Thứ Ba, 9 tháng 3, 2021

THÁNH TÍCH CHÚA GIÊSU

Có nhiều thánh tích gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu. Nhiều vật đã được phát hiện từ nhiều thế kỷ trước và được trưng bày, một số không được trưng bày nhưng vẫn được nhiều người biết đến.

1. Chén Thánh là vật linh thiêng được mô tả trong văn học và một số truyền thống Thiên Chúa giáo, thường được xác định với món ăn, đĩa hoặc chén được Chúa Giêsu dùng trong Bữa Tiệc Ly và được cho là có sức mạnh kỳ diệu. Mối liên hệ giữa Giôxếp ở Arimathê với truyền thuyết Chén Thánh bắt nguồn từ tác phẩm “Joseph d’Arimathie” của Robert de Boron hồi cuối thế kỷ XII, trong đó Giôxếp nhận Chén Thánh từ cuộc hiện ra của Chúa Giêsu, và gửi nó theo những người cùng ông đến Anh quốc.

Dựa trên chủ đề này, các văn sĩ đã kể lại cách Giôxếp dùng Chén Thánh để hứng lấy Máu của Chúa Kitô trong khi mai táng Ngài. Tại Anh quốc, ông đã thành lập một đội ngũ bảo vệ để giữ an ninh. Việc tìm kiếm Chén Thánh tạo nên một phần quan trọng, xuất hiện lần đầu tiên trong các tác phẩm của Chrétien de Troyes.

Truyền thuyết này có thể kết hợp truyền thuyết Kitô giáo với huyền thoại Celtic về một cái vạc có sức mạnh đặc biệt. Sự phát triển của truyền thuyết Chén Thánh đã được các sử gia văn hóa truy tìm chi tiết: Đó là truyền thuyết lần đầu tiên xuất hiện dưới dạng các tiểu thuyết lãng mạn được viết ra, có lẽ rút ra từ một số gợi ý văn hóa dân gian trước Kitô giáo, cuối thế kỷ XII và đầu thế kỷ XIII. Những tiểu thuyết lãng mạn ban đầu về Chén Thánh tập trung vào truyền thuyết Percival và được thêu dệt thành truyền thuyết Arthur khái quát hơn. Một số truyền thuyết về Chén Cực Thánh (Holy Grail) đan xen với truyền thuyết về Chén Thánh (Holy Chalice).

2. Hình ảnh Edessa, gọi là Mandylion, được cho là do chính Chúa Giêsu gửi đến Vua Abgar V của Edessa để chữa bệnh phong cùi, với một lá thư từ chối lời mời đến thăm nhà vua. Câu chuyện về hình ảnh này là sản phẩm của nhiều thế kỷ phát triển, trong đó hình ảnh đã bị mất và xuất hiện lại nhiều lần. Ngày nay có hai hình ảnh được cho là của Mandylion, một là Khuôn Mặt Thánh của Genoa tại nhà thờ Thánh Batôlômêô của người Armenia ở Genoa, hình còn lại là Khuôn Mặt Thánh của San Silvestro, được lưu giữ trong nhà thờ San Silvestro ở Capite tại Rôma cho đến năm 1870, tại nhà nguyện Matilda của Đền Thờ Vatican. Giả thuyết cho rằng vật được tôn kính là Mandylion từ thế kỷ VI đến thế kỷ XIII thực tế là Khăn Liệm Turin đã trở thành chủ đề tranh luận, nhưng hiện nay hầu như bị bác bỏ như một giả thuyết.

3. Theo truyền thống Kitô giáo, Scala Sancta (Cầu Thang Thánh) là các bậc thang dẫn đến dinh Phongxiô Philatô tại Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu đã đứng khi bị xét xử. Cầu thang này được cho là do Thánh Helena đưa đến Rôma hồi thế kỷ IV. Qua nhiều thế kỷ, Scala Santa đã thu hút các khách hành hương theo Kitô giáo, những người muốn tôn kính Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Cầu thang này gồm 28 bậc thang bằng cẩm thạch trắng, nay được bao bọc bởi các bậc thang gỗ, nằm trong một tòa nhà kết hợp với một phần của Đền Thờ Latêranô cũ, đối diện Vương Cung Thánh Đường Thánh Gioan Latêranô. Chúng nằm bên cạnh một nhà thờ được xây dựng trên nền đất từ Núi Canvê. Cầu thang dẫn đến Sancta Sanctorum, nhà nguyện riêng của các giáo hoàng thời kỳ đầu tại Đền Thờ Latêranô, được gọi là nhà nguyện Thánh Lawrence.

4. Theo truyền thuyết, tấm khăn của bà Veronica được sử dụng để lau mồ hôi trên trán của Chúa Giêsu khi Ngài vác thập giá, có hình dáng giống khuôn mặt Chúa Giêsu. Ngày nay, một số hình ảnh được cho là tấm khăn của bà Veronica. Có một hình ảnh được lưu giữ trong Đền Thờ Thánh Phêrô ở Rôma, ngụ ý giống Veronica đã được tôn kính vào thời Trung cổ. Rất ít cuộc kiểm tra được ghi lại trong thời hiện đại và không có hình ảnh chi tiết. Cuộc kiểm tra được ghi lại chi tiết nhất trong thế kỷ XX xảy ra vào năm 1907, khi sử gia nghệ thuật Dòng Tên Joseph Wilpert được phép tháo hai tấm kính để kiểm tra hình ảnh.

5. Vương Miện Sắt Lombardy vừa là vật lưu niệm vừa là một trong những huy hiệu hoàng gia cổ đại nhất của Âu châu. Vương miện đã trở thành một trong những biểu tượng của Vương quốc Lombards và sau đó là Vương quốc Ý thời Trung cổ, được lưu trữ tại nhà thờ Monza, ngoại ô Milan. Vương Miện Sắt là từ một dải sắt hẹp khoảng 1 cm (3/8 inch), được cho là đã làm từ những chiếc đinh dùng để đóng đinh Chúa.

Bên ngoài vương miện làm bằng sáu miếng vàng với một phần được tráng men, nối với nhau bằng bản lề và đính hai mươi hai viên đá quý, tạo hình Thánh Giá và hoa. Kích thước nhỏ và cấu trúc có bản lề của nó gợi ý rằng ban đầu nó là một dải băng tay lớn hoặc có lẽ là một vương miện thề hứa; đối với những người khác, kích thước nhỏ của chiếc vương miện hiện tại là do điều chỉnh lại sau khi mất hai đoạn, như đã được mô tả trong các tài liệu lịch sử.

6. Khăn Liệm Turin là thánh tích nổi tiếng nhất của Chúa Giêsu và là một trong những hiện vật được nghiên cứu nhiều nhất trong lịch sử nhân loại. Các tín nhân cho rằng khăn liệm này là tấm vải được đặt trên thi thể Chúa Giêsu khi mai táng Ngài, và hình khuôn mặt là Thánh Nhan Chúa Giêsu. Những người phản đối thì tranh luận rằng vật này là đồ tác tạo từ hơn một thế kỷ trước khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Cả hai bên tranh luận đều sử dụng các tài liệu khoa học và lịch sử để chứng minh về trường hợp của mình.

Hình ảnh âm bản lần đầu tiên được quan sát tối ngày 28-05-1898, trên tấm ảnh ngược của nhiếp ảnh gia Secondo Pia, người được phép chụp khi nó được triển lãm ở nhà thờ Turin. Giáo hội Công giáo không chính thức xác nhận hay bác bỏ tấm vải liệm, nhưng năm 1958, ĐGH Piô XII đã chấp thuận bức ảnh này và việc tôn sùng Thánh Nhan Chúa Giêsu của Công giáo Rôma.

7. Trong truyền thống Cơ đốc, Thập tự giá thật ám chỉ đến thập tự giá thực tế được sử dụng trong Sự đóng đinh của Chúa Giêsu. Ngày nay, nhiều mảnh gỗ được khẳng định là Thánh Giá Thật, nhưng trong hầu hết các trường hợp, thật khó để xác định tính xác thực của chúng. Sự lan truyền của câu chuyện về việc phát hiện ra Thập tự giá vào thế kỷ thứ tư một phần là do nó được đưa vào năm 1260 trong cuốn sách rất nổi tiếng của Jacopo de Voragine Truyền thuyết vàng, cũng bao gồm các câu chuyện khác như Thánh George và Con Rồng.

Các mảnh Thánh Giá Thật, kể cả một nửa tấm bảng khắc INRI, được bảo quản tại Vương Cung Thánh Đường cổ Santa Croce (Thánh Giá) ở Gerusalemme tại Rôma. Theo báo cáo, các mảnh hoặc hạt rất nhỏ của Thánh Giá Thật được bảo quản tại hàng trăm nhà thờ khác ở Âu châu và bên trong các cây Thánh Giá khác. Tính xác thực của chúng không được chấp nhận rộng rãi bởi những người có niềm tin Kitô giáo, và tính chính xác của các báo cáo xung quanh việc khám phát hiện Thánh Giá Thật bị nhiều Kitô hữu nghi ngờ.

8. Thánh Gioan kể rằng, trong đêm Thứ Năm Tuần Thánh, những người lính La Mã đã chế nhạo Đức Kitô và Vương Quyền của Ngài bằng cách đặt một vương miện gai trên đầu Ngài. (Ga 19:2) Vòng gai được giữ tại nhà thờ Đức Bà Paris là một vòng tròn của những cây lau sậy được bó lại với nhau và được giữ bằng những sợi chỉ vàng, những chiếc gai được gắn vào vòng tròn bện này, có đường kính 21 cm. Những chiếc gai đã bị chia chia cắt trong nhiều thế kỷ bởi các hoàng đế Byzantine và các vua của Pháp. Có bảy mươi vật được xác nhận là gai gốc, tất cả cùng một loại.

Các thánh tích của Cuộc Khổ Nạn được trình bày tại nhà thờ Đức Bà Paris bao gồm một mảnh Thánh Giá, được lưu giữ tại Rôma. Thánh Helena, mẹ của Hoàng đế Constantine, đã giao một chiếc đinh của cuộc Khổ Nạn và Vòng Gai Thánh. Trong số các thánh tích này, không chút nghi ngờ, Vòng Gai là vật quý nhất và được tôn kính nhiều nhất. Mặc dù có nhiều cuộc nghiên cứu khoa học và lịch sử, tính chính xác vẫn không thể xác thực. Đó là thánh tích được các tín nhân cầu nguyện nhiệt thành suốt hơn mười sáu thế kỷ qua.

9. Ngọn Giáo Thánh (còn gọi là Ngọn Giáo Định Mệnh, Ngọn Giáo Longinô, Ngọn Giáo Đức Kitô) là vũ khí đã đâm thâu Trái Tim Chúa Giêsu khi Ngài bị treo trên Thập Giá – qua lời kể của Thánh Gioan.

Ngọn giáo (Hy ngữ là λογχη) chỉ được đề cập trong Phúc Âm Thánh Gioan (19:31-37) chứ không có trong các Phúc Âm nhất lãm. Phúc Âm nói rằng người Rôma đã có kế hoạch đập gãy chân Chúa Giêsu, phương pháp này gọi là Crurifragium – cách giết chết nhanh chóng khi nạn nhân bị đóng đinh. Nhưng trước khi làm vậy, họ thấy Chúa Giêsu đã chết nên không có lý do gì để đập gãy chân Ngài. Để chắc rằng Chúa Giêsu đã chết, một người lính La Mã (được đặt tên theo truyền thống Kinh Thánh là Longinus) đã đâm vào cạnh sườn Chúa: “Một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra.” (Ga 19:34)

10. Áo Dài Thánh của Chúa Giêsu Kitô được cho là đã được Ngài mặc trong thời gian chịu khổ nạn trước khi bị đóng đinh. Áo này được giữ tại nhà thờ Trier ở Đức. Theo Phúc Âm Thánh Gioan, những người lính đã rút thăm xem ai sẽ được chiếc áo này vì nó được dệt liền, không đường may.

Đóng đinh Đức Giêsu vào thập giá xong, lính tráng lấy áo xống của Người chia làm bốn phần, mỗi người một phần; họ lấy cả chiếc áo dài nữa. Nhưng chiếc áo dài này không có đường khâu, dệt liền từ trên xuống dưới. Vậy họ nói với nhau: “Đừng xé áo ra, cứ bắt thăm xem ai được.” (Ga 19:23-24) Vì vậy, lời Kinh Thánh đã được ứng nghiệm: “Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn.” (Tv 21[22]:19)

Theo truyền thuyết, mẹ của Hoàng đế Constantine là Helena đã phát hiện chiếc áo không đường may ở Thánh Địa vào năm 327 hoặc 328 cùng với một số di vật khác, có cả Thánh Giá Thật. Theo các phiên bản khác nhau của câu chuyện, bà Helena để lại nó hoặc gửi nó đến thành phố Trier, nơi Constantine đã sống vài năm trước khi trở thành hoàng đế. (Thế kỷ IX, tu sĩ Altmann ở Hautvillers viết rằng bà Helena sinh tại thành phố đó, nhưng điều này bị hầu hết các sử gia hiện đại phản đối mạnh mẽ.)

Chắc chắn lịch sử áo choàng Trier chỉ có từ thế kỷ XII. Ngày 01-05-1196, TGM Johann I của TGP Trier đã thánh hiến một bàn thờ, trong đó có chiếc áo choàng không đường may. Không thể xác định chính xác con đường lịch sử mà chiếc áo choàng đã đi qua để đến đó, vì vậy nhiều người cho rằng đó là đồ giả thời Trung cổ. Việc nỗ lực bảo tồn và trùng tu qua nhiều thế kỷ đã gây khó khăn cho việc xác định xem có bao nhiêu di tích thực sự có nguồn gốc từ thời Chúa Giêsu. Một cuộc kiểm tra khoa học về mẫu vật đã không được tiến hành. Therese Neumann ở Konnersreuth tuyên bố rằng chiếc áo choàng Trier là áo thật.

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ listverse.com)

Mùa Chay – 2021

 Thánh Tích INRI – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/thanh-tich-inri.html
 Thánh Tích Thánh Giá – 
https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/thanh-tich-thanh-gia.html

 Thánh Tích của Chúa Giêsu

 Lỗi Kinh Thánh? – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/06/co-phai-la-loi-kinh-thanh.html

 Đỉnh Cao Thập Giá (7 lời cuối của Chúa Giêsu)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment