Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

XUÂN MẸ TẾT CHA

Còn cha còn mẹ Tết mừng
Mất cha mất mẹ buồn lòng ngày Xuân
Bâng khuâng như đứt dây đàn
Sầu thương cung nhớ, nhịp buồn đời con
Cây Xuân xanh chợt héo hon
Tết màu đỏ thắm như quên tươi màu
Xuân cầu Thiên Chúa tình yêu
Ban cho cha mẹ thật nhiều hồng ân
Hỷ hoan ngày tháng miên man
Phúc đức dư tràn, chan chứa lộc thiêng
Còn cha còn mẹ Tết mừng
Mất cha mất mẹ buồn lòng ngày Xuân

TRẦM THIÊN THU
Mồng Hai Tết Nhâm Dần – 2022

 Phúc Lộc Thọ – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/phuc-loc-tho.html

XUÂN MẸ
(với người vẫn còn Mẹ)

Xuân về, Tết đến, Mẹ ơi!
Chúc năm mới Mẹ tuyệt vời của con
Có Mẹ là có mùa Xuân
Cho Mai con nở vàng ươm Tết về
Thiêng liêng giây phút giao thừa
Con thêm tuổi mới cho vừa thương yêu
Mẹ hiền là khúc ca dao
Tha thiết, ngọt ngào, hạnh phúc đời con

TRẦM THIÊN THU

XUÂN NHỚ MẸ
(với người không còn Mẹ)

Xuân về, Tết cũng đến rồi
Hoa Mai vàng sắc lẻ loi âm thầm
Con ngồi lặng ngắm cành Xuân
Nghe hồn Tết xuyến xao niềm mồ côi
Ngày xưa giờ đã xa rồi
Còn trong ký ức chưa phai chút nào
Đi tìm lại khúc ca dao
Thấy làn khói tỏa bay theo hương trầm
Câu ru như vẫn vang âm
Lặng ngồi nhớ dáng Mẹ hiền bên nôi
Ầu ơ… điệu lý xa xôi
Xuân nghe Tết gọi bao lời yêu thương

TRẦM THIÊN THU

CÁO MƯỢN OAI HỔ

“Cáo mượn oai Hổ” là câu thành ngữ quen thuộc. Nó có ý nghĩa gì? Chuyện kể rằng…

Trong rừng núi sâu thẳm, hổ là loài động vật dũng mãnh và hung hãn nhất. Do vậy, nó có biệt danh là “chúa tể sơn lâm.” Tất cả các loài động vật dù lớn hay nhỏ khi nhìn thấy hổ đều kinh hồn bạt vía.

Một hôm, một con cáo đang đi trong rừng thì bất chợt đụng mặt hổ. Dù cố gắng chạy trốn, nhưng cáo vẫn bị hổ tóm được. Trong lúc nguy hiểm cận kề, cáo chợt nghĩ ra cách để thoát thân. Cáo mưu mô nói:

– Ta được Trời phái xuống quản lý tất cả các loài thú rừng. Ngươi mà ăn thịt ta là phạm phải lệnh của Trời.

Hổ ngơ ngác không hiểu sự tình. Thấy vậy, cáo liền nói tiếp:

– Nếu ngươi không tin, cứ đi sau ta, để xem các loài thú sau khi nhìn thấy ta thì có chạy trốn hay không.

Hổ nghe giọng điệu của cáo như vậy còn bán tin bán nghi, nó quyết định sẽ đi đằng sau cáo xem sao. Quả nhiên, chúng đi đến đâu thì các loài động vật đều cắm đầu chạy tán loạn.

Hổ thấy vậy thì nghĩ rằng lời cáo nói là thật, không hề hay biết những con vật trên chạy trốn là do sợ hổ nhe nanh giương vuốt đi đằng sau cáo. Sau đó, hổ cho rằng cáo đúng là đang phụng lệnh của Trời, lại sợ bị cáo trách tội, nên lập tức quay đầu bỏ chạy.

Thành ngữ “Cáo mượn oai Hổ” được dùng để chỉ những người thủ đoạn mượn uy danh từ kẻ có quyền để đi lừa bịp và hù dọa người khác, nhằm phục vụ cho mục đích xấu xa của mình. Ngày nay, hằng ngày vẫn thấy loài cáo mưu mô xuất hiện nhiều ở xã hội Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment