Saturday, June 13, 2020

BÁNH THIÊNG GIỮA ĐỜI THƯỜNG

Trước khi chịu chết để cứu độ nhân loại, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể. (Mt 26:26-29; Mc 14:22-25; Lc 22:19-20; 1 Cr 11:23-25) Đó là điều bí nhiệm vượt ngoài tầm hiểu của chúng ta – những con người phàm phu tục tử với trí tuệ thô thiển và nông cạn.
Chúa Giêsu xác định: “Này là Mình Thầy, này là Máu Thầy” chứ Ngài KHÔNG nói “này là biểu tượng của Mình Máu Thầy.” Rất rõ ràng. Như vậy, Bánh và Rượu đã được truyền phép chính là Thánh Thể và Bửu Huyết của Chúa Giêsu – Ngôi Lời, Ngôi Hai Thiên Chúa.
Khi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi, mầu nhiệm thứ năm của Năm Sự Sáng, Giáo Hội dạy chúng ta cầu xin ơn biết siêng năng lãnh nhận Thánh Thể.
Là người Công giáo, chúng ta được biết rằng Bí tích Thánh Thể là bí tích thứ ba trong các bí tích khai tâm – Thánh Tẩy và Thêm Sức, và Thánh Thể. Mặc dù chúng ta phải giữ luật rước lễ mỗi năm ít nhất 1 lần (luật buộc, nhiệm vụ mùa Phục Sinh), và Giáo Hội khuyến khích chúng ta thường xuyên rước lễ (nên rước lễ hằng ngày, nếu có thể). Rước lễ là tiếp nhận Thánh Thể để được sống dồi dào nhờ Sự Sống của chính Đức Giêsu Kitô. Là phàm nhân nhưng được sống sự sống của Thiên Chúa. Thật tuyệt vời!
Mỗi khi rước lễ, chúng ta lãnh nhận chính Mình Máu của Chúa Giêsu Kitô, nếu không thì chúng ta sẽ “không có sự sống nơi mình.” (Ga 6:53) Lãnh nhận Thánh Thể là được tiếp thêm sức mạnh, cả phần hồn và phần xác, để đủ sức lữ hành trần gian – vượt qua mọi chướng ngại vật, đặc biệt là vượt lên để thoát khỏi “cái tôi” của chính mình.
Đây là một số câu Kinh Thánh quan trọng đề cập Bí tích Thánh Thể:
Mt 26:26-28 – Cũng trong bữa ăn, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy.” Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội. Thầy bảo cho anh em biết: từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy.”
Ga 6:53-57 – Đức Giêsu nói với người Do Thái: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
Cv 2:42 – Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.
1 Cr 10:16-17 – Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể.
1 Cr 11:27-29 – Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa. Ai nấy phải tự xét mình, rồi hãy ăn Bánh và uống Chén này. Thật vậy, ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa, là ăn và uống án phạt mình.
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin tẩy rửa linh hồn chúng con và biến đổi chúng con; xin giúp chúng con luôn sẵn sàng cầm lấy tấm bánh cuộc đời của chúng con, tạ ơn Chúa, rồi mau mắn bẻ ra và chia sẻ với tha nhân. Xin cảm tạ Ngài vẫn đồng hành với chúng con cho đến tận thế. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Thứ Bảy, 13-06-2020

Thần Lương – https://youtu.be/a5dL73xe7gU

Nguồn Sống Mới – https://youtu.be/eUKdr9c8G2g

Chiêm Niệm Thánh Thể

    https://youtu.be/qBVGOrYwLYk (slide show) – https://youtu.be/CCJxb7X8qyo (ca đoàn)

NHỮNG MẨU “CHUYỆN ĐỜI” RẤT DÀI…

1. Đưa Đón
Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô.
Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố:
– Sao bố không đi đón nội?
Bố bảo:
– Bận quá.
Ngoại từ nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ô-tô đi đón. Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố bảo:
– Ai cũng có mặt, bố không đi, ngoại trách.
2. Người Yêu Và Mẹ
Tốt nghiệp đại học, ở lại thành phố đi làm. Tháng rồi, mẹ vào thăm. Mừng và thương. Mẹ khen:
– Bạn gái con xinh lắm.
Cuối tháng, lãnh lương. Dẫn người thương đi shopping. Em bảo:
– Mỹ phẩm của hãng này là tốt nhất. Những loại rẻ tiền khác đều không nên dùng vì có hại cho da; giống mẹ anh đó, da mặt mẹ bị nám hết anh thấy không?
Chợt giật mình. Mẹ cả đời lam lũ, nắng gió với cái ăn cái mặc, nào đã biết phấn son màu gì…
3. Khóc
Vừa sinh ra đã vào trại mồ côi, trừ tiếng khóc chào đời, chồng tôi không hề khóc thêm lần nào nữa. Năm 20 tuổi, qua nhiều khó khăn anh tìm được mẹ, nhưng vì danh giá gia đình và hạnh phúc hiện tại, một lần nữa bà đành chối bỏ con. Anh ngạo nghễ ra đi, không rơi một giọt lệ.
Hôm nay 40 tuổi, đọc tin mẹ đăng báo tìm con, anh chợt khóc. Hỏi tại sao khóc, anh nói:
– Tội nghiệp mẹ. 40 năm qua chắc mẹ còn khổ tâm hơn anh.
4. Cua Rang Muối
Khi xưa nhà còn nghèo, mẹ hay mua cua đồng giả làm cua rang muối. Cua đồng cứng nhưng mẹ khéo tay chiên giòn, đủ gia vị nên thật ngon. Thấy các con tranh nhau ăn, mẹ nhường. Các con hỏi, mẹ bảo:
– Răng yếu.
Giờ, các con đã lớn, nhà khá hơn, chúng mua cua biển gạch son về rang muối mời mẹ. Các con nói vui:
– Cua rang muối thật đó mẹ.
Rồi chúng ăn rất ngon. Riêng mẹ không hề gắp. Các con hỏi, mẹ cười móm mém:
– Còn răng đâu mà ăn!
5. Nó
Ba nó bỏ đi lúc nó còn đỏ hỏn. Ngoại và mẹ nuôi nó trong nghèo khó. Đau khổ và cả hạnh phúc.
Được vài năm, cái đói nghèo cướp mất ngoại. Thiếu hơi bà, nó ngằn ngặt khóc đêm. Mẹ chỉ ôm nó vào lòng, để tay lên ngực trái, dỗ dành:
– Ngoại có đi đâu! Ngoại ở đây mà!
Vậy là nó nín. Rồi mẹ cũng theo bà. Hôm tang mẹ, thấy dì khóc, nó bảo:
– Mẹ có đi đâu! Mẹ ở đây mà!
Rồi lấy tay đặt trên ngực trái, chỗ trái tim. Nó dỗ thế mà dì chẳng nín, lại ôm nó khóc to hơn.
6. Xót Xa
Tần tảo dành dụm những đồng tiền lẻ từ mớ rau, củ khoai, con cá, con tôm bắt được để gởi lên cho chị Hai ăn học. Tốt nghiệp Đại học Văn hóa – Nghệ thuật – Du lịch, chị Hai ở luôn trên thành phố làm Phó giám đốc cho một công ty Đầu tư và Phát triển Du lịch tại Saigon. Mãi đến hôm nay, dễ chừng gần ba năm, chị Hai mới về. Cả nhà khôn xiết vui mừng. Má lật đật chèo xuồng đến chợ nổi mua đồ về làm bữa cơm thịnh soạn:
– Tội nghiệp chị Hai tụi bây, hồi giờ có được bữa ăn nào đàng hoàng, tử tế đâu?
Đang ăn, chị Hai bỗng giật mình, lấy đũa khều ra một sợi tóc từ trong đĩa lòng xào:
– Ai làm bê bối và cẩu thả thế này? Kiểu này ở nhà hàng họ đã đổ vào thùng nước cơm. Khách du lịch mà biết, chỉ có nước đóng cửa dẹp tiệm. Sạt nghiệp là cái chắc!
Nói xong, chị Hai đứng dậy, nhanh chân bước lên nhà trên.
Từ nãy giờ, má ngồi đó, im lìm như tượng đá. Thằng Út cầm sợi tóc lên săm soi một lúc rồi la to lên, giọng còn ngọng nghịu:
– Sợi tóc bạc hơn một nửa rồi má ơi!
7. Ăn Cơm
Thằng Tèo ngồi tiu nghỉu. Tựa lưng vào cây trứng cá bên hông nhà, thỉnh thoảng nó giơ tay gạt nước mắt.
Không biết chuyện gì? Cả buổi sáng nay ba má nó liên hồi ẩu đả. Bỏ ông táo lạnh tanh. Giờ mỗi người mỗi góc.
Rồi cuộc chiến lại tiếp tục. Từ võ ba càng chuyển sang võ miệng. Bỗng má nó lớn giọng:
– Ông ăn chả, tôi ăn nem. Mặc xác ông!
Đến đây, vì cái bao tử thúc giục, thằng Tèo tham chiến:
– Con không thèm ăn mấy thứ đó, con chỉ muốn ăn cơm thôi!
8. Cha Tôi
Mẹ bỏ đi theo người khác. Cha ở vậy nuôi chúng tôi. Hơn 20 năm. Tôi và anh Hai đều có gia đình. Ngoài 60, bỗng cha tôi dường như trẻ lại. Ông năng chải chuốt, đi lại và xài tiền nhiều hơn.
Chúng tôi nghĩ ông có nhân tình và đối xử có phần nghi ngại. Ông vẫn không nói.
Tôi tìm đến bệnh viện, quyết định cho người tình của cha tôi một trận. Chợt tôi lặng người đi vì người cha đang chăm sóc là mẹ. Thấy tôi, ông gượng nói:
– Ba sợ các con còn giận mẹ…
TRẦN VĂN GIANG

No comments:

Post a Comment

Comment