Thứ Bảy, 7 tháng 2, 2015

HÔN NHÂN NHÃN HIỆU

Nói đến hôn nhân, tình yêu luôn được mặc nhiên hiểu ngầm. Thế nhưng khi yêu, người ta dễ hiểu lầm vì thiếu lòng tin tưởng nhau. Có khi tưởng là tình yêu nhưng lại chỉ là cảm giác nhất thời. Tình yêu đôi khi lại ẩn giấu dưới những biểu cảm của sự giả tạo, tiền bạc, địa vị hoặc những lời hứa hẹn trống rỗng. Thật thú vị khi người Anh gọi tình yêu đó là “sweet nothing” (tạm hiểu là “sự ngọt ngào trống rỗng”).
Vì một lý do phụ thuộc nào đó mà người ta chấp nhận kết hôn, ngỡ là “cũng ổn” cho xong lần, nhưng kỳ thực không như họ tưởng. Các “kiểu” hôn nhân đại loại như thế gọi là “hôn nhân nhãn hiệu,” nghĩa là hôn nhân chỉ trên danh nghĩa, thực tế là vợ chồng, nhưng bản chất còn tệ hơn “người dưng nước lã,” thậm chí như thù địch, vì “bằng mặt mà không bằng lòng”. Ngày nay càng có nhiều dạng “hôn nhân nhãn hiệu” hơn.
1. RẠN NỨT MANH NHA – ĐỘT BIẾN
Những khách hàng đến các Trung tâm Tư vấn Hôn nhân – Gia đình đa số là phụ nữ, ở nhiều độ tuổi khác nhau. Khi có tình yêu, người ta bỗng “trẻ trung” bao nhiêu thì khi mất tình yêu, người ta càng mau “tàn phai nhan sắc” chừng nấy. Mỗi người mỗi vẻ, mười phân “tệ” mười!
Khi có thái độ ấp úng, nửa vời, hoặc đột nhiên tỏ vẻ “ngoan như chiên” là lúc người ta đang thay lòng đổi dạ, sự gian dối đang nhen nhóm, sự rạn nứt manh nha, lòng chung thủy là “chén nước” đang nghiêng đổ.
Chị N. quen một ngoại kiều vừa tròn 30 ngày thì quyết định “trao thân gởi phận.” Họ sống với nhau được nửa năm. Đối với N., những ngày tháng vợ chồng là chuỗi thời gian tù túng. Cô mới 20 tuổi xuân phơi phới căng tròn sức sống, vì mê vật chất nên lấy ông ngoại kiều 45 tuổi. Cô có nhan sắc “khiêm tốn,” ông ngoại kiều lấy cô cốt để có người chăm lo việc nhà. Cô không được đi đâu, không được chưng diện, dù cuối tuần cô vẫn được chồng đưa đi đây đó. Chịu không nổi cảnh “hôn nhân tù đày,” cô nhất quyết ly hôn.
Cô K. là sinh viên trường Luật, cô mê ông thầy Việt kiều “như điếu đổ”, mê như ăn phải bùa mê thuốc lú. Họ “hợp đồng” sống chung, một kiểu “hôn nhân đối phó” mà người ta gọi là “sống thử”, không hợp thì đường ai nấy đi, không gì ràng buộc. Cô sinh viên “lên mặt” với bạn bè vì chồng “xịn.” Hết thời gian dạy hợp đồng, thầy phải về nước. Cô sinh viên đành bỏ học vì “mất mặt” với mọi người. Cảnh đời trái ngang, Con Tạo cơ cầu hay hồng nhan đa truân? Không, thực chất chỉ là một kiểu “hợp đồng yêu” mà thôi!
2. CHIẾN TRANH LẠNH
Sống chung dưới một mái nhà, ăn chung một bàn, chia vui sẻ buồn mọi nỗi, nhất là đã từng ân ái với nhau, nhưng ý nghĩ không cùng “kênh,” sóng tình cảm bị “nhiễu” nặng, không thể phát hoặc thu tín hiệu của nhau. Những ngày “mặn nồng hương lửa” giờ chỉ còn là ký ức. Tổ ấm cứ “lạnh” dần, lạnh hơn cả vùng Bắc cực, không khí như bị đóng băng. Hòa khí gia đình trở nên “chiến tranh lạnh,” một loại chiến tranh không âm thanh và không tiếng động. Bề ngoài luôn “yên ả” nhưng trong lòng ai cũng “đằng đằng sát khí.”
Ông C. đường đường là một người thành đạt, có uy tín trên thương trường. Thuở hàn vi, vợ chồng chia sẻ mọi vui buồn, nghèo tiền nghèo bạc nhưng luôn mặn mà tình nghĩa. Nay vừa có “của ăn của để” vừa có địa vị, ông “quên đó, bỏ đăng”, “có trăng, quên đèn,” nên đành lòng “ăn cam, phụ quýt.” Chỉ tội người vợ dưới quê làm ăn chất phác, chẳng biết chồng làm gì, chỉ biết nhận tiền chồng gởi về như của bố thí. Còn ông C. cứ thỏa chí tang bồng “làm mây làm gió” nơi đô hội, chẳng khác “công tử Bạc Liêu.”
Anh S. là người có chức tước cao, khăng khăng đòi ly dị người vợ ngoan hiền, nhưng anh cho là “cù lần,” để lấy một cô gái bán bar, có nhan sắc nhưng không có khả năng sinh sản. Anh sẵn sàng cung phụng mọi thứ cho “người đẹp.” Cô muốn gì được nấy, cốt sao “đào mỏ” càng nhiều càng tốt. Ôi, ma lực đồng tiền!
Đáng thương và “khác người” hơn là ông G., cũng là dân “tai to, mặt lớn” ở Saigon, lại có bà vợ “siêu” hết cỡ thợ mộc. Bà có thân hình đẫy đà, dung nhan dưới trung bình, thế mà bà vẫn “thu hút” được hết người này tới người kia. Có lẽ bà là bằng chứng “hùng hồn” về quy luật chung: Phụ nữ luôn than trách về “chuyện ấy” vì nhiều quá hoặc ít quá! Phải chăng bà là “phiên bản” của Từ Hy Thái Hậu? Khổ cho ông chồng cứ phải “ngậm bồ hòn,” vì “há miệng mắc quai nón.” Ông biết mà đành thúc thủ, cứ phải “giả câm, giả điếc”.
3. ĐOẠN TRƯỜNG AI CÓ QUA…
Andy Rooney nói: “Nếu bạn mỉm cười khi không có ai ở xung quanh thì mới thực sự là bạn cười.” Thực ra chưa hẳn có những người hạnh phúc như vậy, nhưng ở một mức độ nào đó, dù chỉ trong thoáng chốc, người ta vẫn khả dĩ có được một-giây-siêu-thoát. Còn ngoài ra, ai cũng phải công nhận một sự thật đời thường hiển nhiên: “Đời là bể khổ.”
Bác sĩ A. nổi tiếng ở TPHCM về giải phẫu thẩm mỹ, vợ ông là nhà kinh doanh bất động sản quốc tế. Ông A. đã lớn tuổi nhưng vẫn “ham của lạ,” thậm chí “trâu già muốn gặm cỏ non”. Ông lùng sục những cô bé độ tuổi trăng tròn để mua cho được “cái ngàn vàng,” tiền bạc không thành vấn đề. Ông muốn “giải hạn” hay ông có máu ấu dâm? Có trời mới biết! Thật khó hiểu sự phản bội của ông đối với vợ và sự tàn nhẫn của ông đối với các bé gái kia!
Kỹ sư K. đã một lần “gãy gánh”, quen cô H. qua mục “tìm bạn bốn phương.” Cô H. còn “con gái” dù cô đã “có tuổi.” Sau một tháng, họ kết hôn với đầy đủ nghi lễ hôn nhân. Hai người ở đôi nơi cách xa nhau với công việc của mình, không ai chịu bỏ nơi làm việc của mình để về ở với người kia. Xung đột kéo dài. Cả hai quyết định ly hôn. Thế nhưng theo luật pháp, con đủ 12 tháng thì vợ chồng mới được giải quyết ly hôn. Vợ chồng kỹ sư A. đành “chịu đựng” nhau thêm một thời gian nữa!
Phũ phàng và cay đắng cho chị P. đã năm lần bảy lượt tha thứ cho chồng vì “thói trăng hoa,” nhưng rồi chồng chị lại “tinh vi” hơn, chuyển “hệ” thành “ong bướm.” Chị vẫn xiêu lòng khi chồng quỳ gối đưới chân chị để xin “ơn tha thứ” với một chuỗi thề hứa. Và rồi ngay trưa hôm đó, họ lại mặn mà ân ái…
Tối hôm đó, có cuộc điện thoại báo về cho chị biết chồng chị đang ở “tọa độ X.” Chị không tin, vì vợ chồng chị mới ân ái vài giờ trước đó. Rồi chị cũng phải đến “tọa độ” đó cho “hai năm rõ mười.” Chị bàng hoàng và không dám tin vào mắt mình nữa. Chồng chị lại xuống nước, viện đủ lý do, năn nỉ ỉ ôi, và chàng lại chở nàng về. Giữa đường, chị đột nhiên nói: “Mày dừng xe lại. Quay xe ngay đi, đêm nay đừng về kẻo tao không dằn lòng được thì sẽ xảy ra án mạng.” Chị P. phải sỗ sàng như vậy vì chồng chị trước đó đã nói: “Đ.M. mày, tao định đêm nay về ân ái với mày lần nữa. Tại sao tao làm gì cũng không yên với mày vậy? Đồ khốn nạn!” Có lẽ rằng, dù là một tên côn đồ cũng không thể chấp nhận cách hành xử của người mà chị P. phải gọi là chồng. Những lời nói phát ra từ miệng một con người mà nghe lạnh cả xương sống!
Tàn nhẫn hơn với cô Q. là cô quen và yêu anh B. suốt bảy năm mới cưới nhau. Thế nhưng ngay sáng sớm sau đêm tân hôn, cô Q. nhận cú điện thoại “nóng” của một cô gái nói rằng anh B. đã có đứa con 1 tuổi với cô ta. Như bị sét đánh ngang tai, cô Q. chỉ còn biết bật khóc. Chỉ có nước mắt mới có thể trôi đi phần nào uất ức. Quả là B. “diễn” quá tài tình, dù anh ta chưa học làm diễn viên ngày nào, “kịch bản” của anh ta cũng thuộc loại “hàng hiếm.”
Không cảnh khổ nào giống cảnh khổ nào. Chẳng vậy mà trong Truyện Kiều, danh nhân văn hóa thi hào Nguyễn Du đã viết: “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay.”
4. THAY LỜI KẾT
Người Việt thuộc dân tộc duy cảm, sống rất có nghĩa tình, thế nhưng vẫn có những người quá “cạn tàu, ráo máng.” Hết tình thì cũng còn nghĩa, ở đây tình đã hết mà nghĩa cũng chẳng còn! Như vậy còn gì là luân thường đạo lý, còn gì là tình nghĩa, còn gì là tình người? Gọi là chồng mà chỉ là “chồng chất,” gọi là vợ mà chỉ là “nợ truyền kiếp.”
McManus nói: “Không ai được phép kết hôn vội vã.” Vội vã không chỉ mang ý nghĩa về phương diện thời gian là mau chóng, gấp rút, cấp tốc, mà còn ý nghĩa về phương diện “cảm nhận.” Có những người yêu nhau suốt 5-7 năm ròng mà vẫn thấy “lạnh lòng”, có những người yêu nhau mới 3-5 tháng mà đã đủ “nóng”. Lời khuyên của cụ Nguyễn Du thật chí lý:
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho tới ngọn nguồn lạch, sông
Dĩ nhiên không thể có công thức để giải mã “ẩn số tình yêu,” thì cũng không thể có “mẫu số chung” để khả dĩ quy ước về nguyên nhân ly hôn. Hạnh phúc dù rất phức tạp nhưng cũng rất đơn giản, vừa gần vừa xa. Thực tế cho thấy càng nhiều tiền càng chém giết nhau. Hạnh phúc trong hôn nhân không thể được cân-đo-đong-đếm. Tâm lý chung là “gái yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt,” nhưng đâu phải đó là “định luật bất biến,” ai cũng vậy.
Vả lại, từ tình yêu tới hôn nhân là một “hành trình kết hợp” của con tim và lý trí. Cứ vì một ưu điểm nào đó mà dễ dàng chấp nhận ký “bản án chung thân” thì, chẳng chóng cũng chày, người ta sẽ thất vọng và hối tiếc, dù người đó ở độ tuổi nào: 20, 30, 50, 60,… thậm chí có người ly hôn khi đã ngoài 80 hoặc 90 tuổi. Và khi đã thất vọng, gia đình sẽ ngột ngạt, nếu không ly hôn thì cũng như “sống trong địa ngục.” Do vậy, đại văn hào Shakespeare đã so sánh: “Khéo treo cổ còn hơn vụng kết hôn.” Đó là cách so sánh “chuẩn” nhất, vì có thể chẳng còn gì để so sánh “độc đáo” hơn nữa.
Thiếu tình yêu đích thực thì hôn nhân chỉ là hình thức, giả tạo. Kiểu “hôn nhân nhãn hiệu” đó chỉ có trên giá thú hoặc hợp đồng miệng. Vợ chồng kiểu này chỉ là ích kỷ, vì khi không “thỏa mãn” ý riêng mình thì họ liền nằng nặc đòi ly hôn cho bằng được!
Có tình yêu thực sự thì sẽ không có ích kỷ xen vào, mà không có ích kỷ thì sẽ giảm nguy cơ ly hôn.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo GIÁO DỤC & THỜI ĐẠI, tháng 02-2015]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment