Friday, April 16, 2021

KÝ ỨC MỘT THỜI

[Tình cờ thấy lại bài phỏng vấn của báo Saigon Tiếp Thị khoảng 20 năm trước…]

Nhạc Sĩ TRẦM THIÊN THU và ÂM NHẠC HƯỚNG THIỆN

Thăng trầm trong cuộc đời và cả trong sự nghiệp sáng tác, dù có trong tay hàng trăm ca khúc đủ thể loại, nhưng nhạc sĩ Trầm Thiên Thu vẫn lạc quan, yêu đời, yêu âm nhạc và con người, nhất là yêu trẻ em. Có lẽ nhờ vậy mà âm nhạc của ông mang nét hồn hậu, dễ gần, gợi cảm. Anh cho rằng, âm nhạc phải giúp con người hướng thiện, hướng tới cái đẹp.

Nhạc sĩ Trầm Thiên Thu tên thật là Nguyễn Văn Đông, sinh năm 1959, quê ở tỉnh Bắc Giang. Cha mẹ anh di cư vào sống ở huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, hiện anh ở Saigon. Có niềm yêu thích âm nhạc và sáng tác ca khúc, từ năm 6 tuổi đã mơ ước sẽ viết bài hát, năm 16 tuổi, anh đã mày mò sáng tác ca khúc đầu tiên.

Như bao nhạc sĩ khác, khởi đầu cho việc sáng tác ca khúc, anh viết những bài hát về tình yêu đôi lứa. Hàng chục ca khúc về tình yêu đã ra đời sau đó, nhưng anh chưa hài lòng về những đứa con tinh thần của mình. Vì anh thấy chúng vẫn chưa đạt, thiếu một cái gì đó. Và anh chuyển sang viết nhạc thiếu nhi. Ở lĩnh vực ca khúc này, hình như anh có duyên hơn. Nhiều bài hát thiếu nhi của anh được nhiều người yêu thích. Đến năm 1991, tên tuổi anh mới được biết đến khi bài hát Bài Ca Cho Bé của anh được phát trên Đài Tiếng Nói Việt Nam – VOV.

Nhìn lại con đường đi vào âm nhạc và sáng tác ca khúc của mình, nhạc sĩ Trầm Thiên Thu tâm sự: “Tôi tự học nhạc lý, sau đó học nhạc với nhạc sĩ Hùng Lân, học về xướng âm, hòa âm… Tôi cũng tham gia sinh hoạt ở nhiều CLB, các nhà văn hóa ở Saigon để vừa giao lưu, học hỏi vừa tìm cách quảng bá những sáng tác của mình, vì âm nhạc, nhất là âm nhạc dành cho thiếu nhi, không có đầu ra.”

Sau nhiều năm thăng trầm, âm thầm cống hiến cho sự nghiệp sáng tác ca khúc, nhạc sĩ Trầm Thiên Thu cũng đoạt một số giải thưởng. Có thể kể: bài Lễ phép đoạt giải nhì năm 2010, cuộc vận động sáng tác ca khúc thiếu nhi và nhi đồng, do Nhà Văn Hóa thành phố tổ chức; Thương Hoài Lái Thiêu, giải nhì (không có giải nhất), tháng 10-2010; Bâng Khuâng Mùa Hè, giải B, tháng 12-2011, cuộc vận động sáng tác ca khúc cho học sinh phổ thông, do Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức; Mùa Thu của em được chọn trong số 100 ca khúc thiếu nhi được yêu cầu nhiều nhất, đã phát sóng và tập hát trên Đài Tiếng Nói Việt Nam… Và còn nhiều giải thưởng khác về âm nhạc...

Nhiều ca khúc thiếu nhi của anh như: Bồ Câu Trắng, Ca Dao Cha Mẹ, Chờ Mẹ, Dưới Mái Trường, Gia Đình, Hát Về Bố, Khúc Hát Ban Mai, Mẹ Và Con, Mừng Tuổi Em,… được sản xuất trong các CD Con Cò Bé Bé.

Các ca khúc do Đài Tiếng Nói Việt Nam dàn dựng và phát sóng: Bài Ca Cho Bé, Chơi Chuyền, Mùa Thu Của Em, Tuổi Ngựa,...

Đến nay, gia tài của nhạc sĩ Trầm Thiên Thu có 135 bài hát thiếu nhi và hàng trăm ca khúc viết về tình yêu, về các miền quê của Việt Nam. “Nhạc về các miền quê tôi có hơn 100 bài hát viết về các tỉnh – từ Bình Dương, Tiền Giang, Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu, Đồng Nai, Đắk Lắk, Huế,… Trong đó có bài Thương Hoài Lái Thiêu đoạt giải nhì của Đài truyền hình Bình Dương, cuộc thi này không có giải nhất” – nhạc sĩ Trầm Thiên Thu chia sẻ.

Những bài hát về tình yêu hay về các miền quê của nhạc sĩ Trầm Thiên Thu đều mang nét nhạc êm dịu, nhẹ nhàng, sâu lắng, gợi cho người nghe những cảm xúc bồi hồi, dịu ngọt. Nghe những bài hát về tình yêu, đồng quê của anh sẽ nhận ra chút triết lý trong đó. “Tôi thích viết về những tình yêu tích cực, đẹp kín đáo sáng trong, không ủy mị, sướt mướt. Âm nhạc phải giúp con người hướng thiện, hướng tới cái đẹp. Khi viết tôi muốn truyền tải một thông điệp, ý nghĩa tới cho người nghe.”

Hỏi nhạc sĩ Trầm Thiên Thu rằng ở tuổi anh mà viết nhạc thiếu nhi thì có thấy khó không, anh cười nói: “Tôi không thấy khó khăn gì, vì khi viết mình phải hóa thân thành trẻ con, suy nghĩ như các em, các cháu để viết thì mới hợp. Mình phải có tâm hồn yêu trẻ con, hòa mình với trẻ con thì khi sáng tác mới thành công. Có một số bài tôi viết khá nhanh, như bài Lễ phép viết trong vòng 15 phút. Phần lớn bài hát về thiếu nhi đều lấy cảm hứng từ cháu của tôi.”

Gần cả đời người âm thầm cống hiến cho âm nhạc, thành tựu đến với anh vẫn còn khiêm tốn, nhưng nhạc sĩ Trầm Thiên Thu vẫn lạc quan: “Không phải tôi không thích nổi tiếng, vì sự nổi tiếng trong nghệ thuật sẽ giúp người nghệ sĩ sống được với nghề hơn. Tuy nhiên, với tôi, sự nổi tiếng đôi khi không quan trọng bằng tác phẩm có giá trị hay không. Vả lại, nổi tiếng nó cũng có số. Tôi nghĩ đời người được sống với niềm yêu thích là vui rồi.”

NGUYỄN VĂN THỊNH (báo Saigon Tiếp Thị)

MÊNH MANG NHÁNH ĐỜI


Thì cũng là dòng sông

Trôi đi theo ngày tháng

Uốn quanh dòng lãng mạn


Thì cũng là cuộc đời

Có người luôn vui sướng

Có người chỉ cay đắng


Từng bốn mùa gọi nhau

Quanh năm không hề gặp

Từng nỗi niềm luân lạc


Chẳng biết đi hay về

Thấy đam mê lãng đãng

Khuấy bộn bề ước vọng


Trôi mênh mang nhánh đời

Bao vui buồn sướng khổ

Bồi hồi con sóng vỗ


Bốn mùa vẫn đa đoan

Câu ru chợt bàng hoàng

Tháng ngày cũng lưỡng lự


Dẫu mênh mang nhánh đời

Có đôi khi ngần ngại

Vẫn tự trôi đi mãi


TRẦM THIÊN THU

 Thiên Tài Hội Họa Leonardo
     https://tramthienthu.blogspot.com/2022/02/thien-tai-hoi-hoa-leonardo.html
 Thiên Tài Mozart
     https://tramthienthu.blogspot.com/2016/09/wolfgang-mozart-thien-tai-bac-menh.html
 Thần Đồng Mozart
     https://tramthienthu.blogspot.com/2016/08/chuyen-la-ve-than-ong-mozart.html
 Thiên Tài Vivaldi
     https://tramthienthu.blogspot.com/2013/07/thien-tai-am-nhac-vivaldi.html
 Thiên Tài Shakespeare
     https://tramthienthu.blogspot.com/2022/02/thien-tai-van-chuong-shakespeare.html

No comments:

Post a Comment

Comment