Thứ Tư, 17 tháng 5, 2023

CHỨC VỤ HAY ĐỊA VỊ?

Khoảng thời gian giữa Lễ Phục Sinh và Lễ Hiện Xuống, nhiều bài đọc trong Thánh Lễ trích từ sách Công Vụ và nói đến Giáo hội sơ khai. Các bài đọc này cho thấy các tông đồ đã mạnh mẽ thi hành công việc mà các ngài được Chúa Kitô ủy thác như thế nào, trung thành hoàn tất bằng cách chuyển giao những gì chính các ngài đã nhận được từ Đức Kitô, từ việc sống với Ngài, và từ những gì Ngài đã làm, hoặc đã biết được nhờ sự thúc giục của Chúa Thánh Thần.

Do đó, lời rao giảng của các tông đồ được thể hiện một cách đặc biệt trong các sách được linh hứng và sẽ được gìn giữ bởi sự kế thừa không ngừng của các nhà truyền giáo cho đến tận thế. Vì thế, khi truyền lại những gì đã lãnh nhận, các tông đồ cảnh báo các tín hữu hãy giữ vững các truyền thống mà họ đã học được bằng lời nói hoặc qua thư từ, và chiến đấu để bảo vệ đức tin đã được truyền lại một lần là đủ. (x. Hiến chế Dei Verbum 7-8)

Chúng ta nhìn lại thời kỳ này với lòng tôn kính đặc biệt vì sự thân thiết mà các tông đồ đã chia sẻ với Chúa Kitô. Bắt nguồn từ nguồn gốc tông truyền đó, Giáo hội phải liên tục nhắc nhở mình về nhiệm vụ phải “giữ vững” truyền thống được truyền lại cho chúng ta.

Tôi muốn nói thêm rằng cũng có một đặc tính đáng chú ý mà chúng ta tìm thấy trong số những người tông đồ này – một đặc tính chắc chắn là tặng phẩm đặc biệt của Chúa Thánh Thần, nhưng dù sao cũng được thể hiện trong “những chiếc bình sành” phàm nhân. Đặc tính được linh hứng đó được thể hiện một cách đặc biệt trong Kinh Thánh, trong lối sống và cách thức tổ chức công việc trong Giáo hội sơ khai. Thế là Giáo hội tồn tại và phát triển, bất chấp sự bách hại.

Chúng ta tìm thấy một ví dụ cụ thể về đặc tính đó trong bài đọc từ sách Công Vụ: Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ lại và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống, là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.” (Cv 6:2-4)

Các tông đồ chỉ định các phó tế giúp đỡ một số vấn đề thực tế để họ có thể chuyên tâm cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa. Ngày nay rất nhiều ý nghĩa thông thường trong sự sắp xếp này dường như đã không còn.

Kết luận từ câu chuyện này có thể là: “Ồ, thật là một ý kiến hay! Chúng tôi đào tạo các linh mục để rao giảng lời Chúa và dạy đức tin. Nhưng họ thường có quá ít thời gian cho những việc đó vì họ bận rộn với những việc mà chúng tôi không huấn luyện họ làm, chẳng hạn như thanh toán hóa đơn, lát bãi đậu xe, gây quỹ và sắp xếp các cuộc họp. Vì vậy, sự khôn ngoan dường như ra lệnh rằng chúng ta cần các phó tế, hoặc một cái gì đó giống như họ, để làm những điều này nhằm giải phóng các linh mục để họ có thể cống hiến hết mình cho việc cầu nguyện và thừa tác vụ Lời Chúa.”

Nhưng thay vì phục vụ, chức phó tế giờ đây được một số người coi xét về địa vị của nó, và việc buộc Giáo hội phải cho phép phụ nữ làm phó tế là cái chốt mà họ muốn sử dụng để đưa phụ nữ vào chức linh mục. Nỗ lực đó gắn liền với một dự án lớn hơn nhằm đưa một số người vào các vị trí quyền lực trong phẩm trật của Giáo hội. Đáng buồn thay, kinh nghiệm cho thấy rằng những người muốn có các vị trí đó thường là những người cuối cùng trên thế giới mà bạn muốn điều hành bất cứ công việc gì.

Vấn đề này liên quan một trong những hiểu lầm tai hại về giáo huấn của Công Đồng Vatican II về giáo dân. Công Đồng kêu gọi giáo dân nên thánh trong phạm vi của họ. Việc phục vụ Giáo hội diễn ra khi giáo dân có gia đình, làm công việc của họ một cách trung thành, và quan tâm đến những người xung quanh. Chúng ta vẫn có những người nghĩ rằng “phục vụ Giáo hội” nghĩa là “tham gia” vào nhà thờ, đặc biệt là trong việc điều hành phụng vụ. Thay vì nhận ra rằng ơn gọi giáo dân đặc biệt diễn ra bên ngoài nhà thờ, trên thế giới, những người này lại lao đi tìm kiếm bàn thờ một cách điên cuồng để làm những việc mà linh mục thường làm. Đó không chỉ là sự hiểu lầm về ơn gọi giáo dân, mà còn gây ra các vấn đề khác nghiêm trọng hơn.

Khi bạn bắt giáo dân làm những việc mà các linh mục nên làm, như thể đó là điều mà Công Đồng muốn nói về “sự tham gia của giáo dân,” thì chính những người này lại muốn có thẩm quyền đối với nhiều thứ, kể cả giáo lý của Giáo hội. Vì hầu hết các giáo dân đang sống ơn gọi Kitô hữu của họ tại nơi làm việc, trong gia đình và khu vực của họ, nên họ không có thời gian cho những cuộc tranh cãi nhỏ trong Giáo hội về việc nên đặt nhà tạm ở đâu hoặc có nên có các lễ sinh nữ hay không. Vì vậy, những quyết định đó đôi khi được giao cho nhiều người, họ là những người cuối cùng trên thế giới mà bạn muốn điều hành bất cứ thứ gì.

Dường như đó là trường hợp của “đường lối công nghị” của Đức quốc. Những người có công việc thực tế và gia đình không thể dành toàn bộ thời gian của họ cho việc nhìn chằm chằm vào thể chế như vậy. Vì vậy, những người Công giáo tư sản có tiền và thời gian tùy ý sử dụng, những người quan tâm quyền lực thể chế hơn là Chúa Kitô, sẽ đi đến các cuộc họp bất tận và đọc những tài liệu vô nghĩa chứa đầy những điều vô lý. Không gì có thể khác xa hơn nội dung và tinh thần của Công Đồng Vatican II. Nhưng sau đó, những công việc như vậy ít liên quan sự trung thành với tông truyền. Đó là về trật tự phân hạng thể chế và ý muốn nắm quyền.

Có một câu nói vui cổ xưa thế này: “Ban đầu, Chúa Kitô đã thiết lập hệ thống cấp bậc và do đó đã làm quá đủ cho Giáo hội cho đến tận thế.” Mày mò sắp xếp thứ bậc đó dường như là nỗi ám ảnh của nhiều người “cấp tiến.” Đối với một số người trong chúng ta, điều này có vẻ giống như sắp xếp những chiếc ghế trên boong tàu Titanic. Khi con tàu chìm và nước biển lạnh dâng đến cằm, cần một loại quan chức đặc biệt để giải quyết, rằng điều cần thiết nhất bây giờ là một cuộc họp ủy ban khác.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment