Thứ Tư, 10 tháng 6, 2020

ÂN CẦN

Ðức Giê-su Ki-tô
Vẫn sống trong lịch sử
Của con người trần thế
Theo dòng chảy thời gian

Ngài vẫn luôn ân cần
Đỡ đần người yếu đuối
Hướng dẫn mọi đường lối
Đưa về nơi an toàn

Với những người thấp hèn
Bị xã hội ruồng bỏ
Ngài xót thương nâng đỡ
Chứ chẳng hề lãng quên

Ngài là Chúa uy quyền
Nhưng nhân từ, thương xót
Chẳng ai bị từ khước
Nếu tìm đến với Ngài

Ngài sẽ cho nghỉ ngơi
Nơi Thánh Tâm cực thánh
Ai khát khao công chính
Được nhận Thánh Thể Ngài

TRẦM THIÊN THU
Đêm 09-06-2020

 Mầu Nhiệm Thánh Thể
 Sau Phép Lạ Thánh Thể, Chúa Giêsu Còn Hiện Diện Thật?
 Sức mạnh chống lại ma quỷ
 Phép Lạ Thánh Thể Tại Lanciano

NHẠC SĨ HÙNG LÂN

Sơ lược cuộc đời và sự nghiệp của NS Hùng Lân: “Lúc sinh thời, NS Hùng Lân lo cho tiền đồ của nền âm nhạc và thánh nhạc Việt Nam. Ông cũng là một cây đa, cây đề trong giới nhạc sĩ của Việt Nam, nhưng tiếc rằng chưa có cuộc hội thảo nào về NS Hùng Lân. Cuộc đời ông âm thầm như một dấu lặng định mệnh. Trong âm nhạc, dấu lặng để nghỉ và chuyển tiếp sang câu nhạc khác, nhưng dấu lặng luôn quan trọng, cũng như bè trầm quan trọng trong ban hợp xướng. Phúc Âm nói về việc từ bỏ mình. Từ bỏ mình không là hủy hoại mình mà là bỏ tính ích kỷ để có cái tâm sáng. Không chỉ từ bỏ mình mà còn phải vác thập giá, là hy sinh, là phục vụ, là yêu thương, vậy mới có thể theo Chúa. Đau khổ rất giá trị. Ns Hùng Lân không chỉ có chuyên môn về âm nhạc, ông còn biết sâu sắc về văn hóa và có lòng yêu nước. Thánh Inhaxiô Antiôkia nói rằng Thiên Chúa là Đấng vô cùng trầm lặng. NS Hùng Lân đã từng ăn cơm Nhà Chúa nên ông vẫn có nét tu trong cuộc sống: Âm thầm theo Chúa.”
Thật vậy, bài thánh ca “Một Sợi Tơ Vàng” được ông viết bằng giai điệu đẹp với ca từ là thể thơ lục bát (thơ đặc trưng Việt Nam) nhẹ nhàng mà thâm thúy:
Con như một sợi tơ vàng
Mong manh hạt bụi trên (cây) đàn thiên nhiên
Mỗi lần Chúa đặt tay lên
Hồn con run rẩy khúc huyền dâng cao
Các bài thánh ca của ông có giai điệu giản dị, dễ nhớ, dễ phổ biến, nhưng ca từ của ông rất sâu sắc. Ông còn viết lời Việt cho bài thánh ca nổi tiếng mà mùa Giáng sinh nào cũng được sử dụng, đó là bài Đêm Thánh Vô Cùng (Nhạc sĩ FX. Gruber, 1787-1863, Đức ngữ là “Stille Nacht, Heilige Nacht,” Anh ngữ là “Silent Night, Holy Night”).
NS Hùng Lân có những bài như Thắp Ngọn Nến Hồng, Duyên Tình Miền Nam, Non Nước, Hoan Ca Phục Sinh, Bài Ca Vạn Vật (lời của Thánh Phanxicô Assisi), Thằng Tí Sún, Em Yêu Ai, Rước Đèn Trung Thu, Việt Nam Minh Châu trời Đông (Giải Nhất kỳ thi âm nhạc toàn quốc, Hà Nội – 1944, đồng thời là đảng ca của Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc Dân Đảng); Mẹ Là Mùa Xuân và Xuân Tạ Ơn; Tiếng Gọi Lên Đường, Rạng Đông (Giải thưởng Sáng tác Hội Khuyến nhạc Hà Nội – 1943), Khỏe Vì Nước, Hè Về.
Thánh ca có các bài như Đồng Cỏ Tươi (Tv 22), Cao Vời Khôn Ví, Tôi Không Còn Cô Đơn. Ngoài ra, ông còn có bài hợp xướng Trường Ca Phục Sinh (gồm 7 đoạn) và nhiều bài thánh ca quen thuộc, kể cả một số ca khúc đời như Hận Trương Chi, Sầu Lữ Thứ,... và ca khúc thiếu nhi như Ông Ninh Ông Nang, Chúc Tết,...
NS Hùng Lân đã biên soạn các tác phẩm như Sách Giáo Khoa Âm Nhạc (Giải thưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục – 1952), Nhạc Lý Toàn Thư (1960), Hỏi và Đáp Nhạc Lý (1964), Sư Phạm Âm Nhạc Thực Hành (tập 1 – 1974), Vui Ca Lên (tập 1 và 2 – 1973), Vui Ca Học Đường (Chương trình Phát Thanh Học Đường – 1975), Xướng Nhạc (Tập 1 và 2), Thuật Sáng Tác Ca Khúc (1977), và 100 bài soạn cho Orgue (phong cầm) hoặc để độc tấu hoặc đệm cho các ca khúc của ông.
Công trình khảo cứu âm nhạc của ông gồm: Nhạc Ngữ Việt Nam (1971), Tìm Hiểu Dân Ca Việt Nam (1971 – Giải nhất Biên khảo Văn học Nghệ thuật 1972), Nhạc Hòa Âm và Nhạc Đơn Điệu (Sơ lược về Nhạc ngữ Tây Phương và Việt Nam – 1964), và Nhạc Lý Tân Biên (Di cảo 1975-1986).
NS Hùng Lân (1922-1986) sinh tại Hà Nội, tên thật là Phêrô Hoàng Văn Hương, với các bút hiệu khác là Nam Hoa và Lâm Thanh. Ông từng tham gia Ban Sáng Lập và Ban Giám Đốc trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Saigon, đồng thời từng làm chủ sự Phòng Phát thanh Học đường tại Trung tâm Học liệu Bộ Giáo dục Saigon.
Với kiến thức thần học sở đắc tại Đại chủng viện Xuân Bích (Hà Nội), NS Hùng Lân lãnh trách nhiệm chính trong phong trào nhạc phụng vụ và giáo ca bằng Việt ngữ, Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh được thành lập vào tháng 7-1945 tại Sở Kiện (tỉnh Hà Nam cũ), ông là nhạc đoàn trưởng tiên khởi. Nhạc đoàn Lê Bảo Tịnh đã xuất bản nhiều tuyển tập của nhiều tác giả với tựa đề chung là Cung Thánh. Ông cũng đã xuất bản 3 tập nhạc với tựa đề Ca Vang Lời Chúa 1, 2 và 3. Được biết ông còn 80 bài ứng tác Thánh Vịnh chưa xuất bản.
Tôi may mắn được là học trò của ông một thời gian về xướng âm, hòa âm, điều khiển, hợp xướng và piano. Thêm một chút may mắn khác là tôi còn được ông “ngó chừng” và tâm sự vài điều. Ông kể rằng…
Ông được đi tu nghiệp ở ngoại quốc một thời gian. Khi tu nghiệp xong, trước ngày về chỉ một tuần, một bên tai ông có triệu chứng “miễn âm,” tức là triệu chứng điếc. Ông điều trị ở một bệnh viện của một nhà dòng. Họ “lật” vành tai ra rồi vá màng nhĩ kiểu như “vá xe đạp” vậy. Ông nói rằng bên tai được “vá” lại nghe tốt hơn bên tai kia. Lạ thật! Còn về bút hiệu Hùng Lân, ông nói đó là ông ghép tên của hai người anh của ông đã chết trong chiến tranh, cũng là để ông tưởng nhớ song huynh của ông.
NS Hùng Lân không chỉ cầu nguyện bằng âm nhạc mà ông còn giúp nhiều người cùng cầu nguyện bằng âm nhạc, mà “hát hay là cầu nguyện hai lần.” (Thánh Augustinô) Chắc chắn Thiên Chúa nhân từ đã thưởng công cho ông rồi.
TRẦM THIÊN THU (học trò của Nhạc sư Hùng Lân)
+ Ca khúc “Việt Nam Minh Châu Trời Đông”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment