Chủ Nhật, 25 tháng 10, 2020

LÀM LUẬT

Xưa nay, luật có ở mọi nơi – từ nhóm nhỏ tới tổ chức lớn, từ gia đình tới xã hội, cả đời và đạo. Làm luật là việc cần vì để duy trì trật tự xã hội, nhưng cũng rất nguy hiểm vì chính nó lại gây xáo trộn xã hội.

Thật buồn khi có câu chuyện “Trả Nợ Ổ Bánh Mì” liên quan người Công giáo thế này…

Kể từ ngày con mắc bệnh hiểm nghèo, mẹ bán hết nhà cửa, ruộng vườn, đất đai để chạy chữa. Mấy năm ròng, bệnh của con cũng chẳng khỏi, tài sản tiêu tán. Hai mẹ con đành vất vưởng nơi bệnh viện nhờ tấm lòng hảo tâm: cơm từ thiện, thuốc bảo hiểm, giường là hành lang. Thôi thì bám víu may ra những ngày còn lại con đỡ đau đớn, chứ đưa con về mẹ không đành lòng, mà giờ cũng chẳng có nơi để về nữa!

Một hôm, con thỏ thẻ:

– Mẹ ơi! Con thèm… bánh mì!

Bánh mì, cái món ăn bình dân ấy lúc này lại là một món hàng xa xỉ đối với hai mẹ con. Lâu nay, ngày hai bữa cơm, một bữa cháo từ thiện, mẹ đã thấy may mắn lắm rồi. Ổ bánh mì… mẹ chẳng dám xin ai!

Sáng thứ bảy bác sĩ không khám bệnh, mẹ ôm con ra ngoài, định tìm công việc rửa chén hay lau dọn kiếm đồng tiền công mua cho con ổ bánh mì. Ra vào ba bốn quán ăn, người ta nhìn thấy người đàn bà khắc khổ đi với đứa bé xanh mét, gầy trơ xương, chẳng ai dám mướn!

Mẹ chợt thấy người phụ nữ chạy xe gắn máy với một túi bánh mì rẽ vào một nhà thờ, rồi phân chia cho các chị em trong đó. Mẹ rụt rè bước vào:

– Nếu có thể… à không… nếu còn thừa, cô cho tôi xin một ổ.

– Chị có quét nhà thờ không mà đòi ăn?

Tủi thân, mẹ lui bước. Chưa kịp đi xa đã có một phụ nữ khác cầm ổ bánh mì ra cổng tìm mẹ:

– Bánh đây, chị cho cháu ăn đi!

Con chộp vội ổ bánh ngấu nghiến ăn. Cả mẹ và con quên cám ơn vì mẹ còn mải xé vụn bánh cho con ăn khỏi nghẹn. Đó là ổ bánh mì quý nhất cuộc đời mẹ, mãi mãi không bao giờ quên.

Năm ngày sau con ra đi trong vòng tay mẹ, khi đã no ổ bánh mì hôm nào! Con đã yên giấc, không còn đau đớn, mẹ không còn chăm sóc con nhưng còn phải làm một việc: Đến nhà thờ quét dọn để trả nợ… ổ bánh mì!

Sáng thứ Bảy đến nhà thờ, mẹ lặng lẽ tìm cây chổi quét sạch mọi ngõ ngách trong nhà thờ trước khi mọi người đến. Khi mọi người chia nhau những ổ bánh mì. Mặc dù khi ấy bụng đói meo, mẹ vẫn nói:

– Em đã nhận rồi.

Thứ Bảy sau mẹ lại đến, vẫn quét dọn, khi được chia bánh mì, mẹ vẫn nói “đã nhận rồi.” Lần này, mọi người biết mẹ chưa ăn nên hỏi lý do, mẹ tâm sự chuyện ổ bánh mì hôm nào và xin quét nhà thờ để trả nợ.

Chuyện ổ bánh mì được cha xứ kể lại trong bài giảng lễ Chúa Nhật. Một giáo dân trong xứ nhận mẹ về nhà phụ việc. Lương tháng đầu tiên mẹ dành tất cả tiền mua bánh mì rồi mang vào bệnh viện và trao tặng hết cho bệnh nhi ung thư...

Có nhiều thứ luật – cả tôn giáo và xã hội, lĩnh vực nào cũng có luật, ngay cả một nhóm nhỏ cũng có luật, nhưng để cho “nhẹ nhàng,” người ta gọi là nội quy. Nhà có gia phong, nước có quốc pháp. Không có luật thì xã hội loạn hết. Có luật mà người ta còn chẳng coi luật là gì, huống chi không có luật!

Tuy nhiên, luật có sau con người, gọi là “luật vị nhân sinh,” nhằm chấn chỉnh và củng cố cách sống của con người cho đúng đắn. Theo ý nghĩa nào đó, không nên “nhân sinh vị luật.” Luật theo vùng, theo miền, theo quốc gia cũng chưa đủ, người ta còn phải có luật của Liên Hiệp Quốc. Thế mà cái ác vẫn hoành hành khắp nơi, như Thánh Phaolô đã nói: “Mầu nhiệm của sự gian ác đang hoành hành.” (2 Tx 2:7) Ngày nay, điều đó cũng đang xảy ra, ngay tại Việt Nam chứ chẳng đâu xa. Thật đáng sợ quá chừng!

Montesquieu (1689-1755, Pháp quốc) đã so sánh: “Pháp luật phải như thần chết, không khoan dung bất kỳ ai.” Nghe có vẻ cứng ngắc, nhưng không phải vậy, ông chỉ muốn nói rằng luật pháp phải nghiêm minh, nhưng cũng có chút du di cho hợp với lòng nhân đạo – đạo làm người.

Mahatma Gandhi (1869-1948, Ấn Độ) đã nhận định: “Luật pháp không công bằng tự nó là một dạng bạo lực.” Luật là tốt, nhưng áp dụng sai thì vô cùng nguy hiểm! Benjamin Franklin (1706-1790, Hoa Kỳ) cũng có cách so sánh tương tự: “Luật pháp nghiêm khắc nhất đôi khi lại là sự bất công trầm trọng nhất.”

Nhân chi sơ tính bổn thiện. Nhưng vì con người ích kỷ, tham lam và mưu mô nên lương tâm thoái hóa theo thời gian. Và vì vậy mà người ta có “luật rừng” – loại luật bất nhân, luật côn đồ. Nhìn thế sự và ngán ngẩm cái gọi là thế thái nhân tình, Honoré de Balzac (1799-1850) đã có tầm nhìn sâu sắc và tinh vi: “Luật pháp là mạng nhện mà ruồi lớn thì bay qua còn ruồi con thì mắc kẹt.”

Ngay trong nỗi tang thương do bão lũ tại miền Trung, một số cán bộ đã bất chấp luật nhân đạo. Đoàn từ thiện vừa ra khỏi nhà dân, cán bộ thôn liền đến thu tiền hỗ trợ. Không còn ngôn từ nào có thể mô tả sự tàn nhẫn của bọn ác nhân đó. Mình không làm thi thôi, có kẻ còn ngứa miệng chê trách hoặc muốn “làm luật” khi thấy người khác nhân ái hơn mình. Thực sự khâm phục cô gái trẻ Thủy Tiên đã làm được điều thiện cần thiết khi dân chúng đang lâm cảnh khốn cùng như vậy!

Tệ hơn nữa là chính những người tự ý làm từ thiện cũng bị kết tội vi phạm pháp luật. Yêu thương bác ái mà là tội sao? Đúng là “chuyện lạ” chỉ có ở nơi mà người ta tự mạo nhận là “thiên đường” đáng sống, nơi mà nhiều nước trên thế giới vẫn ao ước. Kinh dị và kinh tởm thật!

Ngày xưa, Chúa Giêsu đã từng bị người ta ghen ghét, gài bẫy và kết án tử chỉ vì Ngài NHÂN LÀNH và GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT. Cái tội đáng xử tử của Ngài là “tội nhân lành.” Lạy Chúa tôi, không thể tưởng tượng nổi, không thể hiểu nổi những con người “siêu ác độc.” Và ngày nay cũng vẫn có những “siêu nhân” giống như vậy!

Trong Phúc Âm có nhiều chỗ cho thấy người ta viện cớ “giữ luật” mà cố ý chơi “luật rừng.” Điển hình là hai trường hợp này...

1. Trình thuật Mc 2:23-28 cho biết việc các môn đệ bứt lúa trong ngày hưu lễ (≈ Mt 12:1-8 và Lc 6:1-5). Thánh Máccô cho biết:

Vào ngày sa-bát, Đức Giêsu đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pharisêu liền nói với Đức Giêsu: “Ông coi, ngày sabát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép!” Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đavít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế Abiatha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.” Người nói tiếp: “Ngày sabát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sabát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sabát.”

Rõ ràng “luật vị nhân sinh” chứ không “nhân sinh vị luật.” Người ta biết nhưng lại không muốn áp dụng, viện cớ hình thức để bỏ những gì cần thiết thuộc tinh thần. Sai bét mà vẫn vỗ ngực mạo nhận mình đúng. Thật là khốn nạn quá! Tuy nhiên, ai biết sai mà không chịu chấn chỉnh thì khốn nạn hơn. Đó là cố chấp, mà cố chấp thì phạm đến Chúa Thánh Thần, phạm đến Chúa Thánh Thần thì không được tha đời này và đời sau!

2. Trình thuật Lc 13:10-17 cho biết việc Đức Giêsu chữa một phụ nữ còng lưng ngày sabát. Thánh Luca kể:

Ngày sabát kia, Đức Giêsu giảng dạy trong một hội đường. Ở đó, có một phụ nữ bị quỷ làm cho tàn tật đã mười tám năm. Lưng bà còng hẳn xuống và bà không thể nào đứng thẳng lên được. Trông thấy bà, Đức Giêsu gọi lại và bảo: “Này bà, bà đã được giải thoát khỏi tật nguyền!” Rồi Người đặt tay trên bà, tức khắc bà đứng thẳng lên được và tôn vinh Thiên Chúa.

Ông trưởng hội đường tức tối vì Đức Giêsu đã chữa bệnh vào ngày sa-bát. Ông lên tiếng nói với đám đông rằng: “Đã có sáu ngày để làm việc thì đến mà xin chữa bệnh những ngày đó, đừng có đến vào ngày sabát!” Chúa đáp: “Những kẻ đạo đức giả kia! Thế ngày sabát, ai trong các người lại không cởi dây, dắt bò lừa rời máng cỏ đi uống nước? Còn bà này, là con cháu ông Ápraham, bị Satan trói buộc đã mười tám năm nay, chẳng lẽ lại không được cởi xiềng xích đó trong ngày sabát sao?” Nghe Người nói thế, tất cả những kẻ chống đối Người lấy làm xấu hổ, còn toàn thể đám đông thì vui mừng vì mọi việc hiển hách Người đã thực hiện.

Quá lo về hình thức mà bất cần điều cần thiết hơn thuộc tâm linh. Người ta giả hình rành rành như thế mà lại không dám nhận mình là giả nhân giả nghĩa, thậm chí còn vênh váo nhận mình là nhân đức, là công chính, là… làm đúng luật. Kiểu này ngày nay người ta gọi là “bó toàn thân” luôn. Hết nước nói, hết thuốc chữa!

Với những loại người như vậy, người ta có cách nói khôi hài mà nhức nhối: Thuốc chống ngu, uống mỗi lần 3 viên, uống hằng ngày và uống suốt đời. Đối với nữ giới, người ta có dạng khác: Kem lột da ngu, thoa khi thức dậy và trước khi ngủ, thoa hằng ngày, thoa suốt đời!

Chuyện kể rằng có một rabbi (giáo sĩ Do Thái) bị giam trong nhà tù vì một lý do nào đó. Ở trong tù, dù phải sống khó khăn trong bốn bức tường chật hẹp nhưng ông vẫn được người ta cho ăn và có nước sử dụng đầy đủ.

Tuy nhiên, không hiểu sao mà ông càng ngày càng ốm yếu. Người ta cho mời bác sĩ tới khám. Cuối cùng, bác sĩ kết luận là rabbi kia bị thiếu nước trầm trọng. Lạ thật, đồ ăn và nước sử dụng vẫn cung cấp đầy đủ, tại sao cơ thể ông ta lại bị thiếu nước?

Sau nhiều ngày bí mật tìm hiểu, người ta biết được rằng ông vẫn ăn đầy đủ, uống nước rất ít, ông ta dùng nhiều nước để rửa tay trước và sau khi ăn theo đúng luật Do Thái giáo. Ui da, thảo nào cơ thể ông bị thiếu nước trầm trọng!

Hình thức cũng cần, nhưng đừng quá coi trọng, còn có cái khác quan trọng hơn nhiều. Cứ lo giữ luật như rabbi kia thì có lợi gì – cho chính ông ta và người khác? Máu Pharisêu đã thấm vào ông ta quá nhiều, máu đó cũng thấm vào một số người trong chúng ta – rất có thể là nhiều người chứ không ít. Loại mặt nạ đó được người ta ưa chuộng, thích đeo khi gặp người khác. Thế nên André Berthiaume đã phải chua chát nói: “Tất cả chúng ta đều đeo mặt nạ, và rồi sẽ đến lúc chúng ta không thể tháo chúng xuống mà không lột theo một ít da.”

Thật tuyệt vời với nhận định của ngài Thomas Jefferson (1743-1826, Hoa Kỳ, phó tổng thống nhiệm kỳ 1797-1801, rồi là tổng thống thứ ba của Hoa Kỳ, với 2 nhiệm kỳ từ 1801-1809) về luật. Ông xác định: “Nếu pháp luật bất công, người ta không chỉ phải bất tuân, mà còn bắt buộc phải làm như vậy.”

Lạy Thiên Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. (Tv 25:4-5) Lạy Đấng là Chính Lộ Chân Lý, xin chỉ dạy đường lối phải theo để con tiến bước đêm ngày. (Tv 143:8) Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Hạ tuần tháng 10-2020

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment