Thiên Chúa mời gọi và hứa: “Ai khát, hãy đến; ai muốn, hãy đến lãnh nước trường sinh mà không phải trả tiền.” (Kh 22:17) Chúa Giêsu cũng nhắn nhủ và động viên: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11:28) Phàm nhân thật là hạnh phúc, bởi vì thân phận bụi tro chẳng đáng gì mà vẫn được Thiên Chúa ưu ái quá đỗi!
Thánh Tâm và Lòng Thương Xót không thể tách
rời, vĩnh viễn chỉ là MỘT. Thánh Tâm chứa đựng Lòng Thương Xót, và Lòng Thương
Xót là nhịp đập yêu thương của Thánh Tâm. Trái tim nằm trong cơ thể, vì thế mà Thánh
Tâm cũng bất khả phân ly đối với Thánh Thể. Đó là mối liên kết mầu nhiệm trong
mối tình tha thiết của Chúa Giêsu.
Cơ thể con người là một kỳ công của Thiên
Chúa. Cả cơ thể con người là một khối tổng hòa kỳ diệu. Mỗi cơ phận đều là một
thế giới diệu kỳ, nhưng trái tim là cơ phận đặc biệt nhất. Tim có nhiệm vụ phân
phối máu đi khắp các mạch máu, kể cả trung tâm não bộ. Nếu mắc nối tiếp các
mạch máu trong cơ thể sẽ thành một đường dài 96.559 km. Tim còn có điểm đặc
biệt là tự đập nhịp, không nhờ sự giúp đỡ của não hoặc cột sống, vì khi lấy tim
ra thì nó vẫn “nhảy nhịp.” Và mỗi cơ tim đều tự đập được.
Tim điều phối máu. Trong máu có sự sống. Máu
còn được chia thành nhiều nhóm – dựa theo một số chất cacbohydrat và
protein đặc thù trên hồng cầu. Có khoảng 46 nhóm khác nhau, nhưng các nhóm
chính là O, A, B và yếu tố Rhesus (Rh). Máu của mỗi nhóm có thể có kháng thể
chống lại những nhóm kia. Do đó, khi truyền máu khác nhóm vào, kháng thể của
người nhận có thể phá hủy máu, gây tác hại cho cơ thể. Đặc biệt máu O có thể
nhận thêm nhóm máu hiếm 2 là OA. Nghiên cứu thấy có 1-7 người trong nhóm này thuộc
hệ nhóm máu người được ghi nhận bởi Tổ chức Quốc tế về Truyền máu (ISBT –
International Society of Blood Transfusion, thành lập năm 1935, có khoảng
1700 thành viên ở 97 quốc gia).
Trái tim đặc biệt cả về lý tính và hóa tính.
Không chỉ vậy, tim còn là “trung tâm tình cảm” (đầy đủ thất tình của con người).
Tim là trung tâm sự sống, tim chết thì người ta chết. Não chỉ là trung tâm điều
khiển. Vì thế, tim rất quan trọng, nó cần duy trì khỏe mạnh ổn định chứ không
thể yếu hoặc thất thường. Tim mà đau thì cả thân xác rời rã. Cơn đau tim có thể
xảy ra với bất kỳ ai, dù già hay trẻ, dù nam hay nữ, và cơn đau tim thường xảy
ra vào buổi sáng (từ khoảng 6 giờ tới trưa). Khi lên cơn đau tim, người ta có
thể tử vong trong vòng bốn giờ.
Người ta thường dùng hình trái tim có lưỡi
gươm đâm thâu để diễn tả tình yêu. Điều đó cho thấy “yêu là khổ,” vì yêu phải
CHO nhiều hơn NHẬN. Như vậy, yêu không chỉ “khổ” mà còn “lỗ” to! Thế nhưng
không ai lại không thích yêu. Đó là loại thuốc “đắng” vô cùng mà ai cũng thích
sử dụng. Tim có lý lẽ riêng mà chính lý lẽ cũng không thể lý giải. Lạ quá chừng!
Và quả thật, Chúa Cha đã yêu thương chúng ta đến nỗi ban chính Con yêu dấu của
Ngài là Đức Kitô, (Ga 3:16) chính Chúa Giêsu cũng yêu thương chúng ta ngay khi
chúng ta còn là tội nhân, (Rm 5:8) Ngài còn si tình đến mức chịu khổ nạn và
chịu chết để chứng minh tình yêu Ngài dành trọn cho chúng ta.
Thế kỷ XVII, khi mặc khải Thánh Tâm cho Thánh
nữ Margaritta Maria Alacoque, một nữ tu khiêm nhường của Dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial,
Chúa Giêsu đã cho thánh nữ thấy Thánh Tâm Ngài có lửa cháy, bị vòng gai quấn
quanh, và bị lưỡi gươm đâm thâu. Lần hiện ra quan trọng xảy ra trong tuần bát
nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu (Corpus Christi) năm 1675, có thể vào
ngày 16 tháng 6, Chúa Giêsu nói: “Hãy
ngắm nhìn Thánh Tâm Ta yêu thương nhân loại biết bao… Nhưng thay vì được biết
ơn, Ta chỉ nhận được sự vô ơn…” Ngài yêu cầu Thánh nữ vận động thành lập lễ
kính Thánh Tâm vào Thứ Sáu sau lễ kính Mình Máu Thánh. Và ngày 11-6-1899, theo
lệnh của ĐGH Lêô XIII, cả thế giới đã được tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Thánh Tâm Chúa Giêsu là Trung Tâm Tình Thương
Tha Thiết, nơi tuôn chảy Nguồn Tình với hai dòng Máu và Nước. Dù chỉ là tội
nhân, nhưng chúng ta được diễm phúc trở thành con cái của Thiên Chúa, là “dân
riêng” của Ngài: “Anh em là một dân thánh
hiến cho Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em. Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em đã
chọn anh em từ giữa muôn dân trên mặt đất, làm một dân thuộc quyền sở hữu của
Người.” (Đnl 7:6)
Chắc chắn nhân loại không thể nào hiểu thấu Lòng
Thương Xót của Thiên Chúa. Đúng là Ngài si tình thực sự. Tại sao? Đây là lý do:
“Đức Chúa đã đem lòng quyến luyến và chọn
anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất
trong các dân. Nhưng chính vì yêu thương anh em, và để giữ lời thề hứa với cha
ông anh em, mà Đức Chúa đã ra tay uy quyền đưa anh em ra và giải thoát anh em
khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaô, vua Ai Cập.” (Đnl 7:7-8) Thánh Vịnh gia đã
cảm nghiệm: “Thân phận con khốn khổ nghèo
hèn, nhưng Chúa hằng nghĩ tới.” (Tv 40:18) Còn chúng ta quá tệ bạc, vẫn không
ngừng vô ơn bội nghĩa!
Phân tích tỉ mỉ hơn, Kinh Thánh nhắc nhở: “Anh em phải biết rằng Đức Chúa, Thiên Chúa
của anh em, thật là Thiên Chúa, là Thiên Chúa trung thành: cho đến muôn ngàn
thế hệ, Người vẫn giữ giao ước và tình thương đối với những ai yêu mến Người và
giữ các mệnh lệnh của Người. Còn ai thù ghét Người thì Người nhằm chính bản
thân nó mà trả đũa, khiến nó phải chết; với kẻ thù ghét Người, Người không trì
hoãn, Người nhằm chính bản thân nó mà trả đũa.” (Đnl 7:9-10) Có lẽ chúng ta
cảm thấy cách nói của Cựu Ước có “tính hù dọa,” nhưng thời đó là thời “mắt đền
mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, chỗ gãy đền chỗ gãy,” (Xh
21:24; Lv 24:20; Đnl 19:21) nên ngôn ngữ diễn tả “thô” và thẳng thắn như vậy
thôi. Ông Môsê kết luận rạch ròi: “Vậy
anh em phải tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định mà hôm nay tôi truyền
cho anh em đem ra thực hành.” (Đnl 7:11) Và chắc chắn chúng ta không thể
không thực hiện. Cựu Ước vẫn luôn cần cho thời đại ngày nay. Chúa Giêsu cũng
không hủy bỏ luật Môsê, mà Ngài kiện toàn lề luật. (Mt 5:17)
Được làm người, bổn phận của chúng ta không
chỉ có vậy, một trong các bổn phận quan trọng khác là chúc tụng và tạ ơn Chúa. Thánh
Vịnh gia tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn
tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi
hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người.” (Tv 103:1-2) Đó cũng là lời nhắc
nhở chúng ta, nghĩa là chúng ta phải làm vậy vì nhiều lý do: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi,
thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc
ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà, ban cho đời ngươi chứa chan hạnh phúc, khiến
tuổi xuân ngươi mạnh mẽ tựa chim bằng. Chúa phân xử công minh,bênh quyền lợi
những ai bị áp bức, mặc khải cho Môsê biết đường lối của Người, cho con cái nhà
Israel thấy những kỳ công Người thực hiện.” (Tv 103:3-7) Chúng ta được chữa
lành quá nhiều, thế thì lẽ nào lại vô ơn bạc nghĩa? Chắc chắn không tạ ơn là
không thể được!
Tình yêu là bản chất Thiên Chúa. Ngài cũng là
hiện thân của lòng thương xót, luôn chạnh lòng và động lòng trắc ẩn với những
kẻ khốn cùng: “Chúa là Đấng từ bi nhân
hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán
hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm.”
(Tv 103:8 và 10) Kẻ khốn cùng đó là ai? Còn ai trồng khoai đất này ngoài
chúng ta? Và rồi Ngài còn “chắc cú” để chúng ta được an toàn bằng cách “ném tội
lỗi thật xa chúng ta.” (x. Tv 103:12) Chúng ta sướng rơn rồi còn gì!
Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu, Ngài không chỉ
mong muốn mà còn bắt buộc chúng ta phải yêu thương nhau. Cũng là điều hoàn toàn
hợp lý thôi. Tông đồ Tình yêu Gioan lý luận: “Anh em thân mến, chúng ta hãy yêu thương nhau, vì tình yêu bắt nguồn
từ Thiên Chúa. Phàm ai yêu thương thì đã được Thiên Chúa sinh ra, và người ấy
biết Thiên Chúa. Ai KHÔNG yêu thương thì KHÔNG biết Thiên Chúa, vì Thiên Chúa
là tình yêu.” (1 Ga 4:7-8) Rất rõ ràng, rất rạch ròi!
Còn nữa, người-môn-đệ-Chúa-yêu giải thích: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta
được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một
của Người mà chúng ta được sống. Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta
đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của
Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta.” (1 Ga 4:9-10)
Và chính vị tông đồ trẻ này đã đưa ra cái
“nếu” khiến chúng ta phải “đâu cái điền,” nhưng đây cũng là lời mời gọi: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu
thương chúng ta như thế, chúng ta cũng
phải yêu thương nhau. Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ. NẾU chúng
ta yêu thương nhau thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của
Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được
rằng chúng ta ở lại trong Người và Người ở lại trong chúng ta: đó là Người đã
ban Thần Khí của Người cho chúng ta. Phần chúng tôi, chúng tôi đã chiêm ngưỡng và
làm chứng rằng: Chúa Cha đã sai Con của Người đến làm Đấng cứu độ thế gian.”
(1 Ga 4:11-14)
Thật là chí lý với hệ lụy lô-gích và minh
nhiên: “Hễ ai tuyên xưng Đức Giêsu là Con
Thiên Chúa thì Thiên Chúa ở lại trong người ấy, và người ấy ở lại trong Thiên
Chúa. Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và
đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu: ai ở lại trong tình yêu thì ở
lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy.” (1 Ga 4:15-16) Tin
vào tình yêu Thiên Chúa là tín thác vào lòng thương xót của Ngài, tin bằng cả
con người của chúng ta chứ không bằng môi miệng hoặc theo phong trào – qua việc
tham gia các hội đoàn.
Sau khi quở trách các thành đã chứng kiến
phần lớn các phép lạ Ngài đã làm mà không sám hối, Chúa Giêsu thưa với Chúa Cha:
“Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin
ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những
điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là
điều đẹp ý Cha.” (Mt 11:25) Và Ngài nói với họ: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ
Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con
muốn mặc khải cho.” (Mt 11:27) Họ là ai? Là những người “chứng kiến phép lạ
mà không sám hối.” Và họ cũng chính là chúng ta, vì chúng ta cũng đã chứng kiến
nhiều phép lạ trong đời thường mà đức tin vẫn xơ cứng, tệ hơn nữa là lại cứ
“đua nhau” tìm kiếm các “sự lạ” ở nơi kia hoặc nơi nọ, còn chính mình hằng ngày
vẫn nhận lãnh phép lạ mà lại coi như là chuyện tất nhiên. Hãy cẩn trọng!
Kiên trì, nhẫn nại và mong chờ mòn mỏi, Chúa
Giêsu vẫn không ngừng mời gọi: “Tất cả
những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi
bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi và hãy học với tôi, vì tôi có lòng
hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách
tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.” (Mt 11:28-30) Hiền hậu và khiêm nhường
liên quan chặt chẽ với nhau, êm ái và nhẹ nhàng cũng có liên quan lẫn nhau. Lời
mời gọi đó không chỉ dành cho ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hoặc tháng Sáu, mà
dành cho mọi lúc với tần suất 24/7.
Thật vậy, từng giây từng phút, Chúa Giêsu vẫn
tha thiết mời gọi mỗi chúng ta: “Anh em
hãy ở lại trong tình thương của Thầy.” (Ga 15:9) Về “tình trạng” ở-lại-trong-tình-thương
đó, chính Ngài cũng đã giải thích: “Nếu
anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy,
như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người.”
(Ga 15:10) Không còn mơ hồ, và cũng không thể hiểu theo cách khác. Yêu ai thì
“chiều” theo người đó, muốn làm vừa lòng người đó và muốn nên giống người đó.
Trong cuộc sống đời thường, chúng ta thấy có
nhiều loại trung tâm để cứu vớt người ta về thể lý hoặc tinh thần. Các trung
tâm đó được thành lập để “cấp cứu.” Nhưng có lẽ Trung Tâm Cấp Cứu thể lý được
chú ý nhiều. Mỗi khi nghe tiếng còi hú của xe cứu thương, chúng ta cảm thấy có
điều gì đó sâu lắng. Tuy nhiên, có một Trung Tâm Cấp Cứu quan trọng nhất và cần
thiết nhất, độc nhất vô nhị, đó chính là Trung Tâm Thương Xót: Thánh Tâm Chúa
Giêsu. Đến bất cứ trung tâm nào thì người ta cũng phải trả phí, nhưng người ta
vẫn phải đến, còn ai đến Trung Tâm Thương Xót của Siêu Bác Sĩ Giêsu thì đều
được miễn phí hoàn toàn – dù bệnh nhân giàu hay nghèo, già hay trẻ. Thế mà tại
sao chúng ta lại ngại đến?
Ngày xưa, Thiên Chúa đã phải thốt lên: “Dân Ta cứ miệt mài buông theo bội tín,
chúng được kêu mời hãy vươn lên, mà chẳng một ai ngóc đầu dậy!” (Hs 11:7) Ôi,
tình thương thật tha thiết. Và ngày nay, Ngài cũng vẫn đang nói với những con
người của thế kỷ XXI như vậy.
Kính
lạy Thiên Chúa Tình Yêu, Thánh Tâm Chúa Giêsu đã yêu thương chúng con đến cùng,
được minh chứng qua hai Dòng Tình là Máu và Nước tuôn trào từ vết thương nơi Thánh
Tâm Ngài. Đó là vết đâm của lưỡi giáo, nhưng vết thương đó đã hóa nên Dấu Tình
và Cửa Lòng Thương Xót dành cho chúng con. Xin giúp chúng con biết vào Cửa Lòng
Thương Xót để được đóng Dấu Tình của Ngài, nhờ đó chúng con được sống dồi dào
trong tình yêu vĩnh hằng. Ngài là Đấng cứu độ chúng con, là Đấng hằng sinh và
hiển trị với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ 5 Phép Lạ Chứng Tỏ Có Thiên Chúa
✽ Khoa Học Chứng Tỏ Có Thiên Chúa
✽ Thiên Chúa & Vũ Trụ
✽ Thiên Chúa & Não Bộ
✽ Thiên Chúa & Khoa Học Gia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment