Friday, May 12, 2023

ĐIỀU THÁNH TÔMA AQUINÔ KHÔNG NÓI

Rất có thể vào ngày 6 tháng 12 năm 1273, người ta có thể phỏng đoán từ những tài liệu đáng tin cậy nhất, rằng một anh em Dòng Đa Minh là Dominic Caserta, đang phục vụ với tư cách là người phụ trách phòng thánh tại tu viện ở Naples, đã lẻn vào nhà nguyện Thánh Nicholas, để xem Tôma Aquinô có ở đó hay không – nghĩa là Dominic Caserta đã nhiều lần quan sát trước đây thấy Tôma Aquinô thích bí mật rời khỏi phòng trước giờ Kinh Sáng, lặng lẽ xuống cầu thang, đến nhà thờ để cầu nguyện trước khi các anh em khác đến. Giờ Kinh Sáng của các tu sĩ Đa Minh lúc 3 giờ sáng, vậy là chúng ta đang nói về khoảng 2 giờ sáng. Trời rất tối và lạnh.

Tuy nhiên, trong dịp này, Caserta không chỉ nhìn lướt qua trong nhà nguyện để xác nhận sự hiện diện của Tôma như vẫn thường làm, mà vì lý do gì đó, Caserta quyết định nhìn vào và quan sát cẩn thận hơn. Những gì nhìn thấy khiến Caserta kinh ngạc: Tôma quay mặt về phía Thánh Giá trong tư thế cầu nguyện, lơ lửng giữa không trung cách mặt đất khoảng gần 1m, dường như Tôma không biết mình đang lơ lửng.

Caserta biết rằng những người khác trong dòng đã nói về hiện tượng này rồi. Đặc biệt, một cộng sự của Tôma là Reginald, và một người anh em James nào đó, đã có lần chứng kiến ​​Tôma được nhấc lên khỏi mặt đất khoảng hơn 1m trên bàn thờ cao sau giờ Kinh Sáng. Nhưng Caserta kinh ngạc đến nỗi cứ đứng nhìn với vẻ sợ hãi – không biết trong bao lâu.

Sau đó, đột nhiên Caserta nghe thấy một giọng nói rất rõ ràng phát ra từ Thánh Giá và nói với Tôma: “Này Tôma, con đã viết hay về Ta. Vì thế, con muốn nhận được phần thưởng gì cho công việc đó?” Rồi Caserta nghe Tôma trả lời...

Thánh Tôma đã nói gì? Đó là câu chuyện phổ biến, lặp đi lặp lại hàng ngàn lần. Bạn có thể đã nghe rồi. Bối cảnh của câu chuyện, như được nêu ở trên, tôi đã lấy trực tiếp từ một trong những phần đời sớm nhất của Thánh Tôma, do Bernard Gui viết năm 1318 cho thủ tục phong thánh, khoảng 45 năm sau khi Thánh Tôma qua đời. Tôi đoán là bạn không biết rằng người viết tiểu sử của ngài đã đưa vào câu chuyện này nhiều phần để làm bằng chứng cho sự xuất thần của ngài cũng như cho cuộc trò chuyện nổi tiếng với Chúa Giêsu trên Thánh Giá.

Trong những câu chuyện phổ biến đó, chúng ta được biết rằng Thánh Tôma đã nói: “Domine, non nisi te.” Chúng tôi được biết rằng câu đó có nghĩa là “Lạy Chúa, không gì khác ngoài Ngài.” Nhưng Bernard Gui đưa ra câu khác, đó là Thánh Tôma nói: “Domine, non aliam mercedem reccipiam, nisi teipsum.” – “Lạy Chúa, con sẽ không nhận phần thưởng nào khác, nếu không là chính Chúa.”

Sự khác biệt là đáng kể. Trong các câu chuyện phổ biến, Thánh Tôma nói rằng ngài muốn và không mong đợi sự đền bù nào, rằng việc sở hữu Chúa là đủ – hãy gọi đó là “Thánh Tôma theo thuyết nhân cách” hoặc thậm chí có thể là “Thánh Tôma theo triết học Kant.” Ngược lại, trong lời kể của Gui, Thánh Tôma nói rằng ngài sẽ hài lòng với khoản bù đắp. Thậm chí dường như ngụ ý rằng ngài hy vọng điều đó. Nhưng ngài nói rằng ngài sẽ không hài lòng với bất kỳ khoản bù đắp nào không bao gồm việc sở hữu chính Thiên Chúa. Tóm lại, đó là một sự khác biệt trong việc khái niệm về công trạng và phần thưởng trên trời dọc theo mức kiếm được có trong suy nghĩ của Thánh Tôma hay không.

Nó giống như sự khác biệt giữa: Vợ bạn hỏi bạn muốn ăn bánh gì trong ngày sinh nhật, và bạn nói: (1) Tôi không muốn ăn bánh, tất cả những gì tôi muốn là bạn; hoặc (2) Tôi không muốn một chiếc bánh nào ngoại trừ chiếc bánh mà bạn đang nướng cho tôi và dành cho tôi.

Bernard Gui tiếp tục giải thích câu chuyện theo cách chắc chắn hỗ trợ cho cách giải thích thứ hai: Lúc đó Thánh Tôma đang viết phần thứ ba và cũng là phần cuối của bộ Tổng Luận Thần Học, trong đó ngài bàn về Nhập Thể, Giáng Sinh ra, Khổ Nạn, và Phục Sinh của Đức Kitô... Vì Chúa đã đặt ra câu hỏi này về sự đền đáp, nên ngài đã hiểu rằng công việc lao động vừa qua của ngài sẽ đánh dấu sự kết thúc công việc của ngài. Và thực sự ngài đã viết rất ít sau đó. Theo đó, ngài yêu cầu như một sự đền bù thích hợp, rằng khi ngài đến quê hương, ngài sẽ được bồi bổ với hương vị trọn vẹn nhất của Đấng mà trên con đường hành hương này, cuộc đời ngài đã được ngọt ngào như vậy.

Lời giải thích của Bernard Gui sử dụng ngôn ngữ dường như được rút ra từ các bài thánh ca Thánh Thể của Thánh Tôma, đặc biệt là bài “Adoro Te Devote.” Không gì đáng ngạc nhiên nếu người ta nhìn vào cuộc thảo luận về công đức của chính Thánh Tôma trong Tổng Luận Thần Học. (I-II, q. 114)

Nhưng chúng ta có thể hoàn toàn chắc chắn rằng nếu những lời của Thánh Tôma thực sự là “Domini, non nisi te” (như William Tocco, một người viết tiểu sử khác trước đó, đã nói như vậy) thì những lời này không có nghĩa là “Lạy Chúa, không gì khác ngoài Ngài.” Chữ “non” (không) là một phủ định từ, nó đòi hỏi một động từ để phủ định. Chữ “non” không phải là một danh từ, nihil, “không có gì.” Trong hơn 80 lần xuất hiện “non nisi” trong Tổng Luận Thần Học, nó luôn có nghĩa là “không phải là không có” và “không” cần có một động từ.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Bernard Gui nói đúng ý nghĩa. Các phiên bản khác nhau chỉ vì William Tocco đã viết theo cách nén, dựa vào ngữ cảnh để điền nghĩa, hoặc Bernard Gui mở rộng câu trả lời ngắn gọn của Thánh Tôma, giải thích chính xác ý nghĩa của nó, đã đưa ra câu hỏi. Hàng trăm phiên bản trên internet được đăng bởi các giám mục, tu sĩ Đa Minh, và thậm chí cả các học viện cổ điển, giải thích “non nisi te” là “không gì khác ngoại trừ Ngài” đều sai.

Có một số bài học rút ra từ điều này? Hãy tự học tiếng Latin để tham khảo các nguồn chính. Đừng quá tin tưởng vào những câu chuyện lặp đi lặp lại trên internet và lấy từ đó để tô điểm cho các bài giảng và bài phát biểu của mình. Câu chuyện có thật với những tình tiết lắt léo sẽ luôn thú vị hơn.

Nhưng trên hết, hãy noi gương Thánh Tôma hết sức trong việc cầu nguyện, sùng kính Thánh Thể và hy vọng được phần thưởng trên trời.

MICHAEL PALUK

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Trung tuần tháng 05-2023

No comments:

Post a Comment

Comment