Có nhiều loài động vật phải lột xác để phát
triển – rắn, cua, ve sầu, tắc kè, bướm,... Con người không lột xác nhưng cũng
phải thay đổi mạnh mẽ và dứt khoát như dạng “lột xác” vậy, đặc biệt vào mỗi Mùa
Chay.
Về động vật, tạp chí The National Geographic cho biết:
RẮN – Tùy vào độ tuổi, mỗi năm rắn lột xác từ
4-8 lần, nó nằm yên một chỗ, từ từ uốn thân để loại bỏ lớp da cũ. CUA – Trước
khi lột xác một ngày, cua bắt đầu hấp thụ nước biển để cơ thể bắt đầu phồng lên
như trái bóng, giúp nó mở rộng lớp vỏ cũ và tạo một đường nứt nhỏ, nó thu mình
lại nhiều lần và rút chân trước, tách hoàn toàn khỏi lớp vỏ cũ, quá trình lột
xác thường kéo dài trong vòng 15 phút. VE SẦU – Ấu trùng ve sầu trải qua 3-6
năm sống trong lòng đất, đến lần lột xác cuối cùng, nhộng chui ra và bò lên
cây, tự gồng mình làm nứt vỏ và từ từ chui ra theo phần lưng.
TẮC KÈ – Mỗi năm tắc kè lột da khá nhiều lần
vì lớp da cũ không đủ đàn hồi với sự phát triển của cơ thể, sau khi lột da nó
ăn lớp da cũ như phần ăn nhiều vitamin. BƯỚM – Sau 2-3 tuần ăn uống no nê, sâu
bướm lớn hơn sẽ nhả tơ kết thành kén, nó chui vào đó, thoát xác và hóa thành
nhộng. Khoảng 2 tuần sau, bướm cọ lưng vào kén tạo thành lỗ nhỏ để chui
ra, sau khoảng 60 phút, đôi cánh có kích thước đầy đủ, khô ráo và sẵn sàng để
bướm bay.
Như vậy, quá
trình lột xác cần thiết để thay da đổi thịt, chắc chắn phải chịu đau đớn. Về
thể lý, người ta muốn duy trì vẻ đẹp nên tìm cách để trì hoãn sự lão hóa, sẵn
sàng chịu tốn nhiều tiền để “được” mổ xẻ, bơm, đắp, hút, cắt,... thế nhưng cũng
chỉ được một thời gian, không thể vĩnh viễn. Vậy mà người ta vẫn chấp nhận để...
“coi được” hơn. Còn về tinh thần, tại sao lại không cố gắng để “đẹp” hơn trong
mắt Chúa?
Không gì bền vững,
tất cả mọi thứ đều biến đổi theo dòng thời gian. Người trẻ hóa già, người đẹp
hóa xấu, hoa tươi hóa héo, lá xanh hóa vàng, cổ thụ cũng khô,… Đá tưởng chừng trơ
trơ cùng tuế nguyệt, nhưng rồi đá cũng mòn vì nước chảy qua. Ngay cả tình cảm
của con người cũng có thể bị biến đổi: “Xa
mặt, cách lòng.” Tình cảm cũng thất thường với thất tình, lục dục.
Khi nói biến đổi,
có thể xuôi hay ngược, tiêu cực hay tích cực, nhưng người ta muốn nói đến chiều
hướng tích cực, tốt hơn. Cuộc sống có nhiều thứ cần biến đổi, nên Chúa Giêsu đã
nhắc nhở: “Anh em hãy nên hoàn thiện như
Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Mùa Chay là cơ hội
tốt để biến đổi, là hành trình hoàn thiện, là “mùa lột xác” để từ tội nhân trở
nên thánh nhân. Thiên Chúa khuyến cáo: “Các
ngươi PHẢI nên thánh và PHẢI thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh.”
(Lv 11:44; Lv 19:2; Lv 20:7) Đó là cách “lột xác” mà Thiên Chúa mong muốn.
1. BIẾN ĐỔI THEO GIAO ƯỚC
Có một cuộc gặp
gỡ đặc biệt giữa Thiên Chúa với ông Ápram và lời hứa của Ngài dành cho ông, đực
trình bày qua trình thuật St 15:5-12, 17-18.
Thiên Chúa đưa
ông Ápram ra ngoài và phán: “Hãy ngước
mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không. Dòng dõi ngươi sẽ
như thế đó!” Ông tin ngay, vì thế Đức Chúa kể ông là người công chính. Đức tin
làm cho phàm nhân xấu xa trở nên công chính. Chính Chúa Giêsu xác định là một
mối phúc: “Phúc thay những người không
thấy mà tin!” (Ga 20:19) Quả thật, đức tin vô cùng quan trọng!
Rồi Thiên Chúa
nói với ông: “Ta là Đức Chúa, Đấng đã đưa
ngươi ra khỏi thành Ua của người Canđê, để ban cho ngươi đất này làm sở hữu.”
Ông thưa: “Lạy Đức Chúa, làm sao mà biết
là con sẽ được đất này làm sở hữu?” Ngài nói: “Đi kiếm cho Ta một con bò cái ba tuổi, một con dê cái ba tuổi, một con
cừu đực ba tuổi, một chim gáy và một bồ câu non.”
Cuộc đối thoại
rất đơn giản và tự nhiên, không có gì cầu kỳ. Điều đó cho thấy Thiên Chúa rất
thân thiện với con người, và con người cũng rất chân thành. Đúng là “nhân chi
sơ tính bổn thiện.” Rồi ông Ápram kiếm cho Ngài tất cả những con vật ấy, xẻ đôi
ra, đặt nửa này đối diện với nửa kia; còn chim thì để nguyên con. Mãnh cầm sà
xuống trên các con vật bị giết, nhưng ông Ápram đuổi chúng đi. Lúc mặt trời gần
lặn, một giấc ngủ mê ập xuống trên ông Ápram; một nỗi kinh hoàng, một bóng tối
dày đặc bỗng ập xuống trên ông.
Khi mặt trời lặn,
màn đêm bao phủ, bỗng có một lò nghi ngút khói và một ngọn đuốc cháy rực đi qua
giữa các con vật đã bị xẻ đôi. Hôm đó, Đức Chúa lập giao ước với ông Ápram như
sau: “Ta ban cho dòng dõi ngươi đất này,
từ sông Ai Cập đến Sông Cả, tức sông Êuphơrát.”
Mặc dù nhân loại
bất xứng mà vẫn được Thiên Chúa yêu thương, được ký kết với Thiên Chúa. Và rồi
Thiên Chúa đã thay tên đổi họ cho ông Ápram, nghĩa là ông trở nên một con người
mới hoàn toàn: “Người ta sẽ không còn gọi
tên ngươi là Ápram nữa, nhưng là Ápraham, vì Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân
tộc.” (St 17:5) Thiên Chúa cũng muốn mỗi chúng ta phải thực sự biến đổi, từ
con người CŨ trở thành con người MỚI, đặc biệt là trong mỗi Mùa Chay Thánh.
Chúng ta sẽ khả
dĩ biến đổi nếu có Thiên Chúa, nhưng muốn có Ngài thì chúng ta phải đón nhận
Ngài – tức là phải tin Ngài. Cứ tín thác vào Ngài thì Ngài sẽ hành động, Ngài
sẽ soi đường dẫn lối, vì Ngài là Ánh Sáng Vĩnh Cửu, điều này được tác giả Thánh
Vịnh xác định: “Chúa là nguồn ánh sáng và
ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi
khiếp gì ai nữa?” (Tv 27:1)
Cn làm gia tăng đức
tin. Do đó, cần phải cầu nguyện liên lỉ và xin ơn phù trợ: “Lạy Chúa, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu, xin thương tình đáp lại.
Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan. Lạy Chúa, con tìm thánh
nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt. Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con. Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, lạy Thiên
Chúa, Đấng cứu độ con.” (Tv 27:7-9) Thật vậy, giả sử Ngài chỉ vắng bóng
trong tích tắc, mọi loài sẽ chết ngay lập tức!
Lời hứa của Thiên
Chúa là thật, chắc chắn sẽ nên trọn. Hãy tự động viên và lấy lại niềm tin: “Tôi vững vàng tin tưởng sẽ được thấy ân lộc
Chúa ban trong cõi đất dành cho kẻ sống. Hãy cậy trông vào Chúa, mạnh bạo lên,
can đảm lên nào!” (Tv 27:13-14) Tự giúp mình rồi trời sẽ giúp. Và hãy ghi nhớ
điều quan trọng này: “Dầu cha mẹ có bỏ
con đi nữa thì hãy còn có Chúa đón nhận con.” (Tv 27:10) Cuộc sống nhiêu
khê, không ít lần chúng ta đã thất vọng về chính mình, thậm chí có lúc như muốn
buông xuôi, cố gắng đừng chết trước khi tắt thở!
Con người dễ
thoái hóa nên cần biến đổi, chưa biến đổi là đối lập với Thập Giá, vì Thập Giá
là thuốc mạnh giúp “lột xác.” Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Xin hãy cùng nhau bắt chước tôi, và chăm chú nhìn vào những ai sống
theo gương chúng tôi để lại cho anh em. Vì, như tôi đã nói với anh em nhiều
lần, và bây giờ tôi phải khóc mà nói lại, có nhiều người sống đối nghịch với
thập giá Đức Kitô: chung cục là họ sẽ phải hư vong. Chúa họ thờ là cái bụng, và
cái họ lấy làm vinh quang lại là cái đáng hổ thẹn. Họ là những người chỉ nghĩ đến những sự thế gian.” (Pl
3:17-19) Chắc hẳn những điều này chẳng xa lạ gì, thế nhưng người ta nghe mãi
hóa quen tai. Vì thế, người ta vẫn tranh giành nhau mọi thứ, tranh chấp nhau
bằng mọi giá.
Thánh Phaolô phân
tích: “Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở
trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giêsu Kitô từ trời đến cứu chúng
ta. Người có quyền năng khắc phục muôn loài, và sẽ dùng quyền năng ấy mà biến đổi thân xác yếu hèn của chúng ta nên giống thân xác vinh hiển của Người.”
(Pl 3:20-21) Một cuộc biến đổi thú vị mà lại không dễ dàng chút nào, tức là
khó lắm, nhưng KHÓ không có nghĩa là KHÔNG làm được. Khó mà làm được mới có giá
trị.
“Từ bỏ chính mình
và vác thập giá”là điều kiện theo Chúa. (Mt 16:24; Mc 8:34; Lc 9:23)
Hạnh phúc nào cũng không thể thiếu đau khổ, niềm vui nào cũng có nỗi buồn,
thành công nào cũng do khổ luyện, nước mắt càng mặn thì nụ cười càng rạng rỡ. Tabor
chói lọi thì cũng có Canvê u ám. Đó là sự cân bằng hợp lý của đời thường.
Loại ổ khóa nào
cũng có chìa khóa, khó khăn nào cũng có cách xử lý, quá trình biến đổi cũng có
bí quyết, như Thánh Phaolô cho chúng ta biết: “Hãy kết hợp với Chúa mà sống vững vàng.” (Pl 4:1) Đơn giản nhưng
không đơn điệu, mà lại rất hiệu quả.
2. BIẾN ĐỔI CỤ THỂ
Ước muốn dẫn tới
hành động, lý thuyết dẫn tới kết luận, lời hứa dẫn tới việc làm,… Trình thuật
Lc 9:28-36 (≈ Mt 17:1-8; Mc 9:2-8) nói về cuộc hiển dung của Đức Giêsu. Các
nhân chứng là ba môn đệ thân tín: Phêrô, Gioan và Giacôbê. Chúa Giêsu muốn dẫn
chứng cụ thể để củng cố niềm tin cho họ, nhờ đó họ đủ can đảm mà hành động quyết
liệt, dứt khoát.
Chúa Giêsu dẫn ba
môn đệ lên núi. Đang lúc Ngài cầu nguyện, dung mạo Ngài bỗng đổi khác, y phục
Ngài trở nên trắng tinh chói lòa. Bỗng dưng có hai nhân vật đàm đạo với Ngài,
đó là ông Môsê và ông Êlia. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Ngài sắp hoàn thành tại
Giêrusalem. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các
ông thấy vinh quang của Đức Giêsu và hai nhân vật kia. Khi đó, ông Phêrô thưa
với Ngài: “Thưa Thầy, chúng con ở đây,
thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và
một cho ông Êlia.”
Quá hạnh phúc nên
ông không biết mình đang nói gì. Ông say sưa giữa không gian kỳ diệu, không thể
cảm nhận hết. Bản tính ông chất phác, thật thà, nghĩ sao nói vậy, ông quên mình
và chỉ nghĩ đến người khác. Tình yêu thương đã đạt tới đỉnh cao. Hạnh phúc
tuyệt vời!
Vinh quang đó chính
là vinh quang của Thiên Quốc, Chúa Giêsu cho ba ông được nếm thử để động viên
các ông làm nhân chứng về Ngài, và có trách nhiệm hướng dẫn người khác biến đổi
trên hành trình tâm linh. Trong khi ông Phêrô còn đang nói, bỗng có một đám mây
bao phủ các ông. Thật tiếc! Khi thấy mình ở giữa đám mây, các ông hoảng sợ. Nhưng
không sao, sự lạ đó là thật, không mơ hồ hoặc ảo giác. Và rồi còn lạ hơn nữa
khi có tiếng nói vang từ đám mây: “Đây là
Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người!”
Lời đó nghe được
rất rõ ràng. Nhưng tiếng phán vừa dứt thì chỉ còn thấy một mình Đức Giêsu. Các
môn đệ không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã thấy, theo lời dặn
của Thầy Giêsu. Từ đó, các ông thực sự được biến đổi, được “lột xác” hoàn toàn.
Một Phêrô yếu đuối trở thành một Phêrô can đảm phi thường.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng
con biết tận dụng thời gian thuận tiện này để có thể thay da đổi thịt từ trong
ra ngoài, tích cực hoán cải để xứng đáng là chứng nhân của Ngài giữa cuộc sống
nhiêu khê này. Xin giúp chúng con dám trút bỏ con người cũ để thành con người
mới. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân
loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
SUY TƯ VỀ ĐỨC THÁNH GIUSE
1. Đến Với Giuse – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/02/en-voi-uc-thanh-giuse.html
2. Đời Lặng Giuse – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/03/oi-lang-giuse.html
3. Đức Thánh Giuse Chết Thế Nào?
https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/uc-thanh-giuse-chet-nhu-nao.html
4. Đức Thánh Giuse Phản Ánh Tình Phụ Tử Của Chúa
https://tramthienthu.blogspot.com/2020/08/uc-thanh-giuse-phan-anh-tinh-phu-tu-cua.html
5. Đức Thánh Giuse – Đấng Công Chính
✽ Nghĩ Về Đức Thánh Giuse
✽ Suy Tư về Thánh Giuse
✽ Suy Tư Về Đức Thánh Giuse
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment