Đối với người Công giáo, Thánh Thể là bí tích cao trọng nhất. Thật vậy, tham dự Thánh Lễ là một nghĩa vụ, sẽ là tội trọng nếu không tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật và một số lễ buộc. Thánh Lễ được chia thành hai phần: Phụng Vụ Lời Chúa và Phụng Vụ Thánh Thể. Phụng Vụ Lời Chúa gồm hai bài đọc (một bài Cựu Ước và một bài Tân Ước), đáp ca, Phúc Âm, bài giảng và lời nguyện.
Tâm điểm của Thánh Lễ là phần thứ hai, Phụng Vụ Thánh Thể. Lúc này, các tín hữu Công giáo chia sẻ Mình và Máu Chúa Giêsu trong hình bánh và rượu. Theo Kinh Thánh, việc này được cử hành để tưởng nhớ Đức Kitô. (1 Cr 11:23-25; x. Lc 22:18-20 và Mt 26:26-28) Tuy nhiên, theo Giáo lý Công giáo, “Thánh Thể là lễ hy sinh vì tái thể hiện hy tế Thập Giá, vì đó là cuộc tưởng niệm và hưởng dùng thành quả”. (GLCG số 1366)
Giáo lý Công giáo tiếp tục cho biết: Hy lễ Đức Kitô và hy lễ Thánh Thể là một hy lễ: “Hiến vật là Đấng hiến dâng qua thừa tác viên linh mục, Đấng đã tự hiến trên Thập Giá, chỉ khác cách dâng.” (GLCG, số 1367) Hy lễ này được cử hành trong Thánh Lễ, chính Đức Kitô tự hiến đã đổ máu trên Thập Giá xưa và nay được dâng theo cách không có máu, nhưng hy lễ này vẫn thực sự có giá trị giao hòa.
Trong sách Ma-la-khi, ngôn sứ nói trước việc bỏ nghi lễ cũ và thiết lập nghi lễ mới: “Ai trong các ngươi sẽ đóng cửa lại, để các ngươi khỏi uổng công đốt lửa trên bàn thờ của Ta? Ta chẳng hài lòng chút nào về các ngươi, và Ta chẳng ưng nhận lễ phẩm từ tay các ngươi dâng. Quả thật, từ đông sang tây, Danh Ta thật cao cả giữa chư dân; và ở khắp nơi, người ta dâng lễ hy sinh và lễ vật tinh tuyền kính Danh Ta, bởi vì Danh Ta thật cao cả giữa chư dân.” (Ml 1:10-11) Nghĩa là Thiên Chúa sẽ được tôn vinh trong dân ngoại, những người sẽ dâng hiến lễ tinh tuyền cho Ngài ở mọi nơi. Người Công giáo coi đó là Thánh Thể. Tuy nhiên, Thánh Phaolô có vẻ có hướng khác: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rm 12:1) Thánh Thể chỉ có thể được dâng ở những nơi ấn định: các nhà thờ đã thánh hiến theo giáo luật. Ý tưởng hiến dâng thân mình làm của lễ sống động rất phù hợp với ngôn ngữ tiên báo, nói rằng hy lễ sẽ được dang “ở mọi nơi.”
Giáo Hội Công giáo Rôma tin rằng bánh và rượu trở nên Mình Máu Chúa Giêsu thực sự. Giáo Hội cố gắng ủng hộ hệ tư tưởng với các câu Kinh Thánh này: Ga 6:32-58; Mt 26:26; Lc 22:17-23; và 1 Cr 11:24-25. Năm 1551, Công Đồng Trentô xác định: “Việc thánh hóa bánh rượu làm biến đổi bản chất của bánh rượu thành Mình Máu Đức Kitô. Giáo Hội Công giáo gọi sự biến đổi này là sự biến thể hoặc hóa thể” (Phiên họp XIII, chương IV; x. canon II). Bằng cách chia sẻ bữa tiệc Thánh Thể, Giáo Hội dạy rằng người Công giáo hoàn tất câu Ga 6:53: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.”
Điều đó có ý nghĩa gì? Chúa Giêsu xác định: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là THẦN KHÍ và là SỰ SỐNG. Nhưng trong anh em có những kẻ KHÔNG TIN.” (Ga 6:63-64) Như vậy, nếu “xác thịt vô ích”, tại sao chúng ta phải ăn Thịt của Chúa Giêsu để có sự sống đời đời? Điều đó vô nghĩa cho tới lúc Chúa Giêsu nói với chúng ta rằng lời Ngài chính là “thần khí”. Chúa Giêsu nói rằng đó không là giáo huấn suông theo nghĩa đen, mà theo nghĩa tâm linh. Ngôn ngữ liên kết hoàn hảo với lời Thánh Phaolô: “Vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người.” (Rm 12:1)
Theo người Do Thái, bánh tương đương với Ngũ Thư (Torah – 5 cuốn đầu tiên trong Cựu Ước, tiếng Do Thái: תּוֹרָה, nghĩa là “hướng dẫn” hoặc “dạy dỗ”), và việc “ăn bánh” là đọc và hiểu giao ước của Thiên Chúa. (x. Đnl 8:3) Chẳng hạn, sách Huấn Ca nói: “Ai ăn Ta sẽ còn đói, ai uống Ta sẽ còn khát. Ai nghe lời Ta sẽ không phải thẹn thùng, ai hoạt động trong Ta sẽ không hề phạm tội. Tất cả những điều ấy đều có trong sách Giao Ước của Thiên Chúa Tối Cao, trong Lề Luật ông Mô-sê đã truyền, để các cộng đồng Giacóp nhận làm gia nghiệp.” (Hc 24:20-22) Việc trích dẫn sách Huấn Ca ở đây không xác nhận đó là Kinh Thánh, mà chỉ minh họa cách người Do Thái nghĩ về Luật Môsê. Cần phải hiểu sự ngang hàng của Bánh với Ngũ Thư để đánh giá đúng quan điểm của Chúa Giêsu.
Trong Ga 6, Chúa Giêsu cho dân chúng biết rằng Ngài còn cao trọng hơn Ngũ Thư (x. Ga 6:49-51) và cả Luật Môsê. Sách Huấn Ca nói rằng những người ăn theo Luật thì “vẫn đói” và “vẫn khát.” Cách nói này được Chúa Giêsu phản ánh khi Ngài nói: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35) Chúa Giêsu không đòi hỏi người ta ăn Thịt và uống Máu Ngài theo nghĩa đen, Ngài cho họ biết điều cốt lõi của Giáo lý Kitô giáo: HÃY TIN VÀO CHÚA GIÊSU. Đó chính là ước muốn của Thiên Chúa: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6:29)
Có sự tương tự rất rõ ràng trong Ga 6 đối với thời ông Môsê và việc ăn man-na. Thời ông Mô-sê, man-na được Thiên Chúa cung cấp làm của ăn cho dân Israel khi họ đi trong hoang địa. Tuy nhiên, trong Ga 6, Chúa Giêsu xác nhận là man-na thật, là bánh bởi trời. Với câu này, Chúa Giêsu xác nhận việc Thiên Chúa cung cấp đầy đủ về Ơn Cứu Độ. Man-na là sự quan phòng về việc cứu đói, Chúa Giêsu là nguồn cung cấp của Thiên Chúa về việc cứu khỏi án phạt. Giống như manna phải được dùng để duy trì sự sống của dân Israel, chúng ta cũng phải lãnh nhận Chúa Giêsu để được cứu độ.
Trong Ga 6, rõ ràng Chúa Giêsu đề cập chính Ngài là Bánh Hằng Sống và khuyến khích những người theo Ngài ăn Thịt Ngài. Nhưng chúng ta không cần kết luận rằng Chúa Giêsu dạy những gì mà người Công giáo nói tới là sự biến thể hoặc hóa thể (transubstantiation). Bữa Tiệc Ly / rước lễ / Thánh Thể chưa được thiết lập. Mãi tới chương 13 trong Phúc Âm theo Thánh Gioan, Chúa Giêsu mới thiết lập bí tích Thánh Thể / Thánh Lễ / Bữa Tiệc Ly. Như đã nói trên đây, đó là cách tốt nhất để hiểu đoạn văn này trong ánh sáng đức tin để được Chúa Giêsu ban Ơn Cứu Độ. Khi chúng ta tin nhận Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ, hãy hoàn toàn tín thác vào Ngài, chúng ta cũng đang “ăn Thịt Ngài” và “uống Máu Ngài.” Thánh Thể Ngài không tan rữa khi Ngài chết, và Bửu Huyết Ngài đã đổ ra để cứu độ chúng ta. Thánh Phaolô cho biết: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa.” (1 Cr 11:26-27)
Công giáo định nghĩa Thánh Thể là “tái diễn” sự hy sinh của Đức Kitô, khái niệm này không có trong Kinh Thánh. Đức Kitô không cần hy sinh lại. Sự hy sinh của Đức Kitô không cần hiến dâng lại. Dt 7:27 xác định: “Đức Giêsu không như các vị thượng tế khác: mỗi ngày họ phải dâng lễ tế hy sinh, trước là để đền tội của mình, sau là để đền thay cho dân; phần Người, Người đã dâng chính mình và chỉ dâng MỘT LẦN là đủ”. Tương tự, 1 Pr 3:18 giải thích: “Chính Đức Kitô đã chịu chết MỘT LẦN vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh.” Đức Kitô chết một lần trên Thập Giá là đủ cứu chuộc mọi tội lỗi của chúng ta. (1 Ga 2:2) Do đó, sự hy sinh của Đức Kitô cũng không cần hiến dâng lại. Sự hy sinh của Đức Kitô được đón nhận bằng đức tin. (Ga 1:12; Ga 3:16) Ăn Thịt và uống Máu Đức Kitô là dấu chỉ đón nhận sự hy sinh của Ngài thay cho chúng ta, nhờ ân sủng qua đức tin.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ GotQuestion.org)
Kính thờ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô, 03-06-2018
✝ Cảm nghiệm PANGE LINGUA (Tantum Ergo) của Thánh LM TS Thomas Aquino
✽ Kính Thờ Thánh Thể – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/04/kinh-tho-thanh-the.html
✽ Thánh Thể Chúa – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/03/thanh-chua.html
✽ Thánh Thể Chữa Lành – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/03/thanh-chua-lanh.html
✽ Trước Thánh Thể – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/06/cau-nguyen-truoc-thanh-the.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment