“Thiên Chúa nhớ lại Lòng Thương Xót dành cho tổ
phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời.” (Lc 1:55)
Trình thuật Lc 7:36-50 kể câu chuyện người phụ nữ tội lỗi đã được tha thứ nhờ lòng yêu mến. Câu chuyện này đã gây “khó chịu” cho người thời đó. Thiết tưởng câu chuyện này cũng phù hợp để xét mình hằng ngày, nhất là mỗi khi tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót.
Một hôm, có người
thuộc nhóm Pharisêu mời Đức Giêsu dùng bữa với mình. Ngài đến nhà người
Pharisêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành,
biết được Đức Giêsu đang dùng bữa tại nhà ông Pharisêu, liền đem theo một bình
bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Ngài mà KHÓC, lấy NƯỚC
MẮT mà tưới ướt chân Ngài. Chị lấy TÓC mình mà LAU,
rồi HÔN chân Ngài và lấy DẦU THƠM mà đổ lên.
Thánh sử Luca kể
ngắn gọn nhưng đầy đủ chi tiết qua các danh từ và động từ: Nước mắt, tóc, dầu
thơm; khóc, lau, hôn. Sự việc diễn ra khiến các thực khách phải chú ý. Bữa tiệc
này hẳn phải là đại tiệc quan trọng và các thực khách hẳn là những người “tai
mắt trong thiên hạ.” Thế mà lại có một người quấy rầy, mà người đó lại là một
phụ nữ tội lỗi. Chắc chắn các đại gia kia vô cùng “ngứa mắt.”
Thấy vậy, ông Pharisêu
(tức ông Simôn) đã mời Ngài liền nghĩ bụng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang
đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi!” (Lc 7:39) Đức
Giêsu biết tỏng ông ta nghĩ gì nên lên tiếng: “Này ông Simôn, tôi có điều muốn nói với ông!” (Lc 7:40a) Có
lẽ ông không biết Đức Giêsu biết ý nghĩ của ông nên vẫn “vô tư” thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” (Lc 7:40b) Đức
Giêsu nói: “Một chủ nợ kia có hai
con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì
để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai
mến chủ nợ hơn?” (Lc 7:41-42) Một cách so sánh thực tế và dễ hiểu. Vì
thế, ông Simôn đáp ngay: “Tôi thiết
tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” (Lc 7:43a) Đức Giêsu bảo: “Ông xét đúng lắm.” (Lc 7:43b)
Chúa Giêsu chỉ
hỏi ý kiến ông Simôn bằng một câu hỏi tế nhị, nhưng chính câu hỏi đó lại “chạm”
vào nhiều người – kể cả chúng ta ngày nay. Thật vậy, chúng ta thường có ác cảm
hoặc định kiến với những người mà chúng ta cho rằng “họ không đạo đức hơn mình,”
chúng ta cũng thường xuyên “chụp mũ” hoặc “gắn mác” cho người khác bằng nhiều
kiểu. Nếu công tâm nhìn nhận thì chúng ta cũng rất “máu” Pharisêu!
Rồi Chúa Giêsu
quay lại phía người phụ nữ, và Ngài nói với ông Simôn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ?” (Lc
7:44a) Chúa Giêsu hỏi thật nhẹ nhưng chắc hẳn ông Simôn đau lắm nên cứng họng
mà không nói được gì. Chúa Giêsu so sánh: “Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy
đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn
tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu,
ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân
tôi.” (Lc 7:44b-46) Ngài kết luận: “Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội
của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn
ai được tha ít thì yêu mến ít.” (Lc 7:47)
Rồi Đức Giêsu nói
với người phụ nữ: “Tội của chị đã
được tha rồi.” (Lc 7:48) Người-phụ-nữ-tội-lỗi-xấu-xa kia đã được hưởng
nhờ Lòng Chúa Thương Xót. Còn những người-tưởng-mình-tốt-lành thì đành “trở về
tay trắng.” (x. Lc 1:53) Hôm đó, trong số thực khách tại nhà ông Simôn đã có
những người nghĩ bụng: “Ông này là ai mà
lại tha được tội?” (Lc 7:49) Chúa Giêsu biết nhưng Ngài không biện hộ,
Ngài chỉ nói với người-phụ-nữ-tội-lỗi: “Lòng
tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.” (Lc 7:50)
Yêu mến nhiều thì
được tha tội nhiều. Thiên Chúa có dư Lòng Thương Xót, Ngài chỉ cần chúng ta có
thực sự yêu mến Ngài hay không. Ngài cho mà chúng ta không nhận thì Ngài cũng
không ép, vì Ngài luôn tôn trọng tự do của chúng ta. Đức tin và đức mến cần
thiết để được ơn tha thứ, được hưởng nhờ Lòng Chúa Thương Xót, và nhờ vậy mà
tâm hồn được bình an.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo TTĐM, tháng 3-2016, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Người Phụ Nữ Tội Lỗi Là Ai?
✽ Chân Dung Thánh Maria Mađalêna
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment