Wednesday, May 24, 2017

YÊU TRỜI – MẾN ĐẤT

Mùa Phục Sinh là mùa Phụng Vụ quan trọng. Cuối Mùa Phục Sinh có hai sự kiện quan trọng: Chúa Giêsu lên trời (Mc 16:14-20; Lc 24:50-51; Cv 1:1-11) và Chúa Thánh Thần hiện xuống. (Ga 14:23-31; Cv 2:1-11) Hai chiều, một LÊN và một XUỐNG, thế nhưng lại không hề trái ngược nhau: Yêu Trời thì cũng phải Mến Đất. Nếu không thì không biết Thiên Chúa (1 Ga 4:8) và chỉ là KẺ NÓI PHÉT. (1 Ga 4:20)
Sau khi phục sinh được 40 ngày, Chúa Giêsu cùng 11 Tông Đồ lên Núi Ô-liu, ngoại thành Giêrusalem. Người ta không hiểu rằng sứ vụ thiên sai của Đức Kitô liên quan tâm linh chứ không dính líu chính trị, chính các môn đệ cũng hỏi Chúa Giêsu rằng Ngài sẽ phục hồi vương quốc cho Israel hay không. Họ thất vọng vì bị đè nén bởi đế quốc Rôma và thường mong có ngày lật đổ đế quốc này.
Tuy nhiên, Chúa Giêsu xác định: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1:7-8) Ngay sau đó, Ngài được cất lên cao, một đám mây bao phủ Ngài, và không ai còn thấy Ngài bằng con mắt trần tục nữa…
Chúa Giêsu về trời để chúng ta được lợi ích, Ngài đi nhưng lại có Chúa Thánh Thần đến nâng đỡ và ủi an chúng ta trên suốt cuộc lữ hành trần gian này: “Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em.” (Ga 16:7) Ngài còn nhiều điều muốn nói với chúng ta, nhưng sức chúng ta không thể chịu nổi, Ngài để cho Chúa Thánh Thần soi sáng và dần dần dẫn chúng ta tới “sự thật toàn vẹn.” (Ga 16:12)
Mùa Phục Sinh là Mùa Mừng. Khi cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi với Mùa Mừng, chúng ta có ngắm thứ nhì đề cập sự kiện Chúa Giêsu lên trời, và ngắm thứ ba đề cập sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống.
1. CHÚA GIÊSU LÊN TRỜI
Chúng ta cầu xin Thiên Chúa thương ban hồng ân biết “ái mộ những sự trên trời”. Chúa Giêsu đã từ trời xuống, trước sau gì Ngài cũng lại về trời ngự bên hữu Chúa Cha. Thánh Luca cho biết: “Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bêtania, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành thì Người rời khỏi các ông và được đem lên trời. Bấy giờ, các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và hằng ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.” (Lc 24:50-53)
Chúng ta không là “người trời” nên không biết những sự trên trời là gì, nhưng chúng ta có thể tìm hiểu và nhận định theo những gì được mặc khải. Đó là những sự gì? Chắc chắn rất nhiều. Nói chung là những điều tốt đẹp, liên quan các nhân đức đối thần và đối nhân, vì Nước Trời là một Vương Quốc hoàn hảo của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy.” (Ga 14:15) Ngài nhấn mạnh: “Ai CÓ và GIỮ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy.” (Ga 14:21) Chúa Giêsu cũng đang lặp lại những lời đó đối với mỗi chúng ta. Nếu chúng ta thực sự yêu mến Ngài, chúng ta sẽ được hưởng vinh quang của Ngài. Nếu chúng ta chân thành yêu mến Ngài, chúng ta sẽ được lên trời với Ngài – nghĩa là chúng ta cũng trở nên “người trời” như Ngài, sau khi chúng ta hoàn tất cuộc lữ hành trần gian. Lên trời là cùng đích của cuộc đời mỗi chúng ta.
Chúa Giêsu lên trời, không phải là Ngài bỏ rơi chúng ta, mà Ngài về trước để dọn chỗ cho chúng ta, và chính Ngài sẽ trở lại đón chúng ta đi. (Ga 14:2-3) Chúa Giêsu lên trời là vào Vương Quốc vinh quang, những ai trung tín với Ngài cũng sẽ được hưởng hạnh phúc vĩnh hằng nơi Vương Quốc đó. Lời hứa của Ngài luôn chắc chắn, bất di bất dịch, hoàn toàn tuyệt đối. Quả thật, Ngài cũng đã xin Chúa Cha: “Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.” (Ga 17:24) Phúc thay những người tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa và yêu mến Ngài!
Tuy nhiên, ai muốn “ái một những sự trên trời” thì không thể không quý mến những sự dưới đất. Tình trạng “quý mến những sự dưới đất” không có nghĩa là mê say vật chất mà là yêu quý mọi người, kể cả kẻ thù. Có thế thì mới được trở thành “người trời” – tức là nên thánh. Sống giả hình và kèn cựa với tha nhân thì hơi bị “căng” đấy, theo kiểu nói người đời thì đó là “thánh chảnh” – gọi là thánh mà không hề có chút gì là thánh, giống như nói “chúa chổm” – gọi là chúa mà không là chúa!
2. CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
Chúng ta cầu xin Thiên Chúa thương ban hồng ân “được đầy dẫy ơn Chúa Thánh Thần”. Chúng ta quen nói là “bảy ơn Chúa Thánh Thần,” nhưng không phải chỉ bảy ơn mà vô số ơn, và chính Ngài vẫn hằng ngày liên tục hoạt động trong Giáo Hội, tác động từng phút từng giây.
Chúa Thánh Thần là nhân vật vô cùng quan trọng, dạng VIP đặc biệt, bởi vì chính Ngài sẽ “dẫn chúng ta tới sự thật vẹn toàn.” (Ga 16:13) Kinh Thánh cho biết: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho.” (Cv 2:1-4) Đúng như lời Chúa Giêsu đã hứa trước khi Ngài về trời: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật.” (Ga 14:16-17)
Chúa Thánh Thần đến bằng nhiều cách, rõ ràng nhất là khi chúng ta lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Ngài đến để làm cho chúng ta can đảm làm chứng về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Ngài đến để đổ đầy tình yêu vào lòng chúng ta, vì Ngài là Ngôi Vị Yêu Thương trong Sự Sống của Thiên Chúa, nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Ngài là Thần Khí Thiên Chúa, giống như hơi thở, là nguồn linh hứng yêu thương vô hạn, nhờ đó chúng ta có thể hướng thiện và nỗ lực hoàn thiện để được sự sống dồi dào một cách viên mãn nhất.
Chúa Thánh Thần là tác nhân làm cho Giáo Hội phát triển không ngừng, sinh cây xanh biếc tứ thời bát tiết, kết quả ngọt và trái lành là các trinh nữ, các vị tử đạo, các anh hùng đức tin,... Chúng ta gọi đó là các thánh. Chúa Thánh Thần xuất hiện đa dạng: chim bồ câu, nước, gió, lửa. Thời Cựu Ước, sau Đại Hồng Thủy, bồ câu đã xuất hiện với nhành lá biếc xanh cho biết rằng nước đã rút, đất bắt đầu có sự sống. Bồ câu cũng là biểu tượng của sự hòa bình, và chắc chắn ai cũng khao khát hòa bình.
Nước, gió, lửa là những thứ rất mềm mà lại rất mạnh, thậm chí không gì có thể chống lại. Thiếu nước, chúng ta khát; thiếu gió, chúng ta khó chịu; thiếu lửa, chúng ta không có đồ ăn; thiếu không khí, chúng ta chết. Chúa Thánh Thần rất cần thiết. Vì thế, Giáo Hội luôn cầu nguyện: “Veni Sancte Spiritus – Lạy Chúa Thánh Thần xin ngự đến.”
Lửa rất đặc biệt. Chỉ một đốm lửa nhỏ nhưng có thể thiêu rụi cả cánh rừng rộng lớn. Người ta có thể thổi tắt ngọn lửa nhỏ, nhưng lại rất khó dập tắt ngọn lửa lớn. Lửa càng được chia sẻ thì càng thêm nhiều, không hề hao mòn. Thật kỳ diệu!
Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, xin khơi lửa mến trong tâm hồn con để con biết yêu trời và mến đất, luôn hướng thượng và nối vòng yêu thương với tha nhân – dù họ là ai. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU

 Chuẩn Bị Cho Nước Trời – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/05/chuan-bi-cho-nuoc-troi.html
 Thăng Thiên & Cuộc Đấu Tranh Đức Tin
     https://tramthienthu.blogspot.com/2022/05/thang-thien-va-cuoc-au-tranh-uc-tin.html

No comments:

Post a Comment

Comment