Ngày 1-5-2013, lễ kính Đức Thánh Giuse Thợ, Bộ Phụng tự
và Kỷ luật Bí tích đã ký sắc lệnh qui định từ nay tên Thánh Giuse được ghi thêm
vào Kinh nguyện Thánh Thể (Kinh Tạ Ơn). Sắc lệnh này được công bố ngày
19-6-2013.
Xin
được mở ngoặc một chút: Trong các bài viết, dịch thuật và thi ca – kể cả nhạc,
tôi “thích” dùng cách xưng hô với Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu là “Đức Thánh
Giuse.” Dĩ nhiên đây chỉ là cách riêng
của tôi mà thôi. Và rồi có một số người “dị ứng” với cách gọi này, cho rằng
xưa nay chúng ta quen dùng danh xưng Thánh Cả Giuse, có lẽ vì vậy mà người phụ
trách một website Công giáo ở Việt Nam (không biết tuổi nhỏ hay lớn) đã gởi
mail cho tôi và “thắc mắc”: “Tại sao có
cách gọi là Đức Thánh Giuse mà không là Thánh Cả Giuse?”
Khoảng
năm 1973-1975, tôi nhớ có đọc một cuốn sách có tựa là “Đức Thánh Giuse, Phu
Quân Đức Mẹ,” rất tiếc là bây giờ tôi không còn nhớ được tên tác giả. Khi đó,
tự dưng tôi rất ấn tượng, và cách gọi đó đã “ăn sâu” trong tâm trí tôi. Riêng
tôi thấy cách gọi đó không chỉ HAY mà còn HỢP LÝ.
Theo
kiến thức thô thiển của tôi, về danh xưng trong Việt ngữ, khi dùng từ ĐỨC trước
một danh xưng là để tỏ lòng kính trọng, vì người đó có uy tín “lớn.” Trong Anh
ngữ, Pháp ngữ,… tôi không thấy có từ “Đức” riêng biệt như Việt ngữ. Chúng ta
dùng cách gọi Đức Giavê, Đức Chúa Cha, Đức Chúa Con, Đức Chúa Trời, Đức Chúa,
Đức Giêsu, Đức Kitô, Đức Chúa Thánh Thần, Đức Thánh Linh. Tất nhiên về Thiên
Chúa thì “miễn bàn,” khỏi phải tranh luận, thậm chí danh xưng đó chỉ là cách
diễn đạt của con người, ngôn từ trần gian chỉ đến vậy, chưa hoàn toàn xứng tầm
với Thiên Chúa.
Tiếp
theo, chúng ta dùng từ “Đức” với một thụ-tạo-đặc-biệt là Đức Mẹ Maria, Đức
Maria, Đức Trinh Nữ. Là Mẹ Thiên Chúa thì cũng dễ hiểu. Vậy sao chúng ta chỉ
dùng Thánh Giuse hoặc Thánh Cả Giuse, là Dưỡng Phụ của Chúa Giêsu và là Phu
Quân của Đức Mẹ, mà lại không dùng danh xưng Đức Giuse hoặc Đức Thánh Giuse?
Ngài âm thầm, khiêm nhường, nhịn nhục, lặng lẽ, không nói gì, nên bị lãng quên
và bị… “coi thường” chăng? Với các thánh khác, chúng ta cũng chỉ dùng từ
“thánh”: Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, Thánh Gioan, Thánh Anna, Thánh Têrêsa,…
Với
những người còn tại thế, còn đầy bản-chất-con-người, nghĩa là còn khả năng sai
lầm và phạm tội, chưa thực sự là thánh nhân, nhưng chúng ta vẫn dùng từ “Đức”
trước các danh xưng. Công giáo có Đức Giáo hoàng (thậm chí là Đức Thánh Cha),
Đức Hồng y, Đức Tổng Giám mục, Đức Giám mục (Đức Cha), Đức Khâm sứ, Đức Ông,
Đức Viện phụ. Ông lớn hơn Cha, sao Đức ông lại “nhỏ” hơn Đức cha? Có mâu thuẫn?
Chính thống giáo có Đức Thượng phụ. Phật giáo có Đức Phật, Đại đức (không chỉ
“đức” bình thường mà còn “đại”). Cao đài giáo có Đức Giáo chủ. Về phần đời có
Đức Vua. Và một số vị nổi tiếng như Đức Khổng tử, Đức Dalai Lama,… Ngay cả
người chồng bình thường đôi khi còn được gọi bằng mỹ từ Đức Lang quân kia mà!
Dùng từ “Đức” là để kính trọng, còn dùng từ “Cả” khi gọi Thánh Cả, vậy là có
Thánh “Thứ” (mức độ “nhỏ” hơn hoặc “thấp” hơn). “Cả” là từ miền Bắc. Ngôn ngữ
miền Nam và miền Trung gọi là “hai”, nếu vậy có thể (hoặc “phải”) gọi Dưỡng phụ
của Chúa Giêsu là Thánh Hai – kiểu Anh Hai, Chị Ba, Cô Tư, Thím Bảy, Dượng Út,…
Một anh bạn của tôi lý luận: “Trong từ
Thánh đã ngụ ý từ Đức.” Tôi hỏi lại: “Vậy
tại sao gọi Đức Thánh Cha?” Người đó không trả lời được và nói: “Thôi, cứ để Thánh Linh tác động.” Hòa
vốn! Huề cả làng!
Nói
là nói vậy thôi. Ngôn ngữ nào cũng có những rắc rối và chưa đủ chuẩn để diễn
đạt! Ngay cả từ CHÚA trong Việt ngữ cũng chưa đủ diễn tả mức độ cao nhất của
Chúa. Vì thế, khi người Pháp sang truyền giáo ở Việt Nam, họ phải thêm chữ Dieu
(Chúa, đọc là đi-ơ), người Việt đọc thành “diêu,” rồi ghép thành “Chúa Dêu.” Ngày nay không còn dùng từ “Chúa Dêu” nữa.
Nếu
dùng từ “Đức” làm mức cân-đo-đong-đếm thì Dưỡng Phụ Giuse còn bị “lép vế” lắm,
“thua” cả những người còn sống trên trần gian này. (!) Thiết tưởng cách xưng hô
Đức Giuse, Đức Thánh Giuse hoặc Đức Phu Quân là hợp lý, không có gì là thái
quá, chẳng qua là do nghe chưa “lọt tai” và đọc lên còn cảm thấy “trúc trắc,” bởi vì chúng ta đã quá quen với cách gọi cũ. Mà thay đổi một “nếp nghĩ” hay một
thói quen đã lâu hẳn là không dễ chút nào vậy!
Trở
lại vấn đề trên đây. Sắc lệnh của Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích cho biết thêm rằng
đã có những lời thỉnh cầu của nhiều tín hữu Công Giáo ở khắp thế giới muốn Giáo
hội phê chuẩn việc ghi thêm tên Thánh Giuse sau tên của Đức Maria.
Và Thánh
Bộ quyết định: “Thánh danh Giuse, Phu
Quân Đức Trinh Nữ Maria, từ nay được điền thêm vào các Kinh Nguyện Thánh Thể
II, III và IV của kỳ xuất bản thứ ba Bộ Sách Lễ Rôma, sau Thánh danh Đức Maria
Trọn Đời Đồng Trinh.”
Chuyện
ngắn gọn là thế, nhưng có gì đó không như thế, mà lại khác thế. Lâu nay Đức Thánh
Giuse bị quên lãng, nay mới chính thức được nhắc tới một cách trịnh trọng!
Với
nỗ lực cố gắng giữ Chúa Giêsu không bị tách khỏi đời sống con người bình
thường, từ đầu Giáo hội đã nhấn mạnh rằng Chúa Giêsu là thợ mộc “chính hiệu con
nai vàng,” chuyên nghiệp đàng hoàng, được Đức Thánh Giuse đào tạo cả về nhiệm
vụ lẫn sự vất vả của nghề nghiệp. Con người giống Thiên Chúa không chỉ về suy
nghĩ và lòng yêu thương mà còn về cách sáng tạo được thể hiện qua công sức lao
động hằng ngày. Dù chúng ta đóng một cái bàn hay làm một thánh đường, chúng ta
vẫn được mời gọi sinh lợi từ đôi tay và khối óc của mình, đặc biệt là xây dựng
Nhiệm thể Đức Kitô.
Kinh
thánh “tặng” cho Đức Thánh Giuse danh hiệu cao quý nhất: Đấng Công Chính. Phẩm
chất đó có ý nghĩa hơn lòng trung tín trong việc thanh toán nợ nần.
Khi
Kinh thánh nói về Thiên Chúa là Đấng “bào chữa,” nghĩa là Thiên Chúa chí thánh
và “công chính” cũng biến đổi một người đã chia sẻ cách nào đó về sự thánh
thiện của Thiên Chúa, và người đó cũng thực sự “công chính” vì được Thiên Chúa
yêu thương. Nói cách khác, Thiên Chúa không đùa giỡn, Thiên Chúa hành động như thể chúng ta đáng yêu ngay khi chúng ta không
đáng yêu.
Khi
nói Đức Thánh Giuse công chính, Kinh thánh có ý rằng ngài là người mở rộng tấm
lòng với tất cả mọi điều mà Thiên Chúa muốn thực hiện nơi ngài, và ngài nên thánh nhờ mở rộng tấm lòng mình ra
với Thiên Chúa. Phần còn lại chúng ta có thể dễ suy đoán. Hãy nghĩ về dạng
tình yêu mà ngài đã “tán tỉnh” và được lòng Đức Mẹ, độ sâu của tình yêu mà hai
người chia sẻ trong đời sống hôn nhân.
Không
có mâu thuẫn trong sự thánh thiện của Đức Thánh Giuse mà ngài muốn “ly dị” Đức
Mẹ khi ngài thấy “người yêu” có thai đột xuất. Những từ quan trọng trong Kinh thánh
là ngài “định tâm lìa bỏ” vì ngài là “người công chính”, không muốn để vị hôn
thê phải xấu hổ. (x. Mt 1:19) Người Công Chính này sống giản dị, vui vẻ, một
lòng một dạ và toàn tâm toàn ý tuân phục Thiên Chúa – sẵn sàng cưới Maria, vâng
lời đặt tên Con Trẻ là Giêsu, cố gắng đưa hai Mẹ Con trốn sang Ai cập, rồi lại sẵn
sàng đưa hai Mẹ Con về Nadarét, nhiều năm sống âm thầm với đức tin triệt để và
lòng can trường. Đức Thánh Giuse thực sự là Người Công Chính. Ngài là người
trầm tư, không nói nhưng hành động cụ thể.
Thánh
nữ Tiến sĩ Giáo hội Têrêsa Avila nói: “Không
có điều gì tôi xin với Đức Thánh Giuse mà không được. Nếu ai không tin thì cứ
thử mà xem.” Dù bị lãng quên, nhưng Đức Thánh Giuse vẫn sẵn sàng giúp đỡ,
giống như ngài đã quên mình mà phục vụ Chúa Giêsu và Đức Mẹ vậy.
Tôi
không dám lạm bàn, vì có những người còn cao siêu hơn nhiều. Có thể có người sẽ
cho tư tưởng của tôi thuộc loại “phản động”, nhưng thực ra đây chỉ là cảm nhận theo
thiển ý riêng, dù sao tôi cũng chỉ là một người bình thường nhất trong những
người bình thường mà thôi.
Đức
Thánh Giuse trầm lặng, không nói gì, tất nhiên ngài cũng chẳng cần vẻ hào
nhoáng gì thuộc trần thế, ngài chỉ làm trọn trọng trách Thiên Chúa trao là bảo
vệ Con Trẻ Giêsu và Đức Maria, mong sáng danh Thiên Chúa chứ không sáng danh
riêng ngài.
Đức
Thánh Giuse là Phu quân của Đức Maria, là Dưỡng phụ của Chúa Giêsu. Lễ kính Đức
Thánh Giuse ngày 19-3 là lễ bổn mạng của Giáo hội Hoàn vũ, Bỉ quốc, Canada, Trung
quốc và Pêru. Lễ kính Đức Thánh Giuse ngày 1-5 là lễ bổn mạng của giới thợ
thuyền, giới lao động nghèo, các gia trưởng, và những người hấp hối.
Đức
Thánh Giuse được Thiên Chúa tuyển chọn làm Dưỡng phụ của Chúa Giêsu trên trần
gian. Thiên Chúa biết Chúa Giêsu cần một dưỡng phụ để dưỡng dục. Kinh thánh cho
chúng ta biết rằng Đức Thánh Giuse là “người công chính.” Nghĩa là ngài là
người tốt, chân thật, công bình, và yêu kính Thiên Chúa.
Khi
thấy Đức Maria mang thai, Đức Thánh Giuse không biết xử trí cách nào, vì hai
người đã đính hôn nhưng chưa về chung sống với nhau.
Thiên
thần hiện ra với Đức Thánh Giuse trong giấc mơ và bảo đừng lo, Con Trẻ là Đấng
Mêsia, thụ thai bởi quyền phép Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Giuse là chồng của
Đức Maria và bảo vệ Con Trẻ. Đức Thánh Giuse tin lời sứ thần nên kết hôn với
Đức Maria và đưa Nàng về nhà mình.
Sau
khi Con Trẻ Giêsu sinh ra tại Belem, thiên thần lại hiện ra với Đức Thánh Giuse,
nói rằng Con Trẻ đang gặp nguy hiểm. Đức Thánh Giuse lại vâng lời của sứ thần, đưa
Vợ Con sang Ai Cập để trốn “lệnh truy nã” của vua Hêrôđê. Sau nhiều năm lẩn
trốn, Thánh Gia lên đường trở về quê quán Nadarét.
Sử
sách không ghi chép nhiều nên chúng ta không biết nhiều về Đức Thánh Giuse, 30 năm
từ khi Chúa Giêsu giáng sinh tới khi Chúa Giêsu đi đây đó giảng dạy được gọi là
“thời gian ẩn dật”. Chỉ có một sự kiện khác mà Kinh thánh cho chúng ta biết về
cuộc đời Chúa Giêsu và Đức Thánh Giuse là “tìm thấy Chúa Giêsu trong Đền Thờ,” sau
khi “thất lạc” 3 ngày, Đức Thánh Giuse và Đức Maria thấy Con đang giảng thuyết
trong Đền thờ giữa các Kinh sư và các Trưởng lão. Đức Maria nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy?
Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2:48) nhưng Đức Thánh Giuse vẫn không hề nói gì. Quả thật, Đức Thánh Giuse là người
trầm tĩnh và ít nói.
Lạc
mất Con Trẻ, hẳn là các ngài lo lắng lắm! Thiên Chúa đã trao trọng trách cho
các ngài chăm sóc Con Trẻ, thế mà lại sơ ý để lạc mất Con Trẻ. Hẳn là Đức Thánh
Giuse cảm thấy mình không hoàn thành trách nhiệm. Khi thấy Con Trẻ, Đức Mẹ đã
la rầy Con Trẻ một chút rồi cùng nhau về nhà ở Nadarét. Sau “sự cố” này, Chúa
Giêsu trở về và “luôn vâng phục cha mẹ.” (Lc 2:51) Chúa Giêsu vâng phục cha mẹ
nghĩa là tôn trọng quyền cha mẹ.
Đức
Thánh Giuse nhiều tuổi hơn Đức Mẹ, và có thể qua đời trước khi Chúa Giêsu bắt
đầu sứ vụ. Là Đại Thánh trên trời nhưng Đức Thánh Giuse vẫn chu toàn vai trò
làm chồng và làm cha với gia đình và Giáo hội, luôn bầu cử cho chúng ta. Đức
Thánh Giuse được cầu xin giúp đỡ trong những vụ bán nhà, giúp đỡ người nghèo, nâng
đỡ và bảo vệ những người cha và gia đình, đồng thời bảo trợ cho nhiều quốc gia
trên thế giới. Năm 1870, ĐGH Piô IX đã tuyên bố nhận Đức Thánh Giuse làm bổn
mạng Giáo hội Công giáo Hoàn vũ.
Đức
Thánh Giuse thuộc dòng dõi Thánh vương Đa-vít. Điều này ứng nghiệm lời tiên tri
nói rằng Đấng Mêsia xuất thân từ “Nhà Đa-vít”. Một thợ mộc tên là Giuse được
tuyển chọn để giúp dưỡng dục Con Trẻ Giêsu tới khi trưởng thành.
Chúng
ta không biết nhiều về cuộc đời Đức Thánh Giuse, nhưng chúng ta chắc chắn rằng
ngài hẳn phải là người tốt và đáng kính nên mới được Thiên Chúa yêu quý. Sau Mẹ
Thiên Chúa, không ai sống nhân đức như Đức Thánh Giuse. Tinh tuyền trong trái
tim, trong sạch trong cuộc sống, luôn khiêm nhường, kiên nhẫn, chịu đựng, hòa
nhã và kiên cường về tính cách, Đức Thánh Giuse cho chúng ta thấy mẫu gương
hoàn hảo của người Kitô giáo đích thực.
Vì là
người đại diện cho Chúa Cha, với tư cách là cha của Đức Kitô trên trần gian, Đức
Thánh Giuse được đặt làm người trưởng của Thánh gia. Đức Thánh Giuse, Đức Mẹ và
Chúa Giêsu tạo nên Thánh gia, kiểu mẫu cho đại gia đình của Thiên Chúa, tức là
Giáo hội của Chúa trên thế gian. Theo cách này, Đức Thánh Giuse cũng là cha của
tất cả chúng ta.
Là
mẫu gương của những người làm cha, Đức Thánh Giuse được cầu xin với tư cách là
người bảo vệ gia đình. Sự bảo trợ của Đức Thánh Giuse cũng bao gồm cả Nhiệm thể
Đức Kitô, các gia đình Kitô giáo, các trường học Kitô giáo, những người yêu quý
đức khiết tịnh và những người cần ngài bầu cử – nhất là những người trong cơn
hấp hối.
Có
nhiều sách viết về Đức Thánh Giuse. Năm 1961, Micheal Gasnier (Dòng Đa Minh)
xuất bản cuốn sách hay có tựa là “Đức Thánh Giuse, Con Người Thầm Lặng” (Joseph
the Silent). Ngày 15-8-1989, Thánh GH Gioan Phaolô II cũng đã ban hành
Tông huấn Redemptoris Custos (Đấng
chăm sóc Đấng Cứu Thế), nói về Đức Thánh Giuse trong đời sống Đức Kitô và Giáo Hội.
“HÃY ĐẾN
CÙNG GIUSE – Ite ad Joseph.” Đó là điều tâm niệm của mỗi người, nhất là trong
tháng Ba – tháng kính Đức Thánh Giuse.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, Ngài đã giao trọng trách
cho Đức Thánh Giuse việc chăm sóc chúng con ngay khi khởi đầu mầu nhiệm ơn cứu
độ. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Thánh Giuse, xin cho Giáo hội của Chúa luôn trung
tín trong sứ vụ để Thánh Ý Ngài nên trọn. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo ĐMHCG số 343, tháng 3-2015, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Suy Tư Về Đức Thánh Giuse
https://tramthienthu.blogspot.com/2021/02/suy-tu-ve-uc-thanh-giuse.html
✽ Thánh Giuse Và Sự Khủng Hoảng Làm Cha
https://tramthienthu.blogspot.com/2021/04/thanh-giuse-va-su-khung-hoang-lam-cha.html
✽ Thánh Giuse Cầu Bầu Hữu Hiệu
https://tramthienthu.blogspot.com/2021/10/thanh-giuse-cau-bau-huu-hieu.html
✽ Noi Gương Đức Thánh Giuse Sống Nội Tâm
https://tramthienthu.blogspot.com/2021/08/noi-guong-uc-thanh-giuse-song-noi-tam.html
✽ Đức Thánh Giuse Chết Thế Nào?
https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/uc-thanh-giuse-chet-nhu-nao.html
✽ Thánh Giuse Và Sự Khủng Hoảng Làm Cha
✽ Thánh Giuse Cầu Bầu Hữu Hiệu
✽ Noi Gương Đức Thánh Giuse Sống Nội Tâm
✽ Đức Thánh Giuse Chết Thế Nào?
✽ Đến Với Đức Thánh Giuse
https://tramthienthu.blogspot.com/2017/02/en-voi-uc-thanh-giuse.html
✽ Người Khủng Bố Ma Quỷ
https://tramthienthu.blogspot.com/2021/01/nguoi-khung-bo-ma-quy.html
✽ Người Khủng Bố Ma Quỷ
✽ Người Yêu Sự Nghèo Khó
https://tramthienthu.blogspot.com/2019/03/nguoi-yeu-su-ngheo-kho.html✽ Đức Thánh Giuse Phản Ánh Tình Phụ Tử Của Thiên Chúa
✽ Hãy Đến Với Giuse! – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/12/hay-en-voi-giuse.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment