Thứ Ba, 27 tháng 10, 2015

HẠNH CÁC THÁNH THÁNG 11

1/11 – LỄ CÁC THÁNH

Lễ các thánh sớm nhất từ đầu thế kỷ IV là lễ tưởng niệm các vị tử đạo. Đầu thế kỷ VII, sau khi những kẻ xâm lăng cướp phá các hầm mộ, ĐGH Boniface IV thu gom khoảng 28 toa xe lửa xương và đưa về để ở hầm bên dưới đền Pantheon (đền thờ chư thần ở Rôma). ĐGH thánh hiến đền này thành Đền thờ Kitô giáo, ngài muốn rằng việc kính nhớ các thánh được tôn kính ở nơi mà trước đây đã được dùng để thờ ma quỷ.

Nhưng việc tái dâng hiến đền Pantheon, cũng như việc tôn kính các vị tử đạo, xảy ra vào tháng Năm. Nhiều Giáo hội Đông phương vẫn tôn kính các thánh vào mùa Xuân, trong mùa Phục Sinh hoặc ngay sau lễ Hiện Xuống.

Tại sao Giáo hội Tây phương mừng lễ các thánh vào tháng 11 là vấn đề khó hiểu đối với các sử gia. Thần học gia Alcuin cho rằng lễ các thánh có từ ngày 1-11-800, như bạn của ông là ĐGM Arno, GP Salzburg, đã làm. Cuối cùng, Rôma theo ngày này từ thế kỷ IX.

2/11 – LỄ CẦU CHO CÁC LINH HỒN

Giáo hội khuyến khích cầu nguyện cho những người đã qua đời từ thời Kitô giáo làm việc bác ái. Thánh Augustinô viết: “Nếu chúng ta không quan tâm những người đã qua đời, chúng ta sẽ không có thói quen cầu nguyện cho họ.” Các nghi lễ thời tiền Kitô giáo dành cho những người qua đời được giữ như việc tưởng tượng dị đoan, mãi đến thời Trung cổ mới chính thức cầu nguyện cho những người đã qua đời.

Giữa thế kỷ XI, Thánh Odilo, Viện phụ Dòng Cluny (Pháp), truyền cho các tu viện của dòng này phải cầu nguyện và dâng lễ cầu hồn vào ngày 2-11. Thói quen tốt lành này lan rộng từ Dòng Cluny tới cả Giáo hội hoàn vũ.

Sự củng cố về thần học đối với lễ này là việc nhận biết bản tính yếu đuối của con người. Vì một số người đạt được sự hoàn hảo ngay từ đời này, nhưng một số người vẫn còn dấu vết tội lỗi, họ cần thanh luyện trước khi được diện kiến Thiên Chúa. Công Đồng Trentô xác định tình trạng ở luyện hình này và việc cầu nguyện của người còn sống có thể “rút ngắn” thời gian thanh luyện.

Nhưng sự dị đoan vẫn liên quan lễ này. Người Trung cổ tin rằng các linh hồn nơi luyện hình có thể xuất hiện vào ngày này ở dạng “phù thủy,” con cóc hoặc ma trơi (will-o’-the-wisps). Thực phẩm đặt ở nghĩa địa được coi là để an ủi những người qua đời. Tuy nhiên, tính tôn giáo của lễ này vẫn còn, trong đó có việc rước hoặc viếng nghĩa địa và trang trí mộ bằng hoa, đèn, nến.

3/11 – THÁNH MARTIN PORRES (1579-1639)

Thánh Martin có trái tim nhân hậu dành cho những người nghèo khổ và bị khinh miệt. Ngài là con của một phụ nữ da đen ở Panama, có thể là người Mỹ, và một đàn ông da trắng quý tộc ở Lima, Peru. Ngài có nước da đen giống mẹ nên người cha bỏ mẹ con ngài khi ngài 8 tuổi, sau khi có thêm con gái.

Lúc ngài 12 tuổi, mẹ ngài cho ngài đi học hớt tóc và học ngành thuốc. Sau vài năm, Martin ngài vào Dòng Đa-minh làm “hiến sinh,” vì ngài cảm thấy mình không xứng đáng làm tu sĩ. Sau 9 năm, ngài nổi bật về gương cầu nguyện, làm việc đền tội, bác ái và khiêm nhường, nên nhà dòng yêu cầu ngài khấn dòng.

Ban đêm cầu nguyện, ban ngày giúp bệnh nhân và người nghèo. Mọi người khâm phục ngài nên không còn kỳ thị ngài. Ngài đi tìm trẻ mồ côi, chăm sóc người nô lệ Phi châu và sống đại lượng. Ngài là biện lý của tu viện và thành phố. Khi tu viện lâm tình trạng nợ nần, ngài nói: “Con chỉ là người da đen, hãy bán con đi. Con là tài sản của nhà dòng, hãy bán con đi!”

Ngài có những lúc cầu nguyện xuất thần và lơ lửng trên mặt đất, căn phòng ngập ánh sáng. Nhiều người coi ngài là vị linh hướng, nhưng ngài vẫn tự nhận mình là “kẻ nô lệ khốn khổ.” Ngài là bạn thân của một nữ tu Đa Minh ở Peru là Thánh Rosa Lima.

4/11 – THÁNH CHARLES BÔRÔMÊÔ, GIÁM MỤC (1538-1584)

Ngài sống thời tái Cải cách của Tin Lành, và ngài góp phần cải cách Giáo hội trong những năm cuối Công Đồng Trentô.

Ngài xuất thân từ một gia đình quý tộc ở Milan, nhưng ngài muốn hiến thân vì Giáo hội. Sau khi người anh qua đời, ngài thụ phong linh mục lúc 25 tuổi, không lâu sau ngài được tấn phong giám mục GP Milan. Khi chú ngài là hồng y Medici được bầu làm giáo hoàng năm 1559, tông hiệu Piô IV, ngài được chọn làm hồng y phó tế (cardinal-deacon) và làm quản lý TGP Milan. Ngài thông minh nên được giữ vài chức vụ quan trọng liên quan Vatican và sau đó được bầu làm thư ký với đầy đủ trách nhiệm quản lý.

Ngài khuyến khích giáo hoàng cải cách Công Đồng năm 1562 sau khi bỏ dở 10 năm. Ngài làm việc âm thầm nhưng có công lớn với Công Đồng. Ngài sống khổ hạnh và đền tội nhiều, đồng thời rất thương người nghèo. Trong nạn đói năm 1576, ngài cố gắng giúp khoảng 60.000 tới 70.000 người mỗi ngày. Để làm được điều này, ngài đã phải vay tiền. Khi nạn đói lên tới đỉnh điểm, chính quyền bỏ trốn, nhưng ngài vẫn ở lại giúp mọi người. Công việc quá sức nên ngài qua đời lúc 46 tuổi.

5/11 – CHÂN PHƯỚC SÔLANÔ CASEY, LINH MỤC (1870-1957)

Ngài sinh trưởng trong một gia đình ở Oak Grove, Wisconsin. Lúc 21 tuổi, ngài vào Dòng Phanxicô ở Milwaukee. Học không nổi, ngài ra khỏi dòng này và vào Dòng Phanxicô ở Detroit năm 1896, lấy tên dòng là Sôlanô. Việc học làm linh mục với ngài cũng rất khó khăn.

Ngài thụ phong linh mục ngày 24-7-1904, nhưng vì yếu môn thần học, ngài không được giải tội và giảng thuyết. Trong 14 năm làm người giữ cửa và lo phòng thánh ở Yonkers, New York, người ta mới nhận thấy ngài có tài ăn nói. Những điều ngài nói đã gây ấn tượng những người nghe.

Lm Sôlanô phục vụ các giáo xứ ở Manhattan và Harlem, rồi trở lại Detroit, làm người giữ cửa và lo phòng thánh trong 20 năm tại Tu viện Thánh Bônaventura. Mỗi chiều thứ Tư ngài đều dâng lễ cho khoảng 150 tới 200 bệnh nhân. Mọi người nhận được phép lành của ngài, và ngài tư vấn cho khoảng 40 tới 50 người.

Năm 1946, trong tình trạng sức khỏe yếu, ngài chuyển về Huntington, Indiana, và sống tại đây tới năm 1956. Ngài được đưa về Detroit và qua đời ngày 31-7-1957. Ước tính có khoảng 20.000 người đi qua linh cữu của ngài trước khi ngài được an táng tại nhà thờ Thánh Bônaventura ở Detroit.

Năm 1960, Hội Lm Sôlanô được thành lập ở Detroit để giúp các sinh viên Dòng Phanxicô. Năm 1967, hội này có 5.000 thành viên. Ngài được tuyên bậc đáng kính năm 1995, được tuyên chân phước ngày 18-11-2017.

6/11 – THÁNH NICÔLA TAVELIC và CÁC BẠN TỬ ĐẠO (1340-1391)

Nicôla và 3 người bạn trong số 158 tu sĩ Dòng Phanxicô đã tử đạo tại Thánh Địa vì họ coi sóc các đền thờ năm 1335.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình giàu có quý tộc ở Croatia, vào Dòng Phanxicô và được sai đi cùng với Deodat Rodez tới truyền giáo ở Bosnia. Năm 1384, họ tình nguyện đi truyền giáo ở Thánh Địa. Họ chăm nom những nơi thánh và học tiếng Ả Rập.

Năm 1391, Nicôla, Deodat, Phêrô Narbonne và Stêphanô Cunêô quyết định trực tiếp hoán cải người Hồi giáo. Ngày 11-11-1391, họ tới đền thờ Hồi giáo Omar ở Giêrusalem và xin gặp giáo sĩ Hồi giáo (Qadi). Họ bị bắt, bị tù và bị đánh đập, cuối cùng họ bị chém đầu trước đám đông. Thánh Nicholas và các bạn được tuyên thánh năm 1970.

7/11 – THÁNH ĐIĐACÔ, TU SĨ (1400-1463)

Ngài là nhân chứng sống của Thiên Chúa về “những gì thế gian cho là điên dại thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh.” (1 Cr 1:27)

Ngài sinh tại Tây Ban Nha, vào Dòng Phanxicô và sống ẩn tu một thời gian. Ngài có tiếng về hiểu được đường lối Chúa, ăn chay đền tội nghiêm nhặt, nhưng hào phóng với người nghèo đến nỗi các tu sĩ khác không bằng lòng với cách bác ái của ngài.

Ngài tình nguyện đi truyền giáo ở đảo Canary và làm việc hăng say ở đó. Ngài được bầu làm bề trên ở đó. Năm 1450, ngài được cử tới Rôma để tham dự lễ tuyên thánh nữ tu Bernardine Siena. Khi về Tây Ban Nha, ngài hoàn toàn sống tĩnh lặng. Ngài cho các tu sĩ thấy sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Khi hấp hối, ngài nhìn Thánh giá và nói: “Ôi gỗ thánh, ôi đinh quý giá! Các ngươi được sinh ra để chịu gánh nặng ngọt ngào, và xứng đáng mang Thiên Chúa và Vua Trời.” (Marion A. Habig, O.F.M., Sách các Thánh Dòng Phanxicô, tr. 834)

San Diego, thành phố thuộc bang California (Hoa Kỳ), theo tiếng Tây Ban Nha nghĩa là Thánh Đidacô. Ngài được tuyên thánh năm 1588.

8/11 – CHÂN PHƯỚC GIOAN DUNS SCOTUS, LINH MỤC (1266-1308)

Ngài là người khiêm nhường, và là một trong các tu sĩ Dòng Phanxicô ảnh hưởng nhất trong nhiều thế kỷ. Ngài sinh tại Duns, thuộc quận Berwick, Tô Cách Lan, thuộc dòng dõi gia phong. Ngài có tên là Gioan Duns Scotus để xác định nơi ngài sinh, Scotia theo tiếng Latin là Scotland (Tô Cách Lan).

Ngài vào Dòng Anh Em Hèn Mọn (Dòng Phanxicô) ở Dumfries, nơi bác ngài là Elias Duns làm bề trên. Sau khi vào nhà tập, ngài học tại Oxford và Paris, thụ phong linh mục năm 1291. Ngài học thêm ở Paris tới năm 1297, rồi dạy học tại Oxford và Cambridge. Sau 4 năm, ngài trở lại Paris để dạy và hoàn tất chương trình học tiến sĩ năm 1305. Ngài tiếp tục dạy tại Paris tới năm 1307. Ngài được bổ nhiệm tới trường của Dòng Phanxicô tại Cologne và qua đời tại đây năm 1308. Ngài được an táng tại nhà thờ Dòng Phanxicô gần đại giáo đường ở Cologne.

Dựa vào tác phẩm của ngài, ĐGH Piô IX đã long trọng công bố tín điều Đức Mẹ Vô nhiễm vào tháng 5-1854. Ngài được tuyên chân phước năm 1993.

9/11 – CUNG HIẾN ĐỀN THỜ THÁNH GIOAN LATÊRANÔ

Nhiều người nghĩ Đền thờ Thánh Phêrô là đền thờ của giáo hoàng, nhưng chính đền thờ thánh Gioan Latêranô mới là đền thờ của giáo hoàng, nhà thờ chính tòa của TGP Rôma, nơi Tổng giám mục của TGP Rôma chính là giáo hoàng.

Đền thờ đầu tiên được xây dựng ở nơi này hồi thế kỷ IV, khi Constantine hiến đất mà ông nhận của gia đình Latêranô. Các đền thờ bị cháy, động đất và chiến tranh, nhưng đền thờ Latêranô vẫn là nhà thờ mà các giáo hoàng được thánh hiến tới khi các giáo hoàng từ Avignon trở lại hồi thế kỷ XIV.

ĐGH Innocent X cho xây đền thờ hiện nay từ năm 1646. Đền thờ này có 15 tượng: Chúa Giêsu, Thánh Gioan Tẩy giả, Thánh Gioan Thánh sử và 12 vị thánh tiến sĩ giáo hội. Bên dưới bàn thờ vẫn còn chiếc bàn gỗ nhỏ mà Thánh Phêrô đã từng cử hành thánh lễ.

10/11 – THÁNH LÊÔ CẢ, GIÁO HOÀNG TIẾN SĨ GIÁO HỘI (+ 461)

Ngài được bầu làm giáo hoàng năm 440. Ngài hăng say làm việc của người kế vị Thánh Phêrô.

Công việc giáo hoàng của ngài gồm 4 lĩnh vực chính, trình bày quan niệm của ngài về trách nhiệm của giáo hoàng đối với đoàn chiên của Chúa Kitô. Ngài hoạt động chống các tà thuyết Pelagianism, [1] Manichaeism [2] và các tà thuyết khác, đặt điều kiện với những người theo đạo để bảo đảm đức tin Kitô giáo. Lĩnh vực quan trọng thứ hai mà ngài quan tâm là sự tranh luận về giáo lý trong Giáo hội Đông phương, ngài phúc đáp bằng một lá thư bác bỏ giáo huấn của họ về bản tính Chúa Kitô. Với đức tin mạnh mẽ, ngài dẫn quân La Mã chống lại cuộc tấn công đối kháng dữ dội và đảm nhận vai trò người kiến tạo hòa bình.

Ở mọi lĩnh vực, công việc của ngài đều được đánh giá cao. Ngài được tuyên thánh nhờ tâm linh sâu sắc trong chức vụ tông đồ. Ngài nổi tiếng với những bài giảng thâm thúy, trích dẫn Kinh Thánh mạch lạc và hiểu biết Giáo hội. Một trong những bài giảng lễ của ngài vẫn còn nổi tiếng tới ngày nay. Ngài có khả năng nhận biết nhu cầu của người khác.

Triều đại Giáo hoàng của ngài có Công Đồng Chalcedon (năm 451) xác tín Chúa Kitô là Con-Người-Thiên-Chúa với hai bản tính: Thần Tính và Nhân Tính.

--------------------

[1] Pelagianism: Thuyết thần học của Pelagius (354?-418), một tu sĩ người Anh, bị Công giáo kết án là tà thuyết năm 416. Thuyết này từ chối tội nguyên tổ và khẳng định khả năng con người trở nên công chính nhờ ý chí tự do, nhấn mạnh ý chí tự do và bản chất tốt lành của con người. Đệ tử của ông là Celestius từ chối giáo lý Công giáo về tội nguyên tổ và sự cần thiết của bí tích Thánh tẩy. Pelagius và Celestius bị vạ tuyệt thông năm 418, nhưng họ vẫn chống đối cho tới khi Công Đồng Êphêsô kết án giáo phái của họ tà thuyết năm 431.

[2] Manichaeism: Mani giáo, hệ thống tôn giáo nhị nguyên do tiên tri Manes (khoảng 216–276) sáng lập ở Ba Tư hồi thế kỷ III, dựa trên vụ xung đột nguyên thủy giữa ánh sáng và bóng tối, kết hợp với các yếu tố của Kitô giáo ngộ đạo (Gnostic Christianity), Phật giáo (Buddhism), Bái hỏa giáo (Zoroastrianism), và các yếu tố ngoại giáo khác. Thuyết này bị chống đối từ phía Hoàng đế La mã, các triết gia Tân Platon (Neo-Platonist) và các Kitô hữu chính thống.

11/11 – THÁNH MARTIN TOURS, GIÁM MỤC (316?-397)

Ngài là người chống đối dữ dội mà muốn làm tu sĩ, rồi một tu sĩ trở thành giám mục, một giám mục chống lại chủ nghĩa ngoại giáo và cầu xin Lòng Chúa Thương Xót cho những người theo tà thuyết. Ngài là một trong các vị thánh nổi tiếng nhất và là một trong số các vị thánh tiên khởi của Giáo hội.

Ngài sinh trưởng trong một gia đình ngoại giáo ở một vùng mà nay là Hungary và được giáo dục tại Ý. Là con trai của một cựu chiến bình, ngài bị bắt buộc phải phục vụ trong quân ngũ từ lúc 15 tuổi, dù ngài không muốn. Ngài được rửa tội lúc 18 tuổi và trở thành giáo lý viên. Lúc 23 tuổi, ngài từ chối tiền thưởng quân đội của hoàng đế và nói: “Hạ thần phục vụ ngài với tư cách binh sĩ, bây giờ hãy để hạ thần phục vụ Đức Kitô. Xin nhường phần thưởng cho người khác. Còn hạ thần là binh sĩ của Chúa Kitô.” Ngài trở thành đệ tử của Thánh Hilary Poitiers.

Ngài là người trừ quỷ và hăng say chống lại tà thuyết Arian. [1] Ngài đi tu, mới đầu sống ở Milan (Ý), sau đó sống ở một đảo nhỏ. Khi thánh Hilary được phục hồi sau thời kỳ lưu đày, thánh Martin Tours trở về Pháp và thành lập Dòng đầu tiên của Pháp gần Poitiers. Ngài ở đây 10 năm, lập nhóm các môn đệ và đi truyền giáo khắp nước.

Dân chúng Tours yêu cầu tấn phong ngài làm giám mục. Ngài bị “lừa” tới thành phố đó và bị đưa vào nhà thờ, và ngài miễn cưỡng để được tấn phong giám mục. Các giám mục nghĩ ngài có bề ngoài luộm thuộm và tóc tai bù xù không xứng đáng với chức vụ.

Cùng với Thánh Ambrôsiô, ngài phản đối luật của ĐGM Ithacius bắt những người theo tà thuyết phải chết – có sự can thiệp của hoàng đế trong các vụ như vậy. Ngài thắng thế và cứu sống những người theo tà thuyết Priscillian. [2] Với cố gắng của ngài, Thánh Martin vẫn bị kết án là đồng lõa, còn Gm Priscillian bị hành quyết. Ngài cảm thấy có thể hợp tác với Ithacius trong các lĩnh vực khác, nhưng sau đó lương tâm ngài cắn rứt vì quyết định đó.

Khi hấp hối, các đệ tử xin ngài đừng bỏ họ, và ngài đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu người ta vẫn cần con, con sẽ không từ chối. Xin cho Ý Ngài nên trọn.”

------------------

[1] Arianism: Thuyết của Arius, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Thuyết này từ chối thiên tính của Chúa Giêsu. Công Đồng Nixê (AD 325) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Ngôi Cha.” Thuyết Arian được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rome Gratian và Theodosius lên ngôi. Công Đồng Constantinople đầu tiên (năm 381) phê chuẩn Tín điều của Công Đồng Nixê và cấm thuyết Arian. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức Nhân Chứng Giavê (Jehovah's Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism), tương tự Tam Vị Nhất Thể, tức là Một Chúa Ba Ngôi.

[2] Priscillianism: Thuyết của Priscillian, thế kỷ IV-V. Priscillian là giám mục dựa vào tư tưởng của mình về thuyết ngộ đạo (Gnosticism) và thuyết Mani (Manichaeism – hệ thống tôn giáo nhị nguyên do tiên tri Manes sáng lập ở Ba Tư hồi thế kỷ III, khoảng 216–276, dựa trên vụ xung đột nguyên thủy giữa ánh sáng và bóng tối, kết hợp với các yếu tố của Kitô giáo ngộ đạo, Phật giáo, Bái hỏa giáo, và các yếu tố ngoại giáo khác. Thuyết này bị chống đối từ phía Hoàng đế La Mã, các triết gia tân Platon và các Kitô hữu chính thống). Ông và các đệ tử dạy thuyết thể thức về Tam Vị Nhất Thể (Modalist doctrine of the Trinity), từ chối thiên tính và nhân tính của Chúa Kitô, cho rằng các thiên thần chỉ là thụ tạo phát xuất từ Thiên Chúa, các linh hồn được kết hợp với cơ thể khi chịu hình phạt vì tội lỗi, hôn nhân là xấu xa, dù tình yêu tự do khả dĩ chấp nhận. Hoàng đế Maximus đã bắt GM Priscillian bị công nghị các giám mục xét xử và thấy GM Priscillian phạm tội làm ma thuật. Dù được thánh Martin Tours xin tha, GM Priscillian và các đệ tử vẫn bị xử tử.

12/11 – THÁNH GIOSAPHAT, GIÁM MỤC TỬ ĐẠO (1580?-1623)

Năm 1967, những tấm hình trên báo chí chụp ĐGH Phaolô VI ôm Đức Athenagoras I, thượng phụ Chính Thống giáo ở Constantinople, đã đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với việc hàn gắn sự chia rẽ suốt 9 thế kỷ.

Năm 1595, ĐGM Brest-Litovsk của Chính Thống giáo (nổi tiếng thời Thế chiến I) ở Belarus và 5 giám mục khác đã muốn đoàn tụ với Rôma. Gioan Kunsevich (Giosaphat là tên dòng) dâng mình cho Chúa và chịu chết cùng một nguyên nhân. Ngài sinh tại vùng mà nay là Ba Lan, làm việc tại Wilno và ảnh hưởng các giáo sĩ có liên quan Liên Minh Brest (1596). Ngài trở thành tu sĩ Dòng Basilia, rồi thụ phong linh mục, ngài nổi tiếng về giảng thuyết và sống khổ hạnh.

Ngài được bổ nhiệm giám mục Vitebsk (nay là Nga) khi còn tương đối trẻ, và ngài phải đối mặt với tình huống khó khăn. Đa số các tu sĩ, vì sợ liên quan phụng vụ và tập tục, đã không muốn liên kết với Rôma. Nhờ các công nghị, hướng dẫn giáo lý, cải cách giáo sĩ và gương mẫu cá nhân, ngài thành công trong việc được lòng nhiều thành phần của Chính Thống giáo trong vùng.

Nhưng năm sau, hệ thống chống đối được thành lập, số người chống đối ngài tăng lên và kết án ngài nên ngài không được các giám mục Ba Lan ủng hộ.

Ngài vẫn tới Vitebsk, nhưng ngài bị trục xuất khỏi giáo phận. Một linh mục được sai đến đã nguyền rủa ngài. Ngài bị đánh đập, bị bắn chết và thi hài ngài bị ném xuống sông. Về sau người ta tìm thấy xác ngài, và hiện nay được an táng tại Đền thờ Thánh Phêrô ở Rôma. Ngài là vị thánh đầu tiên của Giáo hội Đông phương được Rôma tuyên thánh.

Cái chết của ngài dấy lên phong trào Công giáo và đoàn kết, nhưng vẫn tiếp tục có nhiều tranh luận. Sau khi phân chia Ba Lan, Nga đã ép buộc những người Ruthenia gia nhập Chính Thống giáo Nga.

13/11 – THÁNH FRANCES XAVIER CABRINI, TRINH NỮ (1850-1917)

Thánh Frances Xavier Cabrini là công dân Mỹ đầu tiên được tuyên thánh. Bà rất tin vào tình yêu Thiên Chúa đã cho bà sức mạnh để trở thành phụ nữ can đảm làm công việc của Đức Kitô.

Không được nhận vào dòng, bà làm việc từ thiện tại Cô nhi viện Chúa Quan Phòng ở Cadogno, Ý. Tháng 9-1877, bà được nhận tu phục và khấn dòng. Khi giám mục đóng cửa Cô nhi viện năm 1880, ngài bổ nhiệm bà Frances làm bề trên Dòng Tiểu Muội Truyền Giáo Thánh Tâm (Missionary Sisters of the Sacred Heart). Bảy chị em từ cô nhi viện cùng gia nhập với bà. Hồi còn nhỏ ở Ý, bà đã có ý đi truyền giáo ở Trung quốc nhưng bà lại theo sự thúc giục của ĐGH Leo XIII. Bà tới New York với 6 chị em khác và làm việc với hàng ngàn dân Ý nhập cư sống ở vùng đó.

Khi tới New York, bà muốn tìm cô nhi viện ở Mỹ nhưng không có. Giam1 mục khuyên bà trở về Ý, nhưng bà vẫn quyết định thành lập cô nhi viện, và bà đã thành công.

Suốt 35 năm, bà thành lập 67 cơ sở để chăm sóc người nghèo, người bị bỏ rơi, người thất học và người bệnh. Thấy dân Ý nhập cư có nhiều nhu cầu vì họ mất đức tin, bà mở trường học và mở các lớp dạy người lớn. Hồi nhỏ bà rất sợ nước, chỉ sợ chết đuối, nhưng rồi bà đã có thể đi khắp Đại Tây Dương hơn 30 lần. Bà qua đời vì bệnh sốt rét ở bệnh viện Columbus tại Chicago.

14/11 – THÁNH GERTRUDE, TRINH NỮ (1256?-1302)

Thánh Gertrude là nữ tu Dòng Biển Đức ở Helfta (Saxony), là một trong những nhà thần bí vĩ đại của thế kỷ XIII. Cùng với bạn của bà là Thánh Mechtild, bà thực hành tâm linh gọi là “thần bí hôn nhân” (nuptial mysticism), nghĩa là bà thấy mình là hôn thê của Chúa Kitô. Đời sống tâm linh của bà là sự kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và Thánh Tâm, dẫn bà vào chính sự sống của Chúa Ba Ngôi.

Nhưng đây không là lòng sùng kính cá nhân. Bà sống theo nhịp phụng vụ, nơi bà tìm thấy Chúa Kitô. Trong phụng vụ và Kinh Thánh, bà thấy những chủ đề và những hình ảnh làm phong phú lòng sùng kính đó. Không có sự xung đột giữa đời sống cầu nguyện cá nhân và phụng vụ.

15/11 – THÁNH ALBERTÔ CẢ, GIÁO HOÀNG TIẾN SĨ (1206-1280)

Ngài là người Đức, là tu sĩ Dòng Đa Minh hồi thế kỷ XIII, và có ảnh hưởng vị thế của Giáo hội đối với triết học của Aristote (triết gia Hy Lạp nổi tiếng, 384-322 trước CN) đã đưa vào Âu châu bằng sự phát triển Hồi giáo.

Các sinh viên triết biết ngài là thầy của Thánh Thomas Aquinas. Thánh Albertô cố gắng hiểu các bài viết của Aristote mà Thánh Thomas Aquinô đã phát triển bản tổng phổ của sự khôn ngoan Hy Lạp và thần học Kitô giáo. Thánh Albertô nhận biết ngài là học giả cần mẫn.

Ngài là con cả trong một gia đình giàu có người Đức danh giá, được học về nghệ thuật tự do. Dù bị gia đình phản đối dữ dội, ngài vẫn vào Dòng Đa Minh. Ngài đã viết bản tóm lược các kiến thức về khoa học tự nhiên, luận lý học, tu từ học, toán học, thiên văn học, đạo đức học, kinh tế học, chính trị và siêu hình học. Ngài phải mất 20 năm mới hoàn tất bản tóm lược này. Ngài nói: “Ý định của chúng tôi là tạo ra những phần kiến thức dễ hiểu đối với người Latin.”

Ngài đạt được mục đích khi còn đang dạy tại Paris và Cologne. Ngài là giám tỉnh Dòng Đa Minh và được bổ nhiệm làm giám mục GP Regensburg một thời gian. Ngài bảo vệ các dòng hành khất (mendicant orders) và giảng về Thập Tự Quân ở Đức và Bohemia. Ngài được tôn phong là Tiến sĩ Giáo hội, là bổn mạng của các khoa học gia và triết gia.

16/11 – THÁNH MARGARET TÔ CÁCH LAN (1050?-1093)

Thánh Margaret là một phụ nữ thực sự được tự do theo nghĩa tự do là chính mình. Đới với ba, điều đó nghĩa là tự do yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân.

Bà không phải là người Tô Cách Lan, vì bà là con gái của công nương Agatha nước Hungary và Hoàng tử Edward Atheling người Anglo-Saxon. Hồi nhỏ bà sống trong triều đình của ông chú Edward, vua nước Anh. Gia đình bà trốn William, kẻ xâm lăng, và bị đắm tàu ngoài khơi Tô Cách Lan. Vua Malcolm thân quen với họ và bị “hút hồn” vì mỹ nhân kiều diễm Margaret. Rồi họ kết hôn với nhau tại lâu đài Dunfermline năm 1070.

Vua Malcolm tốt bụng, nhưng cộc cằn và kém văn hóa. Vì tình yêu của vua Malcolm dành cho mình, Margaret có thể thuần hóa chồng và giúp chồng trở thành vị vua nhân đức. Bà cố gắng thúc đẩy nghệ thuật và giáo dục. Về việc cải cách tôn giáo, bà khuyến khích mở những công nghị và thảo luận để cố gắng chấn chỉnh các sự lạm dụng tôn giáo trong giới giáo sĩ – như mua bán chức thánh, cho vay nặng lãi và loạn luân. Bà còn cho xây dựng vài nhà thờ.

Bà không là nữ hoàng mà là một người mẹ. Vợ chồng bà có 6 con trai và 2 con gái. Bà đích thân giám sát các huấn thị tôn giáo và các việc nghiên cứu khác. Bà giàu có nhưng sống khổ hạnh, mỗi ngày bà cầu nguyện và đọc Kinh Thánh vài lần. Bà ăn ít và ngủ ít để có thời gian làm việc đạo đức. Vợ chồng bà có hai mùa Chay, một mùa Chay trước lễ Phục Sinh và một mùa Chay trước lễ Giáng Sinh. Trong những mùa đó, vợ chồng bà dậy từ nửa đêm để đi dự Thánh Lễ. Trên đường về nhà, bà thường rửa chân cho 6 người nghèo và bố thí cho họ. Xung quanh bà luôn có những người ăn xin, và bà không bao giờ từ chối họ. Bà không bao giờ ngồi ăn nếu chưa cho 9 trẻ mồ côi và 24 người nghèo có đồ ăn.

Năm 1093, vua William Rufus bất ngờ tấn công lâu đài Alnwick. Vua Malcolm và con trai cả là Edward đều bị giết. Lúc đó bà đang trong cơn hấp hối, bà qua đời vào 4 ngày sau.

17/11 – THÁNH ELIZABETH HUNGARY (1207-1231)

Tuy cuộc đời ngắn ngủi nhưng Thánh Elizabeth đã chứng tỏ tình yêu vĩ đại dành cho người nghèo và người đau khổ. Bà là bổn mạng của Hội Bác Ái Công Giáo và Dòng Ba Phanxicô. Là công chúa của vua nước Hungary, nhưng bà lại sống khắc khổ và đền tội.

Lúc 14 tuổi, bà kết hôn với Louis của Thuringia (quốc vương Đức quốc), người mà bà cũng rất yêu thương. Họ có 3 người con. Được một tu sĩ Dòng Phanxicô linh hướng, bà sống đời cầu nguyện, hy sinh, phục vụ người nghèo và bệnh nhân. Để giống người nghèo, bà ăn mặc đơn giản. Hằng ngày bà đưa bánh cho hàng trăm người nghèo trong vùng đến xin bà.

Sau 6 năm kết hôn, chồng bà tử trận trong đoàn Thập Tự Quân, bà rất buồn. Gia đình chồng cho rằng bà lãng phí tiền bạc của hoàng gia nên đối xử tệ với bà, rồi đuổi bà ra khỏi hoàng cung. Những người bạn của chồng bà trở về từ đoàn Thập Tự Quân giúp bà được phục hồi cương vị, vì con trai bà là người thừa kế hợp pháp quyền kế vị phụ vương.

Năm 1228, bà gia nhập Dòng Ba Phanxicô, dành thời gian chăm sóc người nghèo trong bệnh viện mà bà sáng lập để dâng kính Thánh Phanxicô. Sức khỏe sa sút, bà qua đời trước ngày sinh nhật thứ 24 của bà vào năm 1231. Vì bà quá nổi tiếng thánh thiện, chỉ 4 năm sau bà được Giáo Hội tuyên thánh.

18/11 – CUNG HIẾN ĐỀN THỜ THÁNH PHÊRÔ và THÁNH PHAOLÔ

Đền thờ Thánh Phêrô có thể nổi tiếng nhất trong các nhà thờ. Đồi Vatican là một nghĩa trang mà các tín hữu tụ họp nhau cầu nguyện tại mộ Thánh Phêrô. Năm 319, Constantine cho xây trên đồi đó một Thánh Đường tồn tại hơn 1.000 năm sau, nhưng cũng bị sụp đổ dù tu sửa nhiều lần. Năm 1506, ĐGH Julius II cho xây dựng lại, nhưng chưa hoàn thành và tồn tại hai thế kỷ.

Đền thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành ở gần Abaazia delle Tre Fontane, nơi Thánh Phaolô bị chém đầu. Đó là nhà thờ lớn nhất Rôma cho đến khi Đền thờ Thánh Phêrô được tái thiết. Tòa nhà được tái xây dựng sau khi bị cháy năm 1823. Đền thờ đầu tiên cũng do Constantine xây dựng.

19/11 – THÁNH AGNES ASSISI, TRINH NỮ (1197-1253)

Thánh Agnes là nữ tu đầu tiên của Dòng Thánh Clara. Agnes rời nhà hai tuần, gia đình bắt ép bà về nhà, tìm cách lôi bà ra khỏi tu viện, nhưng cơ thể bà trở nên nặng đến nỗi không ai lôi nổi bà. Người chú Monaldo đánh bà nhưng cũng không thể lay chuyển ý bà. Mọi người đành để cho Agnes sống bình an với Clara.

Năm 1221, một nhóm nữ tu Biển Đức ở Monticelli (gần Florence) xin gia nhập Dòng Thánh Clara Khó Nghèo. Thánh Clara truyền cho nữ tu Agnes làm mẹ bề trên tu viện đó. Thánh Agnes đã viết một lá thư nói rất buồn vì nhớ Thánh Clara và các chị em ở San Damiano. Sau khi lập Dòng Thánh Clara Khó Nghèo ở Bắc Ý, Thánh Agnes được gọi trở lại San Damiano năm 1253 khi thánh Clara trong cơn hấp hối. Thánh Agnes qua đời sau Thánh Clara 3 tháng, và được tuyên thánh năm 1753.

20/11 – THÁNH ROSE PHILIPPINE DUCHESNE (1769-1852)

Bà sinh tại Grenoble, Pháp, trong một gia đình mới giàu. Bà có ý chí mạnh mẽ và cương trực. Bà vào dòng lúc 19 tuổi mà không cho cha mẹ biết. Khi cuộc Cách mạng Pháp bùng nổ, tu viện bị đóng cửa, bà bắt đầu đi chăm sóc người nghèo và bệnh nhân, mở trường học cho các trẻ em đường phố và liều mình giúp đỡ các linh mục đang phải lẩn trốn.

Khi tình hình lắng xuống, bà thuê một tu viện cũ và cố gắng khôi phục đời sống tu trì. Chỉ còn lại 4 nữ tu. Họ quy tụ thành Dòng Thánh Tâm, với bề trên trẻ là Thánh Madeleine Sophie Barat. Một thời gian ngắn, Philippine làm bề trên và giáo tập, nhưng nữ tu này có nhiều tham vọng. Vì nghe nói việc truyền giáo ở Louisiana từ hồi nhỏ, bà đi Mỹ và làm việc với dân Ấn Độ. Lúc 49 tuổi, bà nghĩ đây là công việc của bà. Cùng với 4 nữ tu, bà vượt biển suốt 11 tuần để tới New Orleans, và đi 7 tuần vượt sông Mississippi nữa để tới St. Louis. Lúc đó bà cảm thấy thất vọng. Đức giám mục không có chỗ cho họ ở nên sai bà tới một ngôi làng hẻo lánh là St. Charles ở Missouri. Bà mở trường miễn phí cho nữ sinh ở phía Tây sông Mississippi.

Lúc 72 tuổi, sức khỏe bà suy yếu. Người ta gọi bà bằng biệt danh “Bà Luôn Cầu Nguyện.” Khi người khác dạy học, bà cầu nguyện. Bà qua đời lúc 83 tuổi.

21/11 – ĐỨC MẸ DÂNG MÌNH

Lễ Đức Mẹ dâng mình được mừng kính tại Giêrusalem từ thế kỷ VI. Một nhà thờ được xây dựng tại đây với tước hiệu Đức Mẹ dâng mình. Giáo hội Đông phương quan tâm nhiều đến lễ này, nhưng mãi đến thế kỷ XI Giáo hội Tây phương mới mừng kính lễ này. Thế kỷ XVI, dù lễ này không có trong lịch phụng vụ nhưng đã được phổ biến trong Giáo hội hoàn vũ.

Cũng như sinh nhật Đức Mẹ, việc Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ không thấy kể lại rõ ràng. Trong tài liệu được coi là không có trong lịch sử là Protoevangelium [*] của Giacôbê cho chúng ta biết rằng bà Anna và ông Gioakim đã dâng con gái Maria cho Thiên Chúa trong đền thờ khi bé Maria được 3 tuổi. Điều này để thực hiện lời hứa với Thiên Chúa khi bà Anna còn son sẻ.

Dù không được chứng minh trong lịch sử, việc dâng mình của Đức Mẹ vẫn có một mục đích thần học quan trọng, tiếp tục ảnh hưởng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm và lễ Giáng Sinh. Điều đó nhấn mạnh sự thánh thiện nơi Đức Mẹ từ khi mới sinh ra tới cả cuộc đời Đức Mẹ.

-------------------

[*] Protoevangelium nghĩa là “Phúc Âm đầu tiên,” tên mới của ngụy kinh (apocryphal Gospel), được biết đến là Sách Giacôbê (Book of James). Có thể có nguồn gốc từ tà thuyết Docetist (thế kỷ XIX), cho thấy lòng sùng kính Đức Mẹ từ thế kỷ II. Protoevangelium là ngụy kinh cổ nhất được dùng đối với lời hứa của Đấng Cứu Thế sau khi nguyên tổ phạm tội. Thiên Chúa nói về con rắn: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.” (St 3:15) Theo truyền thống, người phụ nữ và con cháu của bà được hiểu là Đức Mẹ và Chúa Con.

 Đức Mẹ Dâng Mình – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/11/uc-me-dang-minh_15.html

22/11 – THÁNH CECILIA, TRINH NỮ TỬ ĐẠO (thế kỷ III)

Dù thánh Cecilia là một trong các vị tử đạo nổi tiếng của Rôma, nhưng các câu chuyện về bà vẫn không được kể lại chính xác. Thời kỳ đầu không thấy dấu hiệu nào cho thấy bà được tôn kính. Một câu được khắc hồi cuối thế kỷ IV nói đến một nhà thờ mang tên bà, và lễ mừng kính bà có từ năm 545.

Theo truyền thuyết, Cecilia là Kitô hữu thuộc dòng dõi quý tộc, đính hôn với một người Rôma tên là Valerian. Nhờ ảnh hưởng của bà, Valerian đã trở lại đạo và chịu tử đạo với người anh em của ông. Truyền thuyết về cái chết của Thánh Cecilia nói rằng sau khi bị chém vào cổ 3 lần, bà vẫn sống thêm 3 ngày, và bà xin Đức giáo hoàng lấy nhà của bà làm nhà thờ. Từ thời Cải Cách, bà thường được vẽ chân dung với cây đàn viola hoặc đàn organ.

23/11 – THÁNH CLÊMENTÊ I, GIÁO HOÀNG TỬ ĐẠO (+ 100)

Theo truyền thống, Thánh Clêmentê được chính Thánh Phêrô phong chức linh mục. Theo một số tác giả, Thánh GH Clêmentê là người kế vị Thánh GH tiên khởi Phêrô, nhưng một số học giả hiện đại cho rằng Thánh Clêmentê là giáo hoàng thứ 3.

Ngài được Thánh Phaolô nhắc tới trong thư gởi giáo đoàn Philipphê, và ngài có lẽ là người Philipphê. Các học giả hiện đại cho rằng không biết Thánh Clêmentê là người Do Thái hay dân ngoại. Một số học giả cho rằng ngài là người Do Thái vì lá thư nổi tiếng của ngài thấm sâu Cựu Ước.

Có học giả cho rằng ngài là người Rôma, tử đạo ngoài thành Rôma. Trong “Công vụ Tử đạo” (Acts of the Martyrs, được viết hồi thế kỷ IV) có nhiều chi tiết thú vị. Thánh Clêmentê bị hoàng đế Trajan bắt đi đày ở Chersonese, Crimea ngày nay. Tại đây, ngài tích cực giúp các tù nhân phải làm ở mỏ nên ngài bị kết án tử. Thi hài ngài bị ném xuống biển với chiếc neo gắn vào cổ. Sau đó người ta tìm thấy thi hài ngài và an táng trong mộ cẩm thạch.

Không biết có đúng xương ngài hay không, nhưng thánh tích ngài có giá trị trong thư gởi giáo đoàn Corintô. Các học giả vẫn đồng ý như vậy. Thư này được viết khi một trong các tông đồ còn sống, lá thư của Thánh Clêmentê là tài liệu quan trọng đầu tiên hồi đó.

23/11 – CHÂN PHƯỚC MIGUEL AGUSTIN PRO, LINH MỤC TỬ ĐẠO (1891-1927)

Viva Cristo Rey! – Vạn tuế Đức Vua Kitô! Đó là lời cuối cùng mà Lm Pro nói trước khi bị hành quyết vì “tội” là linh mục Công giáo.

Ngài sinh trong một gia đình giàu có và sùng đạo ở Guadalupe de Zacatecas, vào Dòng Tên năm 1911, nhưng 3 năm sau phải trốn sang Granada, Tây Ban Nha, vì Công giáo bị bách hại ở Mexico. Ngài thụ phong linh mục tại Bỉ năm 1925. Sau đó ,ngài trở lại Mexico và phục vụ Giáo hội “thầm lặng.” Ngài bí mật dâng lễ và trao Thánh Thể cho các nhóm người Công giáo.

Ngài và em trai Roberto bị bắt vì bị kết tội muốn ám sát tổng thống Mexico. Roberto được tha nhưng Lm Miguel bị kết án và bị giết ngày 23-11-1927. Đám tang của ngài trở thành đoàn biểu tình vì đức tin. Ngài được tuyên chân phước năm 1988.

24/11 – CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

Chân phước Anrê Phú Yên là một trong hàng trăm ngàn vị tử đạo Việt Nam trong những năm từ 1820 tới 1862. Có 117 vị được phong chân phước vào 4 dịp trong những năm từ 1900 tới 1951. Rồi ĐGH Gioan Phaolô II đã tuyên thánh 117 vị này vào ngày 19-3-1988, Anrê Phú Yên được tuyên chân phước ngày 5-3-2000.

Công giáo đã đến Việt Nam qua người Bồ Đào Nha, lúc đó còn tách là Đàng Trong và Đàng Ngoài. Các linh mục Dòng Tên đã lập Hội Truyền Giáo đầu tiên tại Đà Nẵng năm 1615. Các vị tử đạo đã bị nhà vua bắt bội giáo bằng cách đạp lên Thánh Giá, nhưng tất cả đều son sắt niềm tin, không tham sống mà chối bỏ Chúa.

Có 3 đợt bách hại dữ dội hồi thế kỷ XIX. Trong 60 năm kể từ năm 1820, có khoảng từ 100.000 tới 300.000 người Công giáo bị giết hoặc chịu đau khổ. Các nhà truyền giáo ngoại quốc tử đạo trong đợt đầu gồm các linh mục thuộc Hội Truyền Giáo Paris (Paris Mission Society), các linh mục Dòng Đa Minh Tây Ban Nha và các thành viên Dòng Ba Đa Minh. Năm 1847, cuộc bách hại lải nổ ra khi nhà vua nghi ngờ các nhà truyền giáo ngoại quốc và các tín hữu Việt Nam muốn nổi loạn.

Các vị tử đạo cuối cùng là 17 giáo dân, có một vị mới 9 tuổi, bị hành quyết năm 1862. Cũng chính năm này có Hiệp Ước Tự Do Tôn Giáo giữa Pháp quốc và Việt Nam, nhưng vẫn chưa hết bách hại. Năm 1954, có hơn 1.500.000 người Công giáo miền Bắc – chiếm 7% dân số hồi đó. Phật giáo chiếm khoảng 60%. Cuộc bách hại dai dẳng khiến 670.000 người Công giáo phải rời bỏ quê hương xứ sở để vào miền Nam. Năm 1964, miền Bắc vẫn còn 833.000 người Công giáo nhưng nhiều người phải bị tù đày. Tại miền Nam, người Công giáo được tự do tôn giáo trong những thập niên đầu của những thế kỷ qua, họ sống như những người tỵ nạn. Trong thời chiến tranh Việt Nam, người Công giáo lại bị bách hại ở miền Bắc và lại phải chuyển vào miền Nam rất đông.

25/11 – THÁNH COLUMBAN, VIỆN PHỤ (543?-615)

Ngài là một trong những nhà truyền giáo vĩ đại của Ai-len tại Âu châu. Thời trẻ, ngài khổ sở vì bị cám dỗ về xác thịt, ngài tìm lời khuyên của một phụ nữ đã ẩn tu nhiều năm. Ngài thấy trong câu trả lời của bà là tiếng gọi rời bỏ thế gian. Ngài đến gặp một tu sĩ ở một hòn đảo tại Lough Erne.

Sau nhiều năm ẩn dật và cầu nguyện, ngài đến Gaul với 12 nhà truyền giáo khác. Ngài được nhiều người kính trọng vì ngài sống kỷ luật nghiêm khắc, truyền giáo, và bác ái. Ngài thành lập vài tu viện ở Âu châu, các tu viện này đều trở thành các trung tâm tôn giáo và văn hóa.

Giống như các thánh khác, ngài cũng bị chống đối. Cuối cùng, ngài phải kêu gọi giáo hoàng chống lại những lời than phiền của các giám mục ở Frank, để được xác minh sự chính thống và phê chuẩn các thói quen của người Ai-len. Ngài khiển trách nhà vua về cách sống dâm loạn của ông vì ông đã kết hôn. Vì điều này đe dọa quyền lực của mẫu hậu, Thánh Columban được lệnh về Ai-len. Tàu của ngài gặp bão, ngài tiếp tục làm việc tại Âu châu, cuối cùng ngài đến Ý, tại đây ngài được vua Lombards ủng hộ. Trong những năm cuối đời, ngài thành lập tu viện Bobbio nổi tiếng, và ngài qua đời tại tu viện này. Các tác phẩm của ngài có một chuyên luận về sám hối và chống tà thuyết Arian, [*] các bài giảng, thi ca và tu luật.

-------------------

[*] Arianism: thuyết của Arius, thế kỷ IV, cho rằng chỉ có Thiên Chúa là bất biến và tự hữu, nhưng Ngôi Con không là Thiên Chúa mà chỉ là phàm nhân. Thuyết này từ chối thiên tính của Chúa Giêsu. Công Đồng Nixê (AD 325) đã kết án Arius và tuyên bố “Ngôi Con đồng bản thể với Đức Chúa Cha.” Thuyết Arian được nhiều người bảo vệ tiếp 50 năm sau, nhưng cuối cùng cũng sụp đổ khi các hoàng đế Kitô giáo của Rome Gratian và Theodosius lên ngôi. Công Đồng Constantinople I (năm 381) phê chuẩn Tín Điều của Công Đồng Nixê và cấm thuyết Arian. Tà thuyết này vẫn tiếp tục trong các bộ lạc ở Đức suốt thế kỷ VII, và các niềm tin tương tự được duy trì đến ngày nay bởi tổ chức Nhân Chứng Giavê (Jehovah's Witnesses) và bởi một số người theo thuyết Nhất Vi Luận (Unitarianism), tương tự Tam Vị Nhất Thể – tức là Một Chúa Ba Ngôi.

26/11 – THÁNH CATARINA ALEXANDRIA, TỬ ĐẠO (+ khoảng 310)

Theo truyền thuyết, Thánh Catarina trở lại Kitô giáo sau khi thấy một thị kiến. Lúc 18 tuổi, bà đã tranh luận với 50 triết gia ngoại giáo. Ngạc nhiên trước sự khôn ngoan và kỹ năng tranh luận của bà, họ đã gia nhập Kitô giáo – kể cả khoảng 200 binh sĩ và các thành viên của hoàng gia. Tất cả họ đều tử đạo.

Bị kết án tử và bị treo vào bánh xe, rồi bà bị chém đầu. Những thế kỷ sau, truyền thuyết cho rằng các thiên thần đã đem thi hài bà tới một tu viện ở chân Núi Sinai.

Lòng sùng kính bà phát triển thành Thập Tự Quân. Bà được coi là bổn mạng của học sinh, sinh viên, giáo viên, quản thủ thư viện và luật sư. Bà là một trong 14 người giúp việc tông đồ rất được sùng kính ở Đức quốc và Hungary.

27/11 – THÁNH FRANCESCO ANTONIO FASANI, LINH MỤC (1681-1742)

Ngài sinh tại Lucera (Đông Nam Ý), vào Dòng Phanxicô năm 1695. Sau khi thụ phong linh mục được 10 năm, ngài dạy triết học cho các tu sĩ trẻ, làm người gác cổng nhà dòng và được bầu làm giám tỉnh. Khi hết nhiệm kỳ, ngài làm giáo tập và linh hướng.

Ngài có lòng yêu thương, đạo đức và đền tội. Khi nghe án phong thánh, một nhân chứng làm chứng về sự thánh thiện của ngài: “Cách ngài giảng rất thân thiện, đầy tình yêu dành cho Chúa và cho tha nhân, đầy Chúa Thánh Thần, ngài nói và làm như Kinh Thánh, đánh động lòng người và khiến người nghe ăn năn đền tội.”

Ngài luôn tỏ ra là người bạn trung thành của người nghèo, không bao giờ lưỡng lự giúp đỡ về những gì người khác cần. Khi ngài qua đời, nhiều người than khóc ngài: “Thánh nhân đã qua đời! Thánh nhân đã qua đời!” Ngài được tuyên thánh năm 1986.

28/11 – THÁNH JAMES MARCHE, LINH MỤC (1394-1476)

Ngài sinh tại Marche, thuộc Ancona, Trung Ý, dọc theo biển Adriatic. Sau khi đạt học vị tiến sĩ về giáo luật và dân luật tại ĐH Perugia, ngài vào Dòng Phanxicô và sống khổ hạnh. Ngài ăn chay 9 tháng hằng năm, mỗi đêm chỉ ngủ 3 giờ. Thánh Bernardine Siena khuyên ngài đền tội vừa phải thôi.

Ngài học thần học với Thánh Gioan Capistranô, thụ phong linh mục năm 1420, đi rao giảng khắp nước Ý và ở 13 nước thuộc Trung Âu và Đông Âu. Ước tính ngài đã làm cho khoảng 250.000 người trở lại đạo và giúp phổ biến lòng sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Lời ngài giảng làm cho nhiều người Công giáo canh tân đời sống và nhiều thanh niên gia nhập Dòng Phanxicô.

Cùng với các Thánh Gioan Capistranô, Albertô Sarteanô và Bernardine Siena, Thánh James được coi là một trong 4 cột trụ của Phong trào Observant của Dòng Phanxicô (tuân thủ đúng nghi lễ). Các tu sĩ này nổi tiếng giảng thuyết hay.

Để đấu tranh chống ăn lời cao, Thánh James thành lập Hội Montes Pietatis (nghĩa là Núi Bác ái) – một tổ chức phi lợi nhuận cho vay tiền và cầm đồ với mức lời thấp. Ai cũng phấn khởi với việc ngài làm. Khi đối mặt ngài, hai kẻ ám sát đã không dám giết ngài. Ngài được tuyên thánh năm 1726.

29/11 – TÔI TỚ CHÚA GIOAN MONTE CORVINÔ, GIÁM MỤC (1247-1328)

Ngài rao giảng Phúc Âm cho người Mông cổ, rồi tới Trung quốc vào khoảng thời gian Marco Polo trở lại. Ngài đã từng là một binh sĩ, thẩm phán và bác sĩ, rồi đi tu. Năm 1278, ngài tới Tabriz, Persia (Iran ngày nay), ngài có tiếng giảng hay và dạy giỏi. Năm 1291, ngài rời Tabriz với tư cách là đại diện của ĐGH Nicholas IV tới triều đình của Kublai Khan. Ngài và một thương gia người Ý tới Trung quốc năm 1294, khi Kublai Khan đã băng hà.

Nhiều Kitô giáo phản đối giáo huấn của Công Đồng Êphêsô về Chúa Giêsu Kitô. Ngài đã hoán cải một số người và một số người Trung quốc, kể cả Hoàng tử George của lãnh địa Tenduk, thuộc Tây Bắc của Bắc Kinh. Hoàng tử George đã đặt tên con trai mình theo tên tu sĩ Gioan Monte Corvinô.

Ngài thành lập cơ quan chính ở Khanbalik (Bắc Kinh ngày nay), tại đây ngài đã xây hai nhà thờ. Năm 1304, ngài dịch các Thánh Vịnh và Tân Ước sang tiếng Tatar.

Trả lời hai lá thư của ngài, ĐGH Clêmentô V đã bổ nhiệm ngài làm TGM GP Khanbalik năm 1307, và tấn phong 7 tu sĩ khác làm giám mục các giáo phận khác. Một vị ở lại Âu châu, 3 vị qua đời trên đường tới Trung quốc, 3 vị khác và các tu sĩ theo bước họ tới Trung quốc năm 1308.

Khi ngài qua đời, nhiều người Kitô giáo và ngoài Kitô giáo đều thương tiếc. Mộ ngài trở nên nơi hành hương. Năm 1368, Kitô giáo bị bách hại khi người Mông cổ bị trục xuất khỏi Trung quốc, và đời nhà Minh bắt đầu.

30/11 – THÁNH ANRÊ, TÔNG ĐỒ

Khi Chúa Giêsu xuất hiện, Thánh Gioan giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Thánh Anrê và một tông đồ nữa đã theo Chúa Giêsu. Khi đó, Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?” Họ đáp: “Ráp-bi [nghĩa là thưa Thầy], Thầy ở đâu?” Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. (Ga 1:38-39)

Phúc Âm ít nhắc đến Thánh Anrê. Một trong các môn đệ, là ông Anrê, anh ruột của ông Simôn Phêrô, thưa với Người: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” (Ga 6:8-9) Trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Thiên Chúa, có mấy người Hy Lạp. Họ đến gặp ông Philípphê, người Bếtxaiđa, miền Galilê, và xin rằng: “Thưa ông, chúng tôi muốn được gặp ông Giêsu.” Ông Philípphê đi nói với ông Anrê. Ông Anrê cùng với ông Philípphê đến thưa với Đức Giêsu. (Ga 12:20-22)

Truyền thuyết nói rằng Thánh Anrê rao giảng Phúc Âm ở nơi mà ngày nay là Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, rồi bị đóng đinh theo hình chữ X tại Patras, thuộc Achaea, Hy Lạp. Thánh Anrê là một trong các môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu. Ngài là anh của Thánh Phêrô, sinh tại Bethsaida gần biển Galilê. Hai anh em làm nghề đánh cá. Khi ấy, Chúa Giêsu đang đi dọc theo biển hồ Galilê thì thấy hai anh em kia, là ông Simôn, cũng gọi là Phêrô, và người anh là ông Anrê, đang quăng chài xuống biển, vì các ông làm nghề đánh cá. Người bảo các ông: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người.” (Mt 4:18-20)

Sau khi Chúa Giêsu chịu chết và sống lại, Thánh Anrê rao giảng Phúc Âm ở Tiểu Á, ở Scythia và ở Kiev. Thánh tích của ngài là một ngón tay, một mảnh xương sọ và vài mảnh thập giá. Những thứ này được giữ tại nhà thờ Thánh Anrê ở Patras. Thánh Anrê là bổn mạng của nước Tô Cách Lan, Nga và Hy Lạp. Người Tô Cách Lan mừng lễ Thánh Anrê vào ngày 30-11. Lá cờ của nước Tô Cách Lan là Thập Giá của Thánh Anrê.

TRẦM THIÊN THU

(theo BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment