Phục vụ là chuyện có vẻ đơn giản, kiểu nói ngày nay gọi là “chuyện nhỏ,” thế nhưng lại vô cùng phức tạp. Đơn giản vì “dễ nói suông” và dễ chỉ tay năm ngón, nhưng lại quá nhiêu khê vì khó hành động. Quả thật, “ngôn hành song đôi” sao khó quá đi thôi!
Có lẽ cụm từ
“sống phục vụ” và “sống nghèo” thật đáng sợ! Nhưng ai làm được thì thật đáng
nể, vì họ đã nên giống Đức Giêsu Tình Yêu, Vua Phục Vụ và Vua Nghèo.
Chúa Giêsu giáng
sinh làm người để CƯ NGỤ giữa chúng ta, (Ga 1:14) để YÊU THƯƠNG chúng ta, để
CHIA SẺ mọi nỗi vui buồn với chúng ta, nói chung là để PHỤC VỤ chúng ta. Một vị
Chúa Tể càn khôn mà khiêm hạ đến vậy sao?
Chúa Giêsu nói: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm
người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em.” (Mt
20:26-27; Mc 10:43-44) Ngài không nói suông, không “chỉ tay năm ngón,” không ra
lệnh, mà Ngài làm thật: “Con Người đến
không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm
giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28; Mc 10:45)
Như vậy, phục vụ
là “điểm son” của đức tin. Vị Khai Sinh Đức Tin của chúng ta (Dt 12:2) đã hoàn
toàn phục vụ người khác, thậm chí là rửa chân cho các đệ tử của mình. (x. Ga
13:4-10) Cuộc đời Ngài luôn từ bỏ tất cả vì vinh quang Nước Trời và phục vụ mọi
người. Ngài không tìm ý riêng mà tìm ý của Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài (x. Ga
5:30). Các Tông đồ, từ Thánh Phêrô tới Thánh Phaolô, cũng đều là những người
phục vụ. Gương của Đức Giêsu, của các Tông đồ và các môn đệ thời sơ khai đều
coi trọng sự phục vụ.
Sự phục vụ là
điều tự nhiên đối với các Kitô hữu khi họ bắt đầu đánh giá cao những gì đã được
làm cho họ. Khi chúng ta dành tình yêu cho Đức Kitô càng sâu đậm, chúng ta càng
mong muốn phục vụ Ngài – phục vụ tha nhân là phục vụ chính Ngài. Chính đức tin
trưởng thành khiến chúng ta bắt chước Đức Kitô mọi cách. Ngài đã yêu thương và
phục vụ để chúng ta yêu thương và phục vụ. Chúng ta hành động vì người khác
trước, ngay cả trong những việc chúng ta cảm thấy không thoải mái.
Chương 2 trong
sách Công vụ nói nhiều đến việc phục vụ. Người ta phục vụ nhau bằng cách bán
những gì mình sở hữu để giúp người nghèo. (Cv 2:42-47) Động thái đó vẫn tiếp
tục trong thời kỳ đầu của Giáo hội: “Không
một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là
của chung. Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có
ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy
được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.” (Cv 4:32, 34-35) Đó là “đặc
điểm” để nhận biết các tông đồ. Thời gian trôi qua, Giáo hội phát triển và vẫn
luôn được khuyến khích phục vụ. (x. Rm 12:11; Gl 5:13; Dt 12:28; 1 Pr 4:10)
Thật lợi ích cho
các Kitô hữu biết coi việc phục vụ là điều cần thiết, Chúa Giêsu đã phục vụ
chúng ta hết mình thì rất đáng để chúng ta phục vụ người khác. Tự bản chất, phục
vụ là hy sinh. Những vĩ nhân được thế giới khâm phục và ca tụng cũng đều là
những người biết sống vì người khác, luôn sẵn sàng phục vụ người khác.
Chắc hẳn chúng ta
đã nhiều lần tự vấn: “Chúa Giêsu muốn gì
ở tôi?” Chắc chắn Thiên Chúa chỉ trả lời chân thật, ngắn gọn và thẳng thắn:
“Mọi thứ. Đừng giữ lại thứ gì cho riêng
mình.” Và Ngài đã làm gương: “Con
chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.” (Mt
8:20; Lc 9:58) Vậy đó!
Chúng ta đã “quen
tai” với lời kêu gọi của Đức Kitô: “Trước
hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những
thứ khác, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6:33) Vì “quen tai” và vì “biết tỏng” nên
chúng ta thấy bình thường, thậm chí có thể là “vô tác dụng.” Chúng ta cũng “quá
biết” chuyện người thanh niên giàu có muốn nên trọn lành, anh ta đã giữ mọi
giới luật từ nhỏ, Chúa Giêsu nói: “Anh
chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ
được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” (Mc 10:21) Nghe vậy,
anh ta “sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi,
vì anh ta có nhiều của cải.” (Mc 10:22)
Chúa Giêsu luôn
nói rất thật, không hề bóng gió, và Ngài nói riêng với từng người như vậy. Chính
của cải và gia đình lại là “chướng ngại vật,” (x. Mc 10:29-31; Lc 14:26) những
thứ đó cần thiết và là “vật bất khả ly,” nhưng lại khiến chúng ta không thể
phục vụ Chúa đúng mức!
Lời Chúa có lúc
làm chúng ta vui, nhưng thường thì Lời Chúa làm chúng ta “đau” và khiến chúng
ta “khó chịu” lắm! Tại sao? Vì Lời Chúa “cản trở” công việc của chúng ta, “cản
lối” những hoạch định tương lai của chúng ta, “cản mũi kỳ đà” những dự tính của
chúng ta. Và chúng ta lý luận là phải có thời gian dành riêng cho mình. Chúng
ta cho rằng Chúa đòi hỏi quá đáng. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta tham dự những
buổi phụng vụ ở nhà thờ, đọc kinh ở nhà, thăm viếng bệnh nhân, tham gia các hội
đoàn, đi làm từ thiện, dâng cúng tiền xây dựng nhà thờ, học lớp Kinh thánh, tìm
hiểu Giáo huấn Xã hội Công giáo, học khóa thần học,… Thế là đủ lắm rồi! Vì thế,
chúng ta có thể ảo tưởng, tự mãn nguyện với những gì mình làm mà hóa kiêu ngạo,
đôi khi có thể chỉ vì mình mà cứ tưởng vì Chúa!
Phục vụ Đức Kitô là
việc quan trọng hơn mọi thứ khác. Đó là bổn phận và trách nhiệm của chúng ta với
Chúa, phải là “ưu tiên số một.” Bởi vì chúng ta đều là tôi tớ, tước vị hay chức
vị chỉ mang tính xã hội, ai cũng chỉ là người mắc nợ qua Máu Thánh mà Ngài đã
đổ ra để cứu độ chúng ta thoát khỏi ách tội lỗi và sức mạnh của bóng tối (x. Cl
1:13). Chúng ta đã được cứu thoát bằng giá rất đắt (1 Cr 6:20; 1 Cr 7:23) vì đó
là “giá máu” của chính Đức Kitô, Thiên Chúa Ngôi Hai. (Cv 20:28) Mục đích của
chúng ta là trở thành “đầy tớ tài giỏi và trung thành,” (x. Mt 25:21) là những
người sẽ được Thiên Chúa trọng thưởng. (x. 2 Tm 4:6-8)
Quả thật, chúng
ta chẳng là gì, vì chúng ta quá yếu đuối! Chúng ta sẽ không bao giờ có thể đền
đáp Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa dành cho chúng ta. Mãi mãi chúng ta không thể thanh
toán hết món “nợ máu” đó. Hãy khiêm nhường thú nhận tội lỗi để xin Thiên Chúa
xót thương, chắc chắn chúng ta sẽ không phải thất vọng. Phục vụ nhau là cách đền
tội và tuân lệnh Đức Giêsu đã truyền. Đó là công lý và hòa bình!
Từ hang Bêlem tới
đỉnh đồi Can-vê, cuộc đời Chúa Giêsu trải dài và in đậm dấu ấn PHỤC VỤ: “Tôi đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng
sống làm giá chuộc muôn người.” (Mc 10:45)
Ngay tại Saigon,
nơi phố thị và người ta thường nghĩ ai cũng quen “phớt tỉnh Ăng-lê,” thế nhưng không
phải vậy. Các quán cơm với giá chỉ 2.000 đồng đang được nhân rộng ngày càng
nhiều để phục vụ dân nghèo, trong khi giá cơm bình dân rẻ nhất cũng phải 15.000
đồng hoặc 20.000 đồng. Chuyện “vì người nghèo” ngỡ như chỉ có trong cổ tích!
Quán cơm 2.000
đồng tại hẻm 14/1 trên đường Ngô Quyền hoạt động vào các buổi trưa thứ Ba, thứ
Năm, và thứ bảy hằng tuần. Tại đây, mỗi phần cơm có cơm và thức ăn (thịt, cá,
rau, canh), thậm chí mỗi phần ăn còn có thêm trái chuối lớn để tráng miệng… Đặc
biệt, mỗi thực khách đều được ăn cơm thêm và canh miễn phí. Có lẽ vào đây,
người ta được phục vụ chu đáo và có thể cảm nhận mình thực sự được coi là
“thượng đế” – dù ngoài xã hội, họ bị nhìn bằng “nửa con mắt.” Quả thật, Nhân Vị và Nhân Phẩm còn bị tước đoạt thì
nói chi tới Nhân Quyền!
Được biết, mỗi
buổi quán phục vụ hơn 500 suất ăn, thực khách không chỉ là các sinh viên, học
sinh, mà còn có cả trăm người dân nghèo (bán vé số, lượm ve chai, đạp xích lô,
chạy xe ôm,…) tới ăn. Vào giờ cao điểm, trong nhà chật ních người nên nhiều
người phải ngồi tràn ra cả con hẻm.
Có người còn mua
cơm ký giá 4.000 đồng, dùng ăn cả bữa trưa và bữa tối. Khu bếp sạch sẽ chứ
không như các tiệm ăn có vẻ “đàng hoàng” và sang trọng, nhưng đó chỉ là cái vỏ
ngoài, còn khu bếp núc thì… “hỡi ơi” lắm! Nhiều quán ra vẻ “lịch sự” mà không
hề có giấy lau muỗng, nĩa, đũa,... Vệ sinh tối thiểu cũng không có kia mà!
Ngoài ra, đi trên
đường còn thấy nhiều nơi có bình “trà đá miễn phí” cho khách vãng lai có thể tự
do giải khát khi cần trong cái nắng nóng oi ả và nóng bức. Một việc nhỏ nhưng
quan trọng. Đó là một cách thể hiện tình yêu thương, như ca dao có câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương / Người trong
một nước phải thương nhau cùng.” Hoặc: “Bầu
ơi! Thương lấy Bí cùng / Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.” Những
câu ca dao như vậy mang tính văn hóa cao và đậm chất nhân bản.
Những quán cơm
cho người nghèo và những bình nước miễn phí kia là thể hiện nhân đức yêu thương
như Chúa Giêsu đã dạy. Đồng thời, chính những người có tinh thần phục vụ kia
cũng đang tự hoàn thiện theo lệnh Chúa truyền: “Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt
5:48)
Thứ Tư, 15-5-2013, trong buổi tiếp kiến chung, ĐGH Phanxicô đã nhắc nhở các giám mục
và linh mục phải cẩn thận tránh xa cám dỗ, để có thể trở nên mục tử hữu hiệu, và
bảo vệ đàn chiên khỏi nguy hiểm. Ngài nói: “Nếu
chúng ta đi với người giàu, là chúng
ta đang đi về phía hư vô, chúng ta
sẽ trở thành chó sói, chứ không phải
người chăn chiên. Ngài cũng thúc giục tín hữu Công giáo cầu nguyện cho giám mục
và linh mục.”
Đúng vậy, vì
chính Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Hãy coi
chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt
chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai. Ở
bụi gai làm gì có nho mà hái? Trên cây găng làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt
thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu.” (Mt 7:15-17; Lc 6:43-45)
ĐGH Phanxicô là
người sống nghèo và sống phục vụ. Ngài đang là người canh tân Giáo hội Công
giáo. Cách hành động của ngài khiến nhiều người phải tự “sờ gáy” mình xem sao,
và ngài cũng có những câu nói rất “thẳng thắn” khiến nhiều người cảm thấy
“nhột” lắm. Chẳng hạn, ngài nói “bạo” thế này: “Tôi muốn một Giáo Hội ra khỏi
chính mình và gặp tai nạn, hơn
là một Giáo Hội bị thối mục từ bên
trong.”
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xấu hổ quá! Xin tha thứ
và giúp chúng con biết “nói ít, làm nhiều,” luôn can đảm sống phục vụ và sống
nghèo đúng với Tôn Ý Ngài!
TRẦM THIÊN THU
✽ Thiên Chúa Muốn Chúng Ta Phục Vụ Ở Đâu?
✽ Thiên Sứ của LCTX
✽ Noi Gương Mẹ Teresa Calcutta
✽ Khối Tình Vĩ Đại – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/09/khoi-tinh-vi-ai.html
✽ Mùa Vui – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/kinh-kinh-mung-nam-su-vui.html
✽ Mùa Sáng – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/suy-niem-nam-su-sang.html
✽ Mùa Thương – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/kinh-kinh-mung-nam-su-thuong.html
✽ Mùa Mừng – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/07/suy-niem-nam-su-mung.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment