Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

VẤN ĐỀ NHÂN PHẨM

1. TÔN GIÁO VÀ NHÂN PHẨM

Nhân phẩm là sự cân nhắc chính của Công giáo và Tin Lành. Giáo lý Công giáo khẳng định rằng “nhân phẩm có gốc rễ từ khi người đó được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa.” Giáo hội Công giáo nói: “Mọi người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa đều có nhân phẩm. Quyền thể hiện tự do thuộc về mọi người vì điều đó không thể tách rời khỏi nhân phẩm của người đó với tư cách là con người.”

Quan điểm của Giáo hội Công giáo về NHÂN PHẨM, giống như quan điểm của triết gia Kant, PHÁT XUẤT TỪ CON NGƯỜI VÀ Ý MUỐN TỰ DO, với sự nhận thức sâu xa rằng “ý muốn tự do xuất phát từ việc tạo dựng con người giống hình ảnh Thiên Chúa.”

Nhân quyền cũng là sự cân nhắc chính của Do Thái giáo. Sách Talmud (các văn bản cổ về luật truyền thống Do Thái) CẢNH BÁO VIỆC TỪ THIỆN CHUNG ĐỂ TRÁNH XÚC PHẠM NHÂN PHẨM CỦA NGƯỜI NHẬN. Triết gia Maimonides, người Do Thái thời Trung cổ, đã soạn thảo điều lệ Halakha cảnh báo các thẩm phán để duy trì lòng tự trọng của mọi người: “Đừng để nhân phẩm bị coi nhẹ trong mắt người khác; vì lòng tôn trọng con người thay thế mệnh lệnh tiêu cực của giáo sĩ Do Thái.”

Quan điểm của Hồi giáo về nhân phẩm cũng được Mohammad-Ali Taskhiri, bộ trưởng Bộ Văn hóa và Thông tin Hồi giáo tại Iran, đặt ra năm 1994. Theo Taskhiri, NHÂN PHẨM LÀ TÌNH TRẠNG BÌNH ĐẲNG CỦA MỌI NGƯỜI, nhưng điều đó chỉ có thể trở nên hiện thực nhờ sống đời sống tôn giáo làm vui lòng Thiên Chúa. Điều này được giữ với Bản tuyên ngôn Nhân quyền trong Hồi giáo của Cairo năm 1990, nói rằng: “Niềm tin đích thực là bảo đảm về việc làm tăng nhân phẩm cơ bản trên con đường hoàn thiện con người.”

SỰ XỨNG ĐÁNG VỀ BẢN CHẤT VỐN DĨ CÓ Ở MỖI CON NGƯỜI. Từ viễn cảnh Công giáo (cùng với viễn cảnh khác của Kitô giáo), nhân phẩm bắt nguồn từ khái niệm “Imago Dei” (Hình ảnh Thiên Chúa – thuật ngữ thần học chỉ dùng cho con người) về Ơn Cứu Độ của Đức Kitô và định mệnh tối hậu của việc kết hiệp với Thiên Chúa. Do đó, NHÂN PHẨM VƯỢT QUA MỌI TRẬT TỰ XÃ HỘI NHƯ NỀN TẢNG VỀ CÁC QUYỀN VÀ KHÔNG ĐƯỢC XÃ HỘI TRAO TẶNG, CŨNG KHÔNG THỂ BỊ XÃ HỘI XÂM PHẠM. Theo cách này, NHÂN PHẨM LÀ KHÁI NIỆM NỀN TẢNG VỀ NHÂN QUYỀN. Khi cung cấp nền tảng về nhiều yêu cầu quy chuẩn, một hàm ý quy chuẩn trực tiếp của nhân phẩm là mọi người nên được nhận biết là một thành viên vốn dĩ đáng giá của cộng đồng loài người và là cách diễn tả duy nhất về sự sống, với bản chất tâm linh và thể lý.

Theo luân lý Công giáo, vì có chiều kích xã hội và cộng đồng đối với nhân phẩm, mọi người phải được hiểu, không chỉ trong thuật ngữ theo chủ nghĩa cá nhân mà còn vốn dĩ được nối kết với những người khác trong xã hội. Vì truyền thống nhấn mạnh bản chất tổng thể của cơ thể và tinh thần, con người có tầm quan trọng hơn và giá trị hơn trong khái niệm nhị nguyên phổ biến về con người, và cần thiết có quy luật về việc tôn trọng con người.

Hàm ý quy chuẩn của khái niệm này về nhân phẩm ảnh hưởng nhiều tư tưởng luân lý của Công giáo vì điều đó gắn liền với nhiều vấn đề sống của con người, kể cả y đức. Chẳng hạn, quy luật là nền tảng để hiểu về công lý phân bổ của truyền thống, những điều tốt chung, quyền sống và quyền về y tế. Các viễn cảnh khác, cả về tôn giáo và phần đời, có thể hiểu nhân phẩm theo nghĩa tương tự với sự xứng đáng hoặc giá trị vốn dĩ và các hàm ý khác, nhưng có thể ấn định các nguồn khác về nhân phẩm.

2. LUẬT CƠ BẢN: NHÂN PHẨM VÀ TỰ DO

1. Mục đích của Luật Cơ Bản (Basic Law) là bảo vệ nhân phẩm và sự tự do, để thiết lập các giá trị của quốc gia Israel là một nước Do Thái dân chủ.

2. Cấm xâm phạm đời sống, thân thể hoặc nhân phẩm của bất kỳ ai.

3. Cấm xâm phạm tài sản của bất kỳ ai.

4. Mọi người đều có quyền bảo vệ sự sống, thân thể và nhân phẩm của mình.

5. Cấm tước đoạt hoặc hạn chế tự do của người khác bằng cách bắt bớ, bỏ tù, dẫn độ hoặc cách khác.

6. (a) Mọi người dân đều được tự do rời khỏi Israel.

    (b) Mọi người dân Israel đều có quyền từ nước khác vào Israel.

7. (a) Mọi người đều có quyền riêng tư.

    (b) Cấm xâm phạm chỗ ở riêng tư của người khác khi họ không đồng ý.

    (c) Cấm khám xét chỗ ở riêng tư hoặc thân thể của người khác.

    (d) Cấm xâm phạm sự riêng tư của cuộc nói chuyện hoặc những điều riêng tư của người khác viết ra.

8. Cấm xâm phạm quyền theo Luật Cơ Bản này, trừ phi luật phù hợp các giá trị của quốc gia Israel, được ban hành vì mục đích riêng, và không quá mức yêu cầu.

9. Cấm hạn chế quyền theo Luật Cơ Bản này do những người khác giữ để phục vụ quốc phòng Israel, cảnh sát Israel, nhà tù và các tổ chức an ninh của quốc gia Israel, hoặc những quyền như thế sẽ không phải theo các điều kiện, ngoại trừ vì luật, hoặc theo quy luật được ban hành vì luật, và không quá mức yêu cầu vì bản chất và tính chất của dịch vụ.

10. Luật Cơ Bản không ảnh hưởng tính hiệu lực của bất cứ luật nào trước khi bắt đầu áp dụng Luật Cơ Bản.

11. Chính quyền các cấp phải tôn trọng các quyền theo Luật Cơ Bản.

12. Luật Cơ Bản này không được thay đổi, trì hoãn hoặc bắt theo các điều kiện bằng các quy luật khẩn cấp; tuy nhiên, khi có điều khẩn cấp, vì tuyên bố theo khoản 9 trong Luật pháp và Quy định của chính quyền (5708-1948), các quy luật khẩn cấp có thể được ban hành để từ khước hoặc hạn chế các quyền theo Luật Cơ Bản này, cho phép từ chối hoặc hạn chế sẽ vì mục đích riêng và vì thời điểm, nhưng không quá mức yêu cầu.

Ngày nay, chúng ta thấy cả đời sống giống như các phản ứng hóa học, không có cách sống nào vốn dĩ mang tính xã hội hơn những thứ khác. Theo quan điểm này, lý do duy nhất mà con người sẽ được coi là giá trị hơn, vì con người có mức độ thông minh hơn và có lương tâm hơn các động vật khác, đặc biệt là con người có Linh Hồn, chứ không chỉ có Sinh Hồn như động vật, hoặc có Giác Hồn như thực vật. Con người là động vật cao cấp nhất trong các loài thụ tạo trên thế gian này.

Chẳng hạn, đa số chúng ta không có vấn đề gì khi giết một sinh vật bé nhỏ như con muỗi hoặc con dế, nhưng chúng ta sẽ bị phản đối khi giết một sinh vật lớn hơn và thông minh hơn như một con chó hoặc con voi. Mức thông minh tăng thì giá trị cũng tăng.

Về sự xứng đáng của cuộc sống, người lớn ở bên phải, các bào thai ở bên trái. Người chưa sinh ở đâu đó như con tôm và con sâu theo cách nói về giá trị, vì chúng không thể phô bày nét thông minh nào. Như vậy, có vẻ bất công khi yêu cầu phụ nữ đảo ngược đời sống xuống vì sinh vật có tất cả giá trị của loài giáp xác.

Phải mất nhiều thời gian mới có thể hiểu được điều này về đời sống con người được phát hiện nhờ sự giả dối, chỉ thoáng nhìn các ngụ ý mà thấy ớn lạnh với khái niệm này.

Chẳng hạn, khi nghe một người nói rằng GIẾT MỘT TRẺ SƠ SINH THÌ ĐẠO ĐỨC HƠN LÀ GIẾT MỘT CON HEO, VÌ HEO THÔNG MINH HƠN VÀ BIẾT MÔI TRƯỜNG XUNG QUANH. (sic!) Thật đáng phỉ báng về sự ngu xuẩn của một khái niệm tồi tệ như vậy. Thực sự họ chỉ muốn tự biện hộ mà thôi!

Giáo huấn của Giáo hội Công giáo về nhân phẩm: MỖI CON NGƯỜI ĐỀU CÓ MỘT NHÂN VỊ – MỘT NHÂN VỊ CHỈ HIỆN HỮU BẰNG NHÂN ĐỨC CỦA MỘT CON NGƯỜI, bất kể vóc dáng to hay nhỏ, mức độ thông minh, mức độ lương tâm, hoặc bất kỳ đặc điểm nào khác – như một nối kết với sự thật đã được “viết” lên chính trái tim của con người đó.

3. TÙ NHÂN VÀ NHÂN PHẨM

Những người bị xúc phạm nhân phẩm minh nhiên nhất là các tù nhân, đặ biệt là các tù nhân bị kết án oan sai. Tù nhân là người bị bắt giam trong nhà tù hoặc bị quản thúc tại gia gọi là “tù treo.” Tuy nhiên, tù nhân cũng có các dạng khác nhau.

Tù nhân vì tệ nạn hoặc phạm pháp gọi là “phạm nhân.” Tù nhân vì chính trị gọi là “chính trị phạm.” Đó là người bị kỷ luật về chính kiến, hoặc có hành vi bị chính quyền coi là đe dọa hay thách thức quyền lực của chính quyền, vi phạm an ninh xã hội hoặc quốc gia. Đây cũng có thể là trường hợp một người bị giam giữ nhưng không qua xét xử công khai theo đúng thủ tục pháp lý. Một tù nhân chính trị cũng có thể là tù nhân lương tâm bị tước quyền tại ngoại để điều tra và quyền được tha theo lời hứa. Trong nhiều vụ án, tòa án đưa ra các chứng cứ ngụy tạo để che giấu tính chất chính trị của vụ án để tránh bị quốc tế và quốc gia đó lên án là vi phạm nhân quyền và đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Tù nhân chiến tranh còn gọi là “tù binh.” Trong lịch sử loài người, tùy thuộc vào tính khí của những người thắng trận, các chiến binh của bên thua có thể bị giết chết để trừ hậu họa hoặc bị bắt làm nô lệ để phục vụ cho các lợi ích kinh tế và xã hội của bên thắng. Tuy nhiên, ít có sự phân biệt là chiến binh hay dân thường. Mặc dù phụ nữ và trẻ em có nhiều cơ hội được đối xử “tử tế” hơn, nhưng rồi họ cũng chỉ bị lợi dụng, bị cưỡng hiếp hoặc bị bắt làm nô lệ mà thôi.

Tù nhân lương tâm, Anh ngữ là “prisoner of conscience.” Họ là người bị cầm tù vì vấn đề lương tâm. Ngày 28-5-1961, bài báo “Các Tù Nhân Bị Lãng Quên” đã khởi đầu chiến dịch đấu tranh cho nhân quyền thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế. Đó là lần đầu tiên thuật ngữ “tù nhân lương tâm” được định nghĩa. Thuật ngữ này có thể nói đến bất cứ ai bị cầm tù vì lý do chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo, niềm tin, hoặc lối sống,… miễn là họ đã không sử dụng hoặc ủng hộ bạo lực. Thuật ngữ này cũng chỉ những người bị cầm tù hoặc bị bách hại vì biểu lộ niềm tin tôn giáo theo lương tâm của họ cách nào đó, nhưng không bạo động.

Dù là tù nhân, bị tước quyền công dân, nhưng họ vẫn có nhân vị và nhân phẩm, kể cả nhân quyền. Vì nhân quyền là “quyền của con người.” Chế độ độc tài thì nhà tù “nặng tay,” chế độ dân chủ thì nhà tù “nương tay.” Phạm pháp thì phải chịu bị xử phạt, đó là điều hợp lý, và cũng là để răn đe và ngăn ngừa, nhưng không được vượt quá giới hạn hoặc áp dụng các khung hình dã man.

Thiên Chúa là Đấng chí minh, chí công và chí thiện, luôn mạnh mẽ bảo vệ công lý, nhưng vẫn luôn giàu lòng xót thương: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.” (Mt 12:20-21) Chúng ta chỉ là những tội nhân khốn nạn, đáng lãnh khung hình phạt đời đời, nhưng Ngài không nỡ làm vậy. Vậy tại sao chúng ta lại đối xử tệ với nhau?

TRẦM THIÊN THU (viết theo AscensionHealth.org và Knesset.gov.il)

[Đăng báo ĐMHCG tháng 2-2015, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]

 Nhân Quyền – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/12/nhan-quyen.html
 Lịch Sử Nhân Quyền – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/12/lich-su-van-e-nhan-quyen.html

 Nhân Phẩm Là Gì? – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/03/nhan-pham-la-gi.html
 LCTX & Nhân Phẩm
    https://tramthienthu.blogspot.com/2016/02/long-chua-thuong-xot-va-nhan-pham.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment