Kinh Thánh nhắn nhủ: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa thì con hãy chuẩn bị
tâm hồn để ĐÓN CHỊU THỬ THÁCH. Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng
bấn loạn khi con gặp khốn khổ.” (Hc 2:1-2) Thử thách đó không chỉ là những
nỗi khổ niềm đau, mà còn là những cơn cám dỗ như sóng xô không ngừng.
Phàm nhân là cát bụi, tro bụi, vì được Thiên
Chúa tạo nên từ đất, thế nên rất yếu đuối, dễ dàng sa ngã, nhưng khốn nạn là
vẫn kiêu căng, và tất nhiên cũng luôn cần nhận diện mình mà ăn năn sám hối. Thánh
Louis Marie de Montfort nói: “Thiên Chúa
thường xuyên và thực sự rất thường xuyên để cho các tôi trung cao cả của Người
vấp phải những sai lỗi nhục nhã nhất. Điều ấy hạ thấp họ trước mắt họ và trước
mắt những người đồng sự của họ. Điều ấy giữ cho họ khỏi nhìn thấy và không kiêu
hãnh về những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho họ.”
Sám hối liên quan cầu nguyện và ăn chay. Ăn
chay không chỉ là nhịn đói và từ khước thói quen vui thú nào đó, mà còn liên
quan thực tế đời sống. Kinh Thánh đặt ra vấn đề thực tế: “Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại
người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục,
ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào
chính ngọ.” (Is 58:9b-10) Còn thời gian để ăn chay và đền tội là còn diễm
phúc lắm.
Mùa Chay – dịp tốt ăn năn
Bụi tro nhắc nhớ chớ quên phận
mình!
Ăn chay, sám hối, hy sinh
Yêu
thương, bác ái, công bình, thứ tha
Mùa Chay là thời điểm hành động cụ thể – làm
thật chứ không chỉ mong ước hoặc nói suông. Mùa Chay nhắc nhớ về thân phận bụi
tro, yếu đuối và tội lỗi, chắc chắn như vậy, nhưng quan trọng là nhớ đến cái
chết: Memento Mori – Hãy nhớ mình sẽ chết. Màu Tím phủ đầy: Tím cõi lòng, tím
ăn năn, tím sám hối, tím khiêm nhường, tím yêu thương, tím chia sẻ, tím cầu
nguyện, tím nghĩ suy, tím tin kính, tím thú tội,… Màu tím tươi đẹp sắc thánh đức
chứ không buồn sầu thảm não.
Ai cũng sa ngã, nhưng quan trọng hơn là can
đảm đứng dậy. Thánh François de Sales động viên: “Sau khi đã sa ngã, hãy hướng tâm hồn lên một cách dịu dàng và êm đềm.
Hãy sấp mình trước thánh nhan Thiên Chúa trong sự ý thức về nỗi khốn cùng của
mình. Đừng ngạc nhiên trước sự yếu đuối của mình, bởi vì chẳng có gì đáng ngạc
nhiên cả, sự yếu đuối thì phải yếu đuối thôi”. Đừng bao giờ ỷ lại hoặc
tuyệt vọng, bởi vì như thế là động thái cố chấp và kiêu ngạo!
CẦN THIẾT TRỞ VỀ
Trở về không chỉ cần thiết mà còn cấp bách,
vì đó là bước khởi đầu để được Thiên Chúa xót thương. Vả lại, chính Đức Kitô đã
khuyến cáo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước
Trời đã đến gần.” (Mt 3:2; Mt 4:17)
Biết ăn năn sám hối là điều tốt, nhưng coi
chừng thói hợm mình và ỷ lại, rồi tự nhủ: “Tôi
đã phạm tội nhưng nào có sao? Bởi vì Đức Chúa nhẫn nại đó! Đừng ỷ được tha thứ
mà khinh nhờn, rồi cứ chồng chất tội này lên tội khác.” (Hc 5:4-5) Đừng lần
lữa hoặc chần chừ, mà hãy nghe lời nhắn nhủ của Đức Chúa: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống
thiết than van.” (Ge 2:12) Tuy nhiên, vấn đề là “ĐỪNG xé áo, nhưng HÃY xé
lòng” và “TRỞ VỀ cùng Đức Chúa là Thiên Chúa, bởi vì Người từ bi và nhân hậu,
chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa.” (Ge 2:13) Vì
thế, nếu chúng ta thành tâm sám hối, nhận biết sự khốn nạn của mình, Thiên Chúa
sẽ “nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu chúng ta có lễ phẩm và lễ
tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng ta.” (Ge 2:14) Thiên Chúa
luôn kiên nhẫn chờ đợi tội nhân ăn năn.
Từ xưa, qua miệng ngôn sứ Giô-en, Thiên Chúa đã
tuyên ngôn: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra
lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời
dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ
còn đang bú. Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê!”
(Ge 2:16) Ai cũng đã từng phạm tội nên cũng phải sám hối: “Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và
thân thưa: Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài! Xin đừng để gia
nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại!” (Ge 2:17) Quả
thật, “Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung
đối với dân Người. Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát.” (Ge 2:18) Thiên
Chúa không muốn ai phải hư mất, bởi vì ai cũng là tác phẩm do Ngài tạo nên, ai
cũng là con cái của Ngài.
Mới được hình thành, chưa được sinh ra, chúng
ta đã mắc tội rồi: Tội Tổ Tông. Rồi lớn khôn, càng sống lâu càng nhiều tội. Như
vậy, không ai lại không có tội, cho nên không ai lại không phải khẩn khoản cầu
xin Lòng Chúa Thương Xót: “Lạy Thiên
Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã
phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv
51:3-4) Phạm tội là lầm đường lạc lối, vì lầm lạc mà phải trở về.
Trở về là từ bỏ con đường cũ, là sám hối, là
ăn năn. Nhưng để có thể trở về thì phải khiêm nhường nhận ra sự đốn hèn của
mình: “Vâng, con biết tội mình đã phạm,
lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm
điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính
khi xét xử.” (Tv 51:5-6) Và rồi lại phải tiếp tục van xin: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng
trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con
không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin
ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ
nâng con.” (Tv 51:12-14) Chắc chắn Thiên Chúa sẽ mủi lòng mà động lòng trắc
ẩn.
Thiên Chúa kêu gọi: “Hãy RỬA cho sạch, TẨY cho hết, và VỨT BỎ tội ác của các ngươi cho khỏi
chướng mắt Ta. ĐỪNG làm điều ác nữa!” (Is 1:16) Sám hối và cầu nguyện
không chỉ phải thực hiện trong Mùa Chay, mà phải thực hiện suốt đời – bao lâu
còn thở, như Giáo Hội vẫn cầu xin hằng ngày: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài.”
(Tv 51:17) Đời sống tâm linh lúc nào cũng cấp bách: “Đừng trì hoãn, hãy trở về với Đức Chúa đi; đừng lần lữa hết ngày này
qua ngày khác, vì thình lình Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ, và trong thời trừng
phạt, con sẽ phải tiêu vong.” (Hc 5:7)
Chân thành khuyên nhủ, Thánh Phaolô cho biết:
“Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô,
như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy. Vậy, nhân danh Đức Kitô,
chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa. Đấng chẳng hề biết tội là
gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để
làm cho chúng ta nên công chính trong Người.” (2 Cr 5:20-21) Chúng ta không
thể hiểu thấu và không thể dùng trí thông minh của phàm nhân mà lý luận về cách
hành động “ngược đời” như vậy của Chúa Giêsu. Chúng ta chỉ có thể cúi đầu mà
cảm phục và tạ ơn Ngài mà thôi, đồng thời tín nhân chúng ta cũng phải không
ngừng cố gắng sống “ngược đời” như Ngài.
Và rồi Thánh Phaolô còn cho biết thêm: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên
nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa thì đừng để trở nên vô
hiệu. Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ
ngươi trong ngày Ta cứu độ. Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày
Thiên Chúa cứu độ.” (2 Cr 6:2) Sám hối lúc nào cũng cần đối với loài người
chúng ta, nhưng sám hối càng cần hơn vào các thời điểm đặc biệt như cuối ngày, đặc
biệt là Mùa Chay.
MỤC ĐÍCH TRỞ VỀ
Làm gì cũng đều có mục đích. Học hỏi để thành
nhân. Kiêng cữ để giảm cân hoặc chữa bệnh. Ăn chay để kiềm chế xác thịt – vì
“ăn no rửng mỡ.” Trở về để gặp gỡ Thiên Chúa, để được Ngài xót thương, tha thứ
và cứu độ. Thế nhưng trở về cũng phải biết cách: Ăn chay đúng cách, sám hối
đúng cách, làm việc lành đúng cách. Chúa Giêsu hướng dẫn cụ thể: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi
chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được
Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng.” (Mt 6:1) Chúa Giêsu sống
khiêm nhường nên Ngài rất thích những người khiêm nhường. Và Ngài tiếp tục khuyến
cáo: “Khi bố thí, đừng có khua chiêng
đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố
xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi.”
(Mt 6:2) Những mệnh lệnh phủ định mang thông điệp mạnh mẽ về cách thực hiện:
Đừng và Chớ.
Cách thức của Chúa Giêsu luôn khác cách thức
của chúng ta, chắc hẳn đôi khi chúng ta cũng thực sự cảm thấy “khó chịu,” bởi
vì những gì mình làm không được ai biết đến – nhất là những điều hay, điều tốt.
Chỉ trong một đám tiệc nhỏ, chẳng nhiều người, vậy mà người ta cũng muốn thể
hiện “tài năng” của mình bằng cách giành nhau hát, giành nhau nói. Thế nhưng
Chúa Giêsu lại bảo chúng ta phải âm thầm và kín đáo, không được phô trương hoặc
khoe khoang. Kẹt dữ nghen! Thật vậy, chính Ngài kề tai nhắn nhủ mỗi chúng ta: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay
phải làm, để việc bố thí được kín đáo. Và Cha của bạn, Đấng thấu suốt những gì
kín đáo, sẽ trả lại cho bạn.” (Mt 6:3-4) Ngài không nói đùa đâu, thật 100%,
đúng nghĩa đen chứ chẳng bóng gió chi cả!
Để chúng ta có thể nhận thức rõ ràng hơn, Chúa
Giêsu đưa ra ví dụ rất cụ thể: “Khi cầu
nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong
các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật
anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn bạn, khi cầu nguyện, hãy vào phòng,
đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của bạn, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và
Cha của bạn, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho bạn.” (Mt
6:5-6) Im lặng là khôn ngoan, im lặng là mạnh mẽ, không phải ai cũng có thể
làm được như vậy!
Mùa Chay có một chuỗi hoạt động liên kết chặt
chẽ với nhau: sám hối – ăn chay – cầu nguyện – bác ái. Đó là quy trình cần
thiết trong Hành Trình Mùa Chay. Hành trình đó không là 40 ngày hoặc 40 năm, mà
là hành trình cả đời, không được lơ đãng bất kỳ một giây phút nào. Tịnh tâm rất
cần để hồi phục, cả về thể lý lẫn tinh thần. Trai tịnh nghĩa là ăn chay cả thể
lý lẫn tinh thần.
Lạy
Thiên Chúa toàn năng, xin biến đổi chúng con, xin giúp chúng con biết chân
thành trở về với Ngài và trở về với tha nhân bằng hành động cụ thể là yêu
thương và tha thứ cho nhau, để chúng con xứng đáng được thông phần đau khổ với
Con Một Ngài, tràn trề hy vọng được sống lại với Đấng-Tử-Nạn-và-Phục-Sinh. Xin
biến đổi các tội nhân và nâng đỡ những người đau khổ. Chúng con cầu xin nhân danh
Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment