Ngày 13-10-1917, tại làng Fátima, lần hiện ra cuối cùng, chính Ðức Maria đã tự xưng là “Đức Mẹ Mân Côi” và nhắn nhủ với ba trẻ: “Hãy lần Chuỗi Mân Côi hàng ngày. Hãy cầu nguyện nhiều và dâng các hy sinh để cầu nguyện cho các tội nhân. Ta là Mẹ Mân Côi. Chỉ có Ta mới có thể cứu các con. Cuối cùng, Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ sẽ chiến thắng.”
Hơn 60 năm sau, ngày
16-10-1978, khi xuất hiện lần đầu tiên trước công chúng trên cương vị Giáo
Hoàng, Đức Gioan Phaolô II (1978-2005) đã phó thác sứ vụ của ngài cho Đức Mẹ và
gọi Kinh Mân Côi là “lời kinh kỳ diệu.” Ngài lần chuỗi Mân Côi hàng ngày và đề
cao giá trị của Kinh Mân Côi qua Tông thư “Rosarium Virginis Mariæ.”
(16-10-2002)
Như vậy, chúng ta
có thể hiểu rằng Đức Mẹ rất muốn con cái chúng ta biệt kính Người trong tháng
Mười, tháng nhắc nhở chúng ta siêng năng cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi. Theo
truyền thống Công giáo, trước đây Kinh Mân Côi gồm 3 Mầu nhiệm: Vui, Thương và
Mừng. Từ năm 2002, Đức Gioan Phaolô II thêm Mầu nhiệm Sáng. Ngài nói: “Kinh Mân Côi là mầu nhiệm của các mầu nhiệm. Lần chuỗi Mân Côi là giao phó những
gánh nặng cho Thánh Tâm Thương Xót của Chúa Kitô và Đức Mẹ.”
Ngược dòng lịch
sử, chúng ta biết rằng sau khi chiến thắng quân Thổ Nhĩ Kỳ tại Temeswar và
Corfu (ven biển Hy Lạp) vào năm 1716, các giáo hữu gọi Đức Mẹ là Mẹ Chiến
Thắng. Từ đó có lễ Đức Maria Chiến Thắng – nay là lễ Đức Mẹ Mân Côi. Lễ này do
Đức Piô V (1566-1572) thiết lập để kỷ niệm cuộc thắng trận của đội Hải thuyền
Công giáo đối với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại vịnh Lépante ngày 07-10-1571. Năm 1573, Đức Grêgôriô XIII (1572-1585) nâng lên
hàng lễ buộc cho giáo phận Rôma và các Hiệp hội Mân Côi. Đức Clêmentê IX
(1667-1669) đưa lễ này vào Lịch Phụng Vụ và cử hành vào Chúa Nhật đầu tháng
Mười theo đề nghị của Dòng Đaminh.
Về sau, Đức
Clêmentê XI (1700-1721) đã truyền cho khắp Giáo hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hàng
năm. Ngày 11-9-1887, Đức Lêô XIII (1810-1903) đã nâng lễ Đức Mẹ Mân Côi lên bậc
nhì với Thánh Lễ và Kinh Phụng Vụ theo phụng vụ của Dòng Đaminh. Ðức Lêô XIII
(1878-1903) phổ cập việc đạo đức này khắp thế giới qua Thông điệp “Supremi
Apostolatus Officio” (Sứ vụ Tông đồ Cao cả) đề cao việc lần chuỗi Mân Côi trong
tháng Mười, và tháng Mười đã trở thành Tháng Mân Côi biệt kính Đức Mẹ. Sau đó,
Đức Piô X (1903-1914) lại ấn định mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 07-10 như trước.
Trình thuật Cv
1:12-14 cho biết việc các tông đồ cầu nguyện với Đức Mẹ: “Các Tông đồ từ núi Ôliu trở về Giêrusalem. Núi này ở gần Giêrusalem,
cách đoạn đường được phép đi trong ngày sabát. Trở về nhà, các ông lên lầu
trên, là nơi các ông trú ngụ. Đó là các ông: Phêrô, Gioan, Giacôbê, Anrê,
Philípphê, Tôma, Batôlômêô, Mátthêu, Giacôbê – con ông Anphê, Simôn – thuộc
nhóm Quá Khích, và Giuđa – con ông Giacôbê. Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu
nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria – thân mẫu Đức Giêsu, và với anh
em của Đức Giêsu.”
Thời đó chưa có
Kinh Mân Côi, vì thế không có gì liên quan. Nhưng sách Công vụ Tông đồ cho thấy
sự “đồng tâm nhất trí” và “sự cầu nguyện chuyên cần” của các Tông đồ cùng với
một số phụ nữ nhiệt thành lo việc đạo đức, trong đó có Đức Mẹ và thân nhân của
Chúa Giêsu. Thời gian đó, Chúa Giêsu mới chịu chết và phục sinh, ai cũng sợ
người ta bách hại – nhất là những người có liên hệ với Chúa Giêsu. Tuy nhiên,
sự cùng nhau cầu nguyện đã giúp mọi người an tâm và tin tưởng vào Thiên Chúa.
Chúa Giêsu đã
nói: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh
em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban
cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa
họ.” (Mt 18:19-20) Khi đọc Kinh Mân Côi chung với nhau – chí ít cũng
là hai người, rất cần sự đồng tâm cầu nguyện. Đọc Kinh Mân Côi không chỉ là suy
niệm các mầu nhiệm, tôn vinh Thiên Chúa và chúc tụng Đức Mẹ, mà còn liên quan
“thực tế” về sự liên hệ với nhau. Khi đó, người này phải biết LẮNG NGHE và CHỜ
ĐỢI người kia. Hai động thái đơn giản nhưng cần thiết, điều đó nhắc nhở chúng
ta cũng phải biết lắng nghe và chờ đợi nhau trong cuộc sống thường nhật. Đó
chính là động thái của tình yêu thương. Không yêu thương thì không thể đồng tâm
nhất trí. Quả thật, Kinh Mân Côi kéo chúng ta đến gần với nhau hơn – cả tinh
thần lẫn thể lý.
Thánh Phaolô cho
biết: “Khi thời gian tới hồi viên mãn,
Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới Lề
Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa
tử.” (Gl 4:4-5) Người phụ nữ được Thiên Chúa tuyển
chọn làm Mẹ Thiên Chúa đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, một “Nữ tỳ Vĩ đại.” Và
nhờ đó, chúng ta được trở thành con cái của Thiên Chúa và của Đức Mẹ.
Thật vậy, Thánh
Phaolô giải thích: “Để chứng thực anh em
là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em
mà kêu lên: ‘Áp-ba, Cha ơi!’. Vậy anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là
con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế, nhờ Thiên Chúa.” (Gl 4:6-7)
Trên cả tuyệt vời, chúng ta chẳng biết diễn tả niềm hạnh phúc đó như thế nào,
vì niềm hạnh phúc đó quá lớn lao, vượt ngoài trí tuệ của những người thông minh
nhất thế gian này!
Trình thuật Lc 1:26-38 nói về cuộc Truyền Tin. Đây là Đại
Hỉ Tín của nhân loại. Thánh sử Luca cho biết rằng, khi sứ thần Gáprien vào nhà chào Trinh Nữ Maria bằng một câu
chúc: “Mừng vui lên, hỡi Người đầy ân
sủng, Đức Chúa ở cùng Cô.” Nghe lời ấy, Thôn Nữ Maria “hết hồn.” Cô bối rối
vì chả hiểu ất giáp gì: “Sao kỳ vậy ta?”
Sứ thần biết Cô Maria “ngại” lắm nên trấn an ngay: “Cô Maria ơi, xin đừng sợ, vì bà Cô đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây Cô
sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và
sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai
vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và
triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
Ui da, kỳ dữ
nghen! Tuy nhiên, Cô Maria vẫn nghiêm túc thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết
đến việc vợ chồng!” Sứ thần vừa cười hiền vừa trầm giọng: “Này, cứ an tâm. Thánh Thần sẽ ngự xuống
trên Cô, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Cô, vì thế, Đấng Thánh sắp
sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Rồi Sứ thần dẫn chứng cụ thể: “Cô biết không, Chị Êlisabét, người họ hàng
với Cô đó, tuy lớn tuổi rồi mà cũng đang cưu mang một người con trai đấy. Chị
ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với
Thiên Chúa, không có gì là không thể làm
được.”
Nghe vậy, Cô
Maria thở “phào,” nhẹ cả người, và rồi nhỏ nhẹ nói ngay: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ
thần nói.” Lời “xin vâng” khiêm nhường và mau mắn của Đức Mẹ vô cùng quý
báu. Để rồi “chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng ta.”
(Kinh Truyền Tin)
Tháng Mười lại
về, đặc biệt là Lễ Đức Mẹ Mân Côi, đây là dịp thuận tiện để chúng ta tự xét
mình với ba mệnh lệnh Fatima: (1) Sám hối, cải thiện đời sống; (2) Tôn sùng
Trái Tim Mẹ; (3) Năng lần chuỗi Mân Côi. Đã 99 năm qua (năm 2017 là dịp kỷ niệm
bách chu niên Đức Mẹ hiện ra tại Fátima), nhân loại đã thay đổi được gì? Mỗi
chúng ta có cố gắng thay đổi hàng ngày?
Giáo hoàng tiên khởi Phêrô đã nhắc nhở: “Hãy sống thánh thiện vì Thiên Chúa là Đấng
Thánh.” (1 Pr 1:16) Trước đó, khi còn tại thế, chính Chúa Giêsu đã giáo
huấn: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời
là Đấng hoàn thiện.” (Mt 5:48) Tất nhiên có nhiều con đường dẫn đến với
Chúa Giêsu, nhưng Con Đường ngắn nhất và chắc chắn nhất chính là Đức Maria.
Giáo Hội có câu nói truyền thống: Per Mariam ad Jesum – Nhờ Mẹ Maria đến với
Chúa Giêsu.
Kinh Mân Côi là bản tóm lược Kinh Thánh. Cầu nguyện bằng
Kinh Mân Côi là bí quyết giúp nhớ Kinh Thánh. Biết Kinh Thánh cũng là biết Đức
Kitô Giêsu. Mỗi Kinh Kính Mừng là một đóa Hoa Hồng, mỗi Chuỗi Mân Côi là một
Triều Thiên Hoa Hồng dâng lên Đức Mẹ. Tuyệt vời biết bao!
Nói về
hiệu quả của Kinh Mân Côi, Thánh LM Louis de Montfort (1673-1716) đã xác nhận: “Không có ai lần Chuỗi Mân Côi hằng ngày mà
bị lạc đường. Đây là lời xác nhận mà tôi vui mừng ký nhận bằng máu của tôi.”
Thiên Chúa là ĐẤNG TRUNG TÍN (2 Tx 3:3; Dt 10:23) và giàu LÒNG THƯƠNG
XÓT, (Ep 2:4) chắc chắn Ngài sẽ đại lượng với những ai thành tâm tôn
kính Thân Mẫu của Ngài.
Lạy Thiên Chúa hằng hữu và hằng sinh, xin cảm tạ Ngài đã rộng lòng trao ban cho chúng con Đức Thánh Mẫu Maria, và chính Con Yêu Dấu của Ngài cũng đã trao Đức Mẹ cho chúng con qua Thánh Gioan: “Đây là Mẹ của con.” (Ga 19:27)
Lạy Thánh Mẫu Mân Côi, xin dẫn chúng con tới gặp Chúa Giêsu,
Con Yêu Dấu của Mẹ. Xin giúp chúng con yêu mến những sự trên trời, dù chúng con
vẫn phải nhọc nhằn mưu sinh. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô,
Đấng Cứu Độ Từ Bi của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
▷ Tình Khúc Mân Côi – https://youtu.be/QpxMpTvz-8o
✽ Mùa Sáng – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/suy-niem-nam-su-sang.html
✽ Mùa Thương – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/kinh-kinh-mung-nam-su-thuong.html
✽ Mùa Mừng – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/07/suy-niem-nam-su-mung.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment