Thứ Bảy, 27 tháng 7, 2013

THIÊN TÀI ÂM NHẠC VIVALDI

Thiên tài âm nhạc Antonio Lucio Vivaldi sinh ngày 4-3-1678 tại Venice (lúc đó là thủ đô của Cộng hòa Venice), vì hôm đó bị động đất làm rung động cả thành phố, được người mẹ ngay sau khi sinh đã muốn con trai mình làm linh mục. Hai tháng sau, Vivaldi được rửa tội chính thức tại nhà thờ.

Vivaldi là nhà soạn nhạc và chơi vĩ cầm điêu luyện. Danh tiếng ông nổi như cồn khắp Âu châu. Ông chủ yếu soạn những bản concerto cho nhạc cụ, đặc biệt là vĩ cầm (vi-ô-lông), kể cả thánh ca và hơn 40 nhạc kịch. Bản concerto dành cho vĩ cầm nổi tiếng nhất của ông là bản “Bốn Mùa.” [*]

Vivaldi còn thành công với việc dàn dựng các bản nhạc kịch của ông tại Venice, Mantua và Vienna. Sau khi gặp Hoàng đế Charles VI, Vivaldi chuyển tới Vienna, hy vọng sự đề baạt mới. Nhưng hoàng đế băng hà ngay sau khi Vivaldi đến.

Song thân của nhà soạn nhạc Vivaldi là ông Giovanni Battista Vivaldi và bà Camilla Calicchio. Vivaldi có 5 anh chị em: Margarita Gabriela, Cecilia Maria, Bonaventura Tomaso, Zanetta Anna, và Francesco Gaetano. Người cha là thợ cắt tóc trước khi trở thành người chơi vĩ cầm chuyên nghiệp. Ông dạy cho Vivaldi chơi vĩ cầm, và rồi hai cha con lưu diễn khắp Venice. Vivaldi học nhạc rất sớm, trở thành người rành âm nhạc khi 24 tuổi và làm việc tại Ospedale della Pietà. Người cha là một trong những người sáng lập Sovvegno dei musicisti di Santa Cecilia (Hội Nhạc sĩ Thánh Cecilia).

Chủ tịch hội nhạc sĩ là Giovanni Legrenzi, nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng tại Nhà thờ Thánh Luca. Có thể Legrenzi đã dạy Vivaldi sáng tác nhạc. Học giả Walter Kolneder người Luxembourg đã nhận biết ảnh hưởng của Legrenzi trong tác phẩm phụng vụ của Vivaldi là bản Laetatus sum (RV 31 – RV là viết tắt của Ryom-Verzeichnis), được Vivaldi viết năm 1691, khi mới 13 tuổi.

Năm 1693, lúc 15 tuổi, Vivaldi bắt đầu tu học làm linh mục. Và rồi Vivaldi thụ phong linh mục năm 1703, lúc 25 tuổi. Linh mục Vivaldi được người ta gọi bằng biệt danh “Prete Rosso” (Linh mục Đỏ – theo tiếng Ý, “prete” là linh mục, và “rosso” là đỏ), nguyên nhân là Vivaldi có mái tóc đỏ. Không lâu sau khi làm linh mục, năm 1704, ông được miễn cử hành Thánh lễ vì sức khỏe yếu. Linh mục Vivaldi chỉ cử hành Thánh lễ được vài lần.

Sức khỏe của Vivaldi bất ổn. Ông có triệu chứng đau ngực, được hiểu là một dạng suyễn. Điều này khiến ông không thể chơi vĩ cầm, soạn nhạc hoặc tham gia các hoạt động âm nhạc. Tháng 9-1703, Vivaldi dạy vĩ cầm tại Viện mồ côi “Pio Ospedale della Pietà” (Bệnh viện sùng kính Lòng Thương Xót) tại Venice. Khi nổi tiếng là nhà soạn nhạc, Vivaldi được coi là người chơi vĩ cầm với kỹ thuật ngoại hạng. Kiến trúc sư Johann Friedrich Armand von Uffenbach (người Đức) gọi Vivaldi là “nhà soạn nhạc kiêm nhạc công vĩ cầm lừng danh.” Johann nói: “Vivaldi chơi solo tuyệt vời, phóng khoáng và ngẫu hứng, khiến tôi rất ngạc nhiên, hiếm người chơi được như vậy, hoặc có chơi thì cũng không thể có phong cách như vậy.”

Vivaldi làm việc tại Viện Mồ Côi Ospedale della Pietà từ lúc 25 tuổi. Hơn 30 năm kế tiếp, ông soạn đa số các tác phẩm lớn tại nơi đây. Có 4 cơ sở tương tự tại Venice, mục đích là giáo dục trẻ mồ côi, hoặc gia đình các em không thể hỗ trợ ăn học. Ngân sách do chính phủ tài trợ. Các em trai học kinh doanh và rời viện khi 15 tuổi. Các em gái học nhạc, em nào có tài thì được giữ lại và trở nên thành viên trong ban nhạc hoặc ban đồng ca của Viện mồ côi.

Từ khi có Vivaldi, các trẻ mồ côi được đánh giá cao và được xuất ngoại. Vivaldi viết những bản concerto, cantata và thánh ca cho chúng. Ông có hơn 60 bản thánh ca, đa dạng: những bài ngắn và âm vực rộng để đơn ca, song ca, đồng ca và dàn nhạc. Mỗi lễ ông đều soạn bản oratorio hoặc concerto, ông còn dạy cho các trẻ mồ côi nhạc lý và cách chơi nhạc cụ.

Tháng 2-1711, Vivaldi theo người cha tới Brescia, tại đây ông đã soạn nhạc cho bài thánh ca Stabat Mater (RV 621, nói về nỗi đau khổ của Đức Mẹ khi đứng dưới chân Thánh Giá, thơ của Jacopone da Todi [1230-1306], thi sĩ Dòng Phanxicô. Dần dần bài này được dùng trong phụng vụ từ thời Trung cổ, và từ năm 1727 trở thành một phần trong phụng vụ Thánh Thể và lễ Mẹ Sầu Bi). Thánh ca Stabat Mater đã được trình tấu trong đại hội tôn giáo. Năm 1715, Vivaldi giới thiệu bản Nerone fatto Cesare (RV 724, nay đã thất lạc), phần nhạc được soạn bởi 7 nhạc sĩ, Vivaldi là chính.

Năm 1725, Vivaldi trở lại Venice. Trong thời gian này, ông soạn bản giao hưởng “Bốn Mùa” nổi tiếng, viết cho 4 vĩ cầm, diễn tả mỗi mùa rất rõ nét bằng âm nhạc. Đó là cuộc cách mạng âm nhạc. Trong bản “Bốn Mùa,” Vivaldi dùng âm thanh mô tả tiếng nước chảy, tiếng chim hót, tiếng chó sủa, tiếng muỗi vo ve, tiếng người chăn chiên, tiếng bão, tiếng người say rượu, sự yên lặng ban đêm, tiếng trượt băng, tiếng lửa bập bùng, tiếng băng tan,... Thật lạ và thật tuyệt vời! Vivaldi đúng là thiên tài âm nhạc, là phù thủy âm thanh. Bản “Bốn Mùa” được Le Cène xuất bản tại Amsterdam năm 1725.

Trong thời gian ở Mantua, Vivaldi quen với ca sĩ trẻ Anna Tessieri Girò, và trở thành học trò của ông. Anna và người chị Paolina trở thành người đồng hành với Vivaldi trong nhiều chuyến lưu diễn. Không có chứng cớ nào rõ ràng về mối quan hệ của Vivaldi và Girò. Trong lá thứ đề ngày 16-12-1737, gởi cho người bảo trợ Bentivoglio, Vivaldi từ chối có quan hệ tình cảm với Anna Girò.

Sau khi Hoàng đế Charles VI băng hà, Vivaldi sống nghèo khổ. Thiên tài âm nhạc Antonio Lucio Vivaldi mất vào đêm 27-7-1741, hưởng thọ 63 tuổi, vì nhiễm trùng đường ruột. Ngày 28-7-1741, ông được an táng trong một ngôi mộ đơn giản. Lễ an táng Vivaldi được cử hành tại Nhà thờ Thánh Stephanô. Mộ của Vivaldi gần Karlskirche, nay là Viện Kỹ Thuật. Nhà của ông tại Vienna bị hư hỏng, nay là khách sạn Sacher. Đài tưởng niệm Vivaldi được dựng ở Musikmeile và Rooseveltplatz.

Âm nhạc của Vivaldi rất mới lạ, cả về cấu trúc lẫn nhịp điệu, cả giai điệu lẫn chủ đề. Nhà soạn nhạc Johann Sebastian Bach đã ảnh hưởng các bản concerto và aria của Vivaldi (aria là loại ca khúc trau chuốt cho giọng solo). Các tác phẩm bản thảo của Vivaldi mãi đến thế kỷ 20 mới được xuất bản, đó là nhờ công của Alfredo Casella, người đã tổ chức Tuần Lễ Vivaldi lịch sử vào năm 1939. Trong đó có bản Gloria (RV 589) và l'Olimpiade được hồi sinh.

TRẦM THIÊN THU

[*] Bản giao hưởng “Bốn Mùa” (The Four Seasons) gồm 4 chương: Concerto số 1, âm thể Mi trưởng (E), Op. 8, RV 269 – La Primavera (mùa Xuân); Concerto số 2, âm thể Sol thứ (Gm), Op. 8, RV 315 – L’estate (mùa Hạ); Concerto số 3, âm thể Fa trưởng (F), Op. 8, RV 293 – L’Autunno (mùa Thu); Concerto số 4, âm thể Fa thứ (Fm), Op. 8, RV 297 – L’Inverno (mùa Đông).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment