Giao mùa là thời khắc “tiễn” mùa cũ đi để “đón” mùa mới tới. Theo quy luật tự nhiên, bốn mùa cứ luân phiên thay đổi: Xuân – Hạ – Thu – Đông. Mùa nào cũng có nét đặc trưng, được cái này thì mất cái khác. Cuộc đời cũng thế – có cái được và có cái mất, con người cũng vậy – có cái hay và có cái dở. Nhân vô thập toàn.
Ngoài bốn mùa theo thiên nhiên, con người còn có những “mùa” khác – mùa gieo giống, mùa thu hoạch, mùa thể thao, mùa cưới,… Các dịp giao mùa thiên nhiên, đặc biệt là giao mùa Thu – Đông, thường tác động đến sức khỏe của con người, dễ bị bệnh.
Tâm linh cũng có những khoảng “giao mùa” với các “mùa” đặc trưng, cụ
thể là Mùa Phụng Vụ với năm “mùa” đặc trưng: Mùa Thường Niên, Mùa Chay, Mùa
Phục Sinh, Mùa Vọng, Mùa Giáng Sinh. Và với người Công giáo còn có Mùa Cầu Hồn
nữa. Nói chung, tất cả đều mời gọi con người sám hối, nghĩa là cả đời phải sống
trong Mùa Sám Hối.
Cuối Tháng Mười Một có nhiều “cái lạ” khiến con người có cảm giác khác
thường, cả về thời tiết tự nhiên lẫn thời tiết đời thường và tâm linh: cuối Mùa
Cầu Hồn, khởi đầu Mùa Vọng – Tân Niên Phụng Vụ, cuối tháng và cuối năm, rồi lại
chuẩn bị Tết – kỳ lạ là chữ Tết hiệp vận với chữ… Chết. Hay quá chừng luôn!
Đại nhân Khổng Tử (Confucius, 551-479 trước công nguyên) nhận định: “Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên.”
Trong ba người cùng đi, nhưng có một người xứng đáng là thầy của hai người kia.
Ý nói rằng trong ba người, ắt sẽ có người vượt trội, hơn hai người kia về nhiều
mặt, đáng để hai người kia phải học hỏi.
Liên quan “chuyện ba người,” có truyện ngụ ngôn kể về ba người bạn thế
này: Một người kia có ba người bạn, HAI người bạn thân và MỘT người bạn không
thân, nghĩa là chỉ ở mức “quen biết.” Khi phải đến cửa quan – ngày nay là tòa
án, người kia xin ba người bạn cùng đi với mình.
Người bạn thân thứ nhất nhất quyết từ chối ngay. Người bạn thân thứ hai
đồng ý đi đến cửa quan rồi kiếu về với đủ lý do riêng. Người bạn thứ ba là
người không thân nhưng vẫn đồng ý đi theo, cùng vào tòa án và bênh vực cho
người kia. Câu chuyện ngắn gọn và đơn giản như vô cùng thâm thúy.
Trong cuộc sống của tất cả chúng ta cũng tương tự, ai cũng có ba người
bạn. Ba người bạn đó là ai? Đó là Tiền Bạc, Thân Nhân và Công Phúc. Khi chúng
ta trút hơi thở cuối cùng, người bạn thân thứ nhất là Tiền Bạc liền bỏ rơi
chúng ta ngay lập tức, may lắm thì nó “tặng” cho chiếc quan tài. Còn người bạn
thân thứ hai là Thân Nhân (người trong gia đình, họ hàng, bạn bè, hàng xóm,
đồng nghiệp, người quen,…), lòng tốt của họ cũng chỉ đạt tới mức là tiễn chúng
ta tới huyệt mộ hoặc cửa lò thiêu, rồi họ cũng bỏ rơi chúng ta. Thế là hết!
Còn người bạn thứ ba, người-bạn-không-thân, là chính Công Phúc (hoặc
Tội Lỗi) sẽ theo chúng ta đến cùng, đến Tòa Phán Xét của Thiên Chúa. Người bạn
này nếu có tên là Công Phúc thì họ có thể bênh vực và biện hộ cho chúng ta được
trắng án và theo chúng ta tới nơi chúng ta vĩnh cư: Thiên Đàng, nghĩa là chúng
ta được trở nên Công Dân vĩnh viễn của Nước Trời, và đó chính là
cuộc-sống-thứ-hai vô cùng tuyệt vời; nhưng nếu người bạn này có tên Là Tội Lỗi
thì họ cũng vẫn theo chúng ta, nhưng đó là nơi chỉ có “khóc lóc và nghiến răng,”
và đó chính là cái-chết-thứ-hai vô cùng khủng khiếp!
Nói “chuyện giao mùa” khi Mùa Cầu Hồn kết thúc và Mùa Vọng khởi đầu,
tưởng cũng nên đề cập vấn đề thực tế một chút: Người ta có “xu hướng” mua quan
tài mắc tiền cho người thân quá cố – giá hiện nay từ vài chục triệu tới cả trăm
triệu tiền Việt Nam, cho rằng như thế là “lịch sự” hoặc đối xử tốt với người
chết. Quan tài mắc tiền và bền lâu để làm gì? Thiết tưởng đó chỉ là lãng phí.
Vì rồi sẽ đem chôn hoặc đem thiêu. Thật tuyệt vời khi Thánh GH Gioan Phaolô II
muốn người ta chỉ dùng chiếc quan tài đơn sơ nhất khi an táng ngài. Thật may là
vì người ta đã tôn trọng ý muốn của ngài và làm theo ý ngài.
Có một điều nữa xin được đề cập thêm trong “chuyện giao mùa” này. Tôi
thường tham dự Thánh Lễ tại một giáo xứ nhỏ tại TGP Saigon, linh mục của giáo
xứ này là một linh mục dòng. Khi có lễ an táng, linh mục này thường nói: “Đây là Thánh Lễ cuối cùng của
ông/bà/anh/chị… Chúng ta cùng hiệp dâng với….” Tôi thấy có gì đó “lấn cấn,” bất ổn, nghe thấy “thốn” lỗ tai.
Ai cũng biết rõ người nằm trong chiếc quan tài kia là một Kitô hữu, nói
chính xác là Kitô hữu Công giáo. Nhưng giờ đây, khi cử hành Thánh Lễ an táng, chúng
ta cùng cử hành và hiệp dâng Thánh Lễ đó để cầu nguyện cho họ – tức là những
người còn sống hiệp dâng Thánh Lễ, chứ người chết KHÔNG THỂ hiệp dâng Thánh Lễ
nữa – tức là người chết KHÔNG còn làm gì được cho chính mình.
Mùa Cầu Hồn năm nay đang khép lại, nhưng việc cầu nguyện cho các linh
hồn nơi Luyện Ngục không thể khép lại, mà vẫn phải kéo dài từ ngày này qua
tháng khác, kéo dài suốt đời của mỗi chúng ta. Mùa Vọng khởi đầu, và rồi Mùa
Vọng cũng sẽ kết thúc, nhưng cả cuộc đời chúng ta là một Mùa Vọng kéo dài cho
đến hơi thở cuối cùng.
Mùa Cầu Hồn và Mùa Vọng có gì đó liên quan thú vị. Chúng ta cầu cho các
linh hồn tức là chúng ta hy vọng, cầu mong các linh hồn mau được Thiên Chúa thứ
tha và cho hưởng Thánh Nhan vinh hiển của Ngài. Linh hồn chưa được thanh tẩy
thì không thể nhìn thấy Thánh Nhan Thiên Chúa, có cho nhìn thấy cũng không thể
nhìn và không dám nhìn.
Còn Mùa Vọng là mùa mong đợi Đấng Cứu Thế đến giải thoát thế nhân khỏi
ách tội lỗi và khỏi sức kềm kẹp của ma quỷ. Con Thiên Chúa đã đến thế gian rồi,
và Ngài cũng đã thực hiện công cuộc cứu độ. Mùa Vọng muốn nhắc nhở chúng ta
mong chờ cuộc tái lâm vinh hiển của Đức Giêsu Kitô trong Ngày Tận Thế.
Lạy Thiên Chúa giàu lòng
thương xót, xin tha thứ các linh hồn nơi Luyện Hình. Lạy Đấng Emmanuel, xin
Ngài mau đến cứu thoát chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Cuối Mùa Cầu Hồn 2016 –
Tân Niên Phụng Vụ 2017
✽ Hy Vọng Trong Khoảng Mong Chờ
✽ Khát Vọng Kiếp Người – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/khat-vong-kiep-nguoi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment