Yêu thương là điều kiện tiên quyết để có thể làm mọi thứ. Có yêu thương mới xứng đáng mệnh danh là con người. Vả lại, chính Chúa Giêsu cũng chỉ đòi hỏi yêu thương, vì đức ái là điều duy nhất để quyết định ai là Chiên và ai là Dê trong cuộc chung thẩm. (x. Mt 25:31-46) Và yêu thương cũng là nhân đức duy nhất còn mãi trong cuộc sống vĩnh hằng. (x. 1 Cr 13:13)
Tuy nhiên, đức ái
có vẻ đơn giản mà nhiêu khê. Lm.
Anthony de Mello phân tích: “Bác ái
thường chỉ là ngụy trang: Loại thứ nhất là ta dành cho mình cái khoái lạc của
việc làm thỏa mãn chính mình, gọi là
quy ngã; loại thứ hai là ta dành cho mình cái khoái lạc được làm thỏa mãn người khác, loại này tinh tế
hơn. Đây chưa phải bác ái mà là vị kỷ sáng suốt; loại thứ ba là làm điều tốt để
tránh cảm giác khó chịu, hành động
để khỏi bứt rứt. Đó là loại bác ái tệ hại nhất.” Coi bộ “căng” dữ nha, vì
không hề đơn giản chút nào!
Có thương mới
xót, có xót mới cứu, có cứu mới thoát. Chúa Giêsu thương người ta vất vưởng,
như lúa chín mà không ai gặt, nên Ngài sai các môn đệ đi gặt “lúa linh hồn” về
cho Ngài.
Qua trình thuật Mt
9:36–10:8, thánh ký cho biết rằng Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương,
vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Rồi Ngài nói với
môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt
lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
Rồi Ngài gọi mười
hai môn đệ lại, ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng
và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền. Ngài sai họ đi và chỉ thị: “Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc
nhà Israel. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa
lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch
bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã ĐƯỢC CHO KHÔNG thì cũng PHẢI CHO KHÔNG như
vậy.”
Tình là thế, dù
là tình đời hay tình đạo. Nhạc sĩ Enrico Macias và thi sĩ Pascal-René Blanc đã
kết hợp với nhau để có ca khúc nổi tiếng “L’amour, c’est pour rien!” – tình cho
không biếu không, nghĩa là không được mua bán. William Arthur Ward (1921-1994) là nhà giáo dục người Mỹ và tác
giả cuốn “Fountains of Faith – Suối Nguồn Niềm Tin,” một trong những tác gia
được trích dẫn nhiều nhất về những câu nói truyền cảm hứng. Ông xác định: “Yêu còn hơn là danh từ – đó là động từ. Yêu
còn hơn là cảm xúc – đó là quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, hy sinh.”
Từ ngàn xưa,
Thiên Chúa đã ban Thánh Luật vì yêu thương. Không phải là Ngài làm “khó dễ” con
người, mà vì con người ngang ngược, thích phá bĩnh hơn ngoan ngoãn, thích cãi
lại hơn vâng lời, thế nên Ngài đành phải ra luật để như dây cương kìm hãm ngựa
chứng.
Xã hội phát triển
nhưng con người lại thoái hóa vì mê vật chất, bị sa vào chủ nghĩa duy vật mà
không hay biết. Giáo sĩ cũng không thoát, và phát sinh chủ nghĩa giáo sĩ – tức
là giáo sĩ trị (clericalism). Đó thói tệ hại và độc ác, chẳng khác gì chủ nghĩa
nô lệ ngày xưa. Trong thư
gởi ĐHY Marc Armand Ouellet, chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ Latinh, ĐGH
Phanxicô nhận định: “Thái độ giáo sĩ trị
không chỉ huỷ đi đặc tính của người Kitô hữu, mà còn dẫn đến việc giảm thiểu và
hạ thấp ơn bí tích Rửa Tội mà Chúa Thánh Thần đã đặt vào con tim của người tín
hữu. Giáo sĩ trị dẫn đến việc áp đặt chuẩn mực cho giáo dân, bằng cách đối xử
với họ như những ‘kẻ thừa hành.’ Giáo sĩ trị hạn chế những cố gắng và sáng kiến
phong phú để mang Tin Mừng vào những lĩnh vực khác nhau của hoạt động xã hội.
Giáo sĩ trị còn lâu mới tạo ra xung lực cho những đóng góp và sáng kiến khác
nhau, đồng thời nó dập tắt dần ngọn lửa tiên tri mà toàn thể Giáo hội được mời
gọi làm chứng trong tim người tín hữu. Giáo sĩ trị quên rằng tính hữu hình và
tính bí tích của Giáo hội thuộc về toàn thể dân Chúa, (x. Lumen Gentium,
9-14) chứ không chỉ thuộc về những người được tuyển chọn và những người thông
thái.”
Và trong diễn từ khai mạc Thượng Hội Đồng
Giám Mục về Giới trẻ ngày 03-10-2018, ĐGH Phanxicô nói: “Chủ nghĩa giáo sĩ trị phát xuất từ cái nhìn đặc quyền và ưu tuyển về
ơn gọi, theo đó chức vụ được nhận lãnh bị xem như là một quyền lực để hành xử,
hơn là một ân sủng nhưng không và quảng đại để phục vụ và trao ban. Chủ nghĩa
giáo sĩ trị khiến chúng ta tin rằng chúng ta thuộc về một tầng lớp cao cấp, có
tất cả các câu trả lời cho mọi vấn đề và không còn cần phải lắng nghe hoặc học
hỏi bất cứ điều gì. Chủ nghĩa giáo sĩ là một sự sa đọa của hàng giáo sĩ.” Thật kinh khiếp!
Ngày xưa, Israel nhổ
trại rời Rơphiđim tới sa mạc Sinai và dựng trại trong sa mạc, đối diện với núi.
Thiên Chúa hứa ban giao ước qua ông Môsê. Từ trên núi, Đức Chúa gọi ông và
phán: “Ngươi sẽ nói với nhà Giacóp, sẽ
thông báo cho con cái Israel thế này: Các ngươi thấy Ta đã xử với Ai Cập thế
nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta. Vậy giờ
đây, nếu các ngươi thực sự NGHE tiếng Ta và GIỮ giao ước của Ta, thì giữa hết
mọi dân, các ngươi sẽ là sở hữu riêng của Ta. Vì toàn cõi đất đều là của Ta. Ta
sẽ coi các ngươi là một vương quốc tư tế, một dân thánh.” (Xh 19:3-6a)
Như vậy, rõ ràng là
luật có sau con người, nghĩa là luật vị nhân sinh. Vì thế, không nên nệ luật mà
bắt ép con người. Câu nệ luật là phản yêu thương, phi bác ái, trái ngược với
Thiên Chúa nhân lành.
Dân Israel xưa là
“hình bóng” chúng ta ngày nay. Biết yêu thương và được yêu thương là hạnh phúc
nhất. Kitô hữu là những người biết yêu mến Chúa và được Ngài yêu thương, nghĩa là
có hạnh phúc. Vì thế, Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy phụng thờ Chúa với niềm hoan hỷ, vào trước thánh nhan Người giữa
tiếng hò reo. Hãy nhìn nhận Chúa là Thượng Đế, chính Người dựng nên ta, ta
thuộc về Người, ta là dân Ngài, là đoàn chiên Người dẫn dắt.” (Tv 100:2-3) Không
có lý do gì để chúng con “làm ngơ” Ngài. Vả lại, lý do rất rõ ràng: “Bởi vì Chúa nhân hậu, muôn ngàn đời Chúa
vẫn trọn tình thương, qua bao thế hệ, vẫn một niềm thành tín.” (Tv 100:5)
Phàm ngôn không thể
diễn tả đúng mức tình yêu Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thánh Phaolô cho biết:
“Khi chúng ta không có sức làm được gì vì
còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta.
Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người
lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn
là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương
chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng
ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.” (Rm 5:6-9) Và đó là
tình yêu vĩ đại nhất. (x. Ga 15:13)
Thánh Phaolô xác
nhận và giải thích: “Thật vậy, nếu ngay
khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người
phải chết mà cho chúng ta được hòa giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta
đã được hòa giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy.
Nhưng không phải chỉ có thế, chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức
Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hòa giải chúng ta với Thiên Chúa.”
(Rm 5:10-11)
Tình yêu thương kỳ
diệu và cần thiết. Không yêu người không chỉ là nói dối, mà còn là tội ác. Thánh
Gioan lý luận: “Phàm ai ghét anh em mình, ấy là kẻ sát nhân. Và anh em biết: không kẻ sát nhân nào có sự sống đời đời
ở lại trong nó. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được tình yêu là gì: đó là
Đức Kitô đã thí mạng vì chúng ta. Như vậy, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng phải
thí mạng vì anh em.” (1 Ga 3:15-16)
Lạy Thiên Chúa, xin ban cho chúng con máu huyết của
Ngài để chúng con có thể yêu thương như Ngài mong muốn. Chúng con cầu xin nhân
danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Vấn Đề Ngôn Ngữ – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/04/van-e-ngon-ngu.html
✽ Vấn Đề Bất Công – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/04/van-e-bat-cong.html
✽ Vấn Đề Trầm Cảm – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/09/van-e-tram-cam.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment