Đời sống cộng
đoàn là đời sống chung – giáo xứ, hội đoàn hoặc dòng tu, nghĩa là mọi người
cùng sống trong MỘT NHÀ, mọi thành phần đều liên kết với nhau. Kinh Thánh cho
biết đời sống cộng đoàn của Giáo Hội thời sơ khai: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng
năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng.” (Cv 2:42)
Đó là
tình hiệp thông được liên kết trong tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa,
để mỗi người đều là cành nho của Thân Nho Đức Kitô, và cùng lưu thông dòng máu
yêu thương mà chính Ngài đã đổ ra trên Đồi Canvê năm xưa.
Giáo Hội hiện
diện vì con người, nghĩa là mỗi người được liên kết với Thiên Chúa và tha nhân.
Đại gia đình hoàn vũ của Thiên Chúa là Giáo Hội, luôn phải nối kết bằng tình
hiệp thông, không chỉ thế giới hữu hình mà cả thế giới vô hình, gọi là Giáo Hội
thông công: Giáo Hội vinh quang (chiến thắng, các thánh), Giáo Hội đau khổ (các
linh hồn nơi Luyện Hình), và Giáo Hội chiến đấu (lữ hành, chúng ta).
Giáo Hội Công
giáo là Giáo Hội dành cho mọi người trên khắp thế giới. Mọi người đều được mời
gọi chia sẻ tài sản chung là đức tin, mỗi người mỗi cách, theo lệnh truyền của
Đức Giêsu Kitô: “Anh em hãy đi khắp tứ
phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.” (Mc 16:15)
Thông truyền đức
tin là truyền giáo, còn gọi là Phúc Âm hóa. Công cuộc truyền giáo là bổn phận
và trách nhiệm chung. Truyền giáo dựa trên chân lý và tâm linh. Với sự thật, Kitô
giáo là đức tin được mặc khải, cần phải đón nhận sự thật để thông truyền sự
thật cho người khác. Do đó, cần đầu tư thời gian để học hỏi đức tin từ những
người uy tín, nhất là các thánh và các tiến sĩ của Giáo Hội. Tuy nhiên, như vậy
cũng chưa đủ. Chúng ta còn phải được Chúa Thánh Thần tác động để sinh hoa kết
quả. Chúng ta phải đích thân nhận biết Thiên Chúa, thể hiện qua việc liên lỉ
cầu nguyện hàng ngày, lãnh nhận các bí tích, khiêm nhường và yêu thương mọi
người. Phúc Âm hóa được khởi đầu bằng việc tìm hiểu và cầu nguyện, nhờ vậy mà
công việc của Thiên Chúa sẽ được chúng ta làm cho sinh hoa kết quả.
Mỗi người đều
được Thiên Chúa mời gọi làm một công việc nào đó, thuộc lĩnh vực nào đó. Một số
người được mời gọi sống theo lời khuyên Phúc Âm, sống đời sống thánh hiến – với
chức linh mục hoặc lời khấn, một số người được mời gọi sống độc thân (loại này
hiếm và hầu như không được công nhận), đa số được mời gọi sống đời sống hôn
nhân. Để nhận biết và theo đúng ơn gọi của mình, chúng ta phải cầu nguyện nhiều
để biết ý Chúa, xem xét năng khiếu của mình, nhu cầu của Giáo Hội và thế giới.
Đồng thời còn phải cầu xin đủ sức theo đuổi ơn gọi của mình cho hợp ý Chúa.
Thánh Tôma Aquinô
(1225-1274), Linh mục Tiến sĩ Giáo hội, đã thực sự khôn ngoan khi cầu nguyện: “Lạy Thiên Chúa, xin Chúa SẮP ĐẶT cuộc đời
con: điều Chúa đòi con PHẢI LÀM, xin dạy cho con BIẾT và GIÚP con THEO ĐUỔI
cách ĐÚNG ĐÁN và PHÙ HỢP với linh hồn.”
Mục đích của đời
sống Kitô hữu là kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa với hy vọng cháy bỏng là đạt
được trở nên công dân vĩnh viễn của Nước Trời, nơi Đức Giêsu Kitô đang mong chờ
những người tín thác vào Ngài. Kinh Tin Kính của các Tông Đồ gọi Giáo Hội là “các
thánh cùng thông công.” Đã đành Giáo Hội vinh quang là các thánh, Giáo Hội đau
khổ chắc chắn sẽ là các thánh, và Giáo Hội chiến đấu cũng là các thánh – dù
chúng ta chưa là thánh bởi còn nhiều Tham Sân Si, nhưng chúng ta phải nỗ lực đề
làm thánh vì Thiên Chúa muốn như vậy.
Các bí tích được
chính Đức Kitô thiết lập để cứu độ chúng ta. Đó là các “liệu pháp siêu nhiên” chữa
lành các bệnh tâm linh và cứu chúng ta thoát khỏi chứng ung thư tội lỗi, đồng
thời còn là các loại siêu dinh dưỡng làm cho chúng ta phục hồi sức khỏe tâm
linh trong nguồn mạch ân sủng của Thiên Chúa. Bí tích rất quan trọng vì bí tích
làm cho Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô trở nên Ơn Cứu Độ cho chúng ta.
Bảy bí tích là
bảy “kênh ân sủng” để chúng ta hiệp thông. Thiên Chúa dùng các “kênh” này để làm
cho chúng ta trở nên con cái của Ngài và tăng cường sự sống của ân sủng trong
chúng ta. Bảy bí tích “chạm” đến mọi giai đoạn và mọi thời điểm quan trọng của
đời sống Kitô hữu: Bí tích tái sinh và chữa lành linh hồn chúng ta. Vì thế, có nét
tương tự giữa các giai đoạn của đời sống tâm linh và đời sống tự nhiên. Bảy bí
tích là những “sợi dây” liên kết để chúng ta hiệp nhất.
Khái
niệm “hiệp thông” (koinonia) đã được Công Đồng Vatican II đề cập –
như Hiến chế Tín lý về Giáo hội “Lumen Gentium,” (số 4, 8, 13-15, 18,
24-25) Hiến chế về Mặc Khải “Dei Verbum,” (số 10) Hiến chế về Mục Vụ “Gaudium
et Spes,” (số 32) Sắc lệnh về Hiệp Nhất “Unitatis Redintegratio.” (số 2-4, 14-15, 17-19, 22) Hiệp thông với nhau thì cũng phải hiệp nhất với
nhau. Không có sự hiệp nhất, không có sự hiệp thông. Không thể hiệp thông nếu
không sống đoàn kết, thể hiện tình yêu thương, thể hiện lòng thương xót.
Trước khi chịu
khổ nạn và chịu chết để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu đã cầu xin cho sự hiệp
nhất: “Con không chỉ cầu nguyện cho những
người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả NÊN MỘT,
như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy,
thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà
Cha đã ban cho con, để họ được NÊN MỘT như chúng ta là MỘT: Con ở trong họ và
Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết
là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.” (Ga
17:20-23)
Rồi Chúa Giêsu
còn cầu nguyện cho sự hiệp thông: “Lạy
Cha, con muốn rằng con ở đâu thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với
con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con,
vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành. Lạy Cha là Đấng
công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những
người này đã biết là chính Cha đã sai con. Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ
còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu
thương con ở trong họ, và con cũng ở
trong họ nữa.” (Ga 17:24-26)
Thánh Phaolô nói
về sự hiệp thông và hiệp nhất trong Nhiệm Thể Đức Kitô: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà
các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô
cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự
do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên MỘT THÂN
THỂ. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.” (1 Cr
12:12-13)
Điều quan trọng
là chúng ta phải để cho Chúa Thánh Thần tác động, như Chúa Giêsu đã nói: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai
đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh
em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (Ga
14:26)
Sống hiệp thông
là một ơn gọi chung đối với mọi người, không trừ ai, đồng thời cũng là một ân
sủng. Thật vậy, Thánh Phaolô đã xác định: “Thiên
Chúa là Đấng trung thành, Người đã kêu gọi anh em đến hiệp thông với Con của Người là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (1
Cr 1:9) Tình huynh nghĩa đệ cùng một gia đình thật tuyệt vời, như tác giả
Thánh Vịnh mô tả:
Ngọt
ngào tốt đẹp lắm thay
Anh em được sống vui vầy bên nhau
(Tv 133:1)
Nguyện xin cho
mỗi giáo xứ, mỗi cộng đoàn, mỗi hội đoàn, mỗi nhóm, mỗi gia đình, và mỗi người luôn thực sự thể
hiện tình hiệp thông và hiệp nhất một cách chặt chẽ và bền vững, đồng thời
không ngừng tỏa sáng tình thương xót.
TRẦM THIÊN THU
Lễ Thánh Matthias Tông Đồ,
14-05-2015
✽ Sống
Viên Mãn – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/06/song-vien-man.html
✽ Sống
Viên Mãn [CN IV PS] – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/05/song-vien-man.html
✽ Sống
Dồi Dào – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/10/song-doi-dao.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment