Laudetur Jesus Christus – Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô – Bỏ Thầy, con biết theo ai? Thầy mới có lời ban sự sống – Lord, to whom shall we go? You have the words of eternal life. (Jn 6:68) – Lạy Chúa Giêsu, con TÍN THÁC vào Ngài! Jesus, I trust in You! – Lạy Chúa, này con đến để thực thi ý Ngài. (Dt 10:7 & 9) – Xin thương xót con là tội nhân. – Be merciful, O Lord, for I have sinned. (Ps 51) – God bless! Deo Gratias! – Đừng vì kính mến Chúa mà chống đối người khác. (Châm ngôn Pháp)
Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2019
GIẢ THUYẾT THỰC TẾ
Lá xanh hay lá vàng có thể “rụng” bất kỳ lúc
nào, dù gió to hay gió thoảng; trái xanh hay trái chín cũng có thể được (hay
“bị”) người ta “hái” bất cứ lúc nào, dù sáng sớm, buổi trưa hoặc chiều tối,
cũng có thể lúc đêm khuya.
Bạn sẽ phản ứng
thế nào và sẽ làm gì? Bạn có bao giờ nghĩ như vậy? Chết lúc nào tốt, lúc nào
xấu? Giờ nào thì chết “hên” và lúc nào thì chết “xui”? Ai có thể cưỡng lại Tử
thần? Sao biết 9 giờ sáng là giờ hên mà không chết, lại chết vào 6 giờ tối? Sinh
sản cũng vậy, biết thời điểm nào đó “hên” và thuận tiện mà sao không sinh lúc
đó? Muốn có được không? Giờ nào tốt và giờ nào xấu? Ai biết chắc? Xui hay hên là do
mình. Chẳng ai biết mình chết lúc nào và chết cách nào. Khi sắp chết mới biết
mình… sắp chết. Cũng có thể lúc đó là muộn rồi!
Quả thật, “nếu chỉ còn một
ngày để sống…” là một giả-thuyết-thực-tế, một cái “nếu” rất thật, thật
đến nỗi điều đó có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, thậm chí là NGAY BÂY GIỜ, dù bạn mới vài tuổi,
ngoài đôi mươi, tứ tuần, trung niên, thất tuần, bát tuần, hoặc xấp xỉ… trăm
tuổi!
Một lần nọ, khi
đang giờ chơi tại Khánh Lễ Viện của Thánh Lm Don Bosco, cậu Saviô được hỏi: “Nếu chỉ còn một giờ nữa con chết, con
sẽ làm gì?” Cậu Saviô đáp ngay: “Con
vẫn tiếp tục chơi.”
Câu trả lời thật
tuyệt vời, vì đó là THI HÀNH Ý CHÚA
TRONG HIỆN TẠI. Giờ nào việc nấy. Dù là việc đọc sách thiêng liêng hay
đọc kinh, cầu nguyện, làm từ thiện,... nếu không “đúng lúc” thì cũng vô nghĩa.
Điều đó cho thấy “nhiệm vụ hiện tại” rất quan trọng qua cách thể hiện đức tin.
Vậy đó, con người
quá yếu đuối, quá nhỏ bé, dù “có là gì” thì cũng chẳng là gì cả! Tôi chỉ nói ra
cảm nhận riêng mà tôi khả dĩ chân nhận, tất nhiên không tránh khỏi tính chủ
quan. Tôi biết tôi chỉ là con-số-không-to-lớn, một “số không” lớn nhất trong
những “số không” khác. Đó là một thực-tế-thật, dù rất có thể chính tôi cũng không
muốn… chấp nhận!
Theo tôi, dù là
ai thì trước tiên vẫn phải là con người, mà là con người thì không chỉ phải giữ
luật sống của một con người bình thường mà còn phải “lưu ý” rằng cuối cùng mình
cũng phải… chết, chẳng chóng thì chày, dù bệnh hay khỏe mạnh! Đó là một thực
tế vừa minh nhiên vừa mặc nhiên. Có sợ chết tới mức nào thì cũng không ai thoát
chết!
Người giàu sang, có
danh vọng, có địa vị hoặc chức tước, người giàu hay nghèo, người lớn hay nhỏ,
nam hay nữ, người giỏi hay dốt, người tài năng hay bình thường, người có niềm
tin tôn giáo hay không có niềm tin tôn giáo, người xấu hay đẹp, người cao hay
thấp,… cuối cùng rồi ai cũng hoàn toàn giống nhau: “Tay trắng vẫn hoàn trắng tay.” Nhắm mắt xuôi tay là… “chấm hết.” Alexandre đại đế đã làm gương “để hai tay ra ngoài chiếc quan tài” cho người ta
thấy một thực-tế-thật. Nhưng có lẽ người ta chỉ nghe cho biết, đọc cho vui,
thấy để mà… thấy. Thế thôi!
Ai cũng biết vậy,
thế mà người ta vẫn cứ tranh giành nhau, chi li từng chút – cả vật chất lẫn
tinh thần! Thua một chút là cảm thấy “khó chịu.” Mà thua một chút thì có sao? Hơn
nhau một chút thì được lợi gì? Phải chăng đó chỉ là ảo tưởng? Quả thật, “cái
Tôi” của chúng ta rất LỚN, do đó mà Pascal xác định: “Cái TÔI là đáng ghét.” Nhưng mấy ai dám ghét mình? Chúa Giêsu nói
“từ bỏ mình” theo nghĩa đen chứ chẳng cần bóng gió chi cả. (x. Mt 10:37-39; Lc
14:26-27) Khó lắm! Vì khó nên mới phải cố gắng và tập “chết” từng ngày…
Con người rất dễ
ảo tưởng, càng “lớn” càng dễ ảo tưởng, càng dễ độc đoán, càng muốn “chứng tỏ
mình,” càng dễ áp chế và bóc lột người khác. Nhưng người ta vẫn cho đó là áp
dụng theo Luật Chúa, theo Phúc Âm, là làm nhiệm vụ, là sống khiêm nhường, chứ không
ai muốn nhận mình là kiêu ngạo hoặc có “máu” Pharisêu!
Ai cũng một lần trút hơi thở cuối cùng, giã biệt trần gian để hóa thành
cát bụi – rồi trở về với Chúa hưởng phúc trường sinh, hoặc làm tôi mọi cho
Luxiphe đời đời kiếp kiếp. Cái chết giống nhau, nhưng hình thức có khác nhau
theo “thói đời.”
Người giàu cũng chết, tiền của và vàng bạc không cứu nổi họ. Người giàu
chết trên đống vàng, họ chết “sướng” chứ không chết “khổ” như người nghèo, quan
tài là loại mắc tiền nhất, đám tang thật lớn, những vòng hoa tươi đủ sắc màu, không
đủ chỗ đặt vòng hoa, cờ giăng rợp trời, cáo phó khắp nơi, người vào kẻ ra nườm
nượp, khách toàn những “ông kia, bà nọ,” khói nghi ngút tỏa ra từ những nén
nhang thơm loại mắc tiền, khoản phúng điếu tính hàng trăm triệu, kèn trống rộn
ràng, thậm chí còn có cả chương trình ca múa nhạc cho thiên hạ thưởng thức; nếu
người giàu là người có đạo thì gia đình tổ chức lễ đồng tế, tiệc tùng linh
đình, không ai khóc, ai cũng hớn hở bắt tay nhau,... Người giàu vừa chết
“sướng” vừa chết “công khai.”
Ngược lại,
người nghèo chết âm thầm, chết trong đau khổ, chết vì không có tiền chạy chữa,
chết hèn hạ, chết tủi nhục, chết đau đớn, chết thê thảm, chẳng ai thèm chú ý,
không ai phúng điếu, vắng hơn Chùa Bà Đanh, bát nhang lạnh tanh, quan tài rẻ
nhìn như chiếc thùng gỗ, đúng là… đám ma!
Người giàu được
nhiều người tới phúng viếng, nghĩa là được nhiều người cầu nguyện cho, họ còn có
nhiều tiền để xin lễ – tiền riêng và tiền phúng điếu. Còn người nghèo không ai
phúng viếng thì có ai thương mà cầu nguyện? Lấy tiền đâu mà xin lễ?
Nếu xét theo
“tầm nhìn” của phàm nhân, chắc chắn người giàu vào Thiên Đàng mau hơn người
nghèo. Thật hạnh phúc và an ủi thay là Thiên Chúa không xét theo kiểu của loài
người, Ngài chỉ xét theo “công” và “tội.”
Trong dụ ngôn “Người Giàu và Ladarô
Nghèo Khổ,” (Lc 16:19-31) Tổ phụ Ápraham đã nói rõ với người giàu: “Con ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con ĐÃ NHẬN PHẦN PHƯỚC của con rồi; còn
Ladarô SUỐT ĐỜI CHỊU TOÀN NHỮNG BẤT HẠNH. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ.
Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này
muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng
không được.” (Lc 16:25-26) Thiên Chúa là Đấng chí thánh, chí minh, chí
công, chắc chắn Ngài sẽ đòi công lý cho người nghèo!
R.I.P. – Requiescat In Pace – Xin Cho Các Linh Hồn Được Nghỉ Yên!
Lạy Chúa, vì Cuộc Khổ Nạn đau thương của Chúa
Giêsu, vì Bửu Huyết Chúa Giêsu đã đổ ra, và vì Châu Lệ Đức Mẹ đã chảy ra, xin
Chúa thương xót và tha thứ cho các linh hồn được an nghỉ ngàn thu trong tình
thương vô biên và lòng thương xót hải hà của Chúa. Nguyện xin Chúa cũng tha thứ
và cho chúng con chắc chắn sẽ được an nghỉ trong Chúa muôn đời. Amen.
Giêsu, Maria, Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn!
Jesus, Mary, Joseph, I love you, save souls!
Jésus, Marie, Joseph, je vous aime, sauvez les âmes!
Chúa Giêsu liên tiếp tâm sự với nữ tu Consolata Betrone, người Ý, trong những năm 1934-1946. Ngài căn dặn Chị: “Ta chỉ xin con một kinh Mến Yêu liên lỉ: ‘Giêsu – Maria – Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn!’ Hỡi Consolata, con hãy yêu mến Ta! Con sẽ làm Ta sung sướng khi con đọc kinh ấy. Con hãy nhớ rằng chỉ đọc một kinh này đủ định đoạt phần rỗi muôn đời của một linh hồn.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment