Chủ Nhật, 21 tháng 5, 2017

LIÊN KẾT CON NGƯỜI

“Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời.” (Gv 3:1)
Christine French, sinh viên năm cuối tại ĐH George Washington, điều phối viên của tổ chức Văn hóa và Can thiệp thuộc Văn phòng Cộng đồng. Cô là tình nguyện viên của tổ chức Martha’s Table (giúp đỡ các gia đình khó khăn), tổ chức My Sister’s Place (giúp đỡ các nạn nhân bị bạo lực gia đình), và tổ chức RAINN (Rape, Abuse, Incest National Network), tại đây cô là nhân viên trực điện thoại đường dây nóng.
Trở về nhà ở Omaha, Nebraska, cô làm việc ở một cơ quan liên tôn giúp các học sinh phát triển các dụng cụ chống lại sự bất công, kỳ thị và ghen ghét.
Sinh trưởng trong một gia đình Công giáo, việc phục vụ và tình nguyện luôn là một phần cuộc sống của cô. Cô nhớ lại: “Tôi còn nhớ mẹ đưa tôi tới nhà hưu khi tôi học lớp Tám. Rất vui. Cuộc sống của tôi được nổi bật nhờ việc phục vụ.” Vậy điều gì làm cho Christine là một tình nguyện viên nhiệt thành như vậy?
Cô cho biết: “Tôi nghĩ đó là tôi biết lắng nghe người khác. Thông thường thì những gì người ta cần là có người biết lắng nghe họ và tôn trọng cảm xúc của họ. Chúng tôi chỉ muốn có sự liên kết con người và biết rằng chúng ta được yêu thương và có giá trị. Đó là những gì tôi có thể làm cho người khác, điều quan trọng hơn là tôi làm việc cần mẫn hoặc suy nghĩ nghiêm túc.”
Khi được hỏi cô có lời khuyên nào cho những ai quan tâm việc tình nguyện, cô nói: “Cứ làm tình nguyện, vì điều đó có giá trị.” Chúng ta thực sự được mời gọi yêu thương người lân cận, dù đó là ai.
Thời gian là quý giá, là một trong các tặng phẩm lớn nhất chúng ta có thể cho đi. Dù 4 giờ mỗi tháng hoặc 20 giờ mỗi tuần, tặng phẩm phục vụ không bao giờ lãng phí, mà được mở rộng.
Lạy Đấng an ủi, xin giúp con nhớ rằng con có thể không làm gì đối với hôm qua hoặc ngày mai, những gì con có là hôm nay. Xin giúp con sử dụng ngày hôm nay một cách khôn ngoan. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ từ STRENGTH for SERVICE to GOD and COMMUNITY)

KIÊN NHẪN YÊU THƯƠNG

“Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Kitô Giêsu đòi hỏi.” (Rm 15:5)
Trong Rút 1:11-22, bà Naomi nói: “Các con ơi, về đi, theo mẹ làm gì? Trong lòng mẹ còn con trai nào nữa đâu mà gả chồng cho các con. Về đi, các con ơi! Đi đi! Mẹ quá già rồi, không còn tái giá được nữa. Cho dù mẹ có nói được: mẹ còn hy vọng, ngay đêm nay sẽ lấy chồng và sinh được con trai, thì chẳng lẽ chúng con cứ đợi mãi cho đến khi chúng lớn lên? Chẳng lẽ chúng con cứ ở vậy, không chịu lấy chồng? Không, các con ơi! Tình cảnh chúng con làm mẹ cay đắng lắm, vì tay Đức Chúa giáng phạt mẹ.” Hai người con dâu lại oà lên khóc. Oóc-pa ôm hôn từ giã mẹ chồng, còn Rút thì cứ khắng khít theo bà.
Bà Naomi nói: “Kìa chị dâu con trở về với dân tộc của nó và các thần của nó. Con cũng vậy, hãy theo chị dâu con mà về đi!” Rút đáp: “Xin mẹ đừng ép con bỏ mẹ mà trở về, không theo mẹ nữa, vì mẹ đi đâu, con đi đó, mẹ ở đâu, con ở đó, dân của mẹ là dân của con, Thiên Chúa của mẹ là Thiên Chúa của con. Mẹ chết ở đâu, con chết ở đó, và nơi đó con sẽ được chôn cất. Xin Đức Chúa phạt con thế này và thêm thế kia nữa, nếu con lìa xa mẹ mà không phải vì cái chết!”
Thấy Rút cứ một mực đi với mình, bà Naomi không còn nói gì về chuyện đó nữa. Hai mẹ con cùng đi cho đến khi tới Bêlem. Họ tới Bêlem, làm cả thành xôn xao. Các người phụ nữ hỏi: “Có phải bà Naomi đấy không?” Bà nói: “Đừng gọi tôi là Naomi nữa, hãy gọi tôi là Mara, vì Đấng Toàn Năng đã bắt tôi phải chịu quá nhiều cay đắng. Tôi ra đi, của cải dư đầy, Đức Chúa đem tôi về hai bàn tay trắng! Gọi tôi là Naomi làm gì, trong khi Đức Chúa đã làm cho tôi tủi nhục, Đấng Toàn Năng đã để tôi đau khổ?” Thế là từ cánh đồng Môáp, bà Naomi trở về cùng với con dâu người Môáp là Rút. Họ đã đến Bêlem vào đầu mùa gặt lúa mạch.
Cô Rút đã chứng tỏ lòng tôn kính sâu xa và yêu thương đối với mẹ chồng là bà Na-o-mi, thế nên Thiên Chúa đã chúc lành cho cô Rút.
Khi văn hóa của chúng ta trở nên bận rộn và chúng ta xa cách nhau, các phẩm chất con người như lòng trung thành và lời thề hứa có thể trở nên hiếm hoi. Hãy làm việc để nối kết mọi thứ. Hãy là nhịp cầu nối kết các nhóm phục vụ. Hãy để sự trung thành là đặc tính được mọi người nhận biết nơi chúng ta.
Lạy Đấng Tín Trung, xin tạ ơn Ngài đã tạo nhịp cầu nối kết tâm hồn của chúng con. Xin giúp con đạt được lòng trung thành và sự đoàn kết trong những gì chúng con làm. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ từ STRENGTH for SERVICE to GOD and COMMUNITY)

LẮNG NGHE

“Dừng tay lại: Hãy biết Ta đây là Thiên Chúa!” (Tv 46:11a)
Trong 1 Sm 3, chúng ta thấy Samuel là một cậu bé đã giúp ông Êli làm nhiệm vụ ở Đền Thờ. Một đêm kia, Êli và Samuel ngủ trong Đền Thờ, nơi có Hòm Giao Ước của Thiên Chúa.
Bất ngờ Samuel nghe có tiếng gọi. Cậu thức dậy và chạy tới bên ông Êli và nói: “Dạ, con đây, thầy gọi con!” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. Lần thứ hai Samuel nghe tiếng gọi và cậu lại đến bên ông Êli. Ông cũng bảo không có gọi và lại bảo Samuel về ngủ.
Lần thứ ba, ông Êli bảo Samuel: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Samuel về ngủ ở chỗ của mình.
Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Samuel! Samuel!” Samuel thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.”
Câu chuyện này có điều bí ẩn. Cách để bắt đầu thời gian cầu nguyện là thân thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Và rồi hãy thinh lặng và lắng nghe.
Lạy Thiên Chúa toàn năng, con muốn nghe được tiếng Ngài và biết khi nào Ngài nói với con. Xin giúp con lắng nghe tiếng Ngài nổi trội hơn mọi thứ ồn ào của cuộc đời này, và xin giúp con vâng lời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ từ STRENGTH for SERVICE to GOD and COMMUNITY)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment