Thứ Sáu, 15 tháng 5, 2015

YÊU THƯƠNG ĐỂ LÀM GÌ?

Yêu thương để làm gì? Một câu hỏi thật là khó trả lời chính xác nhất – về phương diện nào đó. Khó trả lời chứ không phải là không thể trả lời, nghĩa là vẫn có câu trả lời thỏa mãn và đầy đủ ý nghĩa.

Tình yêu của con người, dù là dạng tình yêu cao thượng nhất, vẫn có chút gì đó vị kỷ. Yêu và được yêu là hai vế, như một phương trình cần có sự cân bằng. Cho đi và muốn được nhận lại. Chỉ có tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại là tình yêu vị tha hoàn toàn, cho đi mà không được nhận lại. Tình yêu đó là Lòng Thương Xót bao la của Thiên Chúa.

Vậy yêu thương để làm gì? Là Kitô hữu, cần phải xác định theo định nghĩa của Chúa Giêsu: “Yêu thương để… chết.” Ui da! Yêu thương mà chết thì… “chết” thật! Sao lại thế nhỉ?

Chẳng sao cả! Chúa Giêsu đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Ngài không dùng chữ “chết” mà dùng cách nói “hy sinh tính mạng” – tức là chết đó thôi.

Chúa Giêsu còn so sánh rất thực tế: “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.” (Ga 12:24) Ngược đời hết sức, nhưng đó lại là nghịch-lý-thuận. Kỳ diệu quá!

Tôn giáo là một “hiện tượng” cổ xưa nhất trong lịch sử nhân loại và luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của xã hội. Tôn giáo có sức mạnh kỳ lạ. Ai cũng biết. Ai cũng cần. Thậm chí có những người “to gan” và “liều lĩnh” tự xưng mình là thần này, thần nọ, được Chúa sai đến lập đạo này hay đạo nọ. Những kẻ “yếu bóng vía” chạy theo ào ào. Điều đó chứng tỏ rằng người ta rất tâm linh, dù miệng cứ bô bô là vô thần, vì họ vẫn rất tin tưởng những vị thần trong thế giới vô hình.

Xêda (Caesar) được người ta coi là “người vĩ đại,” là đại đế, thậm chí còn được tôn xưng là “giáo hoàng vĩ đại” (pontifex maximus). Ông đã thể hiện chức vụ của mình nhân danh cả đất nước, tự cho mình được thần thánh phù trợ đế quốc của ông. Người ta có thể cầu khấn thần Jupiter hoặc Juno, hoặc bất cứ con người nào “vĩ đại” trong đền Pantheon để được độ trì cuộc đời họ trên thế gian này. Người ta cũng không ngần ngại tôn vinh một nhân vật nào đó một cách thái quá, họ tôn kính một phàm nhân như một thần linh – và còn hơn thế nữa. Chính động thái đó chứng tỏ nhu cầu tâm linh của con người có thật và rất cao.

Thậm chí người ta còn tin tưởng, vái lạy và cầu khấn với cả những con vật (động vật) hoặc bất cứ vật gì đó. Việt Nam cũng có “cụ rùa” được người ta coi là linh vật, nay người ta ướp xác “cụ” và đặt vào lồng kiếng ở đền Ngọc Sơn, trên Hồ Gươm (Hồ Hoàn Kiếm) ở Hà Nội. Thật ấu trĩ vì niềm tin như vậy quá đỗi lệch lạc! Nguy hiểm hơn, người ta còn muốn loại trừ cả Thiên Chúa.

Trong xã hội Rôma xưa, Xêda được coi là “chúa,” được tôn thờ vì chính ông ta, được coi là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc. Từ chối dâng hương lên Hoàng đế là bất trung. Cũng vậy, thời quân chủ ở Việt Nam phổ biến quan niệm bất biến như một giới răn: “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung.” Dám chết, dù bị oan, mới là trung thần chính hiệu. Dám yêu thì dám chết. Chết vì yêu, thế mới là yêu. Đại văn hào Victor Hugo xác định: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa. Chết vì yêu là sống trong tình yêu.”

Một số hoàng đế nhân từ, nhưng một số hoàng đế tàn bạo đã trừng trị thẳng tay, vô nhân đạo. Giới trí thức của Rôma – như Tacitus, Celsus, Porphyry, Marcus Aurelius – đã từng chế nhạo các Kitô hữu là những kẻ “mê tín dị đoan.” Còn tại Việt Nam, các Kitô hữu bị coi là “tà đạo” trong thời kỳ bách hại đạo Công giáo – nhà Tây Sơn và các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Ðức.

Thế giới ngày nay vẫn có những kẻ bách hại các Kitô hữu khắp nơi, với nhiều cách thức và nhiều mức độ. Những kẻ bách hại dã man điển hình đó là cái gọi là ISIS – Nhà nước Hồi giáo. Thi thoảng ở đâu đó vẫn có những người Công giáo vẫn bị sát hại dã man vì vấn đề tín ngưỡng.

Thiên Chúa vẫn làm ngơ, im lặng, đừng tưởng Ngài không biết, mà Ngài THẤU SUỐT MỌI SỰ. (1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1; 2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn 21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr 12:4-6) Ngài còn kiên nhẫn chờ đợi người ta sám hối. Thật ra Ngài không hề im lặng, Ngài vẫn lên tiếng cảnh báo, nhưng người ta KHÔNG CHỊU LẮNG NGHE và KHÔNG TUÂN PHỤC, luôn cho mình là hay, là giỏi, là tài. Thế nên tai họa ập đến! Gương Saolê (Phaolô) còn mới nguyên, hung hăng lắm thì ê chề nhiều. Chúa Giêsu đã nói thẳng với ông: “Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (Cv 26:14)

Những người theo Chúa Giêsu lúc đầu ít lắm, nhiều người nghèo (không phải tất cả). Họ sống tản mác ở các thành phố của đế quốc Rôma, họ bị coi là phản quốc và mê tín. Nhưng họ vẫn trung thành với niềm tin vững vàng vào Đức Kitô. Tất cả chỉ vì yêu – yêu Chúa Giêsu, vì Ngài đã “yêu họ đến cùng.” (Ga 13:1)

Tôn giáo phải dựa trên nền tảng yêu thương. Công giáo là đạo yêu thương, vì Thiên Chúa là tình yêu. (1 Ga 4:8 & 16) Và chính Chính Chúa Giêsu đã vì yêu mà bị người ta giết chết thảm thương trên Thập Giá. Không hiểu thì không yêu, không yêu thì không theo, có theo rồi cũng bỏ vì chỉ tìm tư lợi, ưa bề ngoài, vì chưa yêu thật lòng. Yêu thật lòng rồi thì không thể bỏ, có xa thì cũng nhớ mãi. Đời còn thế kia mà.

Quả thật, những người đã yêu Chúa Giêsu thì yêu da diết, can đảm và mạnh mẽ lắm, dù biết rằng “yêu là… chết chắc.” Đã và đang có các vị tử đạo minh chứng mệnh đề “yêu để chết.” Họ ở khắp nơi trên thế giới này, âm thầm, lặng lẽ, chẳng ai biết – có biết thì cũng chỉ là rất ít. Không xác định được tình yêu với Đức Giêsu Kitô thì làm gì họ phải khổ sở như vậy chứ? Sức hút đó không bởi vẻ hào nhoáng bề ngoài, mà được đặt trong chính Đức Giêsu Kitô, và tình yêu đó mạnh hơn cả tử thần: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu.” (Rm 8:39)

Mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi.” (Mt 22:37) Đó không là một mệnh lệnh độc đoán, áp chế, mà là điều kiện ắt có và đủ để chúng ta “nên người,” trưởng thành thực sự. Thánh Gioan minh chứng: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Người yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa, mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa.” (1 Ga 3:1)  Không ai thấy Chúa Cha, chẳng biết Ngài thế nào, nhưng Chúa Giêsu đã nói: “Ai thấy Thầy là Thấy Cha.” (Ga 14:9) Muốn gặp Chúa Cha phải qua Chúa Giêsu, chắc chắn như vậy, vì Ngài xác định: “Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6)

Làm sao “đi qua” Chúa Giêsu? Ngài là “con đường tình yêu,” nghĩa là chúng ta phải yêu thương nhau: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” (Ga 13:34-35; Ga 15:12-17) Và Ngài xác định: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: Anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35) Không thể không yêu thương, không thể không thương xót, không thể không tha thứ.

Chúa Giêsu nói thêm: “Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.” (Mt 22:39) Và còn hơn thế nữa: “Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em.” (Mt 5:44) Biết khổ mà vẫn yêu, biết chết mà vẫn yêu. Tại sao vậy? Vì tin. Có tin mới yêu. Không yêu vì không tin. Thật kỳ lạ, tin và yêu luôn có mối liên quan lẫn nhau: “Đức tin hành động nhờ đức ái.” (Gl 5:6)

Chúa Giêsu đã yêu các tội nhân chúng ta bằng mối tình si độc nhất vô nhị, chưa một ai yêu “điên khùng” đến như vậy. Ngài đã yêu và đã chết vì yêu. Chúng ta cũng không thể về trời bằng bất cứ con đường nào khác, dù con đường đó rộng hay hẹp, thẳng tắp hay khúc khuỷu.

Chắc chắn chúng ta chỉ có một con đường duy nhất là con-đường-yêu của Chúa Giêsu. Con đường này gọi là “độc đạo,” nhỏ hẹp và gập ghềnh sỏi đá, nhưng lại dài hun hút, đi cả cuộc đời mới hết đường. Tuy nhiên, con-đường-nhỏ-hẹp này lại dẫn tới Nước Trời.

Chắc chắn rằng yêu thương thì phải hành động cụ thể, không thể nói suông: “Đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2:17 & 26) Hoàn toàn hợp lý, nhưng cũng “căng” lắm đấy! Tuy nhiên, chúng ta cũng chẳng còn cách nào khác, phải kiên trì “yêu để chết” mà thôi, vì Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.” (Mt 24:13)

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment