làm sao tôi có thể được trang bị tốt hơn, gắn bó sâu sắc hơn và có chủ
ý hơn, trong lời kêu gọi trở thành người có ảnh hưởng tinh thần cho nhiều thế
hệ đối với gia đình và cháu chắt của mình?”
Câu hỏi của Đức Kitô vẫn luôn là: “Bạn có đang làm mọi thứ trong khả năng của
mình để giúp truyền đạt đức tin cho các thế hệ tương lai?” Nhiều ông bà
phát triển mối quan hệ rất đặc biệt với con cháu của họ. Con cái đương nhiên
tin tưởng ông bà. Với mức độ hợp tác thích hợp với con cái đã trưởng thành, ông
bà có thể có sự ảnh hưởng đối với con cháu chỉ sau cha mẹ. Ông bà thực sự quan
trọng. Họ quan trọng nhất đối với Chúa Kitô và Ngài hy vọng họ tiếp tục di sản
đức tin.
DAN SPENCER III
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
SUY TƯ và THƯ GIÃN với TUỔI GIÀ
✽ Người Bạn Già – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/nguoi-ban-gia.html
✽ Tuổi Già – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/tuoi-gia.html
✽ Thương Tuổi Già – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/07/thuong-tuoi-gia.html
✽ Cao Niên Khôn Ngoan – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/10/nguoi-cao-nien-co-khon-ngoan-hon.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment