Ký túc xá gồm hai dãy nhà. Dãy A dành cho nữ, dãy B dành cho nam. Cả dãy B xôn xao từ khi xuất hiện “cô bé trầm tư.” Năm 1, năm 2, rồi năm 3, vẫn không chàng nào “bắt cóc” được cô bé. Đặc biệt là bất cứ khi nào xuất hiện ở đâu, cô bé chỉ “chuyên trị” màu trắng hoặc tím. Bản tính tôi không quan tâm lắm tới chuyện làm quen. Chẳng kênh kiệu chi cho cam mà tôi chỉ nghĩ là lúc này chuyện học tập phải ưu tiên số một. Cứ lo “cua” thì dễ có ngày “mất của” lắm.
Trời mấy bữa nay xám lại, se lạnh. Sang đông. Các nữ sinh viên trong những chiếc áo len đủ màu sắc, đủ loại. Hẳn là thích mắt nhiều người. Dĩ nhiên là trừ tôi. Có lẽ tôi “khó tính.” Trong phòng còn lại Phi, Nguyên và tôi. Một chiếc áo len tím thoáng ngang qua trước cửa phòng.
Phi nói:
– Ê, Điền. Cô bé trầm tư mới ngó vô
đây. Chắc là có nhã ý tìm mày.
Tôi im lặng. Tụi này “quỷ” lắm. Nguyên
“đổ dầu” thêm:
– Ừ, chiều qua cô nàng hỏi mày, chắc
định mượn hoặc nhờ mày gì đó.
Tôi phải “mở mỏ”:
– Thôi đi các “cha.” Cho “con” xin hai
chữ bình an!
Phi và Nguyên cười khúc khích ra chiều
“thâm ý,” rồi cà khịa thêm:
– Thì “con” vẫn bình an vô sự đó thôi.
Hai thằng bàn ra, tán vào đủ thứ. Tôi
đầy hai lỗ tai. Theo “quy ước,” trong ba thằng, đứa nào rủ được nàng đi ăn chè
thì tối nay sẽ được thưởng một cuốn từ điển Webster hoặc một cuốn Wordfinder bằng
tiền của hai đứa kia. Bất đắc dĩ, tôi “liều mạng” để “thí cô hồn” một lần cho
nó “nể mặt” kẻo bị cà khịa hoài. Bực mình, tôi nói mạnh:
– Chơi thì chơi luôn. Wordfinder của
Oxford đàng hoàng nha. Chịu thì chơi.
Phi tròn mắt:
– Chà! Ghê nha. Thằng Điền hôm nay
“điên” đột xuất, điên nặng thật rồi.
Tôi thêm vào:
– Nhưng chỉ riêng hai người thôi. Hai
đứa kia phải ở nhà, không được đi theo.
Nguyên nhảy lên như điện giật:
– No, no. Never. Có mặt để làm chứng
chứ mày!
Tôi cự tuyệt, nhất định không chịu cho
ai theo nếu tôi “được.”
Rồi thỏa thuận cũng ổn. Phi và Nguyễn
“biến” mất tiêu. Cơm trưa cũng không thấy đứa nào xuất hiện. Chúa Nhật, đứa nào
cũng đi suốt. Tôi ít đi nên thường được làm nhiệm vụ “gác đồn.” Cũng được. Càng
tốt. Có dịp học. Tụi nó vẫn đặt cho tôi nickname là “mọt sách” mà. Tôi “buồn
tình” nằm nghe radio, hết FM Bình dương đến VOH giao thông, cải lương hoặc ca
nhạc gì cũng nghe hết. Vừa nghe vừa làm bài. Sợ làm phiền hàng xóm nên tôi
thường nghe qua earphone. Tôi “phê” lúc nào không biết.
Nghe tiếng gõ cửa, tôi vẫn nằm im.
Lắng nghe. Gõ nữa. Tôi choàng dậy lật đật vội xỏ thêm chiếc quần dài. May quá,
linh tính có khác. Không thì có nước “độn thổ.” Cửa mở. Ôi, lạy Chúa! Tôi không
khỏi mắc cỡ. Nàng mỉm cười như trong cổ tích. Tự nhiên tim tôi giang tấu hết
Cha Cha Cha sang Bebop. Khó tả. Nhất là xấu hổ vì bộ xương cách trí của thằng
tôi!
– Xin lỗi Mai Khuyên. Cho khoác thêm
chiếc áo nha.
Trở ra, tôi chưa hết lúng túng. Vẫn nụ
cười. Không dám tin ở mắt mình, tôi dụi mắt. Nàng nói đỡ:
– Xin lỗi vì Khuyên phá giấc ngủ của
anh.
– Không sao. Có gì không, Khuyên?
Nàng đánh rơi cái nhìn xuống đất, trầm
giọng:
– Anh Phi nhắn Khuyên sang đây…
Hai thằng này “ác ý” ghê! Nhưng tôi
như mèo mù gặp cá rán vậy. Tôi cố ý đánh trống lảng:
– A, Khuyên vô đây đã. Khách đến nhà
mà bắt đứng cửa hoài.
Khuyên theo tôi vô. Vừa kéo ghế (một
chiếc duy nhất) tôi vừa nói:
– Khuyên ngồi đi.
Tôi ngồi trên chiếc giường đối diện.
Cả hai im lặng. Nhìn nhau rồi quay đi. Nhìn xuống đất. Cứ nhìn vu vơ. Tôi gãi
đầu, lời nói đứt quãng:
– Có chuyện này mà… mà… không tiện nói
ở đây.
Ngưng một chút. Khuyên vẫn im lặng. Là
con trai mà tôi cứ ấp úng, không nói được. Tôi thầm cầu nguyện cho nàng nói
trước và nói nhiều để tôi… đỡ nói. Im lặng kéo dài. Con gái gì “lì” quá đi! Kẹt
quá, tôi đành phải nói trước:
– Mình đề nghị vậy nè. Nếu có gì không
phải, Khuyên bỏ qua nha!
Khuyên gật đầu:
– Anh cứ nói đi.
– Nếu được, tối nay đi ăn chè. Quán
Sinh Viên bên kia đường đó.
Khuyên im lặng khiến tôi càng thấy
ngại. Bụng tôi đánh lô tô. Lúc sau, Khuyên ngập ngừng:
– Nhưng… mấy giờ mới được chứ?
Tôi như trúng số. May quá. Nhẹ mình.
Tôi khoan khoái thở phào. Ừ ha! Đôi khi người ta “ngu” đột xuất. Tôi hỏi như để
xác định:
– 18 giờ 30 được không?
Khuyên gật đầu và kèm theo nụ cười
“miểng chai” làm tim tôi muốn “rướm máu” luôn. Chi mà “ác” dễ sợ!
Khuyên khóa 15, tôi và hai “ông thần
nước mặn” kia khóa 13 (xui gì đâu!). Vì thế, tôi nghiễm nhiên được lên chức
“anh.” Ngọt chè! Nghe đâu Khuyên ở miền Tây, cụ thể là Cà mau. Gia đình khá giả
và thức thời lắm, cho nên ba má bằng lòng cho Khuyên lên thành phố học.
Ngoài giờ “chính khóa,” Khuyên còn đi
học thêm vi tính. Tôi thấy thèm những thuận lợi Khuyên đang tận hưởng. Nàng khá
xinh. Giọng miền Tây nghe phát ham, ngọt như mía lùi dễ thương gì đâu! Khuôn
mặt tròn với mái tóc chấm vai trông rất logic. Ở miệt dưới, nghe đâu “muỗi bay
như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh,” nghe mà… phát ớn. Khuyên kể tôi nghe đủ
thứ về sông nước, rừng tràm, rừng đước,… Tôi nghe say sưa. Chẳng phải để lấy
lòng mà tôi dự định sẽ thử viết truyện để đăng báo xem sao. Biết đâu được đăng,
nàng sẽ đọc và sẽ dễ có “cảm tiền” với tôi? Nghĩ sơ sơ vậy cũng đủ phấn khởi.
Tôi gật gù ra chiều đắc ý. Tôi cười và nghĩ thầm: “Hai thằng quỷ sứ kia, tụi bay chết!”
– Có gì mà anh vui vậy?
– À, không. Mà Khuyên nè, miền Tây
lãng mạn và thơ mộng lắm sao mà nhiều người ca tụng dữ vậy?
– Tùy thôi. Anh chưa về miền Tây sao?
– Mù tịt. Ước gì có dịp theo Khuyên về
một lần cho biết.
– Nếu anh muốn thì dễ thôi. – Mai
Khuyên hóm hỉnh nói ngay.
o0o
Tối. Ngồi đối diện với Mai Khuyên, tôi
thấy có cảm giác lạ. Trái tim tôi như “sinh chứng” bất thường. Lỡ rồi. Phóng
lao phải theo lao. Ráng! Cầu cho hai thằng quỷ sứ tránh xa “vùng cấm địa” này
cho khỏi rắc rối. Xưa nay tôi cầu “linh” lắm, không biết lần này thế nào đây.
Vì không quen nói dối (bản tính như vậy chứ không khoe mình tốt lành gì đâu),
tôi đành phải “thú tội” với Khuyên rằng ba thằng có “cá độ” với nhau nên mới có
buổi gặp gỡ này. Nàng im lặng. Im lặng chi mà tôi nghe “ngứa” cả đầu. Gãi. Sợ
nàng phật lòng, tôi vội hỏi:
– Khuyên có giận không?
Khuyên nhìn vào khoảng trống giữa hai
ly chè và nhẹ giọng:
– Có và không. Khuyên ghét mấy anh quá
hà. Khi không đưa người ta ra…
– Xin lỗi Khuyên.
Nàng nâng ly chè
lên. Những ngụm nho nhỏ khiến tôi cũng thấy đậm đà. Ngừng lại, Khuyên khẽ nói:
– Thế mấy anh cá
độ thứ gì?
– Một cuốn từ
điển Wordfinder loại mới, của Oxford đàng hoàng.
– Vậy phải cho
Khuyên mượn để tra cứu nữa đó nha. Có công của Khuyên chứ bộ!
Dĩ nhiên tôi đồng
ý cả hai chân lẫn hai tay mà không kèm điều kiện chi ráo trọi. Ôi, tạ ơn trời
đất! Cảm ơn hai thằng quỷ sứ nữa. Nhờ tụi nó mà tôi đã… (Khó nói thí mồ đi. Xin
đừng ai bắt nói công khai. Kỳ lắm!).
Từ đó, tôi được
nước, thi thoảng tôi lại “kiếm cớ” để được cùng nàng ra quán “đối ẩm.” Lúc nào
“nặng túi,” tôi rủ thêm Phi và Nguyễn như để thầm “đền ơn” tụi nó. Có lần
Khuyên hỏi:
– Quê anh ở Đồng Nai
mà khu nào?
Điều tra lý lịch
“dễ sợ.” Tôi thản nhiên:
– Long Thành. Xa lắc xa lơ. Dân quê
mà!
– A, Long Thành nhiều trái cây lắm.
Chừng nào về quê nhớ để dành trái cây cho Khuyên đó.
– Sầu riêng hay chôm chôm?
– Cả hai luôn.
Khuyên giấu nụ cười sau chiếc khăn
tay. Tôi thấy “mầm duyên” đang có mòi phát triển. Lòng tôi rạo rực khó tả. Bồi
hồi. Lâng lâng. Và hình như thoáng bối rối của chút men tình đầu. Vui vui làm
sao ấy! Một thứ cảm xúc dễ chịu, đẹp như tiểu thuyết vậy. Khó có thể xác định.
Thế mà hai lần nhận điện báo má đau
nặng, Khuyên về quê mà tôi không biết. Bạn bè chọc ghẹo tôi đến sượng cả người.
Khuyên vội? Khuyên sợ tôi “xin theo”? Tự dưng tôi đâm buồn vô cớ rồi nghĩ mông
lung. Vô duyên ghê đi! Khuyên vẫn giữ cuốn từ điển thắng độ của tôi.
Không dám hỏi mặc dù tôi đang rất cần
nó. Sáng nay Chúa Nhật. Thằng thì về quê, thằng thì đi chơi, kể cả hai thắng
quỷ sứ. Tôi ở lại phòng mình ên. Cả tuần nay “ăn chay trường,” điểm tâm bằng
vài động tác thể dục để giết thời gian. Đói quá nên khó tập trung học. Tai ù đi
cũng không nghe băng ngoại ngữ được. Chữ cứ nhảy ngang nhảy dọc, không “sàng”
được chữ nào vào đầu. Ngồi im như “chó xích” nhìn chút sương vương lại trên
những tán cây lớn bên kia đường. Ký túc xá lặng hẳn đi trong cái se lạnh chớm
đông này. Có tiếng gõ cửa và tiếng gọi khẽ:
– Anh Điền ơi!
Cô bé trầm tư. Trống ngực khua dồn.
Tôi ráng làm ra vẻ tự nhiên khi mở cửa, nàng biếu không cho tôi một nụ cười
duyên hết biết!
– Khuyên gởi lại anh cuốn từ điển.
Tôi chỉ gật đầu. Như chợt nhớ ra điều
gì, tôi nói:
– Vô chơi chút đi Khuyên.
Tôi ngồi lật lật cuốn từ điển cho tay
đỡ… thừa. Tôi chợt thấy mảnh giấy kẹp trong sách. Tôi mở coi:
Thân gởi Đ. Và
Kh.,
May all of you be
happy. Hãy “love” đến “đờ” và “khờ” luôn nha!
Điệp-Viên-Không-Không-Thấy
Lại hai thắng quỷ sứ chứ ai trồng
khoai đất này! Chúng nó “mầu nhiệm” quá. Tôi nghĩ thầm. Chợt nhìn Khuyên, tôi
lại “diễm phúc” nhận thêm một nụ cười miễn phí nữa. Tôi vu vơ:
– You love ai chưa?
Khuyên nhìn xuống đất và lắc đầu. Tôi
“cứng họng.” Rồi nàng nói:
– Thôi, Khuyên về nha!
Tôi vội quay ngang, không nói được gì.
Nàng khuất sau cánh cửa. Từ đó tôi “nhiễm” luôn “căn bệnh” của nàng, ít nói hẳn
đi. Có những tiết học mà hồn tôi cứ lang thang đâu đó. Nỗi buồn vô cớ không nơi
trú ngụ. Tôi bắt đầu hút thuốc lá, uống cà-phê, làm thơ và… mất ngủ, thậm chí còn
“mắc dịch” (lo dịch bài đăng báo). Có phải căn bệnh nắng mưa như thi sĩ Nguyễn
Bính chăng? Nhiêu khê!
o0o
Thời gian thấm thoát. Mỗi đứa ra
trường rồi có công việc riêng, hoàn cảnh khác nhau. Những mùa đông cứ đến rồi lại
đi… Vậy mà đã hơn 10 năm rồi còn gì!
Cũng lại là Chúa Nhật. Học sinh nghỉ học. Tôi tự dưng thèm ly cà-phê nóng trong buổi sáng se
lạnh thế này. Tìm một góc quán vắng. Ngẫu nhiên êm vang câu hát: “Que sera sera… What will be will be…” Mùi thơm cà-phê
làm tôi có cảm giác sảng khoái, dễ chịu. Hít một hơi thuốc lá. Chợt một cô gái
mặc chiếc áo len tím đi ngang trên đường, nhìn dáng rất giống Khuyên, khiến tôi
nhớ lại thời sinh viên, nhớ về cô bé trầm tư. Kỷ niệm ùa về trong tôi…
Tôi viết và viết. Cảm xúc dạt dào. Nuối
tiếc tình cảm ngày xưa chưa kịp nói. Có lẽ tôi chưa bao giờ viết như hôm nay.
Viết như thèm viết lâu ngày. Viết như “ngứa óc” mà viết. Chợt nhìn đồng hồ: 10
giờ. Có lẽ chủ quán “nóng ruột” vì có người khách “lì” như tôi. Tôi lật đật về
phòng. Vài cô cậu học sinh chào khi thấy tôi.
Thấp thoáng những học sinh học phụ đạo
hoặc vô trường chơi. Tôi ngồi viết lại những gì vừa viết ngoài quán. Quên đói
buổi trưa. Như phản xạ của tiềm thức, tôi bỏ xấp giấy vào phong bì để gởi cho
báo. Ước muốn ngày nào nay mới thành hiện thực.
Giờ này cô bé trầm tư đang ở Cà Mau, ở
Utah [1] hay ở phương trời xa nào? Tôi hy vọng mong manh rằng khi báo đăng thì
Mai Khuyên sẽ tình cờ đọc được cả nỗi nhớ mùa đông. Khuyên ơi! You có trái tim
mùa đông không?
Tôi lặng lẽ nhìn lên những đám mây xám
giăng ngang bầu trời. Tôi thấy chúng mang màu tím chứ không mang màu xám như
người ta thường nói, một dạng màu-tím-trong-suốt. Rất lạ! Ở Việt Nam không có
tuyết, chỉ có hơi sương se lạnh, và trong sâu thẳm đáy lòng hình như cũng có
chút lạnh!
Rất ngẫu nhiên, ca khúc “Sầu Đông” của
Nhạc sĩ Khánh Băng đang vang vọng da diết từ bên nhà hàng xóm: “Chiều nay gió Đông về, dừng chân trên bến
xưa, đời trai gió sương về thăm cố hương, tìm bao nhớ thương, mà sao phố phường
vắng. Tình sầu lạnh buốt đêm trường!” Nỗi buồn chợt thêm xa vắng…
May thay, tiếng chuông leng keng của
ca khúc “Jingle Bells” [2] cũng vừa kịp vang lên xóa hết dấu vết u buồn: “Dashing through the snow, in a one-horse open
sleigh, o'er the fields we go, laughing all the way… Jingle bells, jingle bells
jingle all the way…”
Tạ ơn Chúa, Ý Chúa cao siêu đã tiền
định kỳ diệu, tình yêu của Ngài vẫn mãi bao la và nhiệm mầu, vượt xa trí hiểu
của nhân loại. Tôi ngâm nga: “Trời cao
hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội…” (Cố Ns Duy Tân) Quá khứ là quá khứ. Hiện tại là hiện tại. Kỷ niệm là kỷ niệm, hãy để nó “ngủ
yên.” Nước đã lắng phèn, trong veo, đừng khuấy cho nước vẩn đục. Cuối cùng chỉ
còn Chúa, như Thánh Augustinô nhờ dày kinh nghiệm “xương máu” mà rút ra được
kết luận: “Ngài có đó khi ta tưởng đơn
côi, Ngài nghe ta khi chẳng ai đáp lại, Ngài thương ta khi tất cả hững hờ.”
TRẦM THIÊN THU
[1] Một tiểu bang ở Hoa Kỳ.
[2] Jingle Bells là ca khúc nổi tiếng thế
giới và phổ biến vào mùa Đông. Ca khúc này của NS James Lord Pierpont (1822–1893)
viết vào năm 1850, được xuất bản với tựa đề “One Horse Open Sleigh” vào mùa Thu
năm 1857. Ca khúc này được viết cho lễ Tạ Ơn (Thanksgiving) nhưng lại được
người ta dùng làm ca khúc Giáng Sinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment