Chủ Nhật, 11 tháng 12, 2022

GIỮ ĐẠO và SỐNG ĐẠO

Không biết vì “quen” hay “cố ý” mà chúng ta thường nói “giữ đạo.” Nếu chỉ “giữ đạo” thì quá đơn giản, quá dễ, còn “sống đạo” mới khó!

GIỮ ĐẠO là dạng sơ đẳng và tiêu cực, SỐNG ĐẠO mới là cao đẳng và tích cực. Sống đạo đúng nghĩa không hề đơn giản! Chúng ta giữ đạo chỉ cần làm dấu, đọc vài kinh (chứ chưa chắc cầu nguyện), tham dự phụng vụ trong nhà thờ, “đóng khung” từ cửa nhà thờ vào. Nhưng sống đạo không phải vậy, mà phải “đi vào đời” chia sẻ mọi điều với tha nhân, nghiêm túc từ trong ý nghĩ rồi mới phát tiết ra cử chỉ, ngôn ngữ, ánh mắt, thái độ và hành động. Khó lắm thôi!

Thật vậy, Thánh Giacôbê đã xác định: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết.” (Gc 2:17 & 26) Một câu Kinh Thánh… quá quen!

Học phải đi đôi với hành, lời nói phải đi đôi với việc làm, và đức tin cũng phải đi đôi với hành động để chứng tỏ đức tin đó sống động, chứ không thể nói suông!

Giáo lý Công giáo dạy: “Làm dấu Thánh Giá là tuyên xưng Chúa Ba Ngôi.” Thế nhưng có những người không hề làm dấu trước khi ăn, nhất là khi ăn ở hàng quán hoặc dự đám tiệc có nhiều người ngoại giáo chung bàn. Có người làm dấu nhưng tỏ vẻ rất miễn cưỡng, làm cho xong lần. Như vậy là “làm giấu” (giấu giếm) chứ đâu phải “làm dấu”! Việc giản dị vậy mà còn chưa dám thể hiện thì làm sao dám thể hiện những điều lớn lao hơn?

Tưởng cũng nên lưu ý là phải làm dấu đàng hoàng chứ không làm dấu chiếu lệ, làm dấu cho xong lần, làm dấu như robot, làm dấu như “đuổi ruồi”!

Vào nhà thờ, ai cũng tỏ ra khiêm cung, thành tâm lâm râm khấn nguyện, ra vẻ đạo đức, nhưng sau thời gian phụng vụ đó, chúng ta “vào đời,” hòa nhập vào xã hội xô bồ, vàng thau lẫn lộn, liệu chúng ta có can đảm “chuyển tải” được động thái đó để minh chứng là Kitô hữu đích thực? Nếu không thì động thái “thành tâm cầu nguyện” kia có thể chỉ là “ngã giá” và “ra điều kiện” với Chúa: “Xin Chúa ban cho con được cái này, cái nọ...”

Chính Chúa Giêsu đã khẳng định: “Không phải cứ ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ thì được vào Nước Trời, nhưng là người làm theo Thiên Ý.” (Mt 7:21) Cũng vậy, miệng luôn nói yêu thương tha nhân mà sao lại cho hòn đá khi họ xin bánh, sao lại cho con rắn khi họ cần trứng? Kiểu đó, theo cách nói của Thánh Phaolô, chỉ là tiếng kêu vang của thanh la, não bạt. (x. 1 Cr 13) Còn Đức Kitô cho đó là “mồ mả tô vôi.” (Mt 23:27) Đó là động thái giả nhân giả nghĩa, đạo đức giả, hoặc giả hình. Mà Chúa Giêsu lên án loại này rất nặng!

Kinh Thánh nói rất rõ, thậm chí nói theo nghĩa đen chứ không nói bóng gió, trực khởi chứ không lung khởi, đừng suy diễn lệch lạc và tự biện hộ cho động thái của mình. Trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu chỉ rõ: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35) Yêu nhau thì phải biết sống CHO NHAU, VÌ NHAU, và VỚI NHAU – với cả con tim và đôi tay rộng mở, thậm chí còn phải tha thứ 70 lần 7 (Mt 18:22) và yêu cả kẻ thù ghét mình. (Mt 5:44; Lc 6:27) Không gì đáng nói nếu chỉ yêu người yêu mình, thân thiện với người đồng quan điểm hoặc cùng phe với mình. Khó quá Chúa ơi!

Yêu thương luôn có hệ lụy với tha thứ. Sống đạo không chỉ giữ trọn ba đức đối thần (tin, cậy, mến) mà còn phải sống trọn các đức đối nhân nữa – yêu thương, tha thứ, nhân hậu, hiền hậu, hòa đồng, cởi mở, giúp đỡ, trách nhiệm,...

Đường vào Thiên Đường vừa thênh thang vừa hẹp, “thênh thang” vì chúng ta hoàn toàn được tự do chọn lựa, không bị ép buộc, nhưng “hẹp” vì phải sống tích cực theo Luật Yêu Thương của Thiên Chúa, phải dứt khoát và rạch ròi: “Ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh 3:16)

Quả thật, sự khôn ngoan của người đời là sự dại dột của Thiên Chúa, và sự dại dột của người đời lại là sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Hoàn toàn trái ngược nhau!

Chính Chúa Giêsu không giống ai, như một “gã điên,” luôn bị chỉ trích và bị chê trách là “không bình thường,” vì Tình Ngài cũng khác thường, khác đến nỗi thí mạng Ngài để chết cho chính những kẻ khinh ghét và giết Ngài chết một cách nhục nhã ê chề nhất. Thế nhưng Thánh Tâm Ngài luôn rộng mở, Tình Ngài quá bao la, sẵn sàng vâng lời đến chết trên Thập Giá!

Đó là Lòng Thương Xót vô biên của Thiên Chúa, Lòng Thương Xót đó lớn hơn tội lỗi của cả nhân loại, hoàn toàn kỳ lạ và vượt xa tầm hiểu biết của phàm nhân chúng ta!

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment