Thời gian cứ ngắn dần, mùa Đông lui bước để nhường chỗ cho mùa Xuân. Đó là quy luật muôn thuở.
Dân tộc nào cũng
có ngày Tết riêng. Dù muốn dù không, dù trẻ hay già, dù nam hay nữ, tất cả đều
cảm thấy cõi lòng rạo rực, nô nức, dù ít hay nhiều, dù chỉ là vô thức hoặc
không muốn. Ngoại tại khả dĩ tác động nội tại.
Thời gian là của
Chúa. Thời gian không thuộc quyền của chúng ta, nhưng chúng ta được Chúa cho phép
quản lý thời gian của mình. Đó là trách nhiệm. Ai cũng có mỗi ngày 24 giờ,
không hơn 1 giây, không kém 1 giây. Dùng thời gian đó làm điều tốt hay xấu là
quyền của mỗi người. Nén-thời-gian Ngài đã trao và cho chúng ta hoàn toàn tự do
sử dụng.
Chúa rất muốn
chúng ta vui. Dân tộc nào cũng có cách vui Xuân đặc trưng. Có nhiều cách ăn tết,
thế nên mỗi người đón tết cũng rất khác nhau. Có người chỉ cần một cành mai, có
người muốn nếm miếng bánh chưng, có người thích ăn một miếng mứt, có người ưa
ăn một miếng dưa, có người khoái sắm chiếc áo mới, có người dành thời gian đọc
sách báo, nghiên cứu, hoặc làm từ thiện,… Thế nhưng có người lại cố gắng thể
hiện bề ngoài cho ra vẻ tết nhất để hợp với “đẳng cấp” của mình. Mỗi người mỗi
kiểu, mỗi người có quan niệm riêng và phong cách riêng.
Tết nhau cũng đa
dạng, tùy theo “thần tài” nhà mình, do đó mà lễ vật cũng mỗi người mỗi vẻ, mức
“nặng” và “nhẹ” cũng rất khác nhau. Các “ông to, bà lớn” rất vui khi được “bề
dưới” thể hiện bản lĩnh “biết điều” sao cho đúng mức. Người nghèo cũng rất vui
khi được các nhà hảo tâm tặng vài kg gạo, túi đường hoặc bịch mứt. Giá trị vật
chất khác nhau, nhưng giá trị tinh thần có thể giống nhau về niềm vui mà lại
không giống nhau về “ý nghĩa.” Nhiêu khê quá!
Có người nói “tết
là chết trong lòng,” thật cũng hợp lý lắm!
Với con người là
thế. Người ta lo tết nhau những thứ có giá trị “thực tế,” làm đẹp lòng nhau
bằng vật chất. Người ta cân-đo-đong-đếm giá trị tinh thần bằng chính giá trị
vật chất, người nghèo không “chết trong lòng” sao được!
Về tinh thần thì
sao? Có lẽ người ta không chú trọng nhiều đến việc xin lỗi nhau, dù ai cũng có
lỗi, mà Tết là dịp để gặp gỡ nhau. Dù không nói ra, nhưng chính sự gặp nhau đó
ngầm hiểu là tha thứ cho nhau. Chính sự giao hòa và lòng tha thứ mới là “quà
tết” giá trị nhất.
Còn với Chúa thì
sao? Thực sự chúng ta chỉ là những tội đồ vô cùng khốn nạn, hoàn toàn bất túc
và bất trác, nhận rất nhiều mà chẳng có gì xứng đáng để tết Chúa, như Tv 115
nói: “Con biết lấy gì dâng lại cho Chúa,
để đền đáp những điều Ngài ban tặng cho con?” Thế nên chúng ta chỉ biết tiếp
tục làm như Tv 115 dạy: “Con sẽ dâng Chén
Cứu Độ và con sẽ kêu cầu Thánh Danh Chúa chí tôn.” Vả lại, chính Chúa cũng
xác định: “Tôi muốn lòng nhân chứ đâu cần
lễ tế.” (Mt 9:13) Ngài cho chúng ta tất cả: “Tôi đến để cho con người được sống và được sống dồi dào.” (Ga
10:10) Thế nên Ngài không đòi hỏi gì ở chúng ta, Ngài chỉ muốn chúng ta đối xử
tốt với nhau, và Ngài coi đó là làm cho chính Ngài.
Chúa không cần
chúng ta tết Chúa, nhưng Ngài muốn chúng ta tết tha nhân bằng chính tấm lòng
chân thành nhất: YÊU THƯƠNG NHAU. Chúa Giêsu gọi đó là Điều Răn Mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh
em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh
em.” (Ga 13:34; Ga 15:12) Đó là “dấu hiệu” chứng tỏ ai là nhân chứng đức
tin: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là
môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13:35)
Chúa Giêsu nhắc lại: “Điều Thầy truyền
dạy anh em là hãy yêu thương nhau.” (Ga 15:17)
Chúa Giêsu thường
nhắc đi nhắc lại: “Hãy yêu thương nhau.”
Điều đó cho thấy Luật yêu cực kỳ quan trọng trong cuộc sống người Công giáo nói
riêng. Và đó mới là Quà Tết đẹp lòng Chúa nhất. Chính món quà đó là những thứ
Chúa muốn, nhưng không để lợi ích cho Ngài, mà là để lợi ích cho chính chúng ta
và tha nhân. Tất nhiên, Quà tết đó sẽ thắm sắc màu Tin Cậy Mến:
Món quà yêu thương là Quà Tết quý giá,
nhưng Quà Tết thánh đức nhất lại không gì bằng chính Con Thiên Chúa:
Chúa cũng sẽ rất vui chúc lành nếu chúng ta không chỉ giao hòa với Ngài
mà còn cầu nguyện cho đất nước yêu dấu, tổ quốc thân thương, nơi mình đang sinh
sống, với tâm tình cảm tạ:
Và dâng cho Chúa tất cả những nỗi niềm, lo toan, mơ ước, dự tính,… trong
năm mới:
Quà Tết dành cho
Chúa còn là món quà “vâng lời,” như Đức Mẹ đã “xin vâng,” (Lc 1:38) là thực
hiện những điều Ngài dạy qua Kinh Thánh:
– “Ai muốn theo
tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.” (Lc 9:23)
– “Anh em hãy có
lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ.” (Lc 6:36)
– “Chính anh em
hãy cho họ ăn,” (Lc 9:13) vì “cho thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20:35)
– “Anh em đừng
bao giờ thốt ra những lời độc địa, nhưng nếu cần, hãy nói những lời tốt đẹp, để
xây dựng và làm ích cho người nghe.” (Ep 4:29)
– “Đừng mắc nợ gì
ai, ngoài món nợ tương thân tương ái.” (Rm 13:8)
Và còn rất nhiều
“món quà” khác chúng ta phải tết Chúa hôm nay và suốt cuộc đời này…
Lạy Chúa Xuân vĩnh hằng, chúng con chỉ là những đầy tớ vô dụng, (Lc 17:10) chúng con thành tâm xin lỗi Chúa, xin Ngài thương xót mà tha thứ tội lỗi cho chúng con. Xin cảm tạ Chúa về mọi ơn lành Ngài đã ban cho chúng con trong năm qua, và xin thương xót mà chúc lành cho năm mới của chúng con. Xin giúp chúng con biết sống vuông tròn Ý Ngài trong từng hơi thở của chúng con, luôn thể hiện yêu thương và khiêm nhường ngay từ trong ý nghĩ, đúng như Con Chúa đã truyền dạy. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Kitô, Thiên Chúa cứu độ nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment