Friday, August 30, 2019

BỎ VÌ YÊU

Chỉ buông ra để bỏ đi
Dễ mà lại khó – khó gì khó ghê!
Thói quen vội vã vét vơ
Máu tham vốn dĩ từ xưa quen rồi
Bỏ sao khó quá đi thôi
Dẫu là bỏ thứ nhỏ nhoi, dư thừa
Cố buông bỏ mãi vẫn chưa
Bao năm qua vẫn cứ ù lì thôi
Bỏ mà cứ luyến tiếc hoài
Vì thế cuộc đời vẫn chẳng đổi thay
Sớm chiều vẫn cứ loay hoay
Quay qua quay lại, xoay xoay lòng vòng
Bỏ mình thật khó vô cùng
Thế nên việc thứ tha không muốn làm
Chẳng mau bỏ, cứ phân vân
Lòng còn tức giận, ghét ghen, lọc lừa,…
Không buông nên vẫn nặng nề
Cứ ì ạch mãi, chẳng ra khỏi mình
Cầu xin Thiên Chúa thương tình
Giúp con dứt khoát bỏ mình, làm ngay
Kéo con khỏi cuộc đắm say
Dám buông bỏ hết sự này, thứ kia
Ước gì bắt chước gương xưa
Mát-thêu bỏ hết, không gì luyến lưu
Đứng lên, chân bước, chẳng nao
Trả đời mọi thứ vì yêu Chúa Trời

TRẦM THIÊN THU
Trưa 30-08-2019

THOÁT NỢ ĐỜI

[Niệm khúc Mt 9:9-13 ≈ Mc 2:13-17; Lc 5:27-32]


Mát-thêu thu thuế cho đời

Mùi tiền bạc ám vào người đã lâu

Việc đời ắt hẳn nhức đầu

Kẻ khinh, người ghét, buồn nhiều hơn vui

Cái nghề đeo nghiệp hóa xui

Lặng thầm chịu đựng, ngậm ngùi mình ên

Chúa Giê-su thấy ông hiền

Gọi ông theo Chúa loan tin Nước Trời

Thế là thoát khỏi nợ đời

Mát-thêu đứng dậy, mỉm cười, vui ngay

Không do dự, bỏ việc này

Bạc tiền bỏ hết, theo Thầy Giê-su

An tâm dù nắng hay mưa

Nhẹ lòng, thoát nợ, trọn mơ Tin Mừng


TRẦM THIÊN THU


Ô NHIỄM ÂM THANH

“HÃY DẸP BỎ TIẾNG HÁT OM SÒM CỦA NGƯƠI, TA KHÔNG MUỐN NGHE TIẾNG ĐÀN CỦA NGƯƠI NỮA.” (Am 5:23)
Câu Kinh Thánh này từ ngàn xưa, chắc chắn không liên quan vấn đề hát karaoke ngày nay. Tuy nhiên, có thể dựa vào ý tưởng trách mắng đó mà suy nghĩ và nhìn lại “phong cách” của mình.
Người ta nói: “Hát hay không bằng hay hát.” Đúng vậy! Nhưng đừng lấy câu đó mà biện hộ cho sự tồi tệ của mình. Câu nói đó có ý tích cực, khuyến khích hát cho vui, đừng mặc cảm hoặc mắc cỡ. Tất nhiên giọng hát cũng phải nghe “lọt lỗ tai” một chút, mặc dù không hay như ca sĩ – mà thật ra có những ca sĩ hát nghe cũng “ghê” thấy mồ đi chứ hay ho gì!
Cứ tối đến là nơi này, nơi nọ “râm ran” những “tiếng lạ” phát ra từ những chiếc loa mở hết công suất. Những người “vô tội” không chỉ bị tra tấn về âm thanh mà còn bị hành hạ bởi những “giọng ca quái đản.” Hát dở cũng còn “đỡ tủi,” đàng này hát quá tệ, ngang hơn cua bò. Sai nhịp thì chẳng đáng nói chi, mà vì cao độ không được nốt nào, phải chi cứ đọc theo lời có lẽ còn “nghe được” hơn là rướn cổ ra mà… hét – không phải là “hát” nữa. Có những đoạn không biết hát thế nào thì họ “sáng tác” giai điệu luôn. Ôi chao, họ thật “đa tài” quá chừng!
Đáng lẽ “ca hát MÁT tai” thì lại là “ca hát RÁT tai.” Hát là hành động tốt nhưng người hát cứ tưởng mình hát như RÓT vào tai người khác mà thật ra là hát như ĐỤC vào tai người khác, làm hư tai những người “vô tội” phải chịu đựng khi nghe họ hát. Khổ thật!
Ai có thân nhân “hát hay” kiểu cua bò thì cũng nên đề nghị họ đừng “biểu diễn” nữa, đừng làm khổ hàng xóm nữa. Hãy khuyên họ can đảm chấp nhận thực tế về khả năng ca hát của họ mà “tha thứ” cho hàng xóm, trả lại sự an lành cho hàng xóm. Đó cũng là “làm phúc” vậy!
Sự thật mất lòng, nhưng dám chấp nhận sự thật đó mới có thể sống tốt hơn, không “làm khổ” người khác nữa.
TRẦM THIÊN THU

No comments:

Post a Comment

Comment