Khi chúng ta kính mừng Con Thiên Chúa Giáng
Sinh thì cũng là lúc chuẩn bị bước qua năm mới, với nhiều cái khởi đầu mới – cả
đời thường và tâm linh.
1. SỰ NGHÈO HÈN CAO TRỌNG
Giáo Hội hướng chúng ta tới Mầu Nhiệm Giáng
Sinh qua ngắm thứ ba của Chuỗi Mân Côi Mùa Vui: “Ðức Mẹ sinh Chúa Giêsu nơi Hang Đá.” (Lc 2:1-14; Mt 2:1-12; Gl
4:1-7)
Chúa Giêsu giáng sinh trong hoàn cảnh khó
khăn mọi bề, từ vật chất tới tinh thần. Qua mầu nhiệm này, chúng ta cầu xin
được “lòng khó khăn.” Ở đây, danh từ “khó khăn” không có nghĩa là “khó tính,” “khó nết,” “khó chịu,” “khó ưa,”… mà là sống nhân đức khó nghèo, sống tinh thần
khó nghèo, có tinh thần khó nghèo sẽ dẫn tới hành động, tức là thể hiện sự khó
nghèo. Thật vậy, nghèo khó hoặc thanh bần là nhân đức cao quý, là một trong ba
lời khấn chính của các tu sĩ, những người sống theo lời khuyên Phúc Âm trong
đời sống thánh hiến.
Giữa đêm khuya thanh vắng, lạnh lẽo, khi Con
Thiên Chúa giáng sinh ra nơi hang đá tại miền Belem, thiên thần báo tin cho các
mục đồng: “Anh em cứ dấu này mà nhận ra
Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ.” (Lc
2:12) Trẻ sơ sinh được bọc tã là chuyện bình thường, nhưng vấn đề là “nằm trong
máng cỏ.” Khi chào đời, người ta không được sinh ra trong nệm ấm, chăn êm, thì
cũng được sinh ra ở một nơi tương đối đàng hoàng, có giường chiếu hẳn hoi. Chỉ
những ai “đẻ rơi” mới ở ngoài đường hoặc ngoài đồng. Vậy mà Con Thiên Chúa lại
sinh trong cảnh nghèo khó hơn bất cứ ai trong chúng ta.
Ngay sau khi được báo tin, các mục đồng đã
liền hối hả ra đi theo hướng ánh sao. Kinh Thánh cho biết rạch ròi: “Đến nơi, họ gặp Cô Maria, Chú Giuse, cùng
với Hài Nhi đặt nằm trong máng cỏ.” (Lc 2:16) Đúng y như lời báo của các thiên
thần. Quá đỗi bất ngờ, hoàn cảnh của Thánh Gia khó khăn ngoài sức tưởng tượng,
theo kiểu người Việt ví von: “Nghèo rớt
mồng tơi.”
Chúa Giêsu đã chọn cách sống nghèo không
giống ai, đó là Ngài làm gương để dạy chúng ta phải sống nhân đức nghèo khó.
Các mục đồng là những người nghèo khó, hèn hạ, vất vả mưu sinh, thậm chí có thể
là không biết chữ, nhưng họ lạ là nhân chứng thứ nhất về Tin Mừng Giáng Sinh.
Chúa Giêsu muốn chúng ta chia sẻ vật chất với người khác, quan tâm tha nhân,
giúp đỡ người khác, và Ngài đặt động thái sống nghèo khó là Mối Phúc thứ nhất
trong Bát Phúc: “Phúc thay ai có tâm hồn
nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5:3) Bài học giáng sinh là bài học
về nhân đức nghèo khó. Lối sống hưởng thụ, tìm an nhàn là đối nghịch với nhân
đức nghèo khó, tất nhiên cũng “đối lập” với Thiên Chúa.
Chúa Giêsu là một nhân vật lịch sử huyền
thoại, độc nhất vô nhị. Sử gia H.G. Wells, người Anh, công nhận: “Tôi là một sử gia, tôi không có niềm tin
tôn giáo, nhưng tôi phải thú thật với tư cách một sử gia rằng nhà thuyết pháp
nghèo kiết xác này (penniless preacher) đến từ Nadarét lại chính là trung tâm
của lịch sử. Ông Giêsu Kitô là nhân vật nổi bật nhất trong toàn lịch sử nhân
loại.” Quả thật, dù không tin ra mặt nhưng người ta vẫn ngầm tin Chúa Giêsu
là “siêu nhân” đích thực.
Kinh Thánh đã nói về Đức Kitô: “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ;
vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để
chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ.” (Cv 4:12)
2. THIÊN VƯƠNG TỐI CAO
Theo truyền thống, Giáo Hội Công giáo dành
Tháng Mười Hai để tôn kính Chúa Hài Đồng và dành Tháng Giêng để tôn kính Thánh
Danh Chúa Giêsu. Qua lòng tôn sùng này, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta về sức mạnh
của Thánh Danh Đức Kitô, đồng thời khuyến khích chúng ta cầu nguyện nhân Danh
Ngài. Trong các lời nguyện trong phụng vụ, chúng ta thấy Giáo Hội luôn kết lời
nguyện bằng câu: Chúng con cầu xin nhân Danh Đức Giêsu Kitô, Chúa của chúng
con. Giữ Thánh Danh Ngài trên đôi môi của chúng ta là cách tốt để bảo đảm rằng
chúng ta luôn tiến đến gần Ngài, đặc biệt trong tháng này. Tuy nhiên, chúng ta
cũng đừng lạm dụng Thánh Danh Chúa Giêsu, vì Mười Điều Răn dạy: “Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.”
Ngay từ rất sớm, các Kitô hữu đã hiểu rằng
chính Thánh Danh Chúa Giêsu có sức mạnh vô song, và gọi tên Ngài cũng là một
cách cầu nguyện. Lời cầu nguyện ngắn gọn này là sự kết hợp của việc hành đạo và
lời cầu nguyện của người thu thuế trong dụ ngôn người Pharisêu và người thu
thuế. (x. Lc 18:9-14) Có thể đó là cách cầu nguyện phổ biến nhất trong Kitô
giáo Đông phương, cả Chính Thống giáo và Công giáo, họ dùng “dây cầu nguyện”
(sợi dây có thắt nhiều nút) tương tự như tràng hạt của Tây phương.
Ngày nay, chúng ta thường xuyên nghe tiếng
kêu Thánh Danh Chúa Giêsu và thấy Tên Ngài có ở nhiều nơi, nhất là khi gặp nguy
hiểm và bị hàm oan. Hàng ngày, chúng ta rất nhiều lần kêu cầu Thánh Danh Chúa
Giêsu, đặc biệt lúc 3 giờ chiều, tại nhiều nhà thờ trên thế giới, điệp khúc
Thánh Danh Chúa Giêsu được vang lên râm ran: “Vì cuộc Khổ nạn Đau thương của Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót chúng
con và toàn thế giới.” và “Lạy Chúa
Giêsu, con tín thác vào Ngài.” Khi lần Chuỗi Mân Côi, chúng ta cũng nhiều
lần kêu cầu Thánh Danh Chúa Giêsu: “Lạy
Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con…” Đặc biệt là khi chúng ta đau bệnh, hoặc
chăm sóc bệnh nhân, Thánh Danh Chúa Giêsu không ngừng được kêu cầu để khẩn cầu
ơn cứu thoát: “Giêsu…”
Lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu là dạng
cầu nguyện ngắn gọn thể hiện lòng khao khát, đôi khi được thốt ra như một phản
xạ có điều kiện. Nghĩa là Thánh Danh Chúa Giêsu được chúng ta kêu cầu nhiều lần
trong ngày.
Thật vậy, xin hãy nghe chính Chúa Giêsu nói: “Thầy bảo thật: anh chị em mà xin Chúa Cha
điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh chị em đã
chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh chị em sẽ được, để niềm vui của anh
chị em nên trọn vẹn.” (Ga 16:23) Chúa Giêsu nói như vậy vừa khuyến khích
vừa khuyến cáo mỗi chúng ta.
Tình trạng bách hại xưa nay đã xảy ra nhiều,
đã rõ ràng, đã và đang xảy ra tại Việt Nam chứ chẳng đâu xa. Nhưng ngày nay,
nhiều nơi người ta bách hại bằng những cách tinh vi, người ta cấm không cho
công khai thể hiện bất cứ dấu hiệu gì liên quan Chúa Giêsu. Cụ thể như tại
Pháp, một quốc gia từng được ca tụng là “trưởng nữ của Giáo Hội”, người ta
không cho đặt Thánh Giá ở các trường học. Một kiểu “phủ đầu” rất tinh vi. Mà kể
cũng lạ, tại sao không cấm những thứ gì liên quan đến các vị lập các đạo khác
mà lại chỉ “dị ứng” với Đức Giêsu Kitô? Đây cũng là một “điểm son” để các Kitô
hữu chúng ta hãnh diện về Đạo của Đức Giêsu Kitô mà chúng ta đang là thành
viên, và cũng để thêm lòng can đảm mà làm chứng về Ngài.
Được biết rằng kinh cầu Thánh Danh Chúa Giêsu
đã được các Thánh Bernardine Siena và Gioan Capistrano biên soạn từ đầu thế kỷ
XV. Sau khi diễn tả Chúa Giêsu bằng nhiều Danh Hiệu và kêu cầu Ngài thương xót
chúng ta, kinh cầu này có lời kêu xin Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi mọi
sự dữ và các mối nguy hiểm mà chúng ta phải đối mặt trong cuộc sống hằng ngày.
Đã từ lâu, có một bài thánh ca quen thuộc
thường được sử dụng trong Chúa nhật XXXIV thường niên hàng năm (lễ Chúa Kitô
Vua) của cố Lm Ns Vinh Hạnh, trong đó có câu: “Khi nghe Tên Thánh Chúa Giêsu, các tầng trời bừng sáng, các tà thần
chạy trốn, khắp trái đất khiếp run.” Thật vậy, ngay cả những người ngoại
giáo cũng cảm thấy “có gì đó khác lạ” khi nghe hoặc nhắc đến Thánh Danh Chúa
Giêsu.
Chúa Giêsu được tôn xưng bằng nhiều danh
hiệu: Con Thiên Chúa, Con Đấng Tối Cao, Ngôi Lời, Con Một, Con Người, Emmanuel
(Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta), Con Abraham, Con Vua Đavít, Con Đức Maria, Con
Thánh Giuse, Con Bác Thợ Mộc, Con Yêu Dấu, Thánh Tử, Thiên Tử, Trưởng Tử, Linh
Mục Thượng Phẩm, Tiên Tri Vĩ Đại, Người Tôi Tớ Đau Khổ, Tội Nhân, Vua các Vua,
Chúa các Chúa, Đấng Cứu Độ, Đấng Thiên Sai, Đấng Được Xức Dầu, Chiên Thiên
Chúa, Đấng Gánh Tội Trần Gian, Đấng Chăn Chiên Lành, Người Cha Nhân Hậu, Cửa
Chuồng Chiên, Gốc Gie-sê, Cây Nho, Bánh Hằng Sống, Ánh Sáng Thế Gian, Sức Mạnh
của Người Nghèo, Giao Ước Mới, Thành Lũy, Núi Đá, Nơi Trú Ẩn, Mạch Suối, Tảng
Đá Góc Tường, Đấng Bào Chữa, Người Được Tuyển Chọn, Vua Công Chính, Hoàng Tử
Bình An, Cố Vấn Kỳ Diệu, Thần Linh Dũng Mãnh, Thủ Lãnh Hoà Bình, Con Đường, Sự
Thật, Sự Sống, Ánh Sáng, Đầu và Cuối, Anpha và Ômêga, Khởi Nguyên và Tận Cùng,…
Người ta tính có đến hơn 200 danh xưng dành để tôn xưng Chúa Giêsu Kitô.
Lạy
Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết thực hành bài học nghèo khó, luôn tin cậy
và yêu mến Thánh Danh Ngài trong mọi hoàn cảnh và mọi nơi, để chúng con nhờ
chính Thánh Danh Ngài mà được cứu độ. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử
Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo TTĐM số 504, tháng
12-2019, Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Suy Tư Giáng Sinh – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/12/suy-tu-giang-sinh.html
✽ Suy Tư Về Cái Nghèo – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/12/suy-tu-ve-cai-ngheo.html
✽ Cái Nghèo – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/12/cai-ngheo.html
✽ Hang Đá GS Đầu Tiên – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/11/hang-giang-sinh-au-tien.html
▶ Mùa Vọng & GS – https://youtu.be/Dn2-xIWLalg
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment