Thứ Hai, 1 tháng 6, 2020

ĐẤNG DUY NHẤT

Kinh Thánh xác định: “Hết những ai không chịu nhìn nhận Thiên Chúa, tự bản chất là những kẻ ngu si. Từ những vật hữu hình tốt đẹp, chúng không đủ khả năng nhận ra Đấng hiện hữu, và khi chiêm ngắm bao công trình, chúng cũng không nhận biết Đấng Hoá Công. Thế mà, lửa với gió, hay làn khí thoảng qua, hay tinh tú bầu trời, hay nước chảy cuồn cuộn, hay đèn trời thắp sáng, chúng lại coi là thần, là những bậc quản cai hoàn vũ.” (Kn 13:1-2)
Đó là những lời khôn ngoan nói về tội thờ ngẫu tượng. Tại sao? Vì không tôn thờ Thiên Chúa mà tôn thờ nhưng thứ khác, chỉ là thụ tạo. Mê tiền bạc hoặc danh lợi cũng là một dạng tôn thờ ngẫu tượng.
Thật vậy, thụ tạo chúng ta PHẢI tôn thờ chỉ một Thiên Chúa mà thôi, vì Ngài là ĐẤNG DUY NHẤT. (Đnl 6:4; Nkm 9:6; Xh 20:3; Đnl 5:7; Đnl 32:39; Gđt 8:20; Kn 12:13; Is 43:10; Is 45:6; Is 46:9; Đn 3:28-29; Đn 14:41; Hs 13:4) Nhận biết Thiên Chúa là người khôn ngoan, tin vào Một Chúa Ba Ngôi là người thông minh.
Thiên Chúa chỉ có một, nhưng có ba ngôi. Thiên Chúa Ba Ngôi trong Tam Vị Nhất Thể đã khai mở tính hợp lý mà Giáo lý Công giáo gọi là “bí mật tận cùng” về Thiên Chúa Ba Ngôi. Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy: “Chính bản chất của Thiên Chúa là yêu thương. Bằng cách sai Con Một và Chúa Thánh Thần Yêu thương một cách trọn vẹn, Thiên Chúa đã mạc khải bí mật tận cùng của Ngài: Chính Thiên Chúa – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – trao đổi tình yêu hằng hữu, và Ngài tiền định chúng ta cùng chia sẻ sự trao đổi đó.” (số 221)
Mỗi ngày chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi nhiều lần, vì mỗi khi làm dấu Thánh Giá: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần.” Đó là lúc chúng ta chúc tụng và tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi. Ngoài việc làm dấu Thánh Giá, chúng ta còn nhiều lần chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi khi chúng ta cầu nguyện – chung hoặc riêng: “Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và hằng có, và đời đời chẳng cùng.” (Kh 1:8) Chúa Giêsu đã căn dặn: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” (Mt 28:19)
Một Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của Đức Tin Công giáo. Mầu nhiệm này quan trọng nhất nhưng cũng khó hiểu nhất, và chắc chắn chúng ta không thể hiểu thấu theo suy luận của trí óc phàm nhân.
Sự kiện Cựu Ước thật kỳ lạ và tuyệt vời… Ngay từ sáng sớm, ông Môsê lên núi Sinai như Chúa đã truyền dạy, ông mang theo hai bia đá. Chính hai bia đá này sẽ được ghi Thánh Luật – Thập Giới, Mười Điều Răn. Rồi Thiên Chúa ngự trên đám mây, Môsê đứng trước mặt Chúa và kêu cầu Thánh Danh. Sau đó Ngài đi qua trước mặt ông và hô: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông.” (Xh 34:6-7) Thiên Chúa giàu lòng thương xót nhưng cũng rất công bình, Ngài “không bỏ qua điều gì” và “trừng phạt tam tộc.” Người Việt chúng ta cũng có cách nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước.” Điều đó cho thấy tội lỗi có tính liên đới chứ không đơn giản như chúng ta tưởng, không phải là ai làm nấy chịu.
Ông Môsê vội vàng phục xuống đất thờ lạy khi nghe tiếng Chúa, và ông thân thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài.” (Xh 34:9) Phàm nhân là thế, xấu xa mà cứ ra vẻ tốt lành và đòi hỏi. Thế nên Thiên Chúa vừa nhắn nhủ vừa truyền lệnh: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc.” (Tv 95:8)
Mặc dù Thiên Chúa tạo dựng chúng ta, nhưng vì thích ăn “trái cấm” và kiêu căng nên chúng ta mất ơn nghĩa với Ngài và bị “con rắn” quấn chặt. Tuy nhiên, Ngài vẫn yêu thương chúng ta nên Ngài lại “tháo gỡ” cho chúng ta bằng Bí tích Thánh Tẩy và Bí tích Hòa Giải, đặc biệt là cho Ngôi Hai nhập thể làm người và chịu chết để cứu chuộc, khôi phục nguyên trạng cho chúng ta là lại được quyền làm con cái như xưa. Ngài đã sinh chúng ta hai lần – và nhiều lần khác, mỗi khi chúng ta xưng tội. Đó là đại đặc ân của lòng thương xót mà chúng ta không thể hiểu hết. Vả lại, chính Chúa Giêsu đã xác định: “Lòng thương xót của Ta lớn hơn tội lỗi của cả nhân loại.” (Nhật Ký Thánh Faustina, 1485) Do đó, cần phải biết chúc tụng Chúa trong mọi hoàn cảnh. Chúng ta chúc tụng Ngài cũng chẳng thêm gì cho Ngài nhưng sinh ích lợi cho phần rỗi của chúng ta. Thật tuyệt vời vô cùng!
Mặc dù đang ở trong lò lửa, Adaria vẫn thản nhiên hát thánh ca: “Lạy Chúa, chúc tụng Ngài là Thiên Chúa tổ tiên chúng con, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng Chúa trong thánh điện vinh quang, xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời. Chúc tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng, xin dâng lời ca tụng suy tôn muôn đời. Chúc tụng Chúa, Đấng ngự trên các thần hộ giá mà thấu nhìn vực thẳm, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng Chúa trên vòm trời tận chốn cao xanh, xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời.” (Ðn 3:52-56) Ca tụng Thiên Chúa là niềm hạnh phúc của tín nhân. Vả lại, “chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” (Ga 3:27) Vì thế, bổn phận của mỗi chúng ta là không ngừng chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa.
Vui, buồn, sướng, khổ đều là hồng ân. Chúc tụng Thiên Chúa khi đời sống êm ả như dòng sông hiền hòa là điều không khó, nhưng thật là khó nếu cuộc đời gặp điều bất trắc mà vẫn biết chân thành ca tụng Chúa. Vì thế, chúng ta phải cố gắng không ngừng. Thật vậy, dù bị trắng tay và khốn khổ cùng cực, Thánh Gióp vẫn chấp nhận và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa.” (G 1:21) Gương Thánh Gióp thật sáng ngời, là tín nhân thì phải cố gắng noi theo, và đó cũng là “điểm lạ” mà những kẻ vô thần không có.
Dù việc nhỏ, công to, làm gì cũng “nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần.” Đó là chúc tụng Chúa Ba Ngôi, chứng tỏ niềm tín thác vào Ngài, đồng thời còn phải thể hiện niềm tin đó với nhau trong cuộc sống đời thường. Điều đó không chỉ là việc cần thiết mà còn là bổn phận với nhau, vì mọi người đều có mối liên đới lẫn nhau. Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an sẽ ở cùng anh em. Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện.” (2 Cr 13:11-12) Đó là ước muốn thánh thiện, phù hợp với mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48)
Thánh Phaolô chân thành nói: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen.” (2 Cr 13:11-13) Thật hạnh phúc khi chúng ta đang được sống trong lời cầu chúc đó, bởi vì cuộc đời chúng ta luôn đầy ắp ân sủng, tình yêu thương và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần. Ôi, thật hạnh phúc, nhưng phàm phu tục tử không thể nào hiểu được!
Đó là đặc ân khôn ngoan. Rất cần thiết. Tại sao? Kinh Thánh cho biết: “Nơi Đức Khôn Ngoan có một thần khí tinh tường và thánh thiện, duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ, minh mẫn và tinh tuyền, trong sáng và thản nhiên, lanh lợi và chuộng điều lành, bất khuất, từ bi và nhân ái, cương quyết, vững vàng và điềm tĩnh, làm được mọi sự và quan tâm đến mọi điều, thấu suốt mọi tâm can, kể cả tâm can của những người trong sạch, thông minh, tinh tế nhất.” (Kn 7:22-23)
Một minh chứng hiển nhiên Lòng Chúa Thương Xót bao la: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3:16) Quả thật là thế, và còn hơn thế nữa, bởi vì “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, KHÔNG phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà ĐƯỢC CỨU ĐỘ. Ai tin vào Con của Người thì KHÔNG bị lên án; nhưng kẻ KHÔNG tin thì bị lên án rồi, vì đã KHÔNG tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” (Ga 3:17-18) Những chữ “không” viết giống nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn khác nhau.
Thánh Mark khổ tu cho biết: “Ai đã phạm tội thì đừng bao giờ thất vọng. Chúng ta không bị đoán phạt vì số lượng tội lỗi đã phạm, nhưng vì chúng ta không muốn sám hối và không nhận biết các phép lạ của Chúa Kitô.” Đó là người khôn ngoan và thông minh. Nhưng thế nào là thông minh đích thực? Thánh Antôn Cả giải thích: “Có những người được gọi là thông minh chỉ vì từ ngữ ấy bị lạm dụng. Người thông minh không phải là người nghiên cứu ngôn từ và tác phẩm của các bậc thông thái thời xưa, nhưng là người có tâm hồn sáng suốt, biết đoán định điều tốt điều xấu; với lòng tri ân Thiên Chúa, họ xa tránh những điều xấu nguy hại cho linh hồn, đồng thời ân cần lưu tâm và thực hiện điều tốt sinh ích cho trần thế.”
Chỉ có Thiên Chúa là Đấng toàn năng, hằng hữu và hằng sinh, nhận biết Ngài là một đặc ân cao cả. Vì thế, chúng ta luôn phải tạ ơn Ngài mọi nơi và mọi lúc, đồng thời hãnh diện và vui mừng tuyên xưng Đức Tin với đệ nhất mầu nhiệm: Một Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa mặc khải vinh quang của Ngài như vinh quang của Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Ba Ngôi bằng nhau về uy quyền, không phân chia sự huy hoàng, nhưng chỉ là Một Thiên Chúa, được phụng thờ trong vinh quang muôn đời. Sống yêu thương nhau là giữ Thánh Luật và thực hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu đã truyền, (Ga 13:34-35) đồng thời cũng là sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Cuộc đời tín nhân thật đáng sống, bởi vì không thất vọng hoặc tuyệt vọng dù sống giữa khổ hải trần gian. Thật kỳ diệu!
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, xin luôn ban sức mạnh để chúng con can đảm sống Đức Tin trong mọi hoàn cảnh suốt chặng đường lữ hành trần gian. Xin Thần Khí Chúa tác động để chúng con ngoan cường trong cuộc chiến tâm linh, xin giúp chúng con luôn biết chúc tụng và tôn vinh Ngài là Thiên Chúa duy nhất, vì đó là niềm hãnh diện và cũng là bổn phận của mỗi tín nhân chúng con – thụ tạo của Ngài. Xin liên kết mọi người nên một trong Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment